27/8/10

NHỮNG CHIẾC VÉ MỜI HẨM HIU



Minh Phước

Nếu chỉ nhìn vào những tên tuổi từng đến biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì chưa chắc người ta đã tin rằng ở Việt Nam nhạc cổ điển còn lâu mới được gọi là phổ biến rộng rãi: huyền thoại cello Mstislav Rostropovich, thần đồng dương cầm Lang Lang, nghệ sĩ vĩ cầm Hilary Hahn, Dàn nhạc Giao hưởng New York Philhamonic, nghệ sĩ opera Francesca Patanè… và gần đây là nghệ sĩ cello Giovanni Solima.


Càng không có gì để phàn nàn khi chỉ cần dưới 500 nghìn đồng đã có thể sở hữu một tấm vé hạng trung ở những buổi hòa nhạc đỉnh cao như vậy, mà không bao giờ có chuyện phải đặt chỗ trước cả năm như ở nhiều nước khác.


Với giá vé đó mà còn kêu đắt thì tự cảm thấy mình không phải, nếu hiểu rõ giá trị lao động của nghệ sĩ - họ đã bay cả ngàn cây số đến chỉ để chơi một đêm duy nhất, và phía sau đêm biểu diễn là hàng bao năm trời luyện tập vô cùng cực nhọc. Nên cảm thấy mình may mắn khi có được tấm vé mua bằng số tiền không nhỏ so với mức thu nhập của mình, dù có vô khối người chẳng coi tấm vé mời được trao tận tay ra gì.


Một khi đã mắc bệnh hay để ý thì bạn không thể đến một buổi hòa nhạc nào ở Việt Nam mà không đem về vài ấn tượng khó chịu. Trẻ con chạy loắng quắng khi đã bắt đầu buổi diễn, điện thoại di động đột ngột lấp loáng ré lên, hay “bà tám” quá sức vô tư thoải mái… - từ năm này qua năm khác, những chuyện đó không lúc nào thiếu. Nhưng có thể bạn sẽ khó chịu ngay từ khi buổi diễn chưa bắt đầu, khi có tiền cũng không mua nổi vé, vì những chỗ ngồi tốt nhất đã được đem mời cả rồi. Cho những người cần phải mời, hoặc cho những người xin vé thuộc dạng cần phải cho. Nếu xin vì muốn nghe nhạc thì không có gì phải nói, nhưng trong số đó không ít người nhiễm cái tật, thấy được mời, được cho thì cứ lấy, dù không quan tâm, không thích.

Khi chương trình hòa nhạc Hennessy mới sang Việt Nam, sau mỗi buổi biểu diễn, Ban tổ chức thường phát CD lưu niệm cho khán giả, nhưng cử chỉ đẹp này nhanh chóng bị loại bỏ chỉ sau hai, ba năm, do nhiều người cứ tiện tay cầm liền cả mấy đĩa, chả hiểu để làm gì, khiến những người thật sự muốn có một chiếc đĩa kỉ niệm phải về tay không.

Số phận những chiếc vé mời thường không khá hơn. Phần lớn các vị quan khách quá bận để có thể dành thời gian đến các khán phòng, vé mời tiện tay đem cho người quen, mà những người cầm vé chẳng chút trân trọng nên mới dẫn trẻ con theo kèm như đi siêu thị, và biến khán phòng thành nơi biểu diễn các bộ sưu tập thời trang.


Đêm nghệ sĩ người Ý Giovanni Solima, “Jimmi Hendrix của cello”, biểu diễn ở Nhà hát Lớn mới đây, có hai nàng Kiều ngồi ở hàng ghế sát sân khấu thu hút sự ánh mắt của không ít người, nhưng thu hút không phải vì hai nàng quá xinh đẹp và ăn mặc sành điệu mà vì hai nàng chỉ quay sang nói chuyện với nhau là chính, để mặc âm nhạc đi từ tai nọ qua tai kia.

Trong một phút ngẫu hứng, nghệ sĩ mang cây cello chế tạo từ năm 1679 bước xuống sân khấu, dạo một vòng quanh khán phòng tầng 1. Có người đứng cả lên mong được chiêm ngưỡng kỹ hơn nhạc cụ cổ hiếm có, riêng hai nàng vẫn vui vẻ nhắn tin và thì thầm vào tai nhau, như không hề có gì xảy ra. Chẳng rõ nghệ sĩ có lấy làm buồn không, còn những người chậm chân hoặc ít tiền chỉ mua được vé trên tầng 3 thì tiếc đứt ruột. Tất nhiên chỉ đủ tiền mua vé rẻ thì phải chịu, nhưng vẫn ngẩn ngơ vì những tấm vé vốn chẳng liên quan gì đến mình.


Buổi biểu diễn của 12 cây cello thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Berlin lừng danh đầu tháng 7 vừa qua là cơ hội có một không hai cho người Hà Nội - ở nước ngoài cũng hiếm khi 12 nghệ sĩ chơi riêng một đêm nhạc như thế. Nhờ nằm trong chuỗi sự kiện văn hoá "Năm Đức tại Việt Nam" mà buổi diễn mới được tổ chức, những khán giả bình thường, thì dù là người Đức sống ở Hà Nội, cũng không dễ kiếm được vé. Khán phòng đông chật đến tận hàng ghế cuối cùng. Nhạc mục toàn những tác phẩm lừng danh được xếp đặt khéo léo, kỹ thuật trình diễn toàn hảo của các nghệ sĩ khiến người nghe vừa thỏa mãn vừa vô cùng thán phục.

Vậy mà sau giờ giải lao, nhiều ghế đẹp ở tầng 1 và các lô (những vị trí đặc biệt ưu tiên khách mời) không thấy người trở lại. Trong khi đó trên tầng 3 không ai bỏ về. Dãy “chuồng gà” phút cuối vẫn đông như phút đầu. Dù nhiều người không có chỗ ngồi, tất cả vẫn đều nán lại cho tới khi những nốt nhạc cuối cùng của bản bonus kết thúc. Một người nước ngoài cao lớn, chắc không muốn ngồi trong chiếc ghế chật chội đã đứng suốt cả buổi diễn, vỗ tay thật nhiệt thành sau mỗi tác phẩm, mái tóc bạc của ông đẫm mồ hôi. Lại thấy tiếc. Giá như những chiếc vé không hề được trân trọng kia được trao vào tay những khán giả như ông.


Qua các chương trình nghệ thuật mà các sứ quán hay các viện văn hóa kỳ công đưa đến Việt Nam, có thể thấy nhiều nghệ sĩ lừng danh đã rất ưu ái công chúng nước ta khi dành một vài đêm trong lịch trình biểu diễn chật kín của mình để ghé qua Nhà hát Lớn. Ngoài nghĩa vụ đối với tổ quốc, thì trước tiên họ là những nghệ sĩ, luôn mong muốn đem âm nhạc đến với những người đồng cảm. Họ biểu diễn hết mình một cách chuyên nghiệp dù thấy rõ nhiều người trong khán phòng chẳng hề để tâm, nhưng sau mỗi cuộc giao lưu như thế, lại có thêm những bằng chứng cho thấy Việt Nam thật sự vẫn còn là vùng trũng về văn hóa.


Chú thích ảnh: Nguyễn Việt Trung, 12 tuổi, trình tấu cùng dàn nhạc


Nguồn:

NHỮNG CHIẾC VÉ MỜI HẨM HIU - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan
LẠI BÀN VỀ VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ NỘI
SAO KHÔNG HỌC CHUYỆN TRẠNG QUỲNH?
LOẠN LỄ HỘI
XEM BALLET NGA CÙNG NGHỆ SĨ NHÂN DÂN
TIẾNG VĨ CẦM


10 comments:

MHTL on lúc 23:33 27 tháng 8, 2010 nói...

Không đắt hàng như đêm nhạc Y Moan hôm rồi ở nhà hát ca múa nhạc VN đâu, có lẽ do gu thưởng thức của dân Việt chưa đạt tới đó.

Pig on lúc 23:56 27 tháng 8, 2010 nói...

ngớ ngẩn hơn nữa khi hàng triệu bạn 'chẻ' của chúng ta ra sân bay chào đón mấy cô chàng ca sĩ hàn cuốc hàn xẻng như là đón nguyên thủ quốc gia

LU on lúc 00:03 28 tháng 8, 2010 nói...

Người viết phàn nàn cái chi chi? đã gọi là nghệ thuật giải trí thì phải dành cho mọi tầng lớp chứ phải ko nào? có người thưởng thức nghệ thuật vì tự thân họ yêu và hiểu rõ cái họ đang say mê, thông thường thì giới này lại ko nuôi sống được một đêm diễn cho nghệ sĩ có cơm có cháo.

Một giới khác thì cũng quan tâm đến "nghệ thực" và họ là người sẵn sàng bỏ tiền mua vé cao nhất, sộp nhất, tặng tiền ủng hộ nhiều nhất, mặc dù họ cóc có hiểu họ đang nghe gì?
Nhưng mờ việc gì phải hiểu cho mệt óc? chỉ cần nơi nào có "nghệ thực", cứ tới đó lượn lờ thì ngày mai có thể hiên ngang hù cho thiên hạ sợ rằng --> "đêm qua tớ mới đi nghe hòa tấu nhạc giao hưởng đấy nhé!" ;))

Lana on lúc 09:53 28 tháng 8, 2010 nói...

Tác giả phản ánh rất đúng một chuyện rất vô lý nhưng phổ biến - những người vào bằng vé mời (chỗ ngồi VIP nhất) lại thường là những khán giả 'hạng hai'.

Có lẽ MC3 và LU hiểu chưa đúng ý của tác giả. Vấn đề không phải tác giả phàn nàn chuyện khán giả thích hay không thích nhạc giao hưởng nói chung, mà là cách các nhà tổ chức chúng ta phân phát giấy mời cho những buổi hòa nhạc đỉnh cao, và cách mà những 'vị' được mời đối xử với những tấm giấy mời ấy (trũng về văn hóa).

Âm nhạc hàn lâm thì vẫn có khán giả hàn lâm, không nhiều nhưng đủ chật Nhà Hát Lớn. Có điều là những vị trí đẹp, danh dự lại được phiên ra giấy mời cho những VIP, chỉ cần là VIP, không cần biết VIP nhận giấy có phải fan của buổi diễn hay không. Thế mới nên tội :(

Titi on lúc 10:11 28 tháng 8, 2010 nói...

Tại bên ta cơ chế xin cho hoành hành nên mới thế. Ở nước ngoài, tổng thống, nhà vua cũng phải bỏ tiền ra mua vé hòa nhạc. Chẳng có mấy người có danh mà đi bằng vé mời, trừ khi đó là buổi hòa nhạc đặc biệt không bán vé :-)
Ở ta, chuyện văn hóa nơi công cộng còn là phải nói dài dài. Vì trẻ nhỏ cho đến người lớn đều có quá ít sự kiện công cộng để tham gia mỗi ngày, ở trường thì không dạy có phương pháp mà chỉ là giáo điều và ép buộc, vì thế mà không có văn hóa tôn trọng không gian chung cũng chính là thể hiện trình độ sống thấp của cá nhân.

LU on lúc 11:02 28 tháng 8, 2010 nói...

Lana : hị hị, Lu hiểu tác giả nói gì đấy chứ, và Lu còm đúng tinh thần "thưởng thức văn hóa" của hai level trong xã hội mờ.

Thuy Dam Minh on lúc 11:29 28 tháng 8, 2010 nói...

Nói thật là nhiều chương trình hòa nhạc hàn lâm, mình nghe cũng không hiểu lắm. Nhưng nên giữ trật tự, nên đi nghe theo tinh thần thưởng thức một sản phẩm cao cấp. Chỉ đi với tinh thần đấy thì dần dần mới có thể hiểu và cảm nhận được giá trị nghệ thuật đích thực của chương trình.

Lana on lúc 12:51 28 tháng 8, 2010 nói...

LU: Ừa thế thì Lana chưa hiểu ý LU. Thật ra như Titi nói đúng đó LU, ở VN nhiều người được mời là do 'cơ chế'. Họ cầm nhưng không đi mà cho lại vé cho những người ít 'văn hóa công cộng' kiểu 'không mất tiền mua' LU ạ :((

Nếu ai cũng bỏ tiền mua vé thì sẽ bớt những lộn xộn mà người viết Minh Phước muốn phàn nàn trong khuôn khổ bài này. Người ta sẽ chỉ bỏ tiền để đến những buổi nào phù hợp với thị hiếu của họ thôi (level nào tới những chỗ cho level đó).
Ví như Lana không đủ trình thưởng thức nhạc hàn lâm, Lana cũng không VIP để được mời, nên chưa vào Nhà Hát Lớn nghe nhạc giao hưởng bao giờ. Thật đấy.

LU on lúc 13:43 28 tháng 8, 2010 nói...

Lana : lần vừa rồi sang đảo Hawaii Lu được xem nhạc kịch của chính người da đỏ diễn. Đêm diễn phải nói là đáng xem, người biểu diễn rất nhiệt tình và chuyên nghiệp, từ cách dàn dựng đến sân khấu, và ca diễn của diễn viên. Người đi xem, tuy là đang đi biển ko mặc đồ trịnh trọng như vào một nhà hát, nhưng thái độ thưởng thức rất tận tình. Cả nhà hát có đủ già trẻ con nít người lớn, nhưng khi giờ diễn bắt đầu thì không khí êm lặng hẵn. Thậm chí di chuyễn họ cũng ko dám vì sợ làm phiền người ngồi xem bên cạnh.

MHTL on lúc 14:47 28 tháng 8, 2010 nói...

- Các VIP đi xem thi HH thì mới ngồi đến khi tắt đèn.

- Các VIP đâu có gu thưởng thức âm nhạc hàn lâm, chẳng qua bị zí có mặt, nể quá phải xuất trình 1 lúc cho gọi là.

- Đêm nhạc Y Moan vừa qua không những ko có 1 vé mời nào, mà còn cháy trụi vé từ trước vài hôm. Vấn đề là GU thưởng thức.

- cá nhân mình, nếu đi xem cũng ko hiểu, chỉ buồn ngủ.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết