24/8/10

BÁO IN LIỆU CÓ BỊ THỦ TIÊU?



Trong một nghiên cứu khá nghiêm túc có tựa đề “Báo in đang biến mất: Bảo vệ báo chí trong thời đại thông tin” (Vanishing Newspaper: Saving Journalism in the Information Age) công bố năm 2004, Giáo sư Mỹ Philip Meyer viết rằng: bị cạnh tranh, báo in sẽ chấm dứt sự tồn tại vào quý đầu của năm 2043. Quá trình xóa sổ này bắt đầu không phải từ ngày hôm nay, mà theo Meyer từ 30 năm trước. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã bồi thêm một cú đánh chí mạng nữa vào báo in.

2009 là năm đen tối trong lịch sử báo in thế giới. Hàng loạt tờ báo phải đóng cửa, một số khác bị đem bán, bị sáp nhập. Những tờ báo còn trụ lại đều phải cắt giảm biên chế để đối phó với sự sụt giảm quảng cáo và số lượng phát hành – hai nguồn thu chính của báo in. Sự sụt giảm này không chỉ do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà còn xuất phát từ sự cạnh tranh mạnh mẽ của báo mạng.

Sự phát triển ồ ạt của báo mạng với sức hút mãnh liệt đối với độc giả trẻ nhờ công nghệ đa phương tiện đã giành một lượng độc giả và quảng cáo đáng kể của báo in. Báo mạng đang tồn tại theo một cách thức khá bất minh (nếu đứng từ góc độ luật pháp). Công nghệ copy-and-paste (sao chép và dán) đã giúp nhiều cơ quan báo mạng “ăn cắp” và sống trên lưng các đồng nghiệp báo giấy.

Thực tế cho thấy, doanh thu từ quảng cáo trên Internet chưa đủ để các tòa soạn báo điện tử đầu tư thực hiện những tác phẩm báo chí có chất lượng. Nếu muốn tăng sức cạnh tranh và giành được lòng tin của độc giả, báo mạng sẽ phải cải tiến thang nhuận bút cũng như tổ chức lại quy trình làm báo.

Có ý kiến cho rằng Internet không chỉ giết chết các tờ báo in, mà còn thủ tiêu báo chí mang dấu ấn cá nhân. Nạn nhân của Internet chính là các cơ quan báo mạng. Thông tin báo mạng hiện nay có độ chính xác không cao, nhiều khi phớt lờ các chuẩn mực đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Tác giả thông tin cũng không còn được quan tâm. Người ta thường nói: “Đọc được trên mạng”, “Trên mạng viết”..., mà ít chỉ ra được website nào, báo mạng nào đăng tải thông tin đó, chứ đừng nói được là tác giả nào đưa tin như vậy.

Đọc báo – đó là “lời cầu nguyện hàng ngày của người hiện đại” (Hegel), hay “cuộc nói chuyện của dân tộc với một người” (Athur Miller) đang dần được thay thế bằng hình thức tự biểu hiện của những người viết blog và tham gia vào các diễn đàn. Thông tin mất đi tính độc lập: do vậy không nên thổi phồng ý nghĩa cao cả của khái niệm “báo chí công dân”. Giờ đây nó mới chỉ là hình thức báo hiệu khi có tai họa, hoặc là cơ hội để có ý kiến khi có và không có nguyên cớ. Đó là điều quan trọng, nhưng không thể thay thế được thông tin có chất lượng và được kiểm chứng từ các nhà báo chuyên nghiệp.

Nếu xem xét từ góc độ đó, thì báo in vẫn có một đời sống lâu dài, hơn là những gì mà chúng ta tưởng tượng ngày hôm nay.

Không những thế, báo in còn là phương tiện lưu trữ thông tin thuận tiện: người ta có thể đọc báo thoải mái trên các phương tiện giao thông, và ngay cả khi đang nằm nghỉ. Báo là công trình văn hóa vật chất, tờ báo được thiết kế trang nhã luôn đem lại cảm giác dễ chịu. Cũng không nên bỏ qua văn hóa đọc ở mỗi nước. Tại Scandinavia tờ báo được đọc nhiều lần hơn, chăm chú hơn và lâu hơn bất cứ một nơi nào khác ở Châu Âu. Châu Á là nơi có những tờ báo phát hành hàng chục triệu bản/kỳ.

Có một điểm cần nhấn mạnh là việc đưa tin trên báo một cách có chất lượng chính là phương thức truyền tải những giá trị dân tộc trong lòng một xã hội. Điều này đã được kiểm chứng và trở thành truyền thống ở nhiều nước. Một nền báo chí có chất lượng tạo ra dư luận xã hội, ngưng kết các giá trị dân tộc và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói cách khác, báo in từ lâu thực thi vai trò vừa là cơ quan vừa là công cụ của dân chủ. Báo in sẽ không chết, nhưng nó sẽ thay đổi để tiếp tục tồn tại.

Entries liên quan:
10 LÝ DO BẠN NÊN ĐỌC BÁO IN
ALBERT EINSTEIN NÓI VỀ BÁO CHÍ
"NGƯỜI ĐÀN BÀ MẮT ÁNH LÊN NỖI BUỒN"!!!
ĐẠP THÊM MỘT CÁI
BUỔI SÁNG KHÔNG CÀ PHÊ


21 comments:

LU on lúc 23:25 24 tháng 8, 2010 nói...

Đúng là bùng nổ kỹ thuật cao đã làm nhiều nghành chết chứ ko riêng gì báo chí. Tin tức click vào mạng là có đầy, mà có thể coi trong giờ làm việc boss chẳng nói được là sao lại đọc báo trong lúc lao động?
film truyện hay ca nhạc ko cần mua băng gốc, vì cả cơ đội sao chép băng giả tha hồ xem đồ copy, nơi làm gốc ôm hàng ngậm ngùi ném chơi vì ế.
Mua đồ chỉ cần click vào online thì đã có sẫn, thế là nơi bán giảm bớt đi được một đội ngũ nhân viên làm việc, đở tốn mặt bằng.
Em cũng thú thật là báo giấy em chỉ cầm lên đọc khi đang ở trên máy bay, ko connect được vào mạng thôi, lúc đó báo giấy mới thật sự thấy là cần thiết.
Xem ra, thời đại càng xưa càng cổ, càng thiếu phương tiện liên lạc, thì báo giấy mới đúng là ở vào thời hoàng kim anh ha.

Thuy Dam Minh on lúc 23:47 24 tháng 8, 2010 nói...

Anh thi nghi la bao in khong the chet duoc nhung chac la se k nhu the nay. Bao in van co nhung loi the ma cac the loai bao khac khong the co duoc chu em!

Pig on lúc 23:53 24 tháng 8, 2010 nói...

internet là 1 kênh, 1 tờ báo to hơn chứ theo e chẳng thể thay thế nổi báo in đâu, nó đã trở thành văn hóa rrr

Unknown on lúc 01:50 25 tháng 8, 2010 nói...

Cho phép em không đồng ý với cả nhà nhé.

Báo giấy sẽ chỉ chết khi tự cho phép mình chết, nghĩa là khi không qua được quy luật đào thải thông thường. Báo mạng chỉ có tin nóng sốt, báo "nguyên chất" vẫn độc quyền giàu những bài phân tích đầy tính chuyên nghiệp và chính những bài phân tích này làm báo giấy không thể chết được.
Qua mạng, bạn cũng có thể mua được những bài báo chất lượng, nhưng giá 1 bài báo ngang ngửa giá cả tờ báo.
Ít ra ở châu Âu báo chí hoạt động như vậy đó cả nhà ạ.

Titi on lúc 09:21 25 tháng 8, 2010 nói...

Uầy, có nhiều người tẩy chay internet hoặc hong bit sử dụng mạng lắm! Anh yên tâm , hong có chiện báo giấy tử trận đâu :-D

Titi on lúc 09:27 25 tháng 8, 2010 nói...

Nhưng công nhận là thù lao báo mạng quá hẻo. Cho nên nạn copy -past càng ngày càng phát triển không phanh, trở thành một tệ nạn đáng xấu hổ của những người làm báo :-(

Lana on lúc 09:29 25 tháng 8, 2010 nói...

Làm thế nào nhỉ? Cá nhân mình bây giờ nếu vô tình có trong tay tờ báo in thì đọc lấy đọc để đến quên xung quanh. Đúng như Mai nói, ở đó 'độc quyền những bài phân tích đầy tính chuyên nghiệp'. Thế đấy nhưng nếu ko ai dí cho thì nhiều ngày không đọc tờ báo in nào. Tin tức toàn đọc qua mạng :((

Thái Anh on lúc 09:29 25 tháng 8, 2010 nói...

-"Báo in sẽ không chết, nhưng nó sẽ thay đổi để tiếp tục tồn tại" - một cái mỏng như tờ báo mà k cần phải đi mua, chỉ cần trả tiền hằng năm là tòa soạn nhập bài vào đó cho mà đọc. (mà thế thì khác gì báo điện tử ạ ^^)
- "Nếu muốn tăng sức cạnh tranh và giành được lòng tin của độc giả, báo mạng sẽ phải cải tiến thang nhuận bút cũng như tổ chức lại quy trình làm báo." - Quá đúng, quá nhất trí ạ.
- Cuối cùng là thích cái này ạ: "Một nền báo chí có chất lượng tạo ra dư luận xã hội, ngưng kết các giá trị dân tộc và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác"

doanh on lúc 09:49 25 tháng 8, 2010 nói...

Góp ý với bác:

"Đọc báo – đó là “lời cầu nguyện hàng ngày của người hiện đại” (Hegel), hay “cuộc nói chuyện của dân tộc với một người” (Athur Miller) đang dần được thay thế bằng hình thức tự biểu hiện của những người viết blog và tham gia vào các diễn đàn."

Nguyên văn câu của Hegel (không dễ dịch được): "Reading the newspaper in early morning is a kind of realistic morning prayer."

Nguyên văn câu của Athur Miller: "A good newspaper, I suppose, is a nation talking to itself." - nếu dịch đúng câu này thì kết luận trong bài chính là tư tưởng của ông Miller.

Khổ đầu tiên, Philip Meyer viết: báo in chấm dứt quý 1 năm 2043 ở MỸ. Cái này đúng với thực tế, rằng ở các nước đang phát triển, ví dụ như VN, báo in vẫn còn rất cần thiết, và chưa nếm trải khủng hoảng rõ rệt. Nên nếu chết thì bọn bên Mỹ chết trước!

Mecghi on lúc 11:02 25 tháng 8, 2010 nói...

Báo in ở VN vẫn còn sống tốt ít nhất 50 năm nữa, do vậy, kể cả Nhím nhà em, sau này vẫn có thể sống tốt bằng nghề báo, hi hi

VMC on lúc 11:15 25 tháng 8, 2010 nói...

@LU:
Có điều lạ là ngay ở Mỹ cũng có khá nhiều người thích dùng băng đĩa lậu nhỉ?

@A Thuỵ:
Các tờ tạp chí về lối sống thì chắc là khó chết hơn.

VMC on lúc 11:17 25 tháng 8, 2010 nói...

@Picka Rock:
Hy vọng là báo in không chết như em dự đoán, để bọn anh có cơ sống.

@ThanhMai:
Vua truyền thông Rupert Murdoch mới đưa ra kế hoạch về thu tiền đối với độc giả báo mạng. Nhưng có nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch đó không khả thi. Anh thì mong ông ấy thành công để còn áp dụng vào VN.

VMC on lúc 11:19 25 tháng 8, 2010 nói...

@Titi:
Nhưng ngày càng có nhiều người sử dụng Internet. VN là ví dụ điển hình về sự tăng trưởng này. Nạn copy n paste vẫn còn phổ biến lắm và chưa biết bao giờ mới chịu dừng.

@Lana:
Sinh viên của anh học nghề báo mà có những em không biết mặt mũi tờ báo giấy ra làm sao đấy.

VMC on lúc 11:20 25 tháng 8, 2010 nói...

@Thái Anh:
Cảm ơn những chia sẻ của em.

@Gấuxx:
Cám ơn Gấu đã cung cấp những phát ngôn của Hegel và Miller trong nguyên bản. Anh dịch câu đó từ bản tiếng Nga nên đúng là "tam sao thất bản".

VMC on lúc 11:21 25 tháng 8, 2010 nói...

@Mecghi:
Tiếp tục cho con trai theo nghề viết (làm) báo in nhỉ?

LU on lúc 13:55 25 tháng 8, 2010 nói...

anh Cường : sao lại ko anh? bởi thế nên các trung tâm như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn đang kêu la hấp hối.

Lana on lúc 15:13 25 tháng 8, 2010 nói...

@VMC: Tự nhiên hỏi, những sinh viên ấy của anh (học báo chí mà không cầm đến tờ báo in bao giờ), họ có (sẽ) yêu nghề không nhỉ??

VMC on lúc 17:31 25 tháng 8, 2010 nói...

@Lana:
Nếu họ quan tâm đến báo hình, phát thanh hoặc báo mạng, thì có nhiều khả năng họ sẽ yêu nghề.

Unknown on lúc 00:40 26 tháng 8, 2010 nói...

Anh ơi, anh nghĩ cái gì Mỹ làm được, VN cũng làm được sao?! Mà thôi, ko ấy đi cái mong đợi của anh nữa:(
Có điều anh có hơi hiền với sinh viên quá ko đấy? Học Báo mà ko biết đên báo giấy thì có nên theo nghề Báo ko? Em cứ tin, bớt đi những nhà báo như thế sẽ tốt hơn cho nghề và cho cả XH nữa!

dodomummim on lúc 11:08 27 tháng 8, 2010 nói...

Những người thích đọc sách thì em cam đoan thích đọc báo in, như nhà em chẳng hạn, chỉ không đọc sách báo khi đi ngủ và trên bàn ăn, chứ bố mẹ em thì lên giường vẫn cầm tờ báo. Thằng cu con em thì trước khi ngủ cũng đòi mẹ phải đọc thơ Trần Đăng Khoa hay đọc truyện cổ Grim hay truyện cổ tích Việt Nam, lúc đấy thì lấy đâu ra Internet. Em thì em nghĩ những gia đình như nhà em vẫn còn nhiều lắm, cảm giác đọc báo in khác hẳn báo mạng. Báo mạng em phi ầm ầm chứ báo in em đọc chi tiết và trau chuốt lắm.

Nhà Báo không chuyên on lúc 01:12 23 tháng 5, 2011 nói...

Giờ người ta đi làm báo công dân hết rồi - Blog. Nhưng báo in sẽ không bị thủ tiêu...Bởi lẽ L còn muốn mỗi buổi sáng nhấm nháp ly cafe sữa mà trên tay còn thơm hôi hổi mùi mực in à!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết