18/8/10

TRẢ LẠI CÁI CHUÔNG KHỐN KIẾP CHO TÔI!


Bức xúc vì giặc lửa thiêu rụi những cánh rừng và gây tổn hại cho các cư dân, một blogger ở Nga đã trút cơn giận dữ trên blog (Live Journal) của mình:

“Quả là khốn nạn. Tôi sẽ giải thích ngay đây. Tôi có dacha (*) ở làng thuộc tỉnh Tverskaya, cách Mátxcơva 153km. Làng là chỗ mà tất cả sống sát nách nhau, nhiều người có hàng rào chung, một số người như nhà tôi với nhà hàng xóm chẳng hạn thì hoàn toàn không có hàng rào, về thực chất thì tôi đếch cần hàng rào, vì tôi chẳng có gì phải giấu diếm cả, bởi vì ông ta là người địa phương nên trông nhà cho tôi khi tôi không ở đấy, cắt cỏ trên khu đất của tôi, như thế cũng có lợi cho đàn bò của ông, mà tôi thì cũng thoải mái bởi khu đất nhà tôi bị lút cỏ khá nhanh.

Mà nói lung tung quá, tôi nói về chuyện cháy rừng này. Làng này dưới thời cộng sản, thời mà nhiều người nguyền rủa, có ba cái hồ chứa nước chữa cháy, có chuông treo lủng lẳng để người ta đánh mỗi khi có đám cháy và có điều kỳ diệu là xe cứu hỏa, cái xe ấy ba làng dùng chung, nhưng dẫu sao thì có còn hơn không.

Thế rồi các quý ngài dân chủ đến và bắt đầu có chuyện khốn nạn, điều đầu tiên họ làm là lấp mấy cái hồ rồi đem bán đất xây nhà, cái xe cứu hỏa thì không biết đem giấu biến đi đâu, có lẽ bọn người ngoài hành tinh khốn kiếp đã cuỗm mất, chuông thì bị thay thế bằng điện thoại (tiên sư bố hiện đại hóa), chỉ có điều là nó đếch gọi được, vì người ta quên nối nó vào mạng. Vẫn còn một ông lính cứu hỏa, thực ra ông ấy cũng chẳng có gì ngoài cái mũ và quần áo bảo hiểm – những thứ có từ thời của những ông cộng sản tồi tệ đấy.
Bây giờ gọi cứu hỏa thì 5 tiếng đồng hồ sau họ mới đến, vì phải đi từ Tver.

Chúng tôi đã dập lửa bằng tất cả những gì có trong tay, bằng cát, bằng nước, chỉ không cứu được một ngôi nhà, còn những ngôi nhà khác thì cũng cứu được bằng cách này cách khác.


Tôi hỏi một câu: Tiền của chúng tôi đi đâu? Tại sao mỗi năm chúng ta lại càng rời xa hơn khỏi sự hình thành nguyên thủy của xã hội? Chúng tôi cần đếch gì cái trung tâm cách tân ở Skolkovo, nếu như chúng tôi không có những chiếc xe cứu hỏa cơ bản? Tại sao trước kia có những người gác rừng cảnh báo cháy rừng và kịp thời báo tin về các đám cháy cho lính cứu hỏa để lửa không lan đến các khu dân cư?

Tôi không muốn cái điện thoại báo cháy ở làng. Tôi muốn những chiếc hồ chứa nước chữa cháy, muốn có cái chuông cũ, hãy trả lại cho tôi cái chuông, hãy đào cho tôi cái hồ, tôi sẽ theo dõi và giữ cho nó đầy nước, nếu bộ máy hành chính của địa phương không muốn làm việc này, chỉ cần cho tôi địa điểm thôi.

Hỡi các quý ngài quan chức, nước Nga đếch cần những ý tưởng sáng chói của các ngài, trước khi có các ngài thì người ta đã nghĩ ra mọi thứ rồi, những người đàn ông Nga thông minh không cần phải phát minh ra cái xe đạp, vì nó đã được sáng chế và vận hành bình thường rồi.


Hãy giải phóng tôi khỏi thuế má, hoặc bỏ ngay cái trò thu tiền vào quỹ hưu trí, sống thế này thì tôi cũng chẳng sống được đến ngày nghỉ hưu đâu, tôi sẽ dùng tiền đó để mua xe cứu hỏa cho ba làng để tôi có thể ngủ ngon, biết rằng không ai có thể tước đoạt cái xe đó khỏi dân chúng tôi, khỏi những người hàng xóm quê mùa của tôi, bởi vì cái xe khốn kiếp ấy sẽ là của chúng tôi và vì cái xe đó mà chúng tôi sẽ giết người nếu cần.

Nếu các vị quan chức và nghị sĩ mặc xác chúng tôi, thì chúng tôi đếch mặc xác chúng tôi và hàng xóm láng giềng được, hãy dẹp ngay những điều luật dớ dẩn của các người, hãy để chúng tôi sống như chúng tôi muốn, mà chúng tôi thì muốn sống hạnh phúc và sung sướng. Chúng tôi chẳng hy vọng gì vào quý vị, chúng tôi hiểu rằng quý vị có nguyên tắc sống: mọi người xung quanh đều mắc nợ quý vị, nhưng quý vị lại sai lầm, quý vị mắc nợ chúng tôi đấy, mắc nợ rất nhiều, tin tôi đi.


Hãy trả lại chiếc chuông khốn kiếp cho tôi, lũ khốn kiếp kia, và hãy đem ngay cái điện thoại đi cho khuất mắt.


Đề nghị chuyển lời của tôi đến chính quyền khu Kalazinsky, tỉnh Tverskaya. Xin đa tạ!”


Tình cờ, Thủ tướng Vladimir Putin đọc được những dòng trên, ông đã trả lời blogger như sau:

“Thưa người sử dụng Internet kính mến, hôm nay vào cuối ngày làm việc, cũng giống như tất cả người dân Mátxcơva, hít một hơi cái không khí toàn khói từ các đám cháy rừng ở ngoại ô Mátxcơva, tôi chăm chú làm quen với sự đánh giá của ông về tình hình cháy rừng ở miền trung nước Nga. Cần phải nói một cách công bằng là nhiệt độ cao như vậy chưa từng có ở nước Nga trong suốt 140 năm qua, và điều đó có nghĩa là dưới thời cộng sản cũng không có. Nhưng điều đó cũng chỉ biện minh được phần nào cho chính quyền – người đương nhiên phải chịu trách nhiệm trong cuộc đấu tranh với các thảm họa thiên nhiên, nhưng lần đầu tiên vấp phải thảm họa với quy mô và phạm vi lớn như vậy.

Ông không chỉ là một người cởi mở và thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên, mà không nghi ngờ gì nữa còn là một nhà văn tài năng. Nếu ông định sống bằng nghề văn chương, thì ông có thể sống
ở Capri (**) như nhà văn mà Lenin yêu quý là Maxim Gorky. Nhưng ngay cả ở đó ông cũng không thể cảm thấy mình an toàn. Bởi vì cả ở Châu Âu, lẫn Mỹ người ta đều phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên có quy mô như vậy. Hãy nhớ lại các vụ cháy rừng ở nhiều nước Châu Âu năm ngoái và năm kia.

Mặc dù có những vấn đề và khó khăn, nhưng tôi hy vọng rằng tôi và ông chúng ta thế nào cũng sống được đến khi về hưu. Tất cả những khoản tiền cần thiết để khắc phục hậu quả thiên tai và giải quyết những vấn đề khẩn cấp đã được chuyển từ ngân sách liên bang đến tài khoản của những địa phương bị thiệt hại ở Liên bang Nga. Hãy cho tôi địa chỉ của ông, ông sẽ nhận được ngay cái chuông từ vị thống đốc tỉnh”.
______
(*) dacha: nhà nghỉ cuối tuần ở ngoại ô.
(**) Capri: đảo nghỉ mát nổi tiếng ở miền nam Italia.

Tham khảo:
Dự án Skolkovo: Giấc mơ của nước Nga hiện đại - Tạp chí Tia sáng

Entries liên quan:
NƯỚC NGA TRONG LỬA
NGHỊCH LÝ CỦA ĐỘNG ĐẤT
ĐỐI MẶT VỚI BÃO...
ĐỘNG ĐẤT TẠI HÀ NỘI
TẬN CÙNG NỖI ĐAU
CÓ MỘT CHANCHU KHÁC




15 comments:

Mr. Gaddany on lúc 00:25 19 tháng 8, 2010 nói...

Putin khéo quá!

Hậu Khảo cổ on lúc 06:24 19 tháng 8, 2010 nói...

Hay quá, cả người đòi chuông và cả người trả chuông, cả hai đều không "khốn kiếp" tí nào cả :D

Titi on lúc 08:44 19 tháng 8, 2010 nói...

Há há...đọc văn của blogger kia thú vị quớ. Đúng chất blog, rất độc đáo và vô cùng sinh động. Há há...
Putin trả lời cũng rất cụ thể và hài hước. Chả trách, dù trải qua bao thăng trầm, ông vẫn được dân Nga sùng bái như vậy :-D

Unknown on lúc 09:17 19 tháng 8, 2010 nói...

Hay quá, Putin thật không hổ danh tí nào...

Nguyễn Bảo Linh on lúc 09:27 19 tháng 8, 2010 nói...

Đúng là 2 tính cách Nga điển hình.
Rất trí tuệ, hóm hỉnh mà lại sâu sắc ...

Nặc danh nói...

Blogger kia có bài viết rất hóm hỉnh, hâm mộ Putin.

LU on lúc 13:48 19 tháng 8, 2010 nói...

Vỏ quít dày có móng tay nhọn!

Thuy Dam Minh on lúc 14:18 19 tháng 8, 2010 nói...

Nghe nhiều điều khá hay về Putin, thêm một lần nữa xác nhận cách giải quyết vấn đề khá tình cảm mà quyết đoán của ông. Đúng là phong cách của một Lãnh tụ!

Lana on lúc 18:08 19 tháng 8, 2010 nói...

Thích cái còm của bạn Bảo Linh trên kia quá.

Công nhận đọc cái bài Blog của bác 'trả lại chuông cho tôi' giống như đang thấy lửa cháy bừng bừng, cái rồi qua phần Putin trả lời, thấy như ông áp bàn tay vô lửa, lửa êm.

Kính phục.

VMC on lúc 20:39 19 tháng 8, 2010 nói...

@All:
Cả nhà chú ý, bản dịch này đã "lịch sự" đi tương đối nhiều. Nguyên bản dùng những từ mạnh hơn, "dịch giả" chỉ dám dùng mấy từ trung tính trong tiếng Việt như "đếch", "khốn kiếp", "khốn nạn"... Nhưng phải nói thật là trong nguyên bản, những từ chửi "ngọt" không khác gì bài chửi mất gà ở nước ta.

Mr. Gaddany on lúc 00:44 20 tháng 8, 2010 nói...

Thế thì phải nói là "dịch giả" khéo quá! :))

Nguyễn Bảo Linh on lúc 09:01 20 tháng 8, 2010 nói...

@ Lana: Cảm ơn bạn, cũng phải nói thêm nếu bản dịch này không phải là người "ở đó" về, thì bạn đọc chắc cũng không cảm thấy như vậy đâu :)

NOO on lúc 09:37 20 tháng 8, 2010 nói...

Anh tìm được cái này hay quá anh ạ.

Vhlinh on lúc 13:15 20 tháng 8, 2010 nói...

Thích bài này quá.
Hai vẻ nam tính khác nhau nhưng đều tuyệt vô cùng.

MHTL on lúc 17:45 20 tháng 8, 2010 nói...

http://danviet.vn/12381p1c26/thu-do-matxcova-da-tro-lanh.htm

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết