26/8/10

NÚI VÀNG TRONG RÁC THẢI



Mỗi năm có 40 triệu tấn thiết bị điện tử trở thành rác thải. Bị vứt bỏ cùng với chúng là một lượng lớn kim loại quý: trong 41 điện thoại di động có một lượng vàng tương đương lượng vàng trong một tấn quặng vàng. Cùng với khái niệm “khai thác mỏ ở đô thị”, đã xuất hiện nhiều hãng tái chế rác điện tử ở châu Âu.

Để khai thác kim loại, con người phải đầu tư, chi phí rất lớn, phải đào và thiết kế hầm lò ở độ sâu hàng nghìn mét, phải phá ủi cả một quả núi hay sàng lọc, đãi cát cực kỳ vất vả. Trong khi đó, người ta có thể khai thác tài nguyên kim loại quý hiếm ít vất vả tốn kém hơn nhiều: trong chất thải công nghiệp và thiết bị, máy móc phế loại của các hộ gia đình chứa đựng một khối lượng lớn vàng, bạc và các kim loại quý hiếm khác. Bởi vậy Liên Hợp Quốc (LHQ) đang kêu gọi các quốc gia hãy tăng cường khai thác nguồn tài nguyên từ phế thải điện tử.

Theo báo cáo của Cơ quan LHQ về Môi trường UNEP, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 40 triệu tấn rác loại này. Ông Rüdiger Kühr làm việc tại trường Đại học của LHQ (United Nations University) cho rằng lượng kim loại quý hiếm có thể thu hồi từ thiết bị điện tử phế thải lớn hơn nhiều so với khai thác mỏ; do đó Kühr đề cập tới khái niệm “khai thác mỏ ở đô thị”.

Thường thì để khai thác được một gram vàng, doanh nghiệp phải đào bới vận chuyển một tấn quặng. Việc tái chế để có được lượng vàng này từ chất phế thải công nghiệp và gia đình đơn giản hơn nhiều: một lượng vàng tương tự có trong 41 điện thoại di động. Ngay cả các mỏ có tỷ trọng khai thác cao như mỏ Kalgold ở Nam Phi thì để lấy được 5gr vàng người ta phải đào bới, vận chuyển một tấn đất, đá. Trong khi đó hãng tái chế Umicore tại Brussels có hàng triệu tấm vi mạch máy tính và người ta có thể thu hồi được 250gr vàng từ một tấn tấm vi mạch này, cao gấp 50 lần so với mỏ Kalgold.

Ngành kinh doanh tái chế điện tử ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Đã xuất hiện nhiều hãng tái chế điện tử ở châu Âu. Do những năm gần đây giá kim loại không ngừng tăng nên các hãng này thu được lợi nhuận ngày càng cao. Cái khó là ở chỗ phần lớn thiết bị điện tử phế loại không được thu gom để đưa vào tái chế. Sự lãng phí nguồn tài nguyên này rất lớn, nhất là ở các nước nghèo.

Theo một báo cáo của LHQ, thông thường ở các nước nghèo, thiết bị vi tính, điện thoại di động hư hỏng đều bị vứt bỏ chứ không được thu gom để tái chế. Một nhà nghiên cứu của UNEP đã tính mức độ lãng phí về vấn đề này ở các nước đang phát triển và cung cấp số liệu cho Spiegel Online.

Riêng ở Trung Quốc mỗi năm có khoảng bốn tấn vàng, 28 tấn bạc và 6.000 tấn đồng ở trong máy tính và điện thoại di động hỏng bị vứt vào bãi rác. Lượng vàng này trị giá 100 triệu Euro - và tương đương lượng vàng được khai thác ở một số nước. Cũng theo bản báo cáo của UNEP thì trong năm 2010, ở Trung Quốc sẽ có 2,3 triệu tấn rác thải điện tử gồm 500.000 tấn tủ lạnh, 1,3 triệu tấn máy truyền hình và 300.000 tấn computer.

Trung Quốc xếp hàng thứ hai sau Mỹ về lượng rác thải điện tử, theo ước tính thì năm 2010 Mỹ có khoảng 3 triệu tấn rác thải điện tử. Điện thoại di động và computer chiếm một khối lượng lớn kim loại: 15 % cobalt, 13% palladium và 3% lượng vàng, bạc khai thác hằng năm trên thế giới được dùng trong công nghiệp sản xuất điện thoại di động và computer. Phần lớn lượng kim loại quý hiếm này cuối cùng lại trở thành rác thải.

Trong năm 2008, riêng lượng vàng, bạc, đồng, palladium và cobalt dùng để sản xuất computer trị giá 2,7 tỷ Euro. Theo điều tra của UNEP, do thiếu một quá trình tái chế nên các nước đang phát triển cũng như các nước mới nổi đang tự làm mất đi một lượng lớn các loại nguyên liệu quan trọng. Trong khi đó ở các nước EU, nhà sản xuất thiết bị điện, điện tử có trách nhiệm tiếp nhận lại những sản phẩm cũ của mình. Những người kinh doanh kim loại và nguyên liệu phế thải thì hy vọng ngành tái chế sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Đối với việc tái chế, thu hồi kim loại đồng người ta đã đạt được kết quả khả quan, thí dụ Đức thu hồi được khoảng 50% lượng đồng đã sử dụng trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, bất chấp các quy định, một lượng lớn kim loại đã không được đưa vào hệ thống tái chế. Theo báo cáo của UNEP, ở châu Âu các kim loại như vàng, bạc và palladium ít được đưa vào quá trình tái chế, vì thế châu lục này mỗi năm bị thất thoát trên 5 tỷ Euro.

Do sản xuất thiết bị điện tử sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên sự lãng phí nguồn tài nguyên cũng sẽ tăng gấp bội so với hiện nay. Một số công nghệ tương lai như tế bào chất đốt hay quang điện sẽ tăng nhu cầu đối với nhiều loại kim loại quý hiếm. Cho đến thời điểm 2007, toàn thế giới đã tiêu thụ tới 1 tỷ điện thoại di động.

Các chuyên gia cho rằng ở nhiều nước, rác thải điện tử sẽ tăng đáng kể: thí dụ ở Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi, lượng rác điện tử năm 2020 sẽ tăng gấp bốn lần so với năm 2007, mức tăng ở Ấn Độ là năm lần. Ở các nước châu Phi thí dụ như Senegal hay Uganda, mức tăng này thậm chí tới tám lần.

Hiện tại châu Phi đã trở thành bãi chứa thiết bị điện tử phế thải, lỗi thời của các nước phương Tây. Theo một Hiệp định của LHQ ký năm 1989, Công ước Basel, cấm không được tuồn rác sang các nước khác nếu không có sự chấp thuận của các nước đó. Tuy nhiên vẫn có nhiều thiết bị điện tử cũ, chất phế thải tuồn lậu bằng nhiều kênh khác nhau vào các nước đang phát triển.

Riêng nước Đức mỗi năm xuất khẩu khoảng 100.000 tấn rác điện tử. Việc tuồn lậu rác thải sang các nước khác rẻ hơn nhiều so với việc tái chế đúng quy định. Những chiếc ô tô cũ xuất khẩu của Đức thường chứa đến tận ngọn rác thải điện tử.

Thường rác thải được xuất sang châu Phi và tại đây các thiết bị điện tử sẽ được tháo dỡ thủ công. Tuy nhiên các loại kim loại không được tận thu, khoảng 75% số lượng vàng bị bỏ phí.

Khi bị đốt để thiêu hủy, những núi rác điện tử gây tác động chết người đối với môi trường và con người. Các loại kim loại nặng bị đốt cháy có thể gây ung thư, nhất là đối với những người làm việc gần bãi rác. Nguồn đất và nước ở khu vực rác thải bị đốt cũng bị nhiễm độc nghiêm trọng.

Xuân Hoài dịch Theo Spiegel

Nguồn:
NÚI VÀNG TRONG RÁC THẢI - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan
Ô NHIỄM VÌ TIỄN ÔNG CÔNG ÔNG TÁO
HAI CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ VỊNH HẠ LONG
CÒN BAO NHIÊU DÒNG SÔNG SẮP QUA ĐỜI?
TẠI SAO CỨ PHẢI DÙNG NƯỚC ĐÓNG CHAI?



13 comments:

MHTL on lúc 00:41 27 tháng 8, 2010 nói...

Từ những năm 90, dân VN đã sang Nga phân kim vàng từ rất nhiều máy tính cũ phế thải. Khối người giàu và có chút vốn ban đầu từ nghề độc hại này đấy.

Titi on lúc 09:12 27 tháng 8, 2010 nói...

É, các nước giầu đều có kế hoạch chi tiết cho rác thải.
Cái này là nhiệm vụ của bên tài nguyên và môi trường, ở mình là thuộc bộ nào nhỉ?

LU on lúc 11:00 27 tháng 8, 2010 nói...

Nếu gọi "rác điện tử là vàng" thì cũng ko ngoa. Lớp vàng tráng vào con CPU và những chân memory chip gọi là "gold finger" đã làm cho những người biết nghề thợ bạc lao vào phân kim, mặc dù đa số nó chỉ là vàng 12K tuổi hoặc 18K thôi.

Nơi sản xuất thẫy đồng nát điện tử ra với hàng vạn lí do vớ vẫn, máy móc hơi bị móp méo một xí, vận chuyển ko cẩn thận làm rớt nhẹ một xí, blah blah blah...như thế là sản phẩm có vé đi ra nghĩa trang điện tử. Những công ti cá mập họ rất giử gìn brand name nên họ ko chấp nhận cho lưu hành ra thị trường đồ kém chất lượng.

Một số dân buôn đồng nát điện tử, đa số là các chú China, đã nhanh nhẹn bắt được cái khe hở này. Họ đi thu mua ve chai và đem về lắp ráp lại và bán sang những nước nghèo thứ ba trên thế giới, chủ yếu là Á Châu. Chất lượng có Ok ko nếu xài máy móc ráp từ đồng nát? câu trả lời là nó vẫn chạy bình thường, chỉ có điều tuổi thọ của máy giảm đi đáng kể. Thay vì xài 5 năm thì chừng 1 hay 2 năm nó té bệnh. Nhưng tiền nào của nấy nên người ít tiền cũng ko phàn nàn gì.

Các công ti điện tử ở Mỹ phải chịu trách nhiệm tiêu hủy, hoặc tận dụng lại đồng nát với điều kiện ko được làm ô nhiễm môi trường. Nói thì hay nhưng Mỹ cũng ko control nổi những độc hại từ chất thải của điện tử gây ra cho môi trường. Thời Clinton đã có kí một dự luật, đồng í chủ hảng mang kinh doann điện tử ra nước ngoài và luật này kéo dài trong 50 năm.

Ông í kí xong thì chừng 10 năm sau cái nôi điện tử thế giới bị khủng hoảng việc làm. Labor ở Châu Á rẻ quá, nên chủ hảng đã đóng cửa khâu sản xuất thấp move nó sang các nước thứ ba, nhưng kỹ thuật cao cấp vẫn phải giử lại ở Mỹ ko được đưa đi.

Hà, đến lúc này thì nước láng giềng thân iu của VN đã thầu được hết tất tần tật các hợp đồng sản xuất điện tử. Trung quốc với cái cách quản lý lao động đè nhân viên đã chấp nhận ký hợp đồng giá rẻ bèo với các công ti Mỹ. Nếu ai đã từng làm việc cho chủ là người Hoa thì sẽ thấy chế độ tiền lương và giờ làm việc nó rất cà chớn, trả tiền thì bèo mà push nhân viên làm việc thì như robot. Nhưng nhờ thế mờ họ ừ giá rẻ với Mỹ. Bi giờ điện tử ở Mỹ nói đến khâu sản xuất thì tên tuổi nơi sản xuất quen thuộc là China.

Cũng công nhận là China đã kiếm được việc làm cho dân, nhưng họ đang mang một căn bệnh ung thư chờ ngày tái phát trong người mà họ ko hay. Căn bệnh này đúng ra Mỹ phải chịu, nhưng Mỹ đã chọn China thế mạng. Có thể chính quyền China và dân kinh doanh hiểu được sự độc hại về sau...nhưng bi giờ có tiền thì cứ chiến trước.

Muốn phân kim vàng từ CPU và memory chip hoặc những card điện tử, thì người nhân công sẽ hít thở chất chì và những chất độc hại khác. Nguồn nước cũng sẽ bị ảnh hưởng từ chất thải gây ra. Thậm chí chỉ cần sờ nhè vào chì thì chưa chắc gì rửa tay nó đã đi sạch.

Mỹ rất kỹ lưởng mỗi năm đều bắt các công ti phải pass ISO, phải tuân theo luật 5S. Bây giờ lượn một vòng khu thung lũng điện tử thì chỉ thấy đa số là những công ti High tech thôi, họ ko còn để tồn tại những khâu sản xuất có chất thải độc hại của chì nữa.
Chuyện này đã có nước cứu rỗi China đãm nhận rồi, cứ như trong film 2012 í, China được Holliwood đạo diễn Holiwood chọn là đất thánh địa =))

Titi on lúc 13:10 27 tháng 8, 2010 nói...

@Lu: WoW, comt khủng quá! Thế là mình không nên nhận tái chế dù lợi nhuận khá khá phải không?

MHTL on lúc 16:31 27 tháng 8, 2010 nói...

Chuyện thật nè 2T, từ 1 anh bạn LHS Nga:

- gần một tháng ở trong phòng để phân kim vàng từ CPU, chỉ ra ngoài mua đồ ăn tích vào tủ lạnh.

- Hàng trăm lít axit nguyên chất được tiêu thụ, vỏ can nhựa chất đầy phòng.

- Nước thải sau phân kim vàng hả: cho vô toilet, xả nước :((

- Thoát khói axit trong khi đun axit với đống kim loại hả, dân VN khá ma lanh: chọc thủng ống thoát khí toilet trong hộp kỹ thuật, cắm ống nhựa nối khói thải vào đó, vậy là xong, khói độc, rất độc, sẽ lên mây hết.

- Câu cuối: nhìn thấy vàng, thấy tiền rồi, nhưng cũng phải té, vì thấy ghê quá, khiếp sợ với chính mình. Mỗi lần nghĩ lại thấy rùng mình.

VMC on lúc 16:53 27 tháng 8, 2010 nói...

@Titi: Đích thị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

@MC3: Nghe những chuyện MC3 kể mà thấy kinh quá. Không rõ mấy bạn malanh đó giờ ra sao, có bệnh tật gì không?

VMC on lúc 16:54 27 tháng 8, 2010 nói...

@LU:
Chủ đề này đúng sở trường của LU nên còm đậm ghê. May quá, VN không gánh cái đống rác thải điện tử của Mỹ, chứ nếu không lại chẳng mấy chốc mà phát bệnh ung thư.

mai xuân dũng on lúc 18:02 27 tháng 8, 2010 nói...

Kiếm được tí vàng ở rác thải công nghệ thì số vàng đó + thêm kha khá tiền để chi cho y tế vì ô nhiễm quá lớn. VN đã dùng hàng re Truung Quốc đỡ khối tiền cho dân+nhà nước bao năm nay bây giờ đang gánh hậu quả lớn về thiết bị hư hao và dân chúng khánh kiệt vì chạy chữa đủ các loại bệnh nhẹ thì viêm nhiễm nặng thì ung thư.

Thuy Dam Minh on lúc 18:32 27 tháng 8, 2010 nói...

Anh có đọc một số bài viết về mấy làng nghề chuyên mua đồ ắc quy, thiết bị điện về rã ra để bán. Tiền thì kiếm được, nhưng trẻ con mắc nhiều bệnh hiểm nghèo lắm. Quá sợ!

MHTL on lúc 20:09 27 tháng 8, 2010 nói...

VMC: tạm thời bạn đó vẫn sống ngon, béo tốt, nay đang kinh doanh ngành XD, khá giàu có, quen biết cả chủ tịch Thảo. Tụi nó cũng ý thức rất rõ khói axit độc nên biết phòng ngừa từ đầu.

LU on lúc 20:49 27 tháng 8, 2010 nói...

Ti Ti : đúng là kinh doanh phân kim đồng nát điện tử, mở hảng xưởng sản xuất oánh thành phẩm liên quan đến những máy hàn chì, là ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.
Đồ điện tử chỉ độc hại khi mình tiếp xúc với những hóa chất và khói chì trong lúc sản xuất, nguồn nước chung quanh nó sẽ bị nhiễm chì nặng. Khi đã thành phẩm ra thị trường rồi thì OK, người tiêu dùng ko cần phải sợ đâu.
Hiện nay, ngoài Trung Quốc ôm thầu được 70% công đọan sản xuất thấp, hít thở khói chì điện tử của Mỹ, thì còn có một nước nữa đang là khu vực ngon lành cho các ông chủ Mỹ tìm tới mở hảng xưởng. Đó là Mexico, nước nghèo nằm sát "néch" của Mỹ. Lương bên China trả cho nhân công đã bèo rồi, mà Lu nghe mấy ku tech sang đó kiểm tra sản phẩm bẩu rằng Mexico lương còn bèo hơn.
Nhưng biết đâu nhờ chịu thở khí chì độc hại mà chục năm sau Mexico lại trở thành một "cường quốc" China thứ hai, "chủ nợ lớn nhất" của Mỹ hiện nay về lĩnh vực điện tử? :))))

Nặc danh nói...

Wa chuan

Nặc danh nói...

Cai vu nay minh cung dam me lam.cung dang tim toi.kim ke sinh nhai thoi do ma.nhung nge ke thay ge wa.k bit sao day

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết