18/9/08

CÒN BAO NHIÊU DÒNG SÔNG SẮP QUA ĐỜI?



Sông Thị Vải đã bị Cty Vedan bức tử.

Hàng ngày hàng triệu bà nội trợ, hàng vạn đầu bếp rắc thứ bột ngọt do công ty này sản xuất vào thức ăn cho chồng con, khách hàng thêm ngon miệng. Chúng ta vui vẻ ăn đồ ăn ấy và quả thực nhờ có bột ngọt mà vị giác của chúng ta bị đánh lừa.

Tôi đã không ăn mì chính, hay bột ngọt từ lâu rồi.


Không ăn không phải vì Vedan bức tử sông Thị Vải. Không ăn vì thấy nó chẳng bổ béo gì.

Cách đây chục năm, báo chí Tây rộn lên thông tin "hiệu ứng nhà hàng Tầu", chỉ ra rằng bột ngọt (mì chính) khiến người ăn bị đau đầu, nôn mửa, choáng váng... Các nhà hàng Tầu ở Châu Âu vì thế bị cấm sử dụng bột ngọt.

Nhưng chúng ta là người châu Á, chúng ta sống ở châu Á, chúng ta cho Vedan vào đầu tư ở nước ta, nên ta vẫn chén bột ngọt. Chúng ta bị đau đầu, nhưng có vì những chuyện khác nhiều hơn, chứ không phải chỉ vì riêng bột ngọt.

Không sao, đau đầu đã có Panadol.


Chúng ta ăn bột ngọt Vedan. Và không biết rằng cái công ty ấy xả nước thải không được xử lý xuống sông Thị Vải một cách tinh vi. Trong nước thải ấy có chất cianure cực độc.

Bây giờ chúng ta biết dòng sông ấy sắp "qua đời", mà không biết rằng nó có thể khiến những người sống bên đôi bờ Thị Vải (kể cả con cháu họ) phải chịu đựng hậu quả khôn lường từ chất độc này trong tương lai.


Thị Vải có nguy cơ trở thành Minamata thứ hai.

Nhưng không chỉ có Thị Vải sắp "qua đời", ở Việt Nam còn nhiều con sông cũng ở trong tình trạng tương tự.

Sông Thương nước chảy đôi dòng, bên đục bên trong, chỉ còn là chuyện của ký ức. Nay con sông này khi chảy vào sông Cầu có thêm một dòng nữa là dòng nước thải công nghiệp. Chẳng mấy chốc mà ta sẽ mất "Sông Cầu nước chảy lơ thơ".

"Dòng sông Đáy quê em" cùng với sông Nhuệ (Hà Tây cũ - Hà Nội mới) cũng đang gồng mình gánh mỗi ngày khoảng 30 nghìn mét khối nước thải của Hà Nội, trong đó 96% là nước thải công nghiệp.

Sông Hoài xinh đẹp ở Hội An cũng bị ô nhiễm khi mỗi ngày phải gánh đến 8.310 mét khối nước thải sinh hoạt và du lịch. Không khéo sắp tới đến du lịch ở đô thị cổ Hội An, du khách phải sắm khẩu trang.

Tháng 7 vừa qua, cá trên sông Bồng Miêu (Quảng Nam) chết hàng loạt vì bị nhiễm độc do nước thải của Cty Khai thác Vàng Bồng Miêu.

Sông Sài Gòn bị ô nhiễm Mangan từ đầu những năm 2000 và tỉ lệ amoniac trong nước ngày một gia tăng.

Vào Google gõ "ô nhiễm sông" ta sẽ được 2,4 triệu kết quả. Tức là chúng ta đã viết, đã nói rất nhiều về chuyện này.

Chẳng mấy chốc chúng ta, con cháu chúng ta, sẽ không còn những con sông nữa...

Nếu chỉ hô hào tẩy chay bột ngọt Vedan không thôi thì không bao giờ đủ! Các con sông vẫn sẽ "qua đời".

Ảnh: Sông Thị Vải bị ô nhiễm.

THAM KHẢO:
1. Từ câu chuyện Vedan và dòng sông Thị Vải: Đừng là bài học Minamata thứ hai (Lao Động)
2. Vedan "thoải mái" đầu độc sông Thị Vải vì có giấy phép? (Lao Động)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết