6/9/08

"NỖI BUỒN CHIẾN TRANH" KIỂU HOLLYWOOD



Báo chí hân hoan đưa tin, tiểu thuyết nổi tiếng từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam "Nỗi buồn chiến tranh" (tên xuất bản là "Thân phận tình yêu") sẽ được Hollywood đưa lên màn ảnh. Chuyển thể kịch bản là Peter Himmelstein. Đạo diễn là Nicholas Simon.

Gõ tên 2 nhân vật này trong Google thì kết quả cho thấy khá khiêm tốn. Peter Himmelstein mới chỉ viết một kịch bản là Peep World đang trong giai đoạn tiền sản xuất và đạo diễn một phim là The Key Man. Nicholas Simon được trang web http://www.imdb.com giới thiệu là nhà sản xuất, trợ lý đạo diễn. Anh ta đã từng làm trợ lý đạo diễn trong bộ phim City of Ghosts và tham gia sản xuất trong Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng.

Tại sao một tác phẩm nổi tiếng như vậy, được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đón đọc lại không phải do một đạo diễn Việt Nam dàn dựng? Phải thừa nhận "Nỗi buồn chiến tranh" là một tác phẩm không dễ đưa lên phim. Nó đòi hỏi khoản đầu tư không nhỏ cùng máy móc hiện đại, đạo diễn và diễn viên cùng êkip làm phim thực tài thì mới có thể lấp lánh được hồn cốt trên màn ảnh.

Nhà văn Bảo Ninh đã bán bản quyền "Nỗi buồn chiến tranh" cho một nhà xuất bản nước ngoài. Và tất nhiên, nhà xuất bản đó phải chọn hãng phim trả được giá cao nhất. Và cho dù trong trường hợp này bên mua chỉ là một hãng phim độc lập của Mỹ , thì chắc chắn số tiền mà họ bỏ ra là quá cao so với các hãng phim trong nước.

Đọc những thông tin rộn ràng về việc Hollywood sắp đưa "Nỗi buồn chiến tranh" lên màn ảnh, ta được biết chủ đề của bộ phim tương lai sẽ không phải là "Nỗi buồn", mà là "Thân phận". Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng Hoda Phim, đối tác Việt Nam của dự án, cho nói với Vietnam Net ngày 31.7:

"Bảo Ninh viết dự dội hơn, tập trung vào mặt trái của chiến tranh. Còn Nicholas Simon tập trung vào tình yêu của hai nhân vật chính. Thực ra Nicholas thích cái tên "Thân phận tình yêu" hơn. Nội dung kịch bản chỉ tập trung vào đường dây của mối tình, những chi tiết không liên quan được rũ bớt đi. Nói chung đó là một câu chuyện hấp dẫn, trung thành với nguyên tác nhưng nhẹ nhàng hơn!".

Bà Ngát còn khẳng định: "Kịch bản viết rất tốt, chặt chẽ, đặc biệt rất chính thống. Tôi nghĩ một biên kịch giỏi của Việt Nam cũng chưa chắc đã chuyển thể được tốt như thế".

Theo lời của nhà văn Bảo Ninh (trả lời phỏng vấn Vietnam Net 25.7.08) , thì ông "cũng tham gia vào việc sửa chữa kịch bản, rà soát lại lời thoại của những nhân vật Việt Nam sao cho hợp người hợp cảnh". Ông còn nói: "Nhà đạo diễn, nhà biên kịch cũng như mọi độc giả khác, họ thích và họ hiểu cuốn sách, nhưng theo một cách không giống tác giả. Vì vậy họ mới làm thành phim cuốn sách đó, còn cách nhìn y chang anh nhà văn thì làm phim làm gì?"

Nhưng đến ngày 6.9, thì chính Bảo Ninh đã từ chối bộ phim tương lai. Vẫn theo Vietnam Net, thì: "Ông (Bảo Ninh) nói bộ phim đã không đúng tinh thần như ông đã đề nghị đạo diễn sửa chữa. Nhà văn Bảo Ninh cũng hiểu rằng: ông đã bán bản quyền cho việc chuyển thể tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh thành kịch bản phim cùng tên. Như vậy, đứng về mặt pháp lý, ông không có quyền dừng việc quay bộ phim này được.

Nhưng ông là tác giả cuốn tiểu thuyết, ông phải có ý kiến về về nội dung và tư tưởng của bộ phim. Sau khi đọc lại kịch bản Nỗi buồn chiến tranh, ông thấy một số phần trong kịch bản mà trước đó ông đề nghị đạo diễn sửa chữa nhưng vẫn không được sửa chữa. Vì thế, nhà văn Bảo Ninh lại một lần nữa yêu cầu đạo diễn sửa chữa. Nhưng lời đề nghị của ông không được chấp nhận. Cuối cùng nhà văn Bảo Ninh tuyên bố không dính líu đến bộ phim. "

Cá nhân tôi, khi hay tin "Nỗi buồn chiến tranh" sẽ được Hollywood đưa lên màn bạc, cũng thấy băn khoăn. Tôi muốn một đạo diễn Việt Nam, hay một đạo diễn gốc Việt chuyển thể, hơn là mấy anh mắt xanh mũi lõ. Đặng Nhật Minh, Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng... là những đạo diễn có đủ tài năng để làm được điều đó.

Peter Himmelstein và Nicholas Simon đã có sự lựa chọn khôn ngoan: đề cập về tình yêu, hơn là đề cập chiến tranh. Nhưng cũng chính vì thế mà bộ phim tương lai có thể sẽ không còn "tinh thần thuần Việt", như nhà văn Bảo Ninh tin tưởng lúc đầu.

Mua bản qưyền tác phẩm, các nhà làm phim Mỹ quyền làm bộ phim theo cách mà họ muốn. Thị trường chủ yếu của họ là thị trường Mỹ, họ sẽ làm phim cho khán giả Mỹ xem. Nó sẽ có mùi Hollywood, hơn là mùi Việt Nam.

Lại phải chờ cho đến khi nào các hãng phim của Việt Nam giàu, đủ tiền mua tác quyền, thì lúc đó mới có hy vọng thấy được một "Nỗi buồn chiến tranh" cho ra nỗi buồn chăng?

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết