17/9/08

PHIM VIỆT NAM NÀO XỨNG ĐÁNG HAY NHẤT CHÂU Á?



CNN vừa đưa ra bình chọn 18 bộ phim Châu Á hay nhất của mọi thời đại. Nhà báo Mairi Mackey, tác giả của bài báo này, không đưa ra tiêu chí bình chọn, cũng không nêu lý do tại sao lại chọn 18 phim này, và cũng không nói rõ tại sao lại chỉ có 18 phim được chọn.

Có lẽ danh sách này chỉ khoanh vùng trong số những phim mà tác giả đã xem và dựa trên ý kiến cá nhân của tác giả. Ví dụ, kiệt tác "Rashomon"của đạo diễn lỗi lạc Nhật Bản Kuroshawa , hay "Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân" của đạo diễn đương đại Hàn Quốc Kim Ky Duk, "Giã từ ái thiếp" của Trần Khải Ca (Trung Quốc)... đều không được nhắc đến.

May mắn là điện ảnh Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách này với "Bao giờ cho đến tháng Mười" của Đặng Nhật Minh . Theo tôi, đây là sự lựa chọn đúng đắn, bởi "Bao giờ cho đến tháng Mười", ngoài việc đáp ứng được những yếu tố cần thiết của điện ảnh, là bộ phim Việt Nam nhất với bản sắc dân tộc Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất.



Song, nói như vậy không có nghĩa "Bao giờ cho đến tháng Mười" là phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam. Với một tác giả khác, có lẽ sự lựa chọn cũng sẽ khác đi, cho thấy điện ảnh Việt Nam có một diện mạo khá phong phú.

Có thể điểm qua tên một số tác phẩm là ứng cử viên tiềm tàng vào danh mục "Phim hay nhất Việt Nam mọi thời đại".

1. Chị Tư Hậu (1963). Phạm Kỳ Nam và Trần Thiện Liêm đạo diễn. Trần Khánh Dư quay phim. Diễn viên: Trà Giang, Trần Phương, Ba Du... Phim được chuyển thế từ "Một chuyện chép ở bệnh viện" của Bùi Đức Ái. Phim xuất sắc không chỉ ở câu chuyện được kể theo ngôn ngữ điện ảnh kinh điển với những khuôn hình đẹp mê hồn, mà còn ở diễn xuất thượng thặng của Trà Giang khi mới 19 tuổi.

2. Vợ chồng A Phủ . Phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Tô Hoài. Trần Phương, Đức Hoàn đóng các vai chính. Truyện phim chắc chắn được nhiều người biết, vì tác phẩm của Tô Hoài được đưa vào sách Trích giảng văn học ở bậc phổ thông. Điểm hay là sự thể hiện đầy tinh tế văn hóa của người Mông, cùng những góc quay đầy tâm trạng của nhân vật Mị trong ánh sáng được thiết kế ở trình độ bậc thầy. Trong phim này Trần Phương phải cạo trọc và chịu dán keo lên đầu trong gần 2 năm liền.

3. Cánh đồng hoang (1979). Kịch bản: Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến. Diễn viên: Lâm Tới, Thúy An. Phim thuật lại cuộc sống thường ngày của một cặp vợ chồng làm giao liên cho quân giải phóng ở Đồng Tháp Mười trong kháng chiến chống Mỹ. Xuyên suốt phim là sức sống mãnh liệt của người dân Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Phim đoạt Huy chương Vàng tại LHP Quốc tế Mátxcơva năm 1980. Đây là tác phẩm điện ảnh được giải thưởng quốc tế cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

4. Thương nhớ đồng quê (1995). Đặng Nhật Minh đạo diễn và chuyển thể kịch bản từ hai tác phẩm "Thương nhớ đồng quê" và "Những bài học nông thôn" của Nguyễn Huy Thiệp. Diễn viên: Tạ Ngọc Bảo, Thúy Hường, Lê Vân. Phim đề cập những vấn đề của nông thôn miền bắc Việt Nam trong giai đoạn đầu thập niên 1990. Diễn xuất xuất thần của những diễn viên lần đầu đóng phim như Tạ Ngọc Bảo, Thúy Hường khiến cho bộ phim trở nên chân thực và sống động. Phim cảm động và ám ảnh.

Còn sự lựa chọn của bạn là gì?

Ảnh: Lê Vân trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười"

THAM KHẢO:
1. Bao giờ cho đến tháng Mười lọt vào top phim châu Á hay nhất (VNExpress)
2. Pick the best Asian films of all time (VNN)
3. Đạo diễn Đặng Nhật Minh (Ycine)
4. "Cánh đồng hoang" - phim thành công nhất của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20 (VNN)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết