15/8/10

NGƯỜI GIAN BẰNG DỎM



Hoàng Tụy

Trong một nước mà bằng cấp, chức tước đều có thể mua bán và nạn đạo văn, đạo nhạc, v.v. lan tràn hầu như ở đâu cũng có thì bộ máy hành chính quan liêu tham nhũng chẳng có gì lạ.

Gần đây rộ lên chuyện một số cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh mua bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ các đại học dỏm ở nước ngoài. Thật ra đây không phải là chuyện mới, mà đã xảy ra ít nhất từ mươi lăm năm nay, và không phải chỉ có mua bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà cả những chức danh cao hơn như: viện sĩ, giáo sư danh dự, chuyên gia lỗi lạc, danh nhân thế giới, v.v… Chỉ có khi lộ liễu quá và vì sự ngẫu nhiên nào đó (rủi cho đương sự) thì sự việc mới bị xới tung lên, còn thường thì chuyện mua bán này vẫn xuôi chèo mát mái.

Ở xứ ta, bằng cấp chưa cần biết thật hay dỏm từ lâu vốn đã được ưa chuộng quá mức, bằng cấp càng cao càng danh giá và có thể là bàn đạp để thăng tiến nhanh trên quan trường. Từ thời cụ Nguyễn Khuyến đã có tiến sĩ giấy, từ thời Vũ Trọng Phụng đã có những Xuân Tóc Đỏ, huống bây giờ toàn cầu hóa, hội nhập, kinh tế tri thức.

Đáng lo hơn là sự sản xuất hàng loạt thạc sĩ, tiến sĩ kém, dỏm, do các đại học lớn của ta liên kết đào tạo với những đại học nước ngoài chất lượng không bảo đảm, kiểu như Đại học Irvine, Đại học Southern Pacific và các đại học trong danh sách đã được công khai gần đây, có khi còn tệ hơn nữa. Có thể lãnh đạo các đại học của ta bị choáng ngợp bởi những quảng cáo lừa mị, nhưng cũng có thể vì những động cơ khác, không loại trừ chạy theo lợi nhuận bất chấp chất lượng.

Mấy ngày qua công luận đã có những ý kiến phê phán rất xác đáng. Tuy nhiên đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Cần phải đi sâu hơn, phân tích kỹ hơn để nhận dạng đầy đủ căn nguyên cái tệ nạn đáng hổ thẹn này nó là con vi rút ẩn mình đang gây ra những căn bệnh hiểm nghèo tàn phá dữ dội cơ thể xã hội ta nếu không lo chữa chạy.

Nói cho đúng, cái bằng tiến sĩ của ông Phó Bí thư Yên Bái hay ông Giám đốc Sở Thông tin Du lịch Phú Thọ cũng là bằng thật, đâu phải bằng giả, được cấp bởi một đại học hoạt động công khai, đúng pháp luật của nước sở tại. Điều kiện trả tiền để được cấp bằng thì họ cũng chẳng giấu giếm, không thể bảo họ lừa đảo. Mà ngẫm cho kỹ, các bằng ấy có gì khác các bằng tiến sĩ thật, do một số đại học kém chất lượng của ta cấp những năm qua. Ai dám chắc trình độ các tiến sĩ giấy khá hơn các tiến sĩ “dỏm”?

Đi xa hơn, hàng loạt giáo sư, phó giáo sư trong số đã được Nhà nước long trọng công nhận trước sự chứng giám của các bậc hiền tài Quốc Tử Giám đã chắc gì không phải là giáo sư “giấy”, giáo sư “dỏm”, ngay cả theo tiêu chí quốc tế thấp nhất. Ngoài ra còn mấy tá viện sĩ mua được hay chạy được từ các nước ngoài nữa. Dĩ nhiên ở đây tôi không gộp những viện sĩ thứ thiệt do các viện hàn lâm nghiêm chỉnh bầu chọn, nhưng số này rất ít, và họ thường ít xưng danh vì thừa hiểu "hữu xạ tự nhiên hương".

Kể ra thì ngay cả các chức danh viện sĩ mua được hay chạy được cũng đều là “thật” cả vì đều có giấy chứng nhận hẳn hoi là thành viên (member) của những tổ chức mang tên viện hàn lâm, viện tiểu sử danh nhân, hoạt động đàng hoàng ở Mỹ, Anh, Nga,... Các viện này rao bán các chức danh chẳng khác gì các đại học bán bằng cấp với giá rẻ, có khi chỉ cần vài ba trăm USD cũng đã có chức danh “thành viên” (member) của viện hàn lâm này nọ (mà thành viên viện hàn lâm thì lập tức được dịch ra là viện sĩ), hay “danh nhân thế giới” (có tên trong tập sách Who’s Who của họ), “chuyên gia quốc tế hàng đầu”, “bộ óc vĩ đại”, v.v. Cũng có khi chẳng phải trả đồng nào gặp lúc họ khuyến mãi.

Một số các viện đó (kiểu như Viện Hàn lâm New York của Mỹ, hay Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên của Nga) thật ra là những hiệp hội khoa học, kết nạp hội viên rất rộng rãi (có khi đến hàng mấy vạn hội viên), chỉ cần đóng một khoản tiền hay nộp niên liễm một lần là được cấp giấy chứng nhận hội viên (dịch ra tiếng Việt thành viện sĩ - thành viên của một viện hàn lâm). Ở các nước phát triển, chẳng mấy ai coi trọng các chức danh dỏm đó. Của đáng tội, thỉnh thoảng cũng có vài bạn Việt kiều về nước mang những thứ đó ra khoe, gây thêm nhiễu vào một môi trường đã rối ren.

Vậy xét cho cùng việc mua bằng tiến sĩ của hai ông Ngọc và Ân (Phó Bí thư tỉnh và Giám đốc Sở) cũng không sai trái gì ghê gớm hơn việc tương tự của nhiều vị viện sĩ, danh nhân thế giới, bộ óc vĩ đại, v.v. Cái sai đáng chê trách nhất là từ phía cơ quan đã khuyến khích họ mua bằng tiến sĩ hay thạc sĩ để thăng chức. Còn nếu ai đó xưng danh rõ ràng tiến sĩ Đại học Irvine, tiến sĩ Đại học Southern Pacific, hay viện sĩ Viện Hàn lâm New York, thì đó cũng là quyền tự do của mỗi người. Cái sai lớn nhất ở chỗ chỉ lập lờ “tiến sĩ, viện sĩ,” không cho ai biết là tiến sĩ viện sĩ để diện chơi hay tiến sĩ, viện sĩ danh giá thứ thiệt.

Càng sai hơn nữa nếu người phụ trách công tác xét chức danh giáo sư, phó giáo sư mà lại đi tự phong một chức danh Nhà nước chưa đặt ra. Muốn chính danh, muốn hợp pháp, xin hãy ghi rõ viện sĩ viện hàn lâm nào. Dù cho là viện hàn lâm thứ thiệt thì vẫn có khoảng cách lớn giữa Viện hàn lâm Khoa học Pháp, hay Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ với viện hàn lâm một nước chậm phát triển. Ở các xứ văn minh người ta đều làm như vậy. Phải chăng vì chỉ số IQ ta quá cao nên mới có bấy nhiêu chuyện rắc rối cần bàn.

Cách đây mấy năm đã từng có chuyện một người trước học ở Liên Xô cũ, chẳng có thành tích gì đặc biệt, nhưng nhờ tiền làm ra được vào thời buổi nhá nhem khi Liên Xô sụp đổ nên kiếm được chân thành viên của một số tổ chức mệnh danh học thuật nào đó, thế là được giới thiệu về nước với chức danh viện sĩ 5 viện hàn lâm ở châu Âu, rồi được đề cử vào Ủy Ban TƯ Mặt trận Tổ Quốc, và giữ những chức vụ quan trọng ở một đại học lớn (về sau cái ông 5 lần viện sĩ ấy được công nhận PGS, thành ra cái chức danh lố bịch PGS viện sĩ !).

Có phải các cơ quan Nhà nước vì thiếu hiểu biết mà để xảy ra những chuyện bi hài như vậy không? Tôi xin được phép nghi ngờ đây không phải chỉ vấn đề năng lực, trình độ, mà còn là vấn đề đạo đức.

Vấn đề năng lực, vì những người chưa từng có một công trình khoa học nghiêm túc nào hay chỉ có một vài công trình mà đã lâu xa rời công tác giảng dạy và nghiên cứu lại được giao trách nhiệm chủ trì các hội đồng phong các chức danh khoa học thì làm sao không phạm sai lầm ?

Vấn đề đạo đức, vì nếu những người bản thân thiếu trung thực, thiếu công tâm được giao trách nhiệm quản lý một đơn vị hay lãnh đạo một công tác đòi hỏi cao tính trung thực, sáng tạo thì làm sao tránh được đạo đức giả ? Khi mà cấp trên (trong bộ máy công quyền) không đàng hoàng thì làm sao giáo dục được cấp dưới đàng hoàng ?

Kinh nghiệm các nước đều cho thấy, khi thiếu trung thực bắt đầu từ những chuyện tưởng là nhỏ trong đời sống xã hội bị bỏ qua thì cuối cùng tất yếu sẽ dung túng tham nhũng, làm ăn dối trá chụp giật, không khuyến khích sáng tạo, chỉ cần bắt chước, ăn cắp, khôn ranh, như vậy sẽ chẳng có hy vọng gì cạnh tranh nổi để tồn tại, chưa nói để phát triển bình thường, càng khó trở thành con rồng, con hổ gì trong thế giới này.

Thử nghĩ xem: với kiểu tăng trưởng như ta, dù có tăng trưởng đến 15% năm thì bao nhiêu năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan, Malaysia ? Huống chi tăng trưởng 10% thì phải trừ đi ít nhất 5 - 6% do môi trường hủy hoại, do ăn vào tương lai con cháu, do làm kém chất lượng, làm hư hỏng phải làm đi làm lại (nhớ rằng mỗi lần làm lại vẫn được tính vào tăng trưởng !). Cho nên là người Việt xin đừng ai nghĩ gian, dỏm chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vặt, không đáng lo.

Nguồn:
Gian, dỏm – chẳng phải chuyện nhỏ! - Tạp chí TIA SÁNG

Entries liên quan:
HỌC BỔNG 322 - AI CẦN?
BA CÂU CHUYỆN NHÂN NGÀY 20.11
"TÔI HỌC Ở HARVARD"
Ở TRƯỜNG CÔ DẠY EM THẾ
TÔI ĐI CHẤM THI



11 comments:

Titi on lúc 23:38 15 tháng 8, 2010 nói...

Em có người quen rất giỏi, thậm chí là giỏi nhất trong ngành của anh ấy, nhưng nhất quyết không đi học tiến sĩ chỉ vì ngán ngẩm cách đào tạo của ta. Ở nước ngoài thì hong có ngành của anh ấy :-(

MHTL on lúc 23:39 15 tháng 8, 2010 nói...

Chẳng thấy hậu HH gì cả, bài này khô quá, khó trôi đầu tuần lắm :))

LU on lúc 00:13 16 tháng 8, 2010 nói...

Người mình hay phê bình China ko kỹ lưỡng khi làm ra một món đồ, nhưng đó là đồ vật, hư còn có thể vất đi mua cái khác mang về xài tốt hơn.
Còn xã hội VN hiện nay, em thấy tình trạng háo danh, bằng cấp ko xứng với trình độ. Người giử chức vụ, nhờ chạy chọt, để từ đó kiếm tư túi thì nhan nhản.
Cũng ko gom đủa cả nắm, vẫn có những trí thức thật sự ở VN có tài năng. Nhưng những người này thì tìm được họ để lĩnh giáo ko dễ dàng. Vì họ thừa biết khả năng thật của mình, họ ko cần ai đánh bóng cho họ.
Bệnh háo danh phù phiếm ko thấy trở cơn ở những người này, bệnh này chỉ thấy xuất hiện ở tiến sĩ giấy và tiến sĩ zỏm.
Rất là bất công nếu như một xã hội chỉ một số ít người như họ có thực tài xây dựng, còn lại là chỉ ngồi tốn bàn thờ và hương khói chơi thôi.

Mà em cứ ngạc nhiên mãi, bên em cho dù có bằng cấp thật học muốn lòi con mắt ra, khi đi xin việc cũng trầy trật cạnh tranh với cả trăm ứng viên bằng cấp cũng ngang ngữa ko kém. Thế mà bên nhà chỉ cần mua bằng tốt nghiệp, rồi mua chức, thì thành ông này bà kia dễ dàng như đi chợ mua cá mua tôm í, bái phục!

Thuy Dam Minh on lúc 00:31 16 tháng 8, 2010 nói...

Cai dang la ngai nhat hien nay khong phai la bang gian, bang dom dau. Cai do thi duong nhien la vo van rui. Cai do lo ngai hon ca chinh la bang that ma dom co. Bang do Truong Dai hoc cap han hoi, chu ky that, con dau that nhung nguoi duoc cap thi rong tech ve kien thuc. The moi guy hiem.
Con nho co lan mot thanh pho con ban hanh van ban quay hooch can bo ghi ro la phan dau den nam bao nhieu do, tat ca can bo dau nganh phai co bang tien si. The cho nen moi phai lay hoay bang moi cach de co cai bang la vi the!

Thái Anh on lúc 05:31 16 tháng 8, 2010 nói...

Có ông Hoàng Ngọc Hiến có được phong gì đâu mà đi đâu ai cũng giới thiệu là GS Hoàng Ngọc Hiến đấy thôi ạ!

PTN on lúc 07:52 16 tháng 8, 2010 nói...

@Titi : Trường hợp anh ấy thì khó nhỉ ? Vì là anh ấy giỏi nhất rồi thì lấy ai làm thầy hướng dẫn ? Ai ngồi Hội đồng chấm luận án cho anh ấy được...
@LU : "vẫn có những trí thức thật sự ở VN có tài năng. Nhưng những người này thì tìm được họ để lĩnh giáo ko dễ dàng. Vì họ thừa biết khả năng thật của mình, họ ko cần ai đánh bóng cho họ. " Hình như chữ "lĩnh giáo" không đúng lắm ấy nhỉ ? Vì thấy ko hợp với ý "đánh bóng" bên dưới. Chứ nếu tìm những người như thế để lĩnh giáo thật sự thì không khó đâu, trong ngành của mình, các GS đầu ngành, giỏi thật sự, mình thấy các thầy ấy giúp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh rất tận tình.

LU on lúc 08:45 16 tháng 8, 2010 nói...

@PTN : hị hị, Lu học ở xứ người đâu có học ở VN đâu?

Khi về bên đó mua sách, cái cần tìm Lu tìm đỏ cả mắt ko thấy bạn à, Lu chỉ lượm được mấy cuốn sách nấu ăn là thấy hay nhất thôi. À, có cả truyện tranh dịch cũng hơi bị hay.

Thư viện bên Mỹ những tài liệu về VN còn ít đầu sách lắm. Như vừa rồi Lu muốn tìm sách về đồ cổ của Vương Hồng Sểnh, và sách nói về kiến trúc chùa chiền hoành phi, đại phi, liễng gì gì đó thì bó tay, thư viện Mỹ ko có.

Nếu bạn gặp được thầy giỏi thì tốt rồi, nên tranh thủ mà học kinh nghiệm của họ.

Lana on lúc 09:26 16 tháng 8, 2010 nói...

Bài này quá hay. Vấn đề không chỉ là người đi mua bằng, mà là nguyên nhân vì sao nhiều người cần/ muốn mua bằng như thế?

Vấn đề là nhập nhèm gian dối trong tuyển dụng và 'ghi nhận' bằng cấp. Ở VN dùng bằng giả chủ yếu cho việc gì? trong các cơ quan nào? Vì sao trong các tổ chức/ công ty nước ngoài bằng giả ít giá trị? Trả lời câu hỏi này sẽ thấy một bức tranh không vui vẻ gì.

Vấn đề còn là nhập nhèm trong tiêu chí đào tạo và công nhận TS nhiều năm qua. Nhiều tiến sĩ bằng thật (hoàn toàn không rỏm) nhưng chẳng có nổi một công trình nghiên cứu nào thật sự. Vì thế nên TS bằng rỏm mới có thể trộn lẫn vào được chứ.

Xin nói thêm là ở các nước phát triển cũng có đủ loại trường ĐH từ trường nổi tiếng cho đến trường xoàng. Nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào ranking (độ xếp hạng) của trường để 'đánh giá' tấm bằng bạn có trong tay.

Titi on lúc 10:28 16 tháng 8, 2010 nói...

@PTN: chỉ có một người chấm được cho anh ấy nhưng lại là thầy giáo hướng dẫn nên rốt cục chả có ai đủ tầm để thẩm nghiệm công trình một lần nữa. Trường hợp như thế này mình thấy một vài lần rồi. Thường thì người chấm nhận ra ngay tài năng và hết sức tạo điều kiện cho TS tương lai bảo vệ tốt. Điểm chỉ là hình thức cuối cùng cho những công trình thực sự có giá trị và vượt ra ngoài sự hiểu biết của họ. Thậm chí, hội đồng còn giới thiệu luận án với các tạp chuyên ngành đăng lên để phổ biến những kiến thức mới cho độc giả.

Nhưng tiếc thay, ở lãnh vực mà bạn mình đang làm, hội đồng chấm luận án thay vì tạo điều kiện, lại quay ra dìm hàng và trù dập đồng chí ấy chỉ vì cái tội viết quá xuất sắc, luận điểm lại lật ngược tất cả những gì các vị kia từng theo đuổi cả đời :-P

Đỗ on lúc 12:17 16 tháng 8, 2010 nói...

Những chuyện này một thời gian dài vừa qua đã làm mất đi quá nhiều niềm tin.

Đỗ on lúc 08:01 17 tháng 8, 2010 nói...

Tuổi trẻ bữa nay: Loạn cán bộ xài bằng giả, giả chồng lên giả, xác nhận giả cho một tấm bằng giả.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết