1/3/10

NGHỊCH LÝ CỦA ĐỘNG ĐẤT



Trong vòng chưa đến hai tháng, thế giới đã chứng kiến 2 trận động đất mạnh: trận mới đây ở Chile có cường độ mạnh hơn rất nhiều so với trận động đất hôm 12.1 tại Haiti. Theo một số nguồn tin thì trận Chile mạnh hơn trận ở Haiti đến 500 lần. Nhưng có một nghịch lý là con số tử vong ở Chile chưa đến 1.000 người, tức là thấp hơn rất nhiều so với số 220 nghìn nạn nhân ở Haiti. Tại sao lại như vậy?

Hãng tin AP của Mỹ cho rằng Chile sẵn sàng ứng phó với động đất, còn Haiti thì không.

Sự sẵn sàng đó được thể hiện như thế nào? Là nước giàu có và phát triển hơn, nên Chile chuẩn bị ứng phó với động đất kỹ càng hơn. Nước này có quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn xây dựng, có hệ thống mạnh về ứng phó trong các tình trạng khẩn cấp và có nhiều kinh nghiệm xử lý những thảm họa địa chấn.


Trong khi đó tại Haiti, người dân phải sống trong những ngôi nhà có chất lượng xây dựng kém, đã thế không một ai có kinh nghiệm đối phó khi động đất xảy ra.

Thực ra thì Chile khá may mắn trong trận động đất hôm 27.2. Tâm chấn nằm ở độ sâu 34km so với mặt đất ở khu vực tương đối thưa dân cư. Trong khi đó trận động đất ở Haiti có tâm chấn nằm cách mặt đất 8km và ngay ở thủ đô Port-au-Prince. Điều đó khiến cho sức tàn phá của nó tăng lên đáng kể.

Những người sống sót sau trận động đất ở Haiti đã mô tả cảnh tượng hỗn loạn khốn cùng của người dân Haiti khi nhìn thấy những tòa nhà đổ sập xung quanh họ. Rất nhiều người ôm lấy những chiếc cột ximăng chỉ để thấy chúng bị vỡ vụn ra trong tay. Người Haiti không được dạy phải làm gì trong trường hợp đó - lẽ ra họ phải chui xuống gầm giường, gầm bàn và tránh xa những ô cửa kính.

Người Chile may mắn là có nhà cửa, văn phòng được xây dựng để "vượt qua động đất". Khung thép của các công trình ở Chile được thiết kế để "lắc" cùng với những con sóng địa chấn, chứ không phải để kháng cự lại. Ngay cả những căn nhà xây dựng cho người thu nhập cấp cũng có khả năng vượt qua địa chấn như vậy.

Còn Haiti thì lại không hề có tiêu chuẩn xây dựng. Patrick Midy, kiến trúc sư hàng đầu của Haiti cho hay cả nước này chỉ có 3 toà nhà có khả năng chống động đất.

Chỉ vài giờ sau động đất (xảy ra lúc nửa đêm), người ta đã thấy bà Michellee Bachelet - Tổng thống Chile xuất hiện và chỉ đạo trực tiếp công tác cứu nạn và khắc phục hậu quả. Còn ở Haiti, ít nhất một ngày sau người ta vẫn không biết vợ chồng Tổng thống Rene Preval sống hay chết, vì chính Phủ Tổng thống cũng bị đổ sập.

Không những thế các đài phát thanh và truyền hình, các trạm thu phát sóng điện thoại di động của Haiti cũng không thể hoạt động được khiến cho đất nước này chìm vào "màn đêm" không thông tin. Trong khi đó tại Chile, các mạng này vẫn hoạt động.

Thực tế phải thường xuyên đối mặt với động đất cũng khiến người Chile có nhiều kinh nghiệm hơn. Hầu như người Chile nào cũng ít nhất một lần trải qua động đất mạnh, trong khi người Haiti 250 năm nay không biết động đất mạnh là như thế nào.

Nhưng có một yếu tố không thể chối cãi, đó là Chile có một chính phủ mạnh và biết rõ phải làm gì, còn chính phủ ở Haiti thì quá yếu kém.


Việt Nam hầu như không bao giờ biết đến động đất mạnh. Người Việt Nam cũng không có kinh nghiệm đối phó khi động đất xảy ra. Các công trình xây dựng ở VN không rõ có bao nhiêu phần trăm có khả năng chống lại động đất, nhưng có lẽ không nhiều. Nhà ở chủ yếu do dân xây dựng, chắc không đáp ứng được tiêu chuẩn xây dựng thông thường, chứ đừng nói đến tiêu chuẩn chống động đất. Những khu chung cư từ thời 1970, những khu chung cư xây cho dân tái định cư, cho người có thu nhập thấp thì chưa cần động đất đã nứt tường, rơi trần rồi. Nền đất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại không vững...

Thử hỏi, nếu một trận động đất mạnh khoảng 5 - 6 độ Richter thôi (tức là còn thua trận động đất ở Haiti) xảy ra khu vực Hà Nội hoặc TP HCM thì không biết thiệt hại sẽ là như thế nào?


Nội dung entry này có sử dụng thông tin của hãng AP
Ảnh: Động đất ở Chile (CNN)



17 comments:

Titi on lúc 17:47 1 tháng 3, 2010 nói...

Oài, động đất ở VN nhỏ thôi mà anh. Chưa bao giờ đổ nhà cao tầng hay sao í. Nhưng mừ, tình trạng môi trường tệ dư lày, rất có thể sẽ không còn kiểu rung rung đung đưa dọa dẫm nữa đâu :-P

Em trai em là kiến trúc sư nói: Nếu có động đất, chỉ cần khoảng 6 độ thôi là cả HN thành bãi chiến trường hết. Đặc biệt là các nhà chung cư cũ và mới. Hu hu...

(Trộm vía phát)

Thuy Dam Minh on lúc 17:58 1 tháng 3, 2010 nói...

Nếu nói đến động đất, người ta phải liên tưởng ngay đến các công trình xây dựng. Chính nó là thảm họa gây chết người nhanh nhất và nhiều nhất trong động đất.
Công trình xây dựng ở Việt Nam mình có một đặc điểm như em nói là nhà ở do dân tự xây dựng là chính. Chắc chắn những tòa nhà hình ống, một trong những nền tảng sống của người Việt Nam mình không ai tính đến động đất cả.
Nói chung, phải hạn chế và tiến tới dừng hẳn việc cho phép tự xây nhà, và không cho phép xây nhà hình ống nữa. Có thế thì đất nước mới văn minh được.
Anh sang Trung Quốc, các tỉnh phía Nam, gần sát mình thôi, vốn được xem là khu vực lạc hậu nhất của Trung Quốc thì người ta cũng đã không xây nhà hình ống nữa rồi.
Mình thì ngay Thủ đô đây thôi, dân cứ xây nhà ầm ầm, nhà bé tí, yếu, xấu nữa chứ.
Chán lắm! Hic

Unknown on lúc 17:59 1 tháng 3, 2010 nói...

Hôm rồi xem tin về động đất, em cũng ngồi thắc mắc với bạn chồng: Tại sao động đất mạnh vậy mà con số thương vong ở Chile lại ít hơn nhiều so với Haiti. Tất nhiên em cũng nghĩ là họ có chuẩn bị tốt hơn và công tác cứu trợ tốt hơn nhưng hnay đọc blog anh C mới rõ.

Đúng là nhiều lúc ngồi nghĩ, nếu ko may 1 ngày nào đó VN xảy ra động đất thì người dân sẽ thống khổ ntn. Người dân chưa hề được dạy đối phó với thiên tai, mà cũng ko dám trông mong vào chính quyền cho rằng "nắng mưa là chuyện của trời".Chỉ 1 cơn đại hồng thủy thôi cũng đã cho thấy sự vô trách nhiệm của chính quyền khi ko hề thấy 1 bóng cán bộ nào ra đường chỉ đạo người dân vượt qua con nước lớn, ko có người đứng cảnh giới những hố sâu, tránh tai nạn cho người dân... TRong khi đó, ở nước Nhật, chỉ có việc 1 chiếc xe cẩu nhỏ tý đứng ở đường cho công nhân sửa bóng đèn trên cao thôi đã có hẳn 1 người đứng dưới mặc quần áo sạc sỡ và khua gậy làm nhiệm vụ cảnh báo cho các xe đi trên đường rồi :(

Ngày xưa khi mua cái nhà bây h gia đình em đang ở, bố em hồi đó rất tự hào kêu nhà này được thiết kế để chống cả động đất. Không biết có phải ông già bị chủ bán đất tán tỉnh ko mà chỉ sau có 2 năm ở gạch đã lát tầng 1 đã bị bậy hết cả lên vì lún. Bây h có cái chung cư 28 tầng xây bên cạnh, mới khởi công có hơn năm mà bao nhiêu nhà đã bị lún theo. Nản hết chỗ nói. Mà cái nhà 28 tầng đó bây h bán mèng mèng cũng gần 3 tỷ 1 căn, trong khi đó hồi nó xây dựng cả nhà em ở bên cạnh hãi hùng với chất lượng thi công, thậm chí có công nhân chết, chủ công trình phải mời thầy cúng về cầu siêu bắc loa vang cả khu Dịch Vọng.

Lana on lúc 18:01 1 tháng 3, 2010 nói...

Sau khi đọc những tin/bài so sánh độ mạnh và thiệt hại thực tế từ 2 trận động đất ở Haiti và Chile, nhiều người cũng đặt câu hỏi "nếu như ở VN...". Tự hỏi rồi lại tự biết câu trả lời. Thôi thì cùng cầu nguyện động đất nó đừng 'lan' đến VN :(

Unknown on lúc 18:03 1 tháng 3, 2010 nói...

À mà hồi mới qua đây em phải tới tòa thị chính của địa phương nơi em ở làm thẻ ngoại kiều cho người nước ngoài, đã thấy ở đó họ phát miễn phí các hướng dẫn làm thế nào khi bị động đất rồi. Chồng em nói có rất nhiều người VN qua bên này từng hoảng sợ quá mức về động đất đã nhảy cả ra ngoài cửa sổ đến nỗi gãy chân :P

Pig on lúc 18:03 1 tháng 3, 2010 nói...

ko chỉ những tòa chung cư từ 1970 hay tái định cư, e nghĩ ngay đến các cao ốc 'chất lượng cao' cũng rất nguy cơ khi có động đất xảy ra với tình trạng xây dựng hiện nay

VMC on lúc 18:06 1 tháng 3, 2010 nói...

@Titi: Một anh bạn kiến trúc sư của anh cũng nói tương tự.
@Thụy: Bác bỏ nhà ống lên nhà chung cư cao cấp. Bác đã kiểm tra xem tòa nhà đó có đáp ứng được tiêu chuẩn chống động đất chưa?
@Dứa: Thì ở SG vừa xảy ra chuyện mấy ngôi nhà bị sập vì cạnh cái nhà xây 2 tầng ngầm để làm garage đấy.

VMC on lúc 18:08 1 tháng 3, 2010 nói...

@Lana: Hy vọng là một chuyện, chuyện khác vẫn phải lo nhỡ nó xảy ra...
@Dứa: NB là nước xảy ra nhiều động đất nhất. Em đã gặp trận nào chưa? Nhớ học kinh nghiệm sau về truyền thụ nhé.
@Pika Rock: Thì anh không phải dân chuyên môn, chỉ dám nói đến thế thôi.

HwangNguyen on lúc 18:41 1 tháng 3, 2010 nói...

@ Mr VMC:
Đối với HN và TpHCM, câu hỏi của anh làm em liên tưởng đến cơ sở hạ tầng của TQ, sau trận động đất ở Tứ Xuyên, TQ vào ngày 12/5/2009.

ntd nói...

Giữa Haiti và Chile khác nhau rất nhiều:
- Chile giàu có hơn
- chính phủ Chile rất quan tâm đến vấn đề động đất, nhất là ở đây đã từng xảy ra vụ động đất lớn nhất thế giới năm 1960 (9,5 độ Richter) làm hơn chục nghìn người chết. Chile có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng về động đất, quy định xây nhà rất chặt chẽ. Ngược lại ở Haiti chẳng có quy định nào cả. Cả nước Haiti hình như chỉ có 3 ngôi nhà có thể chịu được động đất
- chính phủ Chile luôn có một kế hoạch tỉ mỉ phải làm gì khi xảy ra động đất

Theo tôi ở VN khi mà chưa có xảy ra trận động đất nào gây thiệt hại lớn thì chắc sẽ ko có sự chuẩn bị trước. Nói chung là "mất bò mới lo làm chuồng". :-(((

Unknown on lúc 20:41 1 tháng 3, 2010 nói...

Nhân topic này em cũng lấy sách ra đọc, tranh thủ chia sẻ ít kiến thức sơ lược cần làm gì khi xảy ra động đất với mọi người cho zui, vì nhiều người có thể vẫn chưa biết :D.

_ Khi xảy ra động đất, sống còn ko phải chuyện hên xui. Bạn sẽ sống sót khi có những kiến thức cơ bản nhất để đối phó với nó.
_ Việc đầu tiên là phải thật bình tĩnh. Động đất không có nghĩ là trời sụp. Chớ có hoảng loạn.
_ Khi có động đất, đừng chạy lung tung. Lập tức chui xuống gầm bàn trong nhà, đội mũ bảo hộ, hoặc lấy gối mềm đặt lên để bảo về đầu của bạn (ở ta chắc đội mũ bh quá :D). Điều này giúp tránh khỏi những rủi ro khi đồ đạc có thể bay hoặc rơi vào đầu.
_ Khi cảm thấy có động đất, ngay lập tức mở cửa nhà để đảm bảo bạn có cửa thoát hiểm khi cơn động đất ngừng. Nếu bạn ở các khu nhà chung cư, cửa có thể bị vẹo do rung lắc mạnh ko mở ra dc. Tuy nhiên nếu ko mở dc thì chớ có hoảng vì động đất mạnh chỉ xảy ra khoảng vài phút. Ở yên 1 chỗ kẻo bạn có thể mang vạ bởi chính cánh cửa nhà mình (kính, thanh sắt văng vào người...)
_ Tắt mọi ngọn lửa có trong nhà và khóa ngay vòi cung cấp gas. Nếu có lửa phát sinh hãy bình tĩnh dập bằng nước. Nếu không hết hãy hét to "Cháy" để cầu sự viện trợ từ hàng xóm.
_ Nếu bạn đang ở ngoài đường, hãy chạy ra chỗ thông thoáng. Đừng đứng ở khu đông dân cư, nhà cao tầng kẻo đất , gạch, kính...sẽ bay vào người. Cũng đừng đứng ở ven sông, đê, kè, nơi dễ xảy ra lở đất
_ Nếu phải di tản hãy di tản bằng cách đi bộ, đừng đi xe máy, xe đạp hay ô tô, tránh gây tắc đường. Mặc quần áo đơn giản, thoáng mát và mang theo những vật dụng tối giản cần thiết nhất.

Thuy Dam Minh on lúc 21:32 1 tháng 3, 2010 nói...

VMC: Thực sự là anh chẳng tin vào cái tiêu chuản chống động đất mà các nhà xây dựng Việt Nam nói đâu!

LU on lúc 21:48 1 tháng 3, 2010 nói...

Hôm qua em có nghe vụ động Chilê và gây ra sóng thần lan sang Honolulu, người bạn hỏi em còn trên đảo ko, nhưng em đã về trước 1 ngày bão tới rồi.
Tiểu bang Cali là nơi động đất như cơm bữa, giống Nhật Bản, nên bà con ai cũng rành việc phòng chống thiên tai cả. Trong quá khứ Cali đã gặp nhiều trận động đất hư hại kinh hoàng nên ngày nay họ có kinh nghiệm về xây dựng thôi (trận động đất năm 1906, rung 7.9 đã phá hủy toàn bộ San Francisco. Trận động đất phá sập cầu Golden Gate, etc...).
Không biết bên bạn Dứa là đảo hay động đất thì cách phòng ngừa ra sao, chứ dân ở Cali thì được chính quyền nhắc nhở và phong báo thường xuyên, cũng có lắc tưng bừng như lắc võng nhưng ko thiệt hại gì cả (từ 4 chấm đến 5.6 thì tụi em gặp hoài à).
Như Dứa hướng dẫn, khi gặp động đất không nên dùng thang máy, tìm một cái bàn nào đó mà chui xuống để tránh cột kèo đổ lên đầu, nếu có thể nên chạy ra ngoài bãi đất trống đừng đứng dưới tán cây. Bên này, lúc nào nghe thông báo sẽ có động đất thì trong xe hơi phải thủ sẵn 1 cây đèn pin, một ít nước uống, và ít gói mì tôm, đề phòng mình bị động đất kẹt trong xe thì có thể tự sống được vài ngày chờ người đến cứu.
Nhà cửa ở Cali được xây dựng theo dạng kiến trúc nhẹ, có sức chịu độ nghiêng và rung tốt, ít bao giờ người ta xây nhà cao như bên New York vì đất Cali là đất chuyễn. Nếu thử đấm một phát vào tường nhà sẽ thấy bên trong là gòn và chất gì đó giúp cho tường nhà và cột kèo chịu đựng được độ lắc lư của đất.
Ngay cả xây cầu ở Cali cũng theo nguyên tắc chống động đất. Em học thiết kế nhà cửa nên cũng được thầy cô hướng dẫn qua về cấu trúc xây dựng bên ngoài của kiến trúc. Ở Mỹ mỗi địa phương có tính cách xây dựng nhà cửa ngoài việc dựa trên phong tục văn hóa, nó còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết nữa. Thí dụ như tiểu bang Texas hay có lũ lụt thì nhà cửa ở đây được xây dựng chắc chắn bằng đá, có bệ đáy dày như những tường thành La Mã, để có thể chịu đựng được sức cuốn của nước.

Ở Việt Nam thì không cần đến 6 chấm đâu, chỉ lắc lư nhẹ vài cái là em nghĩ hư hại kinh dị lắm. Kiến trúc tự phát không theo quy cũ xây dựng, vật liệu chuyên dùng xi măng, dây điện dăng mắc đầy trời. Nếu lở như một ngày thiên tai ko chừa một vùng đất nào thì...nói gở một chút...dân mình sẽ gánh chịu ko nhỏ tổn thất.

lvu on lúc 21:52 1 tháng 3, 2010 nói...

Viet Nam chac hon Haiti nhung ma sach dep chay theo Chile.

MC3 on lúc 00:23 2 tháng 3, 2010 nói...

Hè năm 1983 HN có 1 trận động đất nhẹ. Khi đó mình nhớ rất rõ: mọi người đang ngồi học "nghị quyết" trong hội trường ĐHNN. Bàn ghế lung lay, thấy đầu mình tự nhiên choáng váng. Tất cả bỏ chạy hết ra ngoài.Sợ phát khiếp.

Nặc danh nói...

dong dat o vn u? rung minh k dam tuong tuong them nua anh oi.

Lê Mai Nhàn on lúc 10:49 2 tháng 3, 2010 nói...

Em hoàn toàn đồng ý với nộ dung bài viết của anh. Nhưng có một điểm ( lại chữ "Nhưng" đang ghét!), tiêu đề của bài viết. Nghịch lý? Em không cho rằng đó là nghịch lý mà là sự khác biệt, nói cho cùng là sự khác biệt trong cách quản lý của hai Nhà nước. Từ sự khác biệt đó dẫn đến một nghịch lý "bề nổi" duy nhất: con số thiệt hại sau vụ động đất. Còn cái đáng nói, đáng bàn ở đây là cách quản lý của Nhà nước. Từ cách tư duy của con người, sẽ đưa lại sự khác biệt trong mọi tình huống. Còn như VN mình, quả thật không dám nghĩ đến một ngày có động đất mạnh. Không thể chống đỡ nổi. "Cát bụi lại trở về với cát bụi" thôi!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết