14/3/10

NHÀ NƯỚC DÀNH CHO ĐÁM ĐẠI GIA SAO?



Bài viết của Andrey Dementyev về nước Nga thời hậu Xô viết

Thiếu phẩm chất chuyên nghiệp

Tôi tin rằng bất kỳ một việc làm tồi tệ nào ắt cũng không tránh khỏi sự trừng phạt. Xảy ra bi kịch “thủy điện Sayano-Shusenskoi”, các chuyên gia đang điều tra nguyên nhân, nhưng tôi lại muốn nói về việc khác: tất cả các xí nghiệp, tờ báo, tàu xe được tạo bởi nhiều thế hệ trước đó, gần đây lại có những chủ sở hữu mới, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận của bản thân chứ không buồn nghĩ đến điều này: mỗi xí nghiệp, mỗi trạm phát điện cần được thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng, thường xuyên cải tiến v.v… Mà khi đã không chịu làm những việc đó, sự cố xảy ra là đương nhiên.

Cớ sao các phương tiện truyền thông của chúng ta không chịu công bố danh sách những người thiệt mạng ở thủy điện Sayano-Shusenskoi? Chúng ta chỉ được biết về những con số thiệt hại, nhưng đằng sau đó còn là những số phận, những gia đình, những đứa trẻ cụ thể. Tại sao chúng ta lại trơ lì đến thế trước những người đồng bào xấu số của mình. Không có khoản tiền bồi thường nào thay thế nổi đâu.

Cách đây ít lâu tôi mới đi dọc vùng Trung Nga. Đầy một sự trống rỗng. Rất nhiều cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ dại um tùm, nơi trước đây, như ở Tversky quê tôi, từng trồng nên những cánh đồng lanh, lúa mạch, khoai tây rất tuyệt. Bây giờ trên các sạp hàng của ta đầy rẫy những thứ nông sản ngoại, nhập về từ Thổ Nhĩ Kỳ, từ vùng Viễn Đông và cả từ Mỹ nữa.

Chửi chế độ Xô Viết bây giờ là mốt. Tất nhiên là cũng có những lý do. Nhưng đâu rồi sức sản xuất mà những người lao động của ta đã từng sản sinh ra trong thời kỳ trước và sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại?

Tôi thấy tình hình đất nước hiện nay đã đạt đến mức khủng hoảng. Tất cả những phủ dụ, hứa hẹn, dự báo của các nhà quan chức đều không có cơ sở tự thân. Những con người sở hữu xí nghiệp, doanh nghiệp lớn thường chỉ quen thói chộp giật, chạy theo lợi nhuận trước mắt và làm suy yếu nền sản xuất. Không phải vô cớ khi ta hùng hậu về một đội quân thất nghiệp.

Một nhà kinh tế học Hoa Kỳ có nói: “Các ngài có biết nước Nga thiếu những gì và đã không thể làm được gì qua những năm cải tổ? Không biết tạo nên một hệ kinh tế”. Và ông ấy đã đúng. Ta trở thành một đất nước của những người kém chuyên nghiệp, đâu đâu cũng gặp những con người không chuyên nghiệp chỉ biết đòi chúng ta phục vụ họ, chứ không phải họ phục vụ chúng ta.

Nghề của tôi với tư cách nhà thơ là phải hướng đến mọi người. Nhưng nếu tôi làm thơ ra chỉ để xếp lên bàn thì chẳng ai đọc thơ tôi, thì cần gì đến công việc của tôi? Tính chuyên nghiệp là ở chỗ: con người đảm nhận vị trí của mình và giải quyết chính những vấn đề, những công việc mà anh ta thông thuộc qua một quá trình nghiên cứu sâu sắc. Bây giờ chúng ta đã đánh mất khá nhiều trong chuyện đó.

Tôi thường lấy những ví dụ tích cực ở Mỹ, ở Israel, hai đất nước tôi khá quen vì từng làm việc một số năm ở Israel và nhiều lần thăm Mỹ. Tổng thống Barak Obama mới trích ra gần ba tỷ USD cho mọi người thay xe hơi cũ bằng xe hơi mới, nhờ việc đó, mỗi người được hưởng độ bốn nghìn USD. Xe hơi mới là cái gì? Đó không chỉ là tiện nghi cho gia đình, mà còn là môi trường sinh thái. Ba tỷ USD trong một năm đó đã được chi xong trong vài tháng, mọi người đều muốn lên đời xe bằng tiền hỗ trợ của nhà nước. Nhờ chương trình đó mà bảy trăm nghìn người Mỹ đã sắm xe hơi mới.

Còn ở Nga thì sao? Ta đặt tin tưởng vào ATOVAZ nhưng nó chỉ xuất xưởng những con xe không có khả năng cạnh tranh, và dẫu có được rót 25 tỷ từ ngân sách thì nó vẫn là một doanh nghiệp thua lỗ. Vì sao phải rót tiền như thế? Phải tìm kiếm cách thức mà chuyển hướng sản xuất. Phải ký kết hợp tác với Nissan hoặc Ford, phải áp dụng những công nghệ hiện đại. Ta muốn tự sản tự tiêu, nhưng hiện thời mức tự sản tự tiêu của ta quá lạc hậu về kinh tế - kỹ thuật. Đó là điều rất đau đớn và rất đáng báo động.

Nhà nước dành cho đám đại gia sao?

Các quan chức của ta hiện nay là những con người chủ yếu nhất của đất nước. Có một thời nhà văn, nghệ sỹ, nhà hoạt động khoa học nghệ thuật được coi là chúa tể của lương tri. Bây giờ là ai? Là những người tiền không đếm xuể. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người nghĩ về họ như thế. Một người khá hiểu biết bảo tôi: “Bây giờ nghèo là nhục”.

Thử nghĩ mà coi, đó là thứ đạo đức gì? Và những kẻ đánh cắp nước Nga, sống một cuộc đời phè phỡn, nhìn dân thường như con ong cái kiến đã trở thành chúa tể của lương tri. Chúng ta cố sức làm lụng, cố sức chắt chiu để sống qua ngày. Họ nhìn chúng ta khinh khỉnh và nghĩ: “Chúng bay cứ kéo cày đi, còn chúng tao phải có một cuộc sống hoàn toàn khác”.

Nước Nga từ nay có hai nhà nước: Một - của nhân dân. Một của đại gia. Một nhà nước bạc tiền như nước, Một lương còm trang trải cả nhà.

Tôi không hô hào cho sự cào bằng. Nhưng chính quyền phải suy nghĩ xem. Hàng triệu người dân sẽ sống sao đây? Ấy là còn chưa nói đến những người hưu trí.

Khi nào thì có thể gọi một đất nước là vĩ đại? Đó là khi mỗi người dân nước ấy đều nói rằng mình đang sống hạnh phúc. Thiết nghĩ, bảy mươi phần trăm dân số nước Nga không thể nói điều đó. Quan liêu như ở nước Nga, tôi chỉ thấy ở ấn Độ mà thôi. Thật là kỳ quặc. Phải thu thập được bao nhiêu chứng thực mới làm được một việc gì đó. Tôi là ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Liên bang Nga, là nhà văn nổi tiếng, nhưng tôi cũng gặp những lúc khó lọt qua cửa của bọn quan liêu. Nói gì đến những người dân thường…

Xin hãy hỏi, những vị VIP hiện nay có gì khác với các nhà lãnh đạo Đảng thời Xô Viết? Tôi đã từng đến nhà vườn của tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev – đó là một tòa nhà hai tầng khá khiêm tốn. Tôi không dám cãi về chuyện các quan chức cao cấp được hưởng những ưu đãi nọ kia, nhưng những ưu đãi ấy so với tiêu chuẩn bây giờ chỉ ở mức tối thiểu một cách tội nghiệp.

Giờ hãy thử đi dọc sông Volga, sẽ thấy những dãy không phải biệt thự, mà là lâu đài. Đấy là của những ai? Của quan chức. Làm quan chức nhận độ dăm chục nghìn rub mỗi tháng, mà khu nhà vườn của vị ấy trị giá không chỉ một triệu USD.

Người Nga có câu “Người no đâu biết lòng kẻ đói”, nếu như những vị hiện nay đang chễm chệ ngôi cao chí ít mỗi tuần ghé vào một nhà của 3-5 triệu dân thường đang sống một cuộc sống tồi tàn, họ hẳn hiểu ra một điều gì đó. Nhưng hiện tại “có tai như điếc có mắt như mù”. Tôi cho rằng phải có một chính sách thuế tích cực. Không nên thu 13% từ một người chỉ nhận được 6 nghìn rub, phải thu từ người kiếm được 2-5 triệu USD mỗi tháng.

Trong một cuộc gặp gỡ với M. Gorbachov, tôi có nói: “Vô lương tâm nhất ở đất nước ta hiện nay là chính trị. Cái duy nhất hy vọng có thể liên kết, tập hợp, cứu rỗi được con người – đó là văn học nghệ thuật. Bởi vì văn học nghệ thuật là vô tư, là hào hiệp và nhằm đến tâm hồn con người”. Khi đó, M. Gorbachov đã đồng ý với tôi: “Anh nói đúng đấy. Chính trị là thứ vô đạo đức, mặc dầu chúng tôi đang cố gắng thay đổi nó một ít”.

“Khủng hoảng của trái tim”

Tôi luôn luôn là người lạc quan, nhưng thời gian gần đây, tôi không còn đủ lãng mạn nữa, vì tôi thấy những gì đang diễn ra chung quanh… Tôi thường nhận được rất nhiều thư, chủ yếu là những thư nhờ cậy, than vãn, rên rẩm, tuyệt vọng. Là một người trung thực, tôi thấy mình có lỗi trước những con người đó, mặc dầu tôi không phải tổng thống hay thủ tướng.

Chúng ta đến với thế giới này, cuộc đời này để sống một cách chính trực, đẹp đẽ, hạnh phúc. Vậy mà có những mối hôn nhân tan vỡ, những ông bố bà mẹ đày đọa con cái, những đứa cháu giết chết người già để cướp lấy tiền – tất cả những chuyện đó thật là khủng khiếp, tất cả những chuyện đó đều xuất phát từ nỗi tuyệt vọng. Nó xuất phát từ chỗ: khi môi trường tinh thần chung quanh càng tăm tối, con người cũng độc ác theo.

Và nhiều người muốn dìm nỗi bất hạnh của mình vào rượu. Đó là vấn đề của mọi vấn đề, là vấn nạn dân tộc. Do hậu quả của rượu, trên thế giới mỗi năm hụt đi 4% dân số. Ở nước Nga, hẳn con số đó lớn gấp nhiều lần. Trong nhân dân không còn niềm hy vọng.

Lặp lại trên màn hình: hận thù, máu me và bạo lực, Cũng tự màn hình ló ra một cô gái trần truồng để khiến ta quên Rằng cuộc khủng hoảng ẩn tàng lâu nay ở Nga đã hiện, Không phải ở nhà băng hay hãng, mà ở ngay những trái tim tan vỡ mộng lành.

Nếu như chúng ta không ngăn chặn và không biết vượt qua cuộc khủng hoảng của trái tim, khủng hoảng của tinh thần, văn hóa và các lý tưởng dân tộc, chúng ta sẽ thua.

Thỉnh thoảng, ngồi trong xe, tôi bật nhạc và thốt lên: “Trời ơi, sao tầm thường như thế này! Sao lại có thể đưa những thứ như thế lên làn sóng, sao chúng ta lại phải nghe những thứ đó?” Nhưng vấn đề ở đây lại ở một ý nghĩa rộng lớn hơn. Chúng ta đã không còn là vị quan tòa của chính mình. Những cái đó đều xuất phát từ sự thô lậu và thiếu giáo dục. Nhưng vẫn có những nét trong tính cách Nga đã không hề mai một và trường tồn, gieo vào lòng tôi một niềm lạc quan.

Nói đến người Nga là nói đến sự gắn bó với đất quê hương, với Tổ quốc. Nước Nga đã rơi vào những thời kỳ nặng nề nhất, chẳng còn thiếu gì: có thời tối tăm, vua chúa, chiến tranh và Stalin, rồi tù ngục. Nhưng nước Nga đã đứng lên từ tro tàn như Phượng hoàng trong truyền thuyết. Bởi vì nước Nga là một đất nước vĩ đại, có một lịch sử vĩ đại vô song trên thế giới này. Và con người của chúng ta đa số là hồn hậu, có lương tâm, tính kiên trì nhẫn nại thì thực là hiếm có. Cầu trời để những phẩm chất đó được bảo tồn mãi mãi trong chúng ta.

Tôi có một bài thơ bắt đầu bằng câu “Người Nga bây giờ đã ly tán” – đó là một bất hạnh lớn. Trong một chương trình truyền hình, tôi đã phê phán thẳng Zhirinovsky (chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga từ năm 2000 - ND) về chuyện quy thành tiền tất cả các khoản đãi ngộ. Cuộc đó, tôi nhận được sự ủng hộ đầy đủ: 87.000 người bỏ phiếu thuận cho tôi, trong khi ông Zhirrinovsky chỉ nhận được vài nghìn phiếu.

Chính khi ấy, những người về hưu đã đổ ra đường với khẩu hiệu phản đối việc quy thành tiền. Và nhà nước đã tìm ra nguồn tiền để trích ra trợ giúp những người già cả. Nghĩa là, để cho chính quyền chịu nghe chúng ta, chúng ta phải dõng dạc lên tiếng. Một người nói thì không nghe thấy, trăm người nói thì đã không thể làm ngơ. Hàng triệu người đồng thanh sẽ càng hiệu quả hơn nữa.

ĐĂNG BẨY dịch

_____
Andrey Dementyev (sinh năm 1928) vẫn là một trong những nhà thơ Nga được tìm đọc nhiều nhất. Thơ ông đã được xuất bản thành 50 tập, phổ thành hơn 100 ca khúc, trong đó những bài Niềm chung thủy của thiên nga, Ngôi nhà ông cha, Những trái táo trên tuyết, Bài ca về người mẹ, Thú thực… đã trở thành tác phẩm kinh điển của ca khúc hiện đại.

Khi làm tổng biên tập tạp chí Tuổi trẻ hồi những năm 1980, A. Dementyev đã phát hiện và nâng đỡ rất nhiều tài năng văn học trẻ, thậm chí phải dùng uy tín của mình để bảo lãnh cho cả những tác giả có vẻ như nằm ngoài khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa truyền thống. Nhà thơ lại có nhiều năm công tác trong ngành phát thanh – truyền hình và luôn luôn tích cực tham gia các hoạt động của đời sống xã hội.


Nguồn: Báo NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Andrei Dmitrievich Dementiev -Wikipedia tiếng Việt



9 comments:

Titi on lúc 23:38 14 tháng 3, 2010 nói...

Hic...thời kỳ đau thương của nước Nga vẫn chưa hết. Mờ hình như còn phải đau nhiều lắm vì không gì khó khăn hơn việc đứng nhìn các giá trị một thời bị nhấn chìm vô phương cứu vãn :-(
Rất đồng ý với tác giả bài viết về những chân giá trị cần thiết của văn học nghệ thuật đối với đời sống tinh thần con người. Chỉ tiếc rằng , trong xã hội như Nga và VN hiện nay, rất nhiều người vẫn phải vật lộn vì sinh nhai, vì tồn tại thì văn học nghệ thuật bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Không có cuộc sống tinh thần, con người khác chi loài cầm thú. Thật là tang thương :-(

Nặc danh nói...

KÍNH GỬI TRƯỞNG LÃO !
Xưa nay ngu đệ vốn nghèo hèn, không nhà không cửa, hàng ngày chỉ biết lang thang trên mạng, thèm thuồng “nghía” nhà này, “dòm” nhà kia, thỉnh thoảng cũng còm ròm vài câu, nhưng vốn tự ti nên không dám xuất đầu lộ diện.
Nay ngu đệ tùng tiệm dựng được “căn nhà”, trước để rước bậc trưởng lão tới chơi, sau dùng để làm nơi chong đèn đọc sách. Vì mới ra cửa nhà, nên tài sản cũng rất đơn sơ, không có gì đáng giá. Rất mong được trưởng lão rộng lòng lượng thứ xem qua. Cũng vì mới tham gia làng blog, nên còn “trẻ người non dạ” mọi cái vẫn còn ngơ ngác lắm, vì thế cũng rất mong trưởng lão cầm tay chỉ giáo để ngu đệ được học hỏi, nhằm làm cho cửa nhà ngày càng sung túc. Hôm nay, nhân lễ “Tân gia”, ngu đệ trân trọng kính mời bậc trưởng lão tới chơi nhà, không có gì ngoài một vài miếng trầu, dăm ba chén rượu nhạt, mong trưởng lão đừng vì thế mà quở trách kẻ hèn này.
Ngu đệ rất lấy làm hạnh phúc và sung sướng lắm lắm nếu được trưởng lão ghé thăm và để lại vài dòng lưu bút. Đây cũng là cách có phương tiện để ngu đệ lần theo vết tích tới thăm nhà trưởng lão.

Ngu đệ quan niệm không kể tuổi tác, nghề nghiệp ngoài đời và cũng không kể đó là nam phụ hay lão ấu. Miễn xuất gia trước đều là bậc trưởng lão đối với ngu đệ.

Kính chúc các bậc trưởng lão vạn thọ vô cương

Ngu đệ kính!

LU on lúc 01:29 15 tháng 3, 2010 nói...

Một nhà kinh tế học Hoa Kỳ có nói: “Các ngài có biết nước Nga thiếu những gì và đã không thể làm được gì qua những năm cải tổ? Không biết tạo nên một hệ kinh tế”. Và ông ấy đã đúng. Ta trở thành một đất nước của những người kém chuyên nghiệp, đâu đâu cũng gặp những con người không chuyên nghiệp chỉ biết đòi chúng ta phục vụ họ, chứ không phải họ phục vụ chúng ta. <-- em thích đoạn này. Em thích tính thực tế không lý thuyết suông của khối tư bản hơn. Ai chê Obama nhưng em vẫn thấy ông ấy hay. Hay vì tính quan tâm đến nhiều mối lo thực tế của người dân, mặc dù có những điều ông ấy ko hẳn thực hiện hòan toàn thành công như mong muốn.
Vụ xuất tiền bù lỗ cho dân chúng mua xe không những vì lý do bảo vệ môi trường, mà nó còn làm thúc đẩy sức bán của xe hơi do người Mỹ sản xuất.
Việc khủng hoảng những hảng công ti xe hơi cá mập được ông ấy giải quyết cũng khá ổn, cho marry với công ti xe Italy.
Việc vận động y tế cho dân chúng, và mới đây tuy nước Mỹ vẫn đang khủng hoảng nhưng ông ta đã đề nghị chi cho mỗi người dân được nhận lại tiền thuế $400, và cũng rất công bằng nhá, lương của ai cao hơn 75,000 dollars thì miễn.
Nhưng với mức lương như thế thì nên đóng thuế lại cho chính phủ là công bằng xã hội rồi. Lúc em còn đi học, sinh viên nghèo nên mỗi năm em được chính phủ chu cấp gần 20,000 dollars để học free. Khi em học xong ra đi làm đóng thuế lại, theo em thì điều này hòan toàn công bằng.

Đây là một vòng tròn kinh tế rất hay, lấy tiền người dư dã nuôi lại những người thiếu thốn. Tiền thuế sẽ được chính phủ dùng để nuôi người già, tàn tật, trẻ em bất hạnh, sinh viên nghèo, xây dựng cầu đường, những công trình phúc lợi chung, ect...

Muốn xã hội phát triển thì phải có một vòng tròn kinh tế như thế. Có thực mới vực được đạo, tạo cơm no áo ấm cho dân trước thì đời sống tinh thần sẽ hướng đến những giá trị cao hơn.

Tác giả nói đúng, có phê phán có chửi bới chế độ cũng chẳng làm được gì? tại sao ko dừng lý thuyết lại mà thực hành thực tế một chút? mình kêu rên đói nhưng mình cứ nằm chờ...chờ sung rụng chờ đến bao giờ?

Lana on lúc 07:54 15 tháng 3, 2010 nói...

Sự trăn trở của một người có tầm, mọt bài viết thật sự xuất phát từ khối óc và trái tim.
"Người no đâu biết lòng kẻ đói"... "Tôi luôn luôn là người lạc quan, nhưng thời gian gần đây, tôi không còn đủ lãng mạn nữa vì tôi thấy những gì đang diễn ra chung quanh..."
Đọc, và chỉ còn biết cúi đầu.

Penpen on lúc 08:41 15 tháng 3, 2010 nói...

1. Quan liêu như ở nước Nga, tôi chỉ thấy ở ấn Độ mà thôi. Thật là kỳ quặc. ==== > bác này chưa đến Việt Nam rồi
2. Trông người lại ngẫm đến ta , ta thậm chí còn thảm hại hơn cả họ . Đất nước ta không chỉ nằm trong tay đại gia , mà đang tiến tới nằm trong tay ngoại bang . Những sân golf , resort xây lên bằng cách chiếm đất của nông dân là để dành cho TÂY , cái gì ngon nhất cũng để dành cho TÂY , gái đẹp cũng để cho TÂY chén . Tại sao chúng ta chịu cúi đầu trước TÂY đến thế ? Xin thưa , vì TÂY có tiền , xã hội tôn sùng đồng tiền một cách ngu dốt .
3. "Chửi chế độ Xô Viết bây giờ là mốt. Tất nhiên là cũng có những lý do." ----> Trong cơn kích động khi chia tay người chồng cũ , người vợ thường đổ tất cả mọi lỗi lầm xấu xa nhất lên đầu anh ta mà quên đi mất rằng ít ra anh ta cũng là một phần trong ký ức cô, cũng là người đã chia ngọt sẻ bùi với cô trong một khoảng thời gian .Ở ta , sau đổi mới hình thành một tâm lý phủ định sạch trơn những giá trị từ thời bao cấp .Người ta dẫm đạp lên cái cũ rồi chạy theo cái mới mặc dù chẳng biết nó hình thù thế nào , ưu nhược ra sao .
4. " Cái đẹp cứu rỗi thế giới " - câu nói của Dot vẫn còn thấm thía

Penpen on lúc 08:42 15 tháng 3, 2010 nói...

theo dõi blog bác đã lâu , hôm nay xin phép có ý kiến .

Thuy Dam Minh on lúc 08:49 15 tháng 3, 2010 nói...

1. Dù không được hưởng bất kể một thứ gì của chế độ Xô-Viết, nhưng tôi cực ghét những ai la lối, chê bai Chế độ Xô-Viết ngày trước. Những gì là nền tảng có thể có được từ ngày ấy, tôi nghĩ, chẳng bao giờ có thể mất đi được.

2. Nhà nước dành cho đám đại gia sao? Có vẻ Andrey Dementyev đang xúc động quá. Tôi nghĩ, không Nhà nước nào dành cho đám đại gia cả, mà thực chất là đám đại gia đang khống chế (không phải, đang cầm lái thì đúng hơn) Nhà nước. Điều này, tôi nghĩ không hẳn ở Nga đâu. Mỹ, Nhật hay bất kể một quốc gia nào cũng có những vấn đề tương tự.

3. Đừng nói xấu, đừng chê bai quá khứ tốt đẹp (và có thể là chưa tốt đẹp nữa) nhưng cũng đừng tiếc nuối nó quá. Xã hội nào cũng phải nhìn về phía trước để đi tới mà. Tôi nhớ người Nga có một bài hát rất hay, tên là Tất Cả Cuộc Sống Là Ở Phía Trước. Bài hát hay và rất ý nghĩa.

Nặc danh nói...

"Muốn xã hội phát triển thì phải có một vòng tròn kinh tế như thế." - Mỗi một quốc gia có một hoàn cảnh thực tiễn khác nhau, nếu đem so sánh chính sách an sinh xã hội của Mỹ với Thụy điển có thể được, so sánh với Nga hay Việt Nam thì không thể bởi ở hai quốc gia này, tham những là đại nạn. Thử hỏi nếu chỉ sống bằng đồng lương, ông tổng này, ông phó nọ có tiền mua xe hơi mà đi hay không?

QUANG DONG on lúc 15:20 15 tháng 3, 2010 nói...

Nước Nga đang ở giai đoạn đầu của CNTB.VN cũng gần như thế,Cả 2 lại độc quyền về chính trị nữa(Nước Nga có khá hơn 1 chút là cho đa Đảng hình thức).

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết