26/1/08

XEM BALLET NGA CÙNG NGHỆ SĨ NHÂN DÂN



Đêm Gala Concert of Russian Ballet Stars duy nhất diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội 26.1.2008. Trời rét đậm khiến cho bối cảnh đi xem có phần nào giống với đi xem ở Nga, chỉ khác là không có tuyết. Người Nga đi xem ballet hay opera đều ăn mặc siêu lịch sự. Đàn ông complet cà vạt rất nghiêm chỉnh, phụ nữ bao giờ cũng váy áo là lượt y như đi vũ hội. Tuyệt đối không có người mặc quần jeans và những đồ "bụi phủi" vào nhà hát.

Một lần đi nhà hát vào mùa đông, thấy phụ nữ Nga đều xách theo một túi nhựa. Trời rét cô nào cô ấy đều mặc măng tô, đi bốt cao đến đầu gối. Vào đến bên trong nhà hát, các bà các cô (và cả các ông nữa) đều cởi măng tô ra gửi vào chỗ gửi đồ. Bên trong cái túi nhựa mà các bà các cô mang theo là đôi giày cao gót. Họ cởi đôi bốt cao ra, đi đôi giày cao gót vào và sải bước kiêu hãnh vào khán phòng. Mở ngoặc đơn nói thêm là trong các ngôi nhà của Nga có hệ thống sưởi bằng nước nóng, nên rất ấm áp.

Quay trở lại đêm Gala Ballet Nga ở Hà Nội. Nhìn chung dân tình đến xem đều ăn mặc đẹp. Tuy nhiên, ai cũng sù sụ măng tô, jacket vì NHL Hà Nội không có nơi gửi quần áo, hơn nữa bên trong nhà hát cũng khá lạnh.

Một rừng người mẫu cao 1.7m trở lên đứng đón khách từ cửa nhà hát. Mỗi người được mời một ly champagne Nga hảo hạng. Giấy mời ghi 19.30 bắt đầu, nhưng người Hà Nội không quen đi xem vào thời điểm dở giăng dở đèn ấy nên tới lúc đó cả khán phòng mới chỉ lấp được 1/3.

Thực ra công chúng Hà Nội ít ai biết đến đêm gala của các ngôi sao ballet đến từ hai nhà hát hàng đầu của Nga (và cũng là của thế giới) là Bolshoi Theatre và Stanislavsky Theatre. Nhà tài trợ chính - Quỹ Altimo của Nga hình như cũng không có nhu cầu quảng bá mạnh về sự kiện này, vé không bán mà được phân phát cho các VIP, các doanh nghiệp đối tác và một số ít người có dây mơ rễ má với Nga.

Khán giả suốt ruột phải vỗ tay ba lần đêm diễn mới mở màn. Đúng vào 8h như thường lệ. Tuy hơi bực một chút, nhưng người ta cũng quên ngay và đắm chìm vào vũ khúc Tango mở màn do hai nghệ sĩ Pershenkova và Malenko biểu diễn. Rõ ràng đây là thứ ballet rất khác, quyến rũ, huyền ảo và mê hoặc.

Sân khấu NHL HN không trang hoàng lộng lẫy gì, chỉ có tấm phông trắng biến ảo theo từng cách chiếu đèn mầu, nhưng khán giả như lạc vào thế giới cổ tích với những thiên thần đang bay lượn.

Khán giả Hà Nội tỏ ra rất sành điệu trong thưởng thức, những tràng vỗ tay kéo dài đến rát cả tay, những tiếng "ồ" đồng thanh thán phục và những tiếng kêu "Bravo" khiến các ngôi sao ballet Nga trình diễn thăng hoa và bay bổng hơn. Có lẽ ở các thủ đô khác, người ta cũng chỉ vỗ tay và tán thưởng đến thế mà thôi.

45 phút của phần một trôi qua rất nhanh. Khi MC tuyên bố nghỉ giải lao 25 phút và đèn bật sáng trở lại thì tôi phát hiện ra khán phòng của NHL đã không còn một chỗ trống. Người Hà Nội hoá ra là không phải không mặn mà với văn hoá đỉnh cao, họ chỉ đến muộn mà thôi.

Một điều thú vị nữa mà vị khán giả ngồi cạnh tôi phát hiện ra là trên sân khấu không có logo to tướng của nhà tài trợ đập vào mắt khán giả. Quỹ Altimo hẳn phải tốn hàng chục nghìn USD để đưa các ngôi sao ballet đến Hà Nội, nhưng họ đủ văn hoá và lịch lãm để không chăng cái tên của mình to tổ chảng lên sân khấu. Chỉ có dòng chữ Altimo khá khiếm tốn đính trên giải băng của lẵng hoa đứng nép vào cánh gà bên trái.


Khi phần hai bắt đầu, tôi nhận ra một nữ nghệ sĩ nhân dân múa lách vào hàng ghế ngay sau lưng tôi. Chị là một trong những nghệ sĩ mà lâu nay tôi khá kính trọng về cả sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật lẫn trên cương vị nhà quản lý.

Đèn tối dần, nhạc du dương nổi lên. Và đúng lúc ấy thì tiếng chuông điện thoại cũng nổi lên. Và một giọng nữ quyền lực vang lên, không to, nhưng đủ để những người ở mấy hàng ghế xung quanh nghe thấy: "Allo, tôi nghe đây". Một vài người, trong đó có tôi quay lại để nhìn xem ai vừa cất tiếng. Thì ra đó chính là chị, nữ nghệ sĩ nhân dân khả kính.

Trong 5 phút tiếp theo, chị nghe và chỉ đạo (chắc hẳn là người dưới quyền) về những việc cần làm. Chắc là việc gấp, nên chị mới buộc phải vừa xem vừa chỉ đạo như vậy. Cuối cùng chị nói: "Đấy, đang ở NHL xem ballet của Bolshoi Nga. Làm dở cả chương trình của người ta". Rồi chị tắt máy. Tiết mục mở đầu phần hai được chúng tôi thưởng thức như ăn phải cơm sượng.

Nhưng như thế chưa hết. Suốt cả 45 phút còn lại, thỉnh thoảng chị lại bình luận với những người ngồi cùng: "Đấy, múa cổ điển bao giờ cũng phải làm kỹ. Không làm hàng giả như múa dân gian hay múa đương đại được. Nghệ sĩ múa cổ điển phải chính xác đến từng chi tiết, phải cảm thụ toàn vẹn âm nhạc" v.v và v.v... Những lời lẽ rất hay, nhưng nếu ở giảng đường thì phù hợp hơn.

Tôi cố loại những bình luận của chị như những tạp âm. May mà sự điêu luyện của các nghệ sĩ ballet Nga đã cứu vãn buổi biểu diễn.

Chị không phải là người duy nhất như thế. Mấy năm trước, đi xem một buổi hoà nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng thấy một nữ quan chức khá cao của ngành điện ảnh thản nhiên nói chuyện điện thoại trong khán phòng. Nữ quan chức này cũng đi học ở Nga về, nhưng hình như chị không theo học văn hoá nhà hát.

Tôi cứ băn khoăn, không hiểu hồi nữ Nghệ sĩ nhân dân kia còn múa, chị sẽ có phản ứng thế nào, nếu dưới khán phòng người ta nghe điện thoại di động. Câu trả lời rất đơn giản: Thời đó khán giả làm gì có điện thoại di động mà nghe!

Ảnh: Ksenia Kern và Smolyaninov Alexander trong trích đoạn từ ballet "Don Quixote"

Blog counter

3 comments:

hanhfm on lúc 02:22 22 tháng 2, 2010 nói...

Lại thêm 1 bài viết về Múa rất hay nữa mà muốn xin phép bạn được sử dụng.
Câu này khiến tôi thật sự thích thú và hơi có chút buồn cười:
"Người Hà Nội hoá ra là không phải không mặn mà với văn hoá đỉnh cao, họ chỉ đến muộn mà thôi."

Thuy Dam Minh on lúc 21:53 30 tháng 8, 2010 nói...

Đúng thế! Người Hà Nội rất hay, họ chỉ không đúng giờ một tí thôi.
Anh rất là muốn dựng lại một phòng trà ca nhạc theo đúng tinh thần của những năm cuối của thập niên 30 thé kỷ trước. Em thấy sao?

VMC on lúc 22:20 30 tháng 8, 2010 nói...

@A Thụy:
E cũng không rõ phòng trà thập niên 1930 như thế nào? Anh có biết mô hình không?

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết