27/1/08

24 NĂM CHỜ CHỒNG



Sáng Chủ nhật, chúng tôi tiễn đưa một cựu đồng nghiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà Phan Dung ra đi ở độ tuổi 83.

Tôi không biết bà. Khi tôi đến làm việc ở báo năm 1992 thì bà đã nghỉ hưu được 16 năm rồi.

Nghe nói thời còn con gái, bà đẹp lắm. Bác Lý Sinh Sự, nhà báo lỗi lạc, cũng mới về hưu được vài năm nay, còn nhớ năm 1966 khi đến làm việc ở nhà 51 sau khi tốt nghiệp đại học đã gặp bà khi đó mới 41 tuổi. Bác Lý nói: "Xét đến tận bây giờ thì không có ai đẹp như bà".

Bà là nhà báo tận tuỵ, có một thời gian dài giữ vai trò Trưởng Ban Bạn đọc. Với cái tâm trong sáng, bà đã giúp bảo vệ quyền lợi của rất nhiều người lao động. Bác Đình Hằng, một nhà báo thời đó nhớ lại: "Thỉnh thoảng trên bảng báo tường nhà 51 thấy dán những bức thư chữ viết siêu vẹo, đầy lỗi chính tả nhưng nội dung lại vô cùng cảm động. Đó là những lá thư cảm ơn Ban Bạn đọc và nhà báo Phan Dung đã kịp thời can thiệp để quyền lợi chính đáng trở lại với tập thể công nhân".

Nhưng bà lại trở thành huyền thoại ở một khía cạnh khác.

Năm 1952 khi còn ở chiến khu Việt Bắc, bà đã tiễn người chồng là ông Trần Minh Trung (tức Bình) lên đường vào chiến trường miền Nam, hoạt động công khai. Khi đó ông bà chưa có con và bà bắt đầu chặng đường dài chờ chồng.

Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt và đầy ra Côn Đảo. Bà không nhận được một lá thư nào, một dòng tin nhắn nào từ người chồng yêu dấu suốt 24 năm. Bà chỉ nghe những thông tin không chính thức là ông đã hy sinh. Nhưng bà vẫn chờ, ngay cả trong những thời khắc tuyệt vọng nhất, ngay cả trước những sóng gió dữ dội nhất...

Một năm sau ngày đất nước thống nhất, một đồng nghiệp tất tả đến báo tin với bà: "Anh Bình vừa được đưa ra khu nghỉ dưỡng Quảng Bá (Hà Nội)". Bà cười: "Chú cứ trêu tôi làm gì? Anh ấy hy sinh từ lâu rồi". Người đồng nghiệp phải ra sức thuyết phục bà mới chịu đạp xe lên Quảng Bá. Và ở đó bà không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ông, vẫn còn sống, nhưng sức khoẻ đã tàn tạ.

Năm đó bà đã 51 tuổi, hạnh phúc quay trở lại thật muộn màng. Tất cả bạn bè và đồng nghiệp đều thấy xót xa cho họ vì tuổi trẻ đã qua đi và họ không thể nào có con được nữa. Ông bà đành chấp nhận chăm sóc nhau cho đến cuối đời.

Hơn chục năm nay, khi tuổi cao sức yếu, ông bà bán nhà riêng, dọn vào nhà dưỡng lão để có người chăm sóc và được nương tựa vào những người bạn già.

Nhưng trong đợt giá lạnh nhất của 12 năm qua, bà đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại ông một mình trên cõi đời này. Vậy là một huyền thoại đã ra đi...

Entry này là một nén hương mà tôi thắp lên với mong muốn hương hồn bà được an nghỉ nơi chín suối.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết