Tuấn nhắn tin cho tôi: "Lúc nào anh rảnh, vào website báo Quân đội Nhân dân xem bài "Hai "mảnh vỡ" ghép lại nhé. Đó là bài viết của em về chính gia đình em. Em muốn anh biết phần nào đó về hoàn cảnh của bỗ mẹ và hai anh em em".
Và đây, tôi vừa tìm thấy bài đó. Xin mang sang đây để mọi người cùng đọc.
Cuộc đời khéo se sắp cho hai người đến với nhau, đó chính là bố mẹ tôi. Bố Nguyễn Ngọc Đỉnh quê xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, mẹ Trương Thị Dùng quê Lộc Tân, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Họ gặp nhau tại Đoàn điều dưỡng 585 đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Anh em tôi vẫn thường gọi vui hai người thân sinh ra mình là hai “mảnh vỡ” ghép lại vẫn không thành một cơ thể hoàn chỉnh, bởi cả cha, mẹ đều là thương binh nặng hạng 1/4, mất 81% sức khỏe và có tiểu sử cuộc đời khá đặc biệt…
Gia đình tôi
Mỗi lần nhìn vào đôi mắt mẹ là lòng tôi lại trào dâng xúc cảm. Đôi mắt ấy nói lên tính tình của người phụ nữ chân chất, nặng tình cảm, thủy chung và giàu lòng vị tha. Nhưng cũng đôi mắt ấy chứa đựng bao ưu phiền, khổ hạnh. Có những đêm tôi nằm trăn trở và nghĩ rằng, không hiểu vì sao ông trời lại dồn vào mẹ tôi nhiều nỗi truân chuyên đến vậy!
Quá nửa đời người, mẹ tôi vẫn chỉ có hai anh em tôi là máu mủ ruột rà duy nhất trên cõi đời này và người bạn đời cùng hoàn cảnh chia sẻ buồn vui cùng năm tháng. Bà không biết nguồn cội, không biết mình được sinh ra từ đâu, cha mẹ đẻ là ai và dòng tộc đang ở nơi nào? Mỗi lần ngồi nhớ lại, mẹ tôi chỉ mang máng rằng vào một ngày của những năm đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước, mẹ được chuyển về sống với gia đình ông bà ngoại nuôi hiện nay quê ở xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 2-1968, giấu ông bà ngoại nuôi, mẹ tình nguyện đăng ký đi bộ đội. Đơn vị của mẹ thuộc đại đội 44, công trường 10, Ban xây dựng 67, Đoàn 559, đóng quân sâu trong rừng Trường Sơn để tiếp vận cho tiền tuyến đầy máu lửa. Ngày 17-1-1973, bom Mỹ ném trúng khu vực đơn vị mẹ đóng quân. Mẹ bị thương nặng, sự sống tưởng như không thể vượt qua nổi. Bà phải nằm liệt trong quân y viện suốt gần hai năm và ít nhất có hai lần người ta đã phải đưa mẹ vào nhà xác. “Ông trời không cho mẹ chết. Trước khi rời quân y viện, các bác sĩ kể, cứ mỗi lần họ đưa mẹ vào đến nhà xác thì tim lại hồi sinh, đập thoi thóp rất nhẹ. Gần hai năm điều trị vết thương, mẹ phải lên bàn mổ bao lần chẳng thể nào nhớ được” - mẹ kể. Những tàn tích của chiến tranh còn lại trên cơ thể mẹ được ghi rõ trong kết quả giám định thương tật (đa chấn thương, mẻ khung xương chậu, ảnh hưởng cột sống, tồn tại một mảnh bom cuối xương cột sống, thị lực còn 5-6%)… Những vết thương đó cho đến tận ngày hôm nay vẫn đang giày vò thể xác mẹ.
Mẹ tôi ở vùng biển, cha tôi lại sinh ra lớn lên trong một gia đình ngư dân có đến 9 người con sống bên dòng sông Mã đoạn chảy qua xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc. Đời mẹ nhọc nhằn bao nhiêu thì đời cha cũng gian truân bấy nhiêu. Chớm tuổi thành niên, bố tôi nhập ngũ vào đơn vị c1, d832, e15, Quân khu Hữu Ngạn. Ông đi “B” ngày 28-12-1974. Trong trận chiến ác liệt vào những ngày đầu tháng 3-1975, đơn vị của bố tôi đã rơi vào ổ phục kích của địch. Lửa đạn chiến trường đã lấy gọn đi con mắt trái của cha, mắt phải thị lực giảm chỉ còn 2/10. Ngày đất nước tràn ngập niềm vui thống nhất, thì ông phải sống trong bệnh viện, chờ phẫu thuật. Đến tận bây giờ, ông vẫn cứ tiếc: “Cha tiếc mãi, mình bị thương nên đã không kịp được chứng kiến không khí hào hùng của cả dân tộc trong ngày vui đại thắng”.
Đối mặt với thử thách
Cha tôi vẫn thường tự hào với “chiến công” khi “cưa đổ” mẹ tôi trong thời gian hai người cùng an dưỡng tại Đoàn 585. Bởi mẹ là “mì chính cánh” trong số hơn một nghìn thương binh nặng ngày ấy.
Hai cuộc đời chất chứa nhiều nỗi niềm gặp nhau đã nhanh chóng “bùng nổ” một tình yêu cháy bỏng. Đó là sự đồng cảm về hoàn cảnh, sự chia sẻ và dìu dắt nhau trong mất mát thương đau để đám cưới của họ được tổ chức vào năm 1976. Lớn lên, anh em tôi vẫn thường nghe mẹ kể: “Mặc dù rất yêu cha nhưng mẹ không dám tin là mình còn có thể sinh đẻ được nhưng vì chẳng có ai là ruột rà máu mủ nên mẹ mới cố dấn thân bước chân vào đời. Mẹ nghĩ hai người cứ về sống với nhau khoảng 3 - 4 năm mà không có con thì chính mẹ sẽ chủ động ra đi để giải thoát cho bố.
Ông trời còn dành cho mẹ một ơn huệ. Kết quả đầu tiên của tình yêu giữa hai người đồng chí ấy chính là tôi, người viết câu chuyện này. Vì bị thương tật mẻ khung xương chậu nên mẹ không thể sinh tôi một cách bình thường mà phải về bệnh viện tuyến tỉnh mổ lấy tôi ra. Một thằng con trai bụ bẫm đã làm lòng mẹ ấm lại. Các bác sĩ nói, sinh được tôi là kỳ tích rồi, nên làm kế hoạch để bảo toàn tính mạng, nhưng mẹ không nghe vì muốn sinh thêm một đứa con nữa. Năm 1980, mẹ năn nỉ cha tôi “cho em sinh thêm một lần nữa để thằng cu nó có anh có em”. Cha không muốn sinh thêm (trộm vía em tôi) vì sợ điều bất trắc xảy ra ông sẽ phải ân hận suốt đời. Trước sự nằng nặc của mẹ, cha đành chiều lòng bà. Cả hai lần sinh con là cả hai lần mẹ tôi phải lên bàn mổ. Khi mẹ sinh em gái Nguyễn Thị Thúy, tôi vừa tròn 4 tuổi. Cha mẹ gửi tôi cho ông bà nội chăm hộ còn hai người tự đưa nhau về Bệnh viện K71 sinh con. Trước khi lên bàn mổ sinh em Thúy 4 ngày, mẹ đòi bố về đón tôi xuống cho bà được nhìn thấy mặt, vì “nhỡ không may có điều gì đó xảy ra em cũng được nhìn thấy mặt con cho khỏi ân hận”. Mọi chuyện đã không xấu đến mức như mẹ nghĩ. Bà sinh hạ, mẹ tròn con vuông và sớm bình phục sức khỏe.
Cuộc sống của gia đình tôi bắt đầu lâm vào khó khăn khi em gái cất tiếng khóc chào đời. Sau khi sinh em Thúy, cha mẹ tôi đã làm đơn xin về điều dưỡng tại địa phương. Cuộc sống của cả nhà chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp xã hội do Nhà nước chi trả hằng tháng. Những vết thương cũ của bố, của mẹ thường xuyên tái phát, nhất là mẹ tôi bệnh tật ngày một thêm trầm trọng cộng với việc phải nuôi con ăn học khiến cuộc sống càng thêm khó khăn hơn. Hằng ngày, khi màn đêm buông xuống là bố tôi lại xách chài ra sông Mã kiếm con cá, con tôm, để sáng mai mẹ đi chợ bán lấy tiền đong gạo.
Thật quý! Chính quyền địa phương rất quan tâm đến các gia đình chính sách, trong đó có gia đình tôi. Ở thời điểm năm 1986 việc xây dựng nhà tình nghĩa tặng thương binh đang còn hiếm. Song, chính quyền xã Vĩnh Quang đã hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho gia đình tôi. Xã cấp cho 1,5 tấn vôi, 15 xe đá, 10.000 viên gạch, ngói… để xây dựng nên ngôi nhà cấp 4 giúp gia đình tôi thoát khỏi cảnh nhà tranh dột nát.
Sau năm 1986, cha mẹ tôi là những người đầu tiên “phát minh” ra nghề nuôi cá trắm lồng trên sông Mã ở khu vực này. Mẹ ngày ngày đi cắt cỏ, cha ở nhà thái cỏ chăm cá. Ban đầu nuôi thử nghiệm một lồng rồi dần dần mở rộng ra 2, 3, 4 lồng. Nước sông Mã thời đó chưa bị ô nhiễm như bây giờ nên những lồng cá trắm của gia đình tôi lớn nhanh như thổi, không mắc bệnh tật gì. Ngoài trồng lúa, mỗi năm nhà tôi còn thu hoạch thêm khoảng nửa tấn cá trắm lồng mang về khoản lợi nhuận đáng kể. Đời sống kinh tế dần khấm khá, gia đình tôi được coi là điển hình trong thôn, xã. Anh em tôi chăm chỉ học hành nên được biểu dương là gia đình “thương binh tàn nhưng không phế”. Sang những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, bố tôi hùn vốn mở một xưởng máy xát, máy nghiền và làm ăn khá phát đạt.
Nước mắt người mẹ
Vào năm 1995-1996, kinh tế gia đình tôi bắt đầu xuống dốc không phanh do bố thất bại trong chuyện làm ăn. Bao nhiêu tài sản dành dụm bấy lâu đều không cánh mà bay. Không khí trong gia đình tôi những ngày tháng đó vô cùng nặng nề. Bố tôi buồn bã khủng hoảng tinh thần. Cái bản tính mạnh mẽ và rất đàn ông của bố ngày nào giờ đây thay vào đó là sự trầm lắng, im lặng. Những lúc như vậy mẹ tôi động viên bố rất nhiều. Mẹ chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho người bạn trăm năm mà bà nguyện suốt đời dành hết thảy yêu thương. Mẹ không trách móc bố một lời nào. Ngay cả mỗi lúc người ta đến nhà tôi bắt nợ bằng những món tài sản, ngay cả khi ông bác họ của bố đến nhà thu chiếc ti-vi mà tôi đang chăm chú theo dõi ôn thi đại học trên kênh VTV2 Truyền hình Việt Nam, mẹ vẫn an ủi bố: “Còn người là còn của. Rồi vợ chồng mình sẽ làm lại từ đầu. Điều quan trọng là không được để ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái”.
Tôi được bố mẹ cho đi học trọ từ khi bước chân vào trung học phổ thông. Kỳ vọng của cha mẹ về tôi là phải thi đỗ đại học. Nhưng trong kỳ thi đại học đầu tiên tôi đã làm cha mẹ thất vọng. Nước mắt người mẹ rất đỗi thương yêu con chảy vào trong mỗi khi bố nóng giận mắng mỏ tôi. Ngay lúc đó không bao giờ mẹ bênh vực con, nhưng khi bố vắng nhà mẹ lại thủ thỉ vào tai tôi những lời âu yếm, khuyến khích tôi vượt lên để làm vừa lòng cha mẹ. “Bố các con quát như vậy nhưng chẳng có gì đâu. Chỉ vì bố thương các con quá mà thôi”.
Bố tôi rất nóng tính và gia trưởng nhưng ông thực sự là người cha đáng kính, người bố thương yêu con cái một cách thầm lặng. Những hình ảnh từ tuổi ấu thơ cho đến khi tôi tốt nghiệp THPT hiện về làm tôi càng thêm đau đớn. Suốt 12 năm học chưa bao giờ tôi phải tự lo mua một cuốn sách giáo khoa hay cuốn vở nào cho chính mình. Cứ mỗi khi năm học mới sắp bắt đầu, bố lại đi xuống thị trấn mua đủ các loại sách giáo khoa, vở viết cho hai anh em. Rồi ông hì hụi bọc phẳng phiu từng tập viết, từng cuốn sách, viết và dán nhãn vở cho anh em tôi. “Thước phim” quay ngược đó càng làm cho lòng tôi tăng thêm quyết chí sẽ phải thi bằng đậu vào trường đại học như tôi mong ước và như bố mẹ mong mỏi.
Một năm ở nhà, gia đình không còn đủ khả năng để cấp tiền cho tôi đi học thêm nữa. Thời gian chờ đợi mùa thi mới, tôi cắm đầu vào tự học và học như điên, học ngấu nghiến để được ghi tên vào Khoa lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Mùa thi năm học 1997-1998 bắt đầu, tôi tự thân khoác ba lô lên đường về Hà Nội với quyết tâm “phải thi đỗ vào đại học”.
Thi xong quay về quê, mẹ rủ rỉ “liệu có đỗ không con?”. Tôi không dám trả lời mẹ, nhưng tôi tin vào bài làm của mình. Ngày 21-8-1997 - là ngày không thể quên đối với tôi khi nhận được giấy báo trúng tuyển. Giữa trưa, tôi hộc tốc chạy ra bãi sông khoe với mẹ. Mẹ ôm tôi và khóc trong hạnh phúc, những giọt nước mắt hãnh diện của người đàn bà đã phải gánh chịu nhiều cay đắng trên cõi đời này.
Bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã cố gắng hết mình vì không muốn làm gia đình buồn thêm một lần nữa. Mọi khó khăn về vật chất đã được gạt hẳn sang một bên. Tôi đi làm thêm để có tiền trang trải, bớt phần khó khăn cho cha mẹ. Tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội với tấm bằng loại khá, tôi bắt đầu thử việc ở một cơ quan uy tín có trụ sở chính tại Hà Nội. Và rồi tôi đã được toại nguyện với ước mơ của mình, được làm việc đúng chuyên môn, đúng việc mà tôi yêu thích, đúng cơ quan mà tôi mong muốn.
Tiếp theo là em gái tôi cũng đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã để thi đỗ vào hệ chính quy Khoa luật, Trường Đại học Đà Lạt. Giờ thì em gái đã tốt nghiệp và đang chờ việc…
Lần thứ hai được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa
Ngôi nhà cấp 4 được địa phương hỗ trợ xây dựng sau hơn 20 năm đã xuống cấp trầm trọng, các bức tường nứt toác, lung lay... Ngồi trong nhà có thể nhìn thấu trời. Có lần một mảng tường lớn bất ngờ đổ ập xuống chiếc giường mẹ thường nằm. Chiếc giường gãy vụn, nhưng rất may lúc đó mẹ đang nấu cơm. Ở phía hiên trước thì toàn bộ các vì kèo đã bị mối mọt ăn mục ruỗng, mái ngói có thể sập bất cứ lúc nào. Trong đêm thanh vắng, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng kêu răng rắc và tiếng cựa mình của ngôi nhà. Mỗi lúc như vậy cả gia đình lại phải chuyển xuống bếp. Nhưng trong bếp cũng chỉ có thể kê được một chiếc giường đơn, chẳng thể đủ chỗ ngủ. Nhiều đêm cả nhà ngồi nói chuyện cho đến sáng…
Và một lần nữa gia đình tôi lại nhận được sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương. Giữa năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Vĩnh Lộc, chính quyền xã Vĩnh Quang, đặc biệt là sự quan tâm của Quỹ “Tấm lòng vàng” báo Lao Động đã quyết định hỗ trợ kinh phí giúp gia đình tôi làm lại ngôi nhà mới để thay thế ngôi nhà cũ nát.
Giờ đây ngôi nhà mới đã khánh thành. Tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trong ánh mắt của cả cha và mẹ. Tuổi tác hai ông bà ngày càng cao, bệnh tật ngày một nặng thêm, sức khỏe giảm sút thì sự giúp đỡ trên dành cho gia đình tôi vô cùng ý nghĩa.
0 comments:
Đăng nhận xét