16/1/08

XẾP HÀNG



Tôi mê Nguyễn Khải từ bé. Không phải từ cái "Mùa lạc" hồi đấy Bộ Giáo dục bắt học trò phải nghiền ngẫm từ phổ thông.

Khoảng cuối thập niên 1970 khi tôi mới 12-13 gì đó, bố về thăm hai mẹ con và kể bố vừa được xem ở Hà Nội một vở kịch rất hay có tên là "Cách mạng". Ít lâu sau bố gửi bưu phẩm, mở ra là 6-7 cuốn sách, trong đó có tập kịch "Cách mạng".

Câu chuyện ấy chắc nhiều người biết rồi. Nguyễn Khải thuật lại rất sống động chuyển biến trong một gia đình tư sản ở Sài Gòn sau năm 1975. Hàng chục nhân vật trong một gia đình được gói ghém trong một vở kịch, mỗi người một số phận, một tính cách, một suy nghĩ.

Tôi nhớ mãi hai nhân vật đối lập nhau hoàn toàn là chị Hoàng (NSƯT Mai Châu) - bà tư sản bị kẹt lại ở Sài Gòn hoàn toàn không tìm được chỗ đứng trong xã hội mới và cô Phượng (NSƯT Tuệ Minh - ảnh) - người hội nhập nhanh nhất vào cuộc sống sau 1975.

Giải phóng, Phượng mới ngoài 20. Từ cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, chẳng biết làm gì, cô nhận chân bán gạo tại cửa hàng lương thực của nhà nước. Cả nhà không thể hiểu được tại sao cô có thể đi làm một công việc thấp kém như vậy.

Cô Phượng đi bán gạo và một lần cô thấy một bà tư sản to béo dáng chừng là bà chủ cũng phải đi mua gạo. Trông bà vất vả mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhiều người cảm thấy ái ngại và muốn nhường cho bà mua trước. Nhưng cô Phượng nói: "Bà phải xếp hàng".

Bà tư sản nổi khùng: "Chủ nghĩa xã hội là phải xếp hàng à?". Cô Phượng kiêu hãnh đáp: "Đúng rồi, thưa bà. Chủ nghĩa xã hội là phải xếp hàng".

Còn nhớ mấy năm sau, được xem vở kịch này phát sóng trên truyền hình, tôi rất thích hình tượng cô Phượng qua diễn xuất đỉnh cao của NSƯT Tuệ Minh. Bà có giọng nói trong vắt, nếu ai đã nghe một lần hẳn sẽ nhớ mãi.

Nhưng cái chuyện xếp hàng trên thực tế lại chẳng phải là điều gì hay ho.

Hồi bé, tôi rất sợ xếp hàng. Năm nào hai mẹ con cũng lặn lội từ Tuyên Quang về Nam Định ăn tết với ông bà nội. Ít nhất phải xếp hàng mua vé từ Hà Nội về Nam Định, rồi từ Nam Định về Nghĩa Hưng. Xếp hàng, chen lấn để mua được tấm vé xe vé tầu thời đó là nỗi kinh hoàng đối với một đứa trẻ như tôi.

Lớn lên một chút, khi đã chuyển về Hà Nội, thì phải đi xếp hàng mua gạo, mua dầu, mua rau, hứng nước máy... Bao nhiêu chuyện hỉ nộ ái ố xảy ra trong khi xếp hàng. Người xếp hàng thì nhiều, mà những thứ đem ra bán thường có hạn, nên luôn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy: thanh niên đẩy người già, đàn ông đẩy đàn bà. Chỉ là để giành giật số hàng hoá ít ỏi. Âu cũng là một cách sinh tồn.

Giờ thì hầu như không còn phải xếp hàng. Ấy thế nhưng nếu như chỗ nào còn xếp hàng, thì y như chỗ ấy vẫn có chen lấn, xô đẩy.

Chẳng hạn như xếp hàng mua vé xem đá bóng những trận đấu hay.

Chẳng hạn như xếp hàng mua xăng buổi sáng sớm trên đường đi làm. Thể nào cũng có người tìm cách lách lên để mua trước cho bằng được.

Ngay cả những người cầm trong tay hàng nắm tiền vẫn thích chen lấn. Chen lấn để mua chung cư.

Hay vé đã có trong tay rồi, chỗ ngồi cũng ghi sẵn trên vé rồi, nhưng cứ nhất định phải chen để ra được tầu bay sớm hơn những người khác. Thế mới vui.

Cái sự chen lấn, xô đẩy này như là tàn tích rơi rớt của tâm lý giành giật từ thời bao cấp.

Tất nhiên điều mà Nguyễn Khải mượn cô Phượng để nói là điều khác so với thực tế này. Nếu mà xếp hàng cho đúng ra xếp hàng thì thực sự là ưu việt.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết