14/10/08

XA LẠ TRÊN MẶT ĐẤT (2)



Jean-Marie Gustave Le Clezio (Nobel Văn học 2008)

BÁNH MÌ

Tôi yêu bánh mì. Làm bánh – đó là một trong những hành động quan trọng nhất mà con người nghĩ ra. Xây nhà, dựng cầu, làm đường, đưa máy bay lên không trung hay điều khiển những đoàn tàu, phát kiến ra những hệ thống tính toán mới, viết, vẽ, chụp ảnh – tất cả đều không tồi. Sản xuất kim loại, kỹ thuật đúc, in sách, điện tín không dây, thu âm và thậm chí cả máy may – là những phát minh tuyệt vời, minh chứng cho khả năng đáng được ngưỡng vọng về phép suy diễn và tư duy sáng tạo. Thật khó mà hình dung được con người đã phải thử nghiệm bao nhiêu lần, chịu bao nhiêu thất bại và cần biết bao bền bỉ để tạo ra những tuyệt tác kỹ thuật.

Nhưng bánh mì!... Đó chính là nơi hội tụ của phép màu thứ thiệt. Thậm chí ta không thể gọi bánh mì là phát minh, bởi nó xuất hiện từ quá khứ thẳm sâu và gắn bó vô cùng mật thiết với đời sống của nhân loại, đến nỗi không thể hình dung được sự xuất hiện của nó. Bánh mì cũng là một phát minh như lửa, muối, quần áo, nấu thức ăn nóng. Như phát minh ra những chu trình của nghề nông, thuần dưỡng ngô hoang, ngũ cốc, lúa, chuối, chè, lạc. Tất thảy mọi loại cỏ cây đã từ lâu bước vào sinh hoạt của con người và có vị trí vững chãi đến nỗi biến chủng hoang của chúng hầu như đã biến mất hoàn toàn khỏi tự nhiên.

Phép màu trước hết của bánh mì là bột – thứ bụi nhẹ, thu được sau khi say giã hạt, thành quả của quá trình lao động lâu dài – nhưng lại không thể làm nên thức ăn nếu chỉ có một mình. Những thớt đá cối xay đã làm công việc trước công việc của hai hàm răng, cối xay phân chia nhỏ hạt ra biến chúng thành bột, thứ có thể đem quấy thành món ăn đầu tiên cho trẻ nhỏ. Thứ bụi đó, thứ bột không ăn được đó phải hòa với nước, khiến nó giống như ximăng. Đổ lên bàn thành hình núi giống như miệng hỏa diệm sơn, bột bánh mì giống như nguyên liệu xây dựng. Và khi đó phép màu – thứ phép cổ xưa nhất của thế giới – lại có hiệu lực. Đôi tay phụ nữ bắt đầu công việc của mình để biến thứ đó thành bột nhão.

Đôi tay to bản, khéo léo, với những ngón tay khỏe mạnh và lòng bàn tay rắn chắc lấy bột, trộn nó với nước, nhào, đánh, cán thành lớp dài. Đôi tay là công cụ thực tế của phép màu phi thực tế, mỗi cử động của chúng lại làm biến dạng bột nhão. Chúng sục sạo trong khối sền sệt ấy, thấm thêm nước, sau đó bóp chặt lại để nước thừa chảy ra. Lòng bàn tay đóng, mềm mại và tròn trịa bao quanh khối bột, biến nó thành trái bóng và nêm chặt nó lại. Những ngón tay và nắm đấm cán bẹp nó, rồi vò rồi xoa làm nó tơi ra. Sau đó nó lại được cầm vào trong lòng bàn tay, cuốn tròn lại thành cục, và thế là mỗi phần của bột nhão hết ở ngoài rồi lộn vào trong, đều kịp thẩm thấu không khí và nước.

Cả quá trình ấy có nhạc điệu riêng: hai bàn tay túm nắm bột nhão lớn, gõ nó xuống bàn, vò nhàu và xé thành từng mảnh. Những ngón tay đánh vào đống bột nhão đó, bàn tay vừa vỗ vừa giẫm đạp lên nó. Đó là nhạc điệu của những bàn tay, giống như nhạc điệu của những người thợ đẽo đá, hay nhạc điệu của những người thợ nề, một thứ nhạc điệu cụ thể, nhịp nhàng và khi ta nghe nó hòa lẫn với âm thanh của tiếng thở, ta sẽ nghe thấy nhạc điệu cổ xưa nhất của thế giới, thứ nhạc điệu xuất hiện trên trái đất cùng với những bộ lạc người đầu tiên.

Phép màu còn có cả trong một phát kiến kỳ diệu nữa - ủ chua. Làm thế nào mà vào một ngày đẹp trời, người ta lại có ý nghĩ đưa vào khối bột nhão thô kệch và nặng nề, trông giống ximăng hơn là thứ có thể ăn được, một chất khiến nó nở tung ra, hấp thụ đầy không khí và trở nên dễ tiêu hóa? Điều đã xảy ra là sự sơ xuất hay tình cờ? Một lần có ai đó đã đưa vào đống bộn nhão mới trộn, chỗ bột nhão từ ngày hôm qua đã kịp chua sau một đêm – do lơ đãng hay do tiếc của? Nhưng đó lại là thành tố thần diệu, chỉ một chút ít của nó cũng đủ để biến đổi toàn bộ số bột nhão và kết quả đạt được thật đáng kinh ngạc: đó chính là bánh mì.

Vào thời đó cái chất ấy là chất tự nhiên, bởi chưng hàm lượng toan dịch trong quá trình ủ chua cũng giống hệt như trong bộ máy tiêu hóa. Ủ chua – đấy là sự tiếp nối của nước bọt, nó sửa soạn cho hiện tượng hấp thụ. Đó cũng chính là điều kỳ diệu, mặc dù có phần phức tạp hơn, được sử dụng khi chưng cất một số loại rượu tự nấu: nước bọt rơi vào nồi làm lên men ngô và thế là có rượu.

Phép màu còn nằm cả ở trong trình tự hành động, được lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một nghi lễ và truyền đến với chúng ta. Bánh mì, được nặn trên bàn, đó là một cục bột nhão khá lớn được lăn bột và phủ bằng khăn ẩm. Nó nằm đấy và định hình trong lúc chờ đợi được đem nướng. Có lẽ, trong số những phát minh của loài người không gì chân chính và hoàn hảo hơn bánh mì. Công việc của đôi bàn tay với đống bột nhão không khác gì công việc của đấng tạo hoá nặn ra cơ thể con người, còn ủ chua thì tương tự như chính quá trình lên men sự sống.

Sau đó đôi tay nặn lên chiếc lò nướng bằng đất sét trên bộ khung gồm những thanh kim loại. Đôi tay nhóm lửa trên đống than củi tưới dầu. Phép màu cuối cùng diễn ra khi bánh mì được nướng từ từ trên lá kim koại trong bầu không khí nóng rẫy của lò nướng. Vỏ bột cứng lên và có màu vàng óng thật đẹp. Ruột bánh được hình thành với đầy những bong bóng khí. Một mùi thơm dìu dịu, thứ mùi khiến ta yên tâm và vui sướng, hoà lẫn với khói lan toả trong không gian.

Sau đó, khi bánh mì đã được nướng chín và nằm trên bàn, cũng đôi tay khoẻ mạnh với lòng bàn tay rắn chắc đó chia nó ra thành những lát bằng nhau.

Dịch qua bản tiếng Nga của Irina Kuznetsova

XA LẠ TRÊN MẶT ĐẤT (1)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết