25/2/11

TƯƠNG LAI NÀO CHO AI CẬP?



Một tuần sau sự kiện ông Hosni Mubarak từ chức Tổng thống Ai Cập, đánh dấu sự chiến thắng của nhân dân đất nước kim tự tháp trong cuộc “cách mạng hoa nhài”, người dân lại đổ xuống đường. Họ vừa ăn mừng một tuần chiến thắng, vừa gây sức ép để phe quân sự đang nắm quyền điều hành đất nước phải thực hiện những cam kết mà phe này đã đưa ra.

“Cách mạng hoa nhài” được coi là thắng lợi. Nhưng thắng lợi đó thuộc về ai: về phe quân sự tiếp quản chính quyền của cựu Tổng thống Mubarak, hay thuộc về nhân dân Ai Cập? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Ngay sau khi phe quân sự tiếp quản quyền lực, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng họ đã lợi dụng cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập để thực hiện cuộc lật đổ chế độ độc tài của ông Mubarak mà không tốn mấy công sức và không bị lên án?

Tuy phe quân sự đã cam kết sẽ cải cách hiến pháp và tiến hành cuộc bầu cử dân chủ trong vòng 6 tháng và đảm bảo trả quyền lực cho chính phủ dân sự sau bầu cử, nhưng liệu lời hứa đó có được thực thi và liệu nhân dân Ai Cập có được hưởng thành quả dân chủ mà họ đã dũng cảm đấu tranh để có được?


Hơn ai hết người dân Ai Cập hiểu rằng thắng lợi mà họ đạt được trong cuộc “cách mạng hoa nhài” mới chỉ là bước đầu. Thế nên ngày 18.2, khoảng 2 triệu người đã lại tập trung tại khu vực trung tâm của thủ đô Cairo. Một mặt họ yêu cầu phe quân sự phải thực hiện những cam kết, mặt khác đòi được cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc. Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang (đang nắm quyền điều hành Ai Cập) đã tỏ thái độ khá cứng rắn: Tuy để cho cuộc biểu tình được diễn ra suôn sẻ, nhưng đồng thời cũng lên tiếng cảnh báo sẽ không dung thứ cho những cuộc biểu tình gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vốn đã khá căng thẳng.

Nếu phe quân sự tiến hành cuộc bầu cử quốc hội theo đúng cam kết, thì sẽ có khá nhiều phe phái có vai trò trong tương lai mới của Ai Cập. Đó là Hội huynh đệ Hồi giáo, các đảng: Tagammu, El Wafd, El Ghad, Mặt trận Dân chủ, và Quốc hội vì sự thay đổi. Tất cả các đảng phái này đều tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội năm 2010. Họ sẽ tung ra những ứng cử viên được lòng công chúng trong những sự kiện trên đường phố Cairo vừa qua.

Bên cạnh đó phải kể đến những cá nhân nổi lên sau “cách mạng hoa nhài” như Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đồng thời cũng là người được nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình; Amr Moussa – đương kim Tổng thư ký Liên đoàn Arab; Wael Ghonim – giám đốc khu vực của Google, người kêu gọi tổ chức biểu tình phản đối Hosni Mubarak trên Internet.

Và đương nhiên, không thể không nhắc tới những nhân vật trong chính quyền của Mubarak. Họ đang kiểm soát một lượng tài sản khổng lồ cùng những vị chí then chốt trong chính phủ tạo thành một lực lượng đáng kể. Tiêu biểu trong số đó là Omar Suleiman – người đã từng đứng đầu Cục Tình báo và giờ đang là phó thống thống.

Ai Cập là quốc gia có vai trò quan trọng ở Trung Đông, Châu Phi và thế giới Arab, khu vực mà lâu nay Mỹ và phương Tây rất muốn áp đặt các giá trị dân chủ theo kiểu của mình. Sau những thất bại trong việc cấy mô hình dân chủ kiểu Mỹ vào Afghanistan và Iraq, thì giờ đây đang là cơ hội thuận lợi để các thế lực này đưa mô hình dân chủ của họ vào Ai Cập một cách ít tốn kém hơn và đỡ tai tiếng hơn. Nếu như mô hình đó thành công ở Ai Cập thì sẽ dễ dàng hơn trong việc “xuất khẩu” nó sang các nước láng giềng vốn lâu nay vẫn là cái gai trong mắt của Mỹ.

Xem xét tương quan lực lượng trên bàn cờ chính trị Ai Cập hiện nay, phương Tây chắc chắn không ưa phe quân sự và Hội huynh đệ Hồi giáo. Việc phe quân sự quyết định tương lai Ai Cập đã được tiên đoán kể từ những ngày đầu tiên khi “cách mạng hoa nhài” từ Tunisia lan sang Ai Cập. Nay đã cầm quyền trong tay, phe quân sự hẳn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội để tiếp tục vai trò lãnh đạo ở đất nước có tầm quan trọng chiến lược này.

Rất có thể kinh nghiệm của tướng Musharraf - người đã tiến hành cuộc đảo chính không đổ máu ở Pakistan năm 1999, rồi cởi bỏ quân phục để trở thành tổng thống dân sự 2 năm sau đó, nhưng vẫn kiểm soát hoàn toàn lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, phe quân sự Ai Cập không có nhiều thời gian như vậy. Họ sẽ phải hành động nhanh trong vòng 6 tháng để biến đối một hoặc vài chỉ huy cao cấp nhất thành quan chức dân sự để tránh làn sóng phẫn nộ mới (được phương Tây kích động) của dân chúng.

Hội huynh đệ Hồi giáo – một trong những phong trào Hồi giáo có lịch sử lâu đời nhất và tầm ảnh hưởng nhất thế giới với mục tiêu đưa những giá trị của đạo Hồi trở thành kim chỉ nam trong đời sống của đất nước, cũng như mỗi công dân theo đạo Hồi (chiếm 90% dân số Ai Cập). Nếu tổ chức này nắm giữ một vai trò rõ rệt hơn trong bàn cờ chính trị Ai Cập, thì chắc chắn sẽ là cản trở đối với phương Tây trong việc cấy mô hình dân chủ vào đất nước này.

Mới đây, Hội huynh đệ Hồi giáo đã tuyên bố sẽ thành lập đảng chính trị sau khi dân chủ được vãn hồi. Nhưng họ cũng khẳng định sẽ không cử người ra tranh cử tổng thống, cũng như không tìm cách để chiếm đa số trong quốc hội tới. Phương Tây hồ nghi về tính xác thực của tuyên bố này và cho rằng đó chỉ là cách mà Hội huynh đệ Hồi giáo đánh lạc hướng sự chú ý của phương Tây và dư luận.

Trong vòng 6 tháng tới, Ai Cập sẽ tiếp tục nằm trong tầm ngắm và là điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới. Duy trì tương lai của Ai Cập trong tay người Ai Cập, giảm thiểu sự tác động và ảnh hưởng của bên ngoài là sự nghiệp khả thi, tuy nhiên đòi hỏi các lực lượng chính trị ở nước này phải thực sự tỉnh táo, biết hy sinh quyền lợi cá nhân và quyền lợi cục bộ vì lợi ích quốc gia, nếu như không muốn đi theo vết xe đổ của các cuộc cách mạng màu trước đó.



6 comments:

An Thảo on lúc 23:22 25 tháng 2, 2011 nói...

Em đanh chịu ảnh hưởng rực tiếp của cái thứ cách mạng bông Lài mà các nhà 'dân chủ' ngoài nước chuyển vào ta qua internet đây anh.

Ông lão bị trưng dụng đi trực. Ặc.

Chờ coi sao nhưng chắc chắn em không ủng hộ những kẻ lợi dụng nó để ném đá vào cuộc sống của chúng ta.

Pig on lúc 23:39 25 tháng 2, 2011 nói...

đất nước nằm trong quân đội, thật là khó lường

Lana on lúc 13:20 26 tháng 2, 2011 nói...

Đất nước tham nhũng nặng nề thế, chẳng biết thay cái đầu người dân có được hưởng cái gì thực sự hay không, hay lại chỉ là trò bình mới rượu cũ?

Titi on lúc 22:14 26 tháng 2, 2011 nói...

Clip Tiếng Việt của anh Tâm toe trên chat box kia là em tổ chức sản xuất đới :-D

VMC on lúc 20:20 27 tháng 2, 2011 nói...

@An Thảo:
Khổ thân quá. Bông lài khiến cho em vò võ chăn đơn gối chiếc.

@Pica Rock:
Ý em định nói là: "nằm trong tay"?

VMC on lúc 20:21 27 tháng 2, 2011 nói...

@Lana:
Có khi tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa nhỉ?

@Titi:
Giỏi quớ! Nhưng anh không thích tiếng guitar trong bản phối này.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết