18/2/11

KHI CÔNG BỐ ĐỒNG NGHĨA VỚI TẬN DIỆT



Việc một số loài sinh vật mới được khám phá ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, cho thấy sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khoa học điều tra cơ bản của chúng ta. Tuy nhiên, sự thực là có những loài quý hiếm bị con người tận diệt kiếm lời ngay sau khi công bố, đã tạo nên mảng màu tối trong bức tranh bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Lan hài cảnh: thà rằng không biết thì thôi...

Rất ít quốc gia có nhiều loài lan hài được phát hiện và công bố như nước ta: hơn 20 loài. Mới đây, sau những nỗ lực tưởng chừng vô vọng, vào tháng 5.2010, các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã phát hiện và công bố loài lan hài Paphiopedilum canhii – được mang tên nhà sưu tầm hoa lan Chu Xuân Cảnh – gọi là lan hài cảnh. Đây là loài lan hài nhỏ nhất trong các giống lan hài tìm thấy ở Việt Nam. Khám phá này là niềm hân hoan chung của những người trồng lan trên khắp thế giới. Nhưng, cùng với đó cũng xuất hiện nguy cơ đe doạ sự tồn vong của loài lan tuyệt đẹp này.

Lan hài cảnh có vùng phân bố rất hẹp ở những ngọn núi cao phía Bắc Việt Nam. Khi công bố loài lan này, các nhà khoa học cố tình không ghi rõ địa điểm, toạ độ vùng phân bố để tránh cho lan hài cảnh phải đối mặt với mối nguy tận diệt. Nhưng trên nhiều diễn đàn và một số trang web buôn bán hoa lan, lan hài cảnh được chào bán với giá 300 – 500 USD. Thế là một cuộc tìm kiếm và tận diệt bắt đầu. Mới đây, chúng tôi và Chu Xuân Cảnh có dịp quay lại nơi anh phát hiện loài lan này. Sự thật đau lòng là toàn bộ những cây lan phân bố ở đây đang bị người dân săn lùng và khai thác đến gần như tuyệt diệt, để bán cho các nhà sưu tầm lan quốc tế!

Thạch tùng răng cưa: giấu mới còn

Sau khi nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc về một dược chất quý có trong cây thạch tùng răng cưa được công bố, các nhà khoa học châu Âu cũng kết luận chất này có tác dụng chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt đối với bệnh Alzheimer của người già. Ở Việt Nam, thạch tùng chỉ mới phát hiện được ở Sa Pa (Lào Cai). Hiện nay, giá 1kg thạch tùng răng cưa tươi bán cho lái buôn cây thuốc Trung Quốc là 300 USD. Chính vì vậy, trong lần khảo sát mới đây vào năm 2010, tại Sa Pa, sau hai ngày miệt mài tìm kiếm chúng tôi chỉ thu được đúng ba mẫu cây non rất nhỏ: loài cây trước đây thấy rất nhiều ở Sa Pa này, nay gần như bị xoá sổ.

Mới đây loài này được tìm thấy ở một tỉnh cao nguyên miền Trung, nhưng nếu không muốn chúng tuyệt chủng thì có lẽ không nên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng!

Cá rồng: vô giá nên sắp vô tăm tích

Cá rồng hay còn gọi là cá mơn, tên khoa học là Scleropages formosus, có thể dài đến 90cm và nặng gần 8kg. Đây là loài cá rất hiếm, có thể được coi như tuyệt chủng và ở Việt Nam, chúng phân bố rất hẹp ở sông La Ngà – Trị An...

Hiện nay, tại TP.HCM, theo những người nuôi cá kiểng thì loài cá được gọi với cái tên hết sức mỹ miều là kim long này, có giá cho một cặp 1kg trở lên không dưới 10 triệu đồng; còn đối với loài hắc long và hồng long được nhập khẩu từ Indonesia giá tới hàng chục ngàn USD! Mới đây, năm 2010, loài cá này đã được phát hiện ở Đồng Nai và những người chơi cá cảnh sẵn sàng bỏ ra số tiền ngang với giá một chiếc xe máy đắt tiền để được sở hữu một cặp cá rồng. Nhưng về mặt khoa học, sự tồn tại và phát triển của chúng trong tự nhiên mới là vô giá.

* * *

Trước đây, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hoá hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy, con người đã làm tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài!

PHÙNG MỸ TRUNG


Nguồn:
Khi công bố đồng nghĩa với tận diệt

2 comments:

LU on lúc 23:25 18 tháng 2, 2011 nói...

Đồng í là khi công bố đưa ra ánh sáng thì đồng nghĩa sẽ bị diệt, nhưng không được đưa ra thì cũng đồng nghĩa với việc muôn đời ở ẩn trong bóng tối chết không ai biết, sống không ai hay. Thôi thì cứ để một phút huy hoàng ra ánh sáng mờ chết, còn hơn mù mịt cả ngàn năm. ;))

Thỉnh thoảng, có những pha phát hiện kì lạ cũng làm cho mình có cái mờ đọc, và ngâm kíu cho zui chứ anh ;))

Nặc danh nói...

"Trước đây, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hoá hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy, con người đã làm tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài!"
Câu kết luận thiếu căn cứ! Không thể từ một hai ví dụ ở Việt Nam mà tác giả có thể đưa ra kết luận như vậy.
Hơn nữa, đa dạng sinh học là một khái niệm rất rộng, tôi nghĩ rằng tác giả đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm đa dạng sinh học và đa dạng loài.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết