31/1/10

NGƯỜI BẠN SỐNG SÓT Ở HAITI



Hôm nay, các đồng nghiệp của tôi trong nhóm 50 nhà báo quốc tế nhận được tin mừng. Cuối cùng sau 3 tuần im hơi lặng tiếng kể từ trận động đất tàn phá Haiti, anh bạn Dieudone Saincy của chúng tôi đã gửi cho tất cả mọi người một email chung, khẳng định rằng anh vẫn bình an.

Dieudone viết:

"Hi Everybody

Thank you so much because all of you thinking about me. I am still alive... Ali coming soon to Haiti. He called me and i talk to him.

Thank so much... in the name of my people.

Dieudonne Saincy"

Xin chào mọi người,

Vô cùng cảm ơn vì tất cả các bạn đã nghĩ đến tôi. Tôi vẫn còn sống... Ali sắp đến Haiti. Anh ấy đã gọi cho tôi và tôi nói chuyện với anh ấy.

Cảm ơn rất nhiều... thay mặt nhân dân của tôi.

Dieudone Saincy.

Người có tên Ali được Dieudone nhắc tới trong bức thư là Ali Barada, phóng viên cao cấp của nhật báo An-Nahar (Lebanon), hiện đang thường trú tại New York (Mỹ). Anh là một trong những người rốt ráo nhất trong cuộc săn tìm tin tức về Dieudone.

Thực ra từ 6 hôm trước Ali đã báo: "Thở phào rồi các bạn ơi. Dieudone đã xuất hiện. Thoạt tiên thì tôi nói chuyện với anh ấy qua MSN, sau đó qua điện thoại. Anh ấy rất cảm động vì mọi người quan tâm đến anh ấy và nhân dân Haiti. Anh ấy có vẻ vẫn khỏe mạnh, nhưng có nói là cần thuốc, quần áo và lương thực. Tôi sẽ cố gắng giúp đỡ anh ấy thông qua kênh của LHQ hoặc Trung tâm Báo chí nước ngoài. Tuần tới, tôi sẽ đi Haiti"".

Nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi chính Dieudone sẽ lên tiếng.

Ali đã liên hệ với các nơi cần thiết, song việc gửi đồ tiếp tế cho một người cụ thể ở Haiti là vô cùng khó khăn. Ở đó, ai cũng cần được tiếp tế, chứ không chỉ mình Dieudone. Khá nhiều người muốn gửi tiền qua tài khoản cho Dieudone, nhưng tại Haiti bây giờ thì có tiền cũng không dễ mua những thứ cần thiết.

Ali đã bay đến Santo Domingo (thủ đô của CH Dominica láng giềng) đêm 30.1, từ đó anh đến Port-au-Prince bằng đường bộ trong ngày chủ nhật. Chúng tôi chờ thông tin từ Ali xem có thể giúp đỡ Dieudone được phần nào hay không.

Điều quan trọng nhất là Dieudone vẫn sống. Hy vọng anh sẽ sớm vượt được qua giai đoạn khó khăn này.

Entry trước:
CHỜ TIN BẠN TỪ VÙNG ĐỘNG ĐẤT


30/1/10

CÔ GÁI TỰ TIN



- Allo, chào em gái.
- Vâng, em chào anh. Sao tự nhiên lại gọi điện cho em thế?
- Để hỏi thăm về anh chồng cũ của em.
- Hic. Có chuyện gì thế ạ?
- Một người bạn anh đang nhờ tìm một người vừa biết ngành y vừa biết kinh doanh để tuyển làm giám đốc kinh doanh cho một bệnh viện mới thành lập. Anh nhớ thời còn là chồng em, thì cậu ấy đã từng kinh doanh dược. Bây giờ hắn làm gì?
- Báo cáo anh là sau khi chúng em li dị, anh ấy đã đi Sài Gòn và hiện giờ làm Phó Tổng giám đốc của N...
- N. là gì nhỉ?
- Công ty dược phẩm hàng đầu của Pháp ạ.
- Ồ, to thế thì hắn chả chịu về làm giám đốc kinh doanh cho bệnh viện của bạn anh rồi.
- Chắc chắn là thế đấy ạ.
- Thôi, đành chịu vậy. Đi tìm người khác vậy.
- Vầng.
- Thế em không tiếc vì đã bỏ hắn à?
- Khồng. Em đang quá sung sướng với tự do mà em có.
- Hmmm. Xem nào. Nó cao to đẹp trai, đàng hoàng, tử tế, có trình độ, có vị trí, lương cao... Người như nó kiếm đâu chẳng được vợ. Sao tự nhiên em lại bỏ nó thế?
- Vì em thấy không thoải mái khi ở cùng anh ấy.
- Đơn giản thế thôi à?
- Vâng.
- Em nói thế thì anh chịu rồi. Nhưng anh vẫn thấy là em đã vứt bỏ cơ hội hạnh phúc...
- Ối, thật thế ạ? Em chả nghĩ thế. Với lại, em muốn anh ta quay lại lúc nào chẳng được.
- Hừ, chủ quan và tự tin quá đấy em ạ!
- Không hề nhé. Chuyện này chính xác là như thế và đã được kiểm chứng trên thực tế rồi. Cho nên anh yên tâm đi.


29/1/10

"CON CHÓ NHỎ CỦA ANH"



"Olga, con chó nhỏ của anh" - đó là lời mở đầu thân thương của bức thư mà người đàn ông gửi cho vợ. Người đàn ông là nhà văn, kịch tác gia Anton Chekhov, còn người được gọi là "con chó nhỏ" là nữ diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hàn lâm Mátxcơva (MKHAT) Olga Knipper. Cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài 5 năm, trong 5 năm đó họ sống bên nhau rất ít. Sự xa cách và nhớ nhung đã khiến họ viết cho nhau 800 bức thư.

Chekhov nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ những truyện ngắn và kịch bản về tình yêu. Nhưng câu chuyện tình hay nhất của ông lại không phải là những mối tình lãng mạn ông viết trong tác phẩm của mình, mà là thiên tình sử của ông với Olga Knipper.

Họ gặp nhau năm 1898 tại một buổi Chekhov đọc vở kịch mới của ông có nhan đề "Hải âu". Nhà văn khi đó 38 tuổi, còn Olga chưa đến 30. Ông khi đó đã là người nổi tiếng, còn nàng là nữ nghệ sĩ mới nổi. 6 năm sau đó chứng kiến những biến chuyển trong quan hệ giữa hai con người tài năng này: đầu tiên chỉ là nhà viết kịch và diễn viên, sau đó là tình nhân, rồi vợ chồng và cuối cùng là người đàn ông ốm yếu cùng người vợ túc trực bên giường bệnh cho đến lúc ông ra đi ở tuổi 44.

Phần lớn thời gian trong cuộc hôn nhân của họ Knipper sống ở Mátxcơva diễn trên sân khấu MKHAT, còn Chekhov sống ở Yalta (trên bờ Biển Đen, cách Mátxcơva khoảng 1200 km) do mắc bệnh lao phổi. Họ chỉ gặp nhau vào mùa hè, nhưng ngay cả khi đó sức khỏe của Chekhov cũng ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc riêng của họ. Nhưng dẫu vậy cả hai vẫn chung thủy và có một tình yêu đẹp.

Ký ức về tình yêu của họ còn lại trong những bức thư mà họ viết cho nhau từ năm 1899 cho đến 1904 - giai đoạn lịch sử của MKHAT với sự ra đời của nhà hát và công diễn 4 vở diễn đã trở thành kinh điển của Chekhov là "Hải âu" (1899), "Cậu Vania" (1899), "Ba chị em" (1901) và "Vườn anh đào" (1904). Ở cả 4 vở này Knipper đều đóng vai chính. Sau khi vở "Ba chị em" được công diễn, Chekhov và Knipper làm quen với gia đình của nhau. Hai người cùng rời Mátxcơva đi Yalta và trở thành tình nhân.

Họ trao đổi thư từ trong giai đoạn diễn ra những sự kiện lớn trong cuộc đời họ như việc Knipper bị sảy thai và ốm (năm 1902). Ít lâu sau khi nàng bình phục thì đến lượt Chekhov bị suy sụp sức khỏe. Bị bệnh tật dày vò, nhưng Chekhov vẫn cố gắng hoàn thành vở "Vườn anh đào" và vở kịch ra mặt vào tháng 1.1904. Tháng 4 năm đó, Chekhov trở về Mátxcơva và cùng Knipper sang Đức. Ba tháng sau ông qua đời trên đất khách.




Người đời khó mà hình dung được hoàn cảnh của Chekhov và vợ lúc đó. Nữ nghệ sĩ nổi tiếng đắm chìm trong công việc tại nhà hát hàng đầu ở thủ đô, còn Chekhov thì ốm yếu. Họ ở cách xa nhau. Knipper thường ở lại nhà hát sau khi diễn để viết thư cho chồng. Nhiều khi nàng viết sau những buổi dạ tiệc kéo dài thâu đêm, khi chỉ còn lại một mình mệt mỏi và buồn chán. Có khi nàng viết ngay trên tầu, trên đường từ Yalta trở về Mátxcơva. Còn ông viết trong nỗi cô đơn, bị căn bệnh gặm nhấm, nhưng lại khát khao muốn biết tin tức về nhà hát. Chekhov thậm chí còn không đến dự buổi công diễn của 3 trong 4 vở kịch của mình.

Những bức thư đã đem lại sinh lực cho cả hai. Knipper là sợi dây duy nhất nối Chekov với nhà hát và Mátxcơva. Còn nàng thì thấy đau đớn vì không thể ở bên cạnh chăm sóc cho người chồng ốm yếu. Nàng viết thư như một cách làm nhẹ lỗi của mình với chồng, người mà nàng coi là nhà soạn kịch vĩ đại nhất nước Nga, là vật bảo đảm cho thành công của nàng tại nhà hát.

Những bức thư có đủ mọi cung bậc của đời sống gia đình, đụng chạm vào mọi vấn đến như sức khỏe, tiền bạc, thời tiết, các chuyến đi. Knipper ghen tuông, còn Chekhov thì lo lắng về lối sống thượng lưu của vợ. Cả hai cùng nói về sự cô đơn và nỗi buồn. Có khi họ viết rất ngắn, cả bức thư chỉ có một câu kèm theo lời hứa sẽ viết nhiều hơn vào lần sau.

Bệnh tình Chekhov ngày một nặng thì các bức thư của ông càng ngắn hơn: (Hôm nay anh ăn súp và trứng, không muốn ăn thịt cừu nữa), còn các bức thư của nàng thì càng tuyệt vọng (Em thấy thật xấu hổ khi được gọi là vợ anh). Nhưng dù tình yêu của họ ngày một trở nên bi kịch, thì những bức thư vẫn luôn âu yếm và tràn đầy yêu thương. Nàng gọi ông nồng nhiệt "Anh yêu dấu", còn ông thì gọi nàng bằng nhiều cách khác nhau: "Con chó nhỏ của anh", "con cá sấu của anh", "con ngựa của anh", "Knippershvits nhỏ bé của anh"... Ông cố gắng pha trò để đưa nàng ra khỏi bi kịch mà nàng tự trói mình vào.

Nhưng cũng có những lúc ông than thở: "Tài năng viết kịch của anh đã cạn kiệt..."

Khi đó nàng thông báo cho ông về những buổi tập, về cách diễn mà ông khuyên nàng được nàng áp dụng đã thành công như thế nào.

Nhưng những bức thư cũng cho thấy góc khuất của Chekhov: ông không muốn kết hôn cùng nàng. Nhà văn không được khỏe chỉ là một nguyên nhân. Ông có trách nhiệm phải hỗ trợ tài chính cho gia đình lớn của mình. Sống cùng người mẹ già và cô em gái tôn thờ anh trai, thường xuyên tiếp xúc với các nữ nghệ sĩ và các quý bà đam mê văn chương, Chekhov luôn tận hưởng sự chiều chuộng của phụ nữ và ông không thờ ơ với họ.

"Thôi được, tôi sẽ kết hôn, nếu ông muốn điều đó" - Chekhov viết cho Suvorin, ông chủ xuất bản năm 1895 (năm đó ông có quan hệ tình cảm với ít nhất 3 phụ nữ, một trong số đó sau này trở thành hình mẫu nữ nhân vật chính trong vở "Hải âu"). "Tôi sẽ không bao giờ gánh nổi hạnh phúc kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Hãy cho tôi một người vợ, giống như vầng trăng, không xuất hiện trong bầu trời của tôi mỗi đêm. Hơn nữa, nếu tôi có lấy vợ, thì tôi cũng không viết hay hơn".

Khi gặp Knipper, Chekhov đã có được điều ông muốn. Một số nhà viết tiểu sử Chekhov cho rằng nếu như họ sống cùng nhau, thì cuộc hôn nhân cũng không thể kéo dài. "Tôi không có khả năng làm một công việc khó khăn và khó hiểu như hôn nhân và vai trò người chồng khiến tôi hoảng sợ" - Chekhov viết. Họ cũng có những bí mật riêng. Đôi khi Chekhov dùng giọng bông đùa để che giấu những tình cảm thật của mình. ("Hãy trả lời em trung thực, không được nói đùa" - Knipper thường viết như vậy).

Còn một bí mật khác không được họ đề cập trong thư đó là việc Knipper bị sảy thai hồi tháng 2.1902. Donald Reyfield, nhà viết tiểu sử Chekhov cho rằng Knipper thụ thai không vào thời điểm nàng ở cùng chống. Tại sao nàng lại bất ngờ đến Yalta vào tháng 2? Tại sao nàng không thông báo chuyện có thai trong những bức thư trước? Tại sao Chekhov không nhắc đến chuyện này trong những bức thư sau đó?

Những câu hỏi đó không bao giờ có câu trả lời. Nhà văn và nữ nghệ sĩ đã không để lại hậu duệ, song họ để lại cho đời một kho báu khác - đó là những bức thư tình có thể được coi là một thiên tình sử xuất sắc.

(Viết nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Anton Chekhov, 29.1.1860 - 29.1.2010)

free hit counters
free hit counters

27/1/10

NÓI TIẾP "CHUYỆN ĐỜI"



- Em chào anh. Anh có định viết tiếp cái "chuyện đời" nữa ko ạ?

- Hết rồi em.

- Thế ạ? Ko hiểu sao em bị cuốn vào câu chuyện đó thế. Nếu là em thì còn rất nhiều tình tiết muốn khai thác tiếp.

- Em muốn khai thác tiếp ở khía cạnh nào? Thử nói xem, nếu hay có thể anh sẽ viết tiếp.

- Vâng, tự nhiên viết ra thì thấy khó quá, nhưng em thích nhâm nhi đọc chuyện này nếu còn nữa. Đặc biệt là nhân vật chồng, có điểm gì đó giống em: không dứt khoát, cả nể nên kéo theo bao hệ lụy. Đó là điểm yếu lớn nhất của em. Em thích anh khai thác khía cạnh này, có thể đi sâu về nhân vật này nữa, anh ta suốt ngày cặm cụi làm việc, lo toan, nhưng khi đau khổ chỉ có một mình anh ta.

- Ừ, đàn ông VN nhiều người như vậy. Em có gia đình chưa?

- Dạ, em chưa anh ạ.

- Đã tan vỡ mối tình nào chưa?

- Dạ, rồi mà anh. Trước đây em cũng có một câu chuyện gần thế này. Hai người rõ là yêu nhau, không thể đến được với nhau. Không ai sai cả, mặc dù người này đều muốn người kia tốt hơn. Ai cũng kỳ vọng vào người kia nhieu hơn nữa. Nhưng thực tế thì không thể chia sẻ công việc được với nhau, nên rốt cuộc là gây áp lực cho nhau.

- Anh biết nhiều cặp yêu nhau nhưng không thể sống cùng nhau, cứ ở bên cạnh nhau là họ cãi nhau bất phân thắng bại.

- À, bạn em trước kia cũng là một nhà báo anh ạ. Có thể anh cũng biết cô ta, vì cô ta cũng làm ở 1 tờ báo có tiếng, và viết về những vẫn đề gai góc.

- Thế à?

- Nhưng em xin phép không tiết lộ được không ạ?

- OK, không sao.

- Anh nên phân tích kỹ tâm lý cô vợ khi còn chưa ly hôn nhé. Ví dụ, anh có thể khắc thêm về cô ta là một người cũng giỏi giang không kém chồng, nhưng vì bản tính đàn bà nên cũng không đạt được công danh như mong muốn. Vì thế nên càng tạo áp lực với chồng để phải thăng quan tiến chức. Em cũng rất thích nếu anh đề cập thêm về chuyện khi cả 2 người ly hôn rồi nhưng vẫn day dứt về nhau, vẫn muốn làm cái gì đó cho nhau nhưng không thể. À, em hỏi nhỏ một chút nữa, anh lấy cảm hứng viết chuyện này từ đâu ạ? Nếu có thể thì anh lấy thêm một ít ở đó nữa, để viết tiếp nhé.

- Theo em thì anh lấy từ đâu?

- Chắc là từ chuyện của anh nên mới thật như thế. Nhiều lúc, em cũng có ý tưởng viết chuyện về chính bản thân mình, nhưng vừa ảo vừa thực một chút mới hay. Nhâm nhi về bản thân bằng cách viết chuyện như vậy, có được không anh. Nhưng khó quá, em không biết viết như thế nào? Vì em là dân kỹ thuật, giờ làm quản lý, không liên quan gi đến văn chương cả.

- Thế thì lúc nào rảnh rang thì viết, coi đó như một trải nghiệm. Em hãy viết thật tự nhiên, như cuộc sống tự chảy ra vậy.

- Vâng, để hôm nào em viết được cái gì đó, em gửi anh, anh review giúp em nhé.



26/1/10

CÀPHÊ VÀ TUYẾT



Tự nhiên muốn nhìn thấy tuyết bay. Vẫn còn nhớ buổi tối mùa đông đầu tiên ở Minsk cuối năm 1985. Ra khỏi rạp chiếu phim sau khi xem phim "Anh đào mùa đông" thì thấy tuyết rơi. Tuyết đầu mùa trắng tinh, xoay tròn trong gió. Ngửa cổ thích thú ngắm nhìn những bông tuyết nhỏ xíu lung linh trong ánh đèn đường, rơi nhẹ xuống tóc. Giơ tay hứng tuyết, thấy nó đậu nhè nhẹ lên tay và khe khẽ cựa mình tan chảy.

Tự nhiên muốn uống cà phê ở quán càphê của Gare de Lyon ở Paris. Quán nhỏ sực nức mùi càphê thơm nồng và quyến rũ, không hiểu những người đàn ông Thổ rang say và pha ra sao mà ly càphê lại thơm ngon đến như vậy. Ly càphê ở Paris chỉ bằng một phần ba ly càphê ở Việt Nam, tợp một miếng là hết. Muốn ngồi lâu phải gọi hai - ba ly.

Cái quán đó lúc nào cũng đông. Đủ loại người ngồi ở đây: da trắng, da đen, da nâu, da vàng, thuộc các nền văn hóa khác nhau với các đức tin khác nhau, nhưng cùng chung một niềm đam mê với càphê. Những bản nhạc Pháp lúc dạt dào lúc lơi lả làm cho cái không khí uống càphê rất vào.

Người sắp đi xa ngồi uống cà phê trước khi lên tầu. Người đi tiễn buồn rầu, lưu luyến. Người đến đón bồn chồn. Người vừa xuống tầu, muốn đôi chút thư thái để dọn mình bước vào thành phố đông đúc kia. Người vừa đón được ai đó cũng vào đây để uống mừng gặp mặt.

Đủ mọi tâm trạng.

Ly càphê là chất xúc tác đẩy họ đến tận cùng tâm trạng, có thể vui hơn, có thể buồn hơn. Càphê làm dung môi cho tất cả các cảm xúc.

Bỏ nỗi buồn vào đó khoắng cho nó tan ra.

Bỏ niềm vui vào đó nghe nó trào lên trong mùi hương.

Bỏ cô đơn vào đó để nhấm nháp vị đắng.

Bỏ tình yêu vào đó để thấy tim đập mạnh.

Bỏ tuyệt vọng vào đó để thấy nó tan chảy và hòa quyện trong một thứ dung dịch mà người ta khó chối từ...

Tôi đã ngồi đó chờ đợi chuyến tầu khởi hành từ Paris về miền đông nam nước Pháp. Ngoài kia tuyết rơi. Tuyết cuối mùa. Nó đã ngừng rơi từ cả tháng nay để nhường chỗ cho những bước chân rón rén của mùa xuân, nhưng rồi đột ngột quay trở lại để nói lời giã từ cuối cùng. Những chiếc áo khoác to sụ tối màu không còn nhiều, thay vào đó là những màu sắc mùa xuân rộn rã.

Đi qua ga tầu này có người bước hối hả, có người bước ung dung, có người chạy. Nhìn bước chân của họ, dáng vẻ của họ, gương mặt của họ có thể đoán được cuộc đời và số phận của mỗi người. Thật thú vị khi bỏ ra vài đồng franc ta có được quyền công khai theo dõi những con người đi qua mà không khiến ai phải khó chịu.

Tuyết và càphê. Một thứ trắng, một thứ đen.

Nào hãy gọi một ly càphê. Thả vào đó một chút đường. Giống như những bông tuyết nhẹ rơi xuống làn nước tối sẫm bốc khói nghi ngút. Hít một hơi thật mạnh mùi thơm quyến rũ tỏa ra từ ly càphê nóng hổi. Và nhấm nháp cuộc đời với dư vị tinh khôi mà trời đất thả vào qua những giọt tuyết.

Càphê và tuyết. Một thứ đen, một thứ trắng.

Ước gì có hai thứ ấy.

Ở quán càphê thơm nồng trên Gare de Lyon.



25/1/10

TRÒ CHUYỆN (2)



Sinh viên (25.11)
Em chào Thầy! Thầy cho phép em làm phiền một chút nhé. Em đọc sách thấy một công ty PR thường có 4 bộ phận là: Kế hoạch, Quản trị khủng hoảng, Báo chí, Truyền hình. Em xin đi thực tập ở công ty T&A, họ yêu cầu muốn thực tập ở bộ phận nào thì đăng ký, em thích ở bộ phận quản trị khủng hoảng. Nhưng em sợ là ở đấy em chưa có kinh nghiệm gì thì không biết phải làm gì. Thầy thấy em nên chọn bộ phận nào thì phù hợp nhất ạ? Thầy thấy bộ phận kế hoạch có phù hợp không ạ?. Thầy cho em lời khuyên với, em cảm ơn Thầy ạ.


Thầy giáo (25.11)
Quản trị khủng hoảng là hay nhất, vì để làm được ở bộ phận này người ta cần có kinh nghiệm làm việc ở 3 bộ phận còn lại.Em thử lượng sức mình xem như thế nào? Có lẽ cứ thử bắt đầu luôn với quản trị khủng hoảng nhỉ? Vì như vậy em vẫn được tu luyện 3 công việc kia. Em thông minh, tại sao lại không thử. Thử cũng không mất gì, đúng không? Chúc em thành công.


Sinh viên (27.11)
Vâng ạ! Vậy em sẽ đăng ký vào đó ạ. Có thất bại cũng vinh quang phải không ạ. Nhà em bị cắt mạng nên hôm nay em mới đọc được thư ạ. Em cảm ơn Thầy ạ!


Sinh viên (3.12)
Em xin lỗi Thầy vì đã làm phiền lúc Thầy đang bận. Lúc nào có thời gian Thầy trả lời thư cho em nhé. Em đi mấy công ty nộp đơn xin thực tập mà vẫn không được ạ. Bạn em hỏi cho em ở T & A chắc chắn vậy mà họ vẫn không nhận ạ. Trời ạ! Em không biết phải làm thế nào nữa. Thưa Thầy, Thầy có biết công ty truyền thông nào nhận sinh viên thực tập thì giới thiệu cho em với. Vì thứ Ba tuần sau em phải nộp đơn xác nhận rồi ạ. Em chờ thư của Thầy ạ. Em cảm ơn Thầy nhiều và rất xin lỗi Thầy vì đã nhiều lần làm phiền Thầy ạ. Em chào Thầy!

Thầy giáo (3.12)
Em thử gọi điện cho anh V, giám đốc cty L.B. ĐT: 09034xxxx.


Sinh viên (3.12)
Anh V nhận em rồi ạ. Mai em sẽ sang nộp hồ sơ ạ. Em rất vui. Em cảm ơn Thầy ạ!

Thầy giáo (3.12)

OK, L.B. là một chỗ làm rất lý tưởng đối với những ai muốn theo đuổi nghề PR. Thầy giới thiệu đôi chút về em với anh V rồi. Thầy biết ở đó đang cần nhân sự trẻ, có trình độ và thiết tha với nghề. Nếu em làm việc tốt thì có thể nhận vào làm việc chính thức luôn. Đây là một cơ hội tốt để thử sức, thầy hy vọng em sẽ nỗ lực hết sức để đạt được nguyện vọng của mình, và cũng đồng thời khẳng định lời giới thiệu của thầy là đúng.


Sinh viên (3.12)

Dạ. Em sẽ cố gắng hết mình ạ. Nhưng Thầy có nói tốt quá về em không ạ? Nhỡ có chuyện gì xảy ra, làm mất uy tín của Thầy thì em rất sợ. Tiếng Anh em không được tốt lắm. Em sẽ cố gắng học trong thời gian thực tập, nhưng nghe Thầy nói vậy em lại thấy sợ quá. Huhu. Giờ phải làm thế nào ạ!?!!!
....

Sinh viên (23.12)
Em chào Thầy. Em đã đi làm được gần 3 tuần và cũng bắt đầu quen rồi ạ. Mấy hôm đầu em cũng thấy hơi hụt hẫng một chút ạ, chắc là vì đang chơi quen rồi nên... Có hôm em phải mở thư của Thầy mấy lần để đọc lấy tinh thần. Mọi người ở phòng cũng tốt ạ. Em luôn cố gắng làm tốt nhất có thể tất cả những việc mà mọi người giao. Thỉnh thoảng em cũng được viết bài PR nữa. Hôm trước, em được sếp giao viết thiếp Noel cho Garden Mall. Em thấy ý của mình được chị ấy dùng đấy Thầy ạ. Có mỗi chuyện ấy là vui nhất để em khoe thôi ạ.


Còn Tiếng Anh thì em thấy từ gì không biết là tra từ điển luôn. Em nghĩ là tiếp xúc thường xuyên chắc là em sẽ làm được thôi phải không ạ?
Em học được rất nhiều điều khi đi thực tập ạ. Em cảm ơn Thầy rất nhiều!

Giờ em chỉ mong nếu làm tốt mà nhận được lương, tháng lương đầu tiên khi đi làm, em xin phép được mời Thầy đi uống nước được không ạ? Chắc là chỉ mời uống nước thôi ạ, vì lương của em vẫn ít mà. Thầy đừng cười vì em chưa làm được mà đã nói nhé. Nhưng mà em đã nghĩ gì mà không nói ra em thấy sao ý. Hy vọng là sẽ sớm có ngày đó ạ.


Em chúc mừng Thầy Noel sớm một chút vì chắc đến ngày mai Thầy sẽ nhận được nhiều lời chúc lắm nên em chúc sớm luôn. Đây có được coi là một cách làm PR hiệu quả không ạ?


Thầy giáo (23.12)

Công việc mới ban đầu bao giờ cũng bỡ ngỡ. Không có gì phải ngại. Em có nhiều tố chất để thành công. Miễn là phải kiên trì vượt qua các thử thách (nghe lý thuyết nhỉ, nhưng trên thực tế đúng là như thế). Chúc em Giáng sinh vui vẻ và ấm áp.


Sinh viên (23.12)

Em sẽ cố gắng ạ. Vì đây là công việc em yêu thích nên có khó khăn em vẫn thấy thích. Càng khó khăn em càng cố gắng ạ. Nhiều lúc em thấy mình làm sao ý. Cứ những lúc nào có trục trặc là em rất muốn chinh phục và vượt qua.
Trời! Em vừa hoàn thành một bài viết mà trong thời gian rất ngắn bắt buộc phải xong. Căng thẳng quá ạ. Lúc nào trong phòng cũng căng thẳng, Thầy ạ. Giờ em mới hiểu thế nào là áp lực công việc!


Thầy giáo (23.12)

Đừng sợ áp lực. Nếu không có áp lực ta sẽ khó hoàn thành được công việc.

Sinh viên (25.1)

Em chào Thầy ạ! Thầy có khỏe không ạ? Hôm nay, chị trưởng phòng chỗ em giao cho một bài tập về lên kế hoạch PR cho sản phẩm bánh chưng của một công ty. Em nói và được khen đấy Thầy ạ. Từ hồi đi thực tập đến giờ em mới được chị ấy khen. Vì trước đó làm gì em cũng bỡ ngỡ nên chẳng mấy khi được khen ạ. Em thấy vui vui lên nhắn tin khoe với Thầy.

Thầy giáo (25.1) Thông thường thì sếp càng nghiêm khắc và khó tính thì nhân viên sẽ càng phải nghiêm túc làm việc và sẽ có cơ hội được trưởng thành. Nên thầy ủng hộ những sếp khó tính.


TRÒ CHUYỆN (1)


24/1/10

NHỮNG NGÀY NẮNG ĐÃ BIẾN MẤT...


"Những ngày nắng đã biến mất" hay tiếng Nga là "Исчезли солнечные дни".

Đó là tên một bài hát nổi tiếng ở Liên Xô cuối thập niên 1980. Người viết nhạc cho bài hát này là Raymond Pauls, tác giả của "Triệu bông hồng" được biết đến trên toàn cầu. Lời bài hát là thơ cũng của một người nổi tiếng - Rasul Gamzatov, được biết đến ở Việt Nam với tác phẩm "Dagestan của tôi". Trình bày bài hát là siêu sao nhạc pop Nga Valeri Leontiev - người thống trị sân khấu ca nhạc Nga gần 3 thập niên qua.

Có điểm thú vị là trong bộ ba sáng tạo nên ca khúc này, chỉ có Valeri Leontiev là người Nga. Raymond Pauls là người Latvia, còn Rasul Gamzatov đương nhiên là người Dagestan. Bài hát do vậy không phải là một giai điệu Nga, mà pha trộn những nét nhạc huyền bí phương Đông.




Valeri Leontiev được biết đến ở Liên Xô trước đây như một ca sĩ có dấu ấn sáng tạo cá nhân rất mạnh. Ông ăn mặc những bộ trang phục te tua, nhảy múa tưng bừng, khác hẳn với hình mẫu của những nghệ sĩ Liên Xô luôn biểu diễn trong những bộ complet khuôn mẫu và lạnh lùng. Lối biểu diễn lập dị của Leontiev khiến ông bị cấm trình diễn tại phòng hòa nhạc "Rossya" (Nước Nga) danh tiếng nhất Liên Xô hồi đó. Ông giám đốc phòng hòa nhạc tuyên bố: "Chừng nào tôi còn sống thì không bao giờ con khỉ này được biểu diễn tại đây".

Nhưng làn sóng cải tổ ùa đến. Ông giám đốc vẫn còn sống, nhưng đành ngậm ngùi nhìn Leontiev hát hò và múa may ở thánh đường mà ông dầy công giữ gìn.


Khán giả Liên Xô chia làm hai phe. Một phe say sưa nghe và xem Leontiev hát. Một phe thì dè bỉu: "Không thể chịu đựng nổi". Nhưng có một điều cả hai phe đều nhất trí: Leontiev là ca sĩ không đụng hàng. Ông độc đáo từ giọng hát, phong cách biểu diễn cho đến trang phục. Đó là nghệ sĩ không bao giờ chịu dừng lại, luôn luôn tìm kiếm, luôn luôn sáng tạo và luôn vượt qua chính mình.

Những tác phẩm như "Quạ trắng", "Chim trong lồng", "Ba phút" là những cái đinh trong sự nghiệp ca hát của Leontiev, biến ông thành một trong những người ghi lại khúc chuyển mình của xã hội Liên Xô cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990.

"Những ngày nắng đã biến mất" là ca khúc tự sự hiếm hoi của Leontiev, khi mà ông hát bằng toàn bộ tâm hồn của mình mà không cần gào thét và nhảy múa. Bài hát do vậy có sức cuốn hút và sức sống mạnh mẽ.




Lời bài hát như sau:

Исчезли солнечные дни
И птицы улетели.
И вот проводим мы одни
Неделю за неделей.

Вдвоем с тобой, вдвоем с тобой
остались ты да я,
Любимая, любимая, бесценная моя. (2 раза)

На косы вновь твои смотрю -
Не налюбуюсь за день.
Птиц улетевших белый пух
Пристал к отдельным прядям.

Пусть у меня на волосах
лежит, не тая, снег,
Но ты, моя любимая, как прежде, лучше всех. (2 раза)

Все краски вешние неся,
Вернутся снова птицы.
Но цвет волос, но цвет волос
С весной не возвратится.

И солнцу улыбнемся мы,
печали не тая,
Любимая, любимая, бесценная моя. (4 раза)

Исчезли солнечные дни... (3 раза)

Và đây là lời tiếng Việt do tôi đặt năm 1987

Chim đã bay đi bao giờ trở về
Sương mờ dần buông mái tóc đen
Em hãy hát lên kêu gọi mặt trời
Trả lại màu đen cho mái tóc

Bầu trời đầy nắng đã biến đi đâu
Dần rồi lặng lẽ năm tháng cứ trôi
Đợi chờ lại nhớ tới khúc hát xưa
Vang lên trong trái tim này.

Đợi chờ màu tóc dẫu có phôi pha
Mặt trời rực rỡ trong trái tim ta
Người tình đẹp nhất trên khắp thế gian
Hãy giang tay đón mặt trời.

Chim đã bay đi bao giờ trở về?
Chim đã bay đi không còn trở về...

Cùng nghe bài hát này trong một ngày lạnh giá, mơ về những ngày nắng.



22/1/10

TRÒ CHUYỆN (1)



- Ông ơi, ông có tên ở phờ-ren lít trong Phệt-bục của XYZ không?

- Có.

- Thấy bảo XYZ có viết gì về các nghệ sĩ, trong đó có miềng. Nếu thấy thì copy về cho miềng tham khảo nhé.

- Oài, quan tâm đến những thứ người ta viết làm gì? Ở tuổi ông kê cao gối mà ngủ. Mắc mớ gì ba chuyện thiên hạ tám.

- Không, miềng vẫn quan tâm. Miềng thích nghe thiên hạ phản biện miềng.

- Được rồi, để tôi vào xem thế nào.

- Hôm nọ miềng vào bờ-lốc của Bờ Lờ Cờ, thấy post mấy tác phẩm của XYZ, cũ và chán lắm, thế mà nghệ sĩ ta cũng vào đó khen véo von cứ như đi xem tuồng...

- Hmmm, tác phẩm của ông cũng thế còn gì? Cũng cũ và chán!

- Miềng chưa bao giờ có tác phẩm cả...

- Giả vờ khiêm tốn để tự đề cao đấy à?

- Chả dám. Mấy hôm sau thấy bọn trẻ trên Phệt-bục bảo là XYZ viết chân dung các nghệ sĩ mà y quen biết.

- Này, tôi vừa vào Phệt-bục nhà XYZ, không có bài nào về ông cả. Đúng là có ba cái chân dung, nhưng về những người khác.

- Thế à? Sao bảo là viết về miềng là dài nhất?

- Tịnh chả có dòng nào.

- Hay là y không viết đích danh miềng? Miềng đỉnh quá viết hơi bị khó đấy!

- Nghe tởm quá!

- Hay ông thử viết về cái tởm ấy đi. Miềng cần cứ 5 phút lại có ai đó đá cho phát, hay chửi cho một câu.

- Chả liên quan gì đến đằng này nhé.

- Thế thì hèn quá.

- Hèn à? Ít người dám mắng thẳng vào mặt ông như thằng tôi này lắm nhé. Vì thế nên không có nhu cầu viết lách gì thêm.

- Miềng sẽ tính công cho ông.

- Được, thế thì hôm nào dọn rượu thịt ra, đây sẽ mắng cho mà nghe.

- Duyệt! Mà này, miềng đang viết một cái ét-xây dài 300 nghìn chữ, luận bàn về nhân tình thế thái. Chắc chục năm nữa mới viết xong. Lúc đó, ông đọc mo-rát cho miềng nhá?

- Rất hân hạnh. Tôi đọc mo-rát thì nhất quả đất luôn. Tôi sẽ vạch từng câu chữ trong cái ét-xây của ông để lôi ra và đem vứt hết mớ chữ nghĩa điệu đàng lổn nhổn của ông, cách hành văn ỡm ờ nửa sang trọng nửa thị dân của ông cùng những triết lý rởm rít khoác áo triết gia và suy ngẫm tầm thế kỷ của ông.
- Chuẩn. Thế là miềng yên tâm về một việc quan trọng trong đời miềng rồi. Sắp bằng Nhàn hạ tiên sinh rồi. Đấy ấy cứ huỵch toẹt ra như thế. Miềng rất mừng.




20/1/10

CHUYỆN ĐỜI (10)



Anh nhìn lại người đàn ông đang ngồi nhả khói trước mặt mình. Gương mặt đẹp với hàng râu mờ bao quanh, cặp mắt xanh nhân hậu, vầng trán cao thông minh. Điều duy nhất anh không thích ở người đàn ông này là nước da. Nó quá trắng ngay cả đối với một người da trắng và khiến vẻ đẹp nam tính của anh ta phần nào trở nên mong manh.

Một người đàn ông đẹp thế kia, thông minh thế kia, lịch lãm thế kia mà lại không thể để lại cho đời một phần của mình. Số phận thật trớ trêu. Anh đột ngột cảm thấy một nỗi buồn tê tái xâm chiếm toàn bộ cơ thể. Anh ngồi bất động, nhìn vào Robert, nhưng cái nhìn như xuyên qua gương mặt của anh ta, hướng tới một nơi nào đó sâu hun hút ở đằng xa.

Robert rít hơi thuốc cuối cùng, dụi mẩu thuốc vào gạt tàn, húng hắng ho. Tiếng ho của Robert kéo anh trở lại. Anh nhìn Robert một lần nữa: Liệu anh ta có định lừa mình, để mình thương cảm cho hoàn cảnh anh ta mà đồng ý cho thằng bé làm con nuôi anh ta không nhỉ? Không, chắc là không. Vì chẳng có lý do gì khiến anh ta phải nói dối. Anh ta có được lợi lộc gì đâu?

Robert với tay lấy cốc nước trên bàn, chiêu một ngụm rồi đặt cốc nước xuống. Phát hiện ra cái nhìn chăm chú của anh, Robert phác một cử chỉ mơ hồ: "Tôi nói điều đó không phải để gợi lòng thương cảm của anh đâu. Tôi nói thế chỉ để anh hiểu rõ về tôi thôi". "Thế cô ấy có biết chuyện anh vô sinh không?" - anh hỏi nhanh. "Có, tôi đã nói hết cho cô ấy những vấn đề của tôi trước khi chúng tôi quyết định sống chung với nhau".

- Thế à? - Câu trả lời của Robert khiến anh hơi cụt hứng. Anh cầm ly càphê, nó đã được uống đến giọt cuối cùng. Anh nhìn sang ly của Robert, nó cũng đã hết sạch. Lấy gì để tiếp tục câu chuyện đây? Anh hỏi Robert: "Chúng ta có nên uống một ly rượu không?". Robert gật đầu.

Hai người đàn ông im lặng nhấm nháp ly whisky của mình. Anh cất tiếng trước: "Robert, điều gì khiến anh nhận con trai tôi làm con nuôi? Thậm chí sau này anh còn cho nó thừa kế tài sản của anh?"

Robert nhìn thẳng vào mắt anh nói chậm rãi: "Bởi vì tôi yêu nó, yêu đứa con trai của người phụ nữ mà tôi yêu".

- Nhưng anh có nghĩ rằng khi anh mang nó đi anh đã khiến cho người đàn ông là cha nó đau một, và khi anh hỏi xin nó làm con nuôi, thì khiến cho nỗi đau ấy tăng lên gấp đôi không? Anh yêu nó bằng tình yêu phái sinh, còn tôi, tôi yêu nó bằng tình yêu đã được mặc định trong trái tim tôi. Anh muốn mang đến những điều tốt đẹp cho nó, điều đó khiến tôi cảm động và biết ơn anh. Nhưng anh làm tốt cho người này lại gây nỗi đau cho người khác...

Robert đặt ly whisky xuống, rút một điếu thuốc châm lửa hút: "Tôi biết người Việt thường hy sinh vì tương lai của con cái..."

- Đúng, người Việt chúng tôi biết hy sinh cho con cái. Nhưng hy sinh vì những điều có lý. Ví dụ, tôi sẽ chịu đựng được sự xa cách, nhớ nhung để thằng bé có thể cùng mẹ nó đi ra nước ngoài với anh. Nhưng tôi không thể hy sinh quyền làm cha. Thằng bé nếu không được thừa hưởng gia sản của anh, thì cũng được thừa hưởng gia sản của cha tôi và của tôi. Nó có nhiều lý do để tiếp tục quyền làm con, làm cháu trong gia đình tôi...

Robert tựa sâu vào ghế bành, khủy tay phải đặt trên thành ghế, cánh tay trái đặt dọc thành ghế bên kia, bàn tay bám vào lớp da nâu bọc ghế. "Anh nói tiếp đi..."

Anh chiêu thêm một ngụm whisky, đợi cho hơi nóng của nó dịu đi sau cú tấn công ngọt ngào trong cổ họng, rồi nói: "Anh có biết khái niệm "cháu đích tôn" của người Việt không. Đó là từ chỉ đứa con trai đầu tiên của người con trai đầu tiên trong một gia đình. Thằng bé con tôi là cháu đích tôn đấy. Nó là nhân vật chính trẻ nhất trong cuộc chạy đua tiếp sức đường trường của dòng họ nhà tôi. Chính vì lẽ đó, dù nó có đi đâu, thì nó vẫn phải mang cái họ trong giấy khai sinh của nó".

Robert ngả hẳn người ra lưng ghế bành, bàn tay trái xiết mạnh vào thành ghế rồi thở dài: "Vậy ư? Tôi không nghĩ mọi chuyện lại phức tạp đến như vậy".

- Anh không hiểu cũng phải thôi...

Hai người đàn ông lại ngồi im lặng. Lần này, Robert cất tiếng trước: "Anh đừng lo, dù thằng bé có mang họ tôi hay không thì tôi vẫn yêu thương nó như vậy. Tôi vẫn sẽ dành cho nó những điều kiện tốt nhất. Tôi sẽ luôn nhắc nó là người Việt và sẽ đưa nó về Việt Nam thăm anh và bố anh".

- Vâng, cảm ơn anh. Tôi cũng không đòi hỏi gì hơn. Tôi sẽ thường xuyên liên lạc với nó qua điện thoại, email, hy vọng điều đó sẽ không khiến gia đình anh khó chịu.

Robert gật đầu: "Từ phía tôi thì hoàn toàn không có vấn đề gì".

- Còn từ phía cô ấy thì anh không nói thay phải không?

- Đúng vậy, anh nên trao đổi chuyện này với cô ấy.

- Tất nhiên, tôi sẽ nói chuyện với cô ấy. Nhưng có điều tôi muốn nói với anh rằng tôi sẽ không nhận chiếc xe ôtô mà anh và cô ấy định tặng cho tôi...

Robert đưa tay nắm lấy bàn tay anh đang để trên bàn: "Tôi hiểu".

Anh nói: "Anh uống thêm một ly wishky nhé?" - "OK!"

Hai người đàn ông cụng ly: "Chúc anh hạnh phúc và may mắn. Hy vọng chúng ta sẽ là bạn tốt" - anh nói.

- Tất nhiên rồi, vì chúng ta đều là cha của một chàng trai tuyệt vời! - Robert cười.

CHUYỆN ĐỜI (1)
CHUYỆN ĐỜI (2)
CHUYỆN ĐỜI (3)
CHUYỆN ĐỜI (4)
CHUYỆN ĐỜI (5)
CHUYỆN ĐỜI (6)
CHUYỆN ĐỜI (7)
CHUYỆN ĐỜI (8)
CHUYỆN ĐỜI (9)



18/1/10

CHUYỆN ĐỜI (9)



Đợt gió mùa đông bắc kéo dài kèm theo mưa lạnh khiến cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông không thể tiến hành ngoài trời như họ muốn vậy. Không gian trong phòng làm họ cảm thấy hơi tù túng và mất tự nhiên. Anh nắm quyền chủ động (dù sao mình cũng là chủ nhà): "Anh uống gì?". "Tôi uống càphê, nâu nóng!" - Robert nói "nâu nóng" bằng tiếng Việt và xin thêm một ly nước sôi. "Tôi thích uống càphê Việt Nam, nhưng không thể uống đặc như người Việt" - Robert giải thích.

Anh lặp lại nghi thức pha càphê chầm chậm của mình. Và mãi đến khi uống được ngụm đầu tiên, anh mới hỏi: - Hai người quen nhau lâu chưa?

- Gần 2 năm rưỡi rồi. Khi đó, tôi đến Việt Nam được khoảng nửa năm. Cô ấy đang bị trầm cảm sau cuộc ly hôn với anh. Lúc đầu cô ấy khước từ quan hệ với tôi, vì không muốn mắc sai lầm một lần nữa. Phải đến một năm sau cô ấy mới đồng ý yêu tôi và khoảng nửa năm nay mới dọn đến ở chung với tôi.

- Cả con trai tôi cũng về ở chung với hai người à?

- Vâng, thằng bé có phòng riêng. Nó là đứa bé ngoan và thông minh. - Robert cười. - Xin lỗi, tôi có thể hỏi một câu riêng tư được không?

Anh gật đầu, nhưng thâm tâm không thực sự mong muốn.

- Có điều tôi không hiểu, sao anh lại chia tay với một phụ nữ tuyệt vời như vậy?

Anh cảm thấy hơi lúng túng, mặc dù không phải là lần đầu tiên nghe thấy câu hỏi tương tự. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp không ít người đã hỏi anh, tại sao vợ chồng cậu chia tay nhau. Anh bạn đã đưa ra lời cảnh báo trong đêm karaoke chia tay "thời độc thân sôi nổi" là người đầu tiên hỏi anh câu ấy, ngay sau khi nghe phong thanh hai người sắp ly hôn.

Anh còn nhớ cái dáng tất tả của bạn lao xe máy đến công ty anh, điệu bằng được anh ra khỏi cuộc họp của công ty, cầm tay anh lôi sang quán cà phê bên cạnh và hỏi độp vào mặt: "Sao chúng mày lại bỏ nhau?". Anh đã nói với bạn nhiều lắm, kể lại toàn bộ chuyện cô vợ khiến anh bị mất mặt ở công ty và khăng khăng không thể để đàn bà "đè đầu cưỡi cổ" như vậy.

Anh bạn ngao ngán: "Như vậy mà đã ly hôn thì vợ chồng tao phải bỏ nhau đến chục bận rồi". Anh gay gắt: "Bọn mày toàn cãi nhau những chuyện vặt vãnh. Vợ mày có bao giờ dám đến cơ quan chồng để chĩa mũi vào chuyện của chồng không? Không chứ gì? Đấy, mâu thuẫn giữa chúng tao là mâu thuẫn cơ bản, không thể chấp nhận được, không thể hàn gắn."

Bạn anh cáu: "Biết ngay mà, đã cảnh báo rồi. Anh ả đều đẹp giai đẹp gái, giỏi giang, chẳng ai chịu ai. Ai cũng cho mình là nhất, cứ thế thì đổ vỡ làm sao mà tránh được? Mày không thể nhún một lần được à?". Anh vặc lại: "Thế thì nó còn coi tao ra cái thá gì nữa? Sao mày không đi khuyên nhủ nó đi". Bạn anh nhìn anh ngỡ ngàng: "Tao là bạn mày, tao khuyên giải mày. Sao tao lại phải đi nói với vợ mày". "Thế thì thôi, đừng can ngăn nữa."- anh khoát tay.

... Từ đó đến đây đã mấy năm. Mỗi lần nghe thấy câu hỏi đó, anh lại cười nhạt: "Không hợp thì ly hôn". Đó là câu trả lời lấy lệ. Anh biết thế. Bởi vì anh chưa bao giờ nghiêm túc tự hỏi mình: "Tại sao mình lại quyết ly dị? Tại sao mình không cứu vãn sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đó?". Chính xác hơn là anh không dám tự hỏi, vì nếu hỏi, anh sợ rằng anh sẽ không tìm được lời giải thích mà chính anh có thể chấp nhận được.

Anh nhìn thẳng vào mắt Robert: "Thời đó tôi còn quá trẻ, chưa đủ lòng bao dung để tha thứ..."

Robert im lặng, uống một hơi nửa ly càphê. "Đàn ông ai cũng có những sai lầm... Anh có biết là cô ấy vẫn còn xót xa về cuộc hôn nhân với anh không?"

- Cô ấy nói với anh thế à?

- Không, tôi cảm thấy như thế. Cô ấy vẫn quan tâm đến anh, lo lắng cho cuộc sống của anh. Cô ấy luôn nói anh là người tài năng, nhưng còn thiếu đôi chút may mắn...

- Và cô ấy mong muốn tôi thay đổi theo cách của cô ấy để có được sự may mắn?

- Vâng. Nhưng thế thì có gì là tệ đâu? - Robert hỏi lại.

- Không có gì tệ cả...

Hai người đàn ông lại im lặng. Rồi anh phá vỡ sự im lặng: ''Chúng ta gặp nhau ở đây không phải để nói về cuộc hôn nhân đã qua của tôi mà là để nói về cuộc hôn nhân sắp tới của anh..."

Robert tiếp lời: ''Cuộc hôn nhân của chúng tôi chẳng có gì đáng nói, vì chúng tôi đã quyết định sẽ cưới nhau. Đám cưới sẽ được tổ chức tại đây trước khi hết nhiệm kỳ của tôi. Sau đó chúng tôi sẽ về Pháp. Điều duy nhất liên quan đến anh là chúng tôi sẽ đưa thằng bé đi cùng".

- Điều đó thì tôi biết rồi. Cô ấy đã nói với tôi...

- Anh sẽ không phản đối chứ?

- Tôi sẽ trả lời sau khi nói chuyện xong với anh.

- Vậy anh còn muốn biết thêm điều gì? - Robert lấy thuốc lá từ chiếc cặp đặt bên cạnh: "Tôi hút thuốc được không?". Anh gật đầu. Robert châm lửa và rít một hơi thuốc dài.

- Tôi nghe nói anh muốn nhận con trai tôi làm con nuôi. Tại sao vậy? - anh hỏi, giọng có chút căng thẳng.

Robert lại rít thuốc, nhả khói rồi trầm ngâm nói: "Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất mà tôi có thể làm được cho mẹ con cô ấy. Đó là lời bảo đảm của tôi đối với thằng bé. Nó sẽ được hưởng mọi quyền lợi khi nó mang họ tôi, kể cả quyền thừa kế tài sản. Điều đó cũng có nghĩa là tôi phải có trách nhiệm của người cha đối với nó, chứ không chỉ là cha dượng."

Lời giải thích đầy đủ, rõ ràng và thẳng thắn của Robert khiến anh đột nhiên mất hết mọi điểm tựa. Anh lúng túng thốt lên: "Nhưng tại sao anh lại cứ nhất định phải gánh trách nhiệm đối với một đứa trẻ xa lạ? Rồi anh cũng sẽ có những đứa con ruột thịt của chính anh".

Robert thở dài:"Thằng bé không phải là đứa trẻ xa lạ đối với tôi. Nó là con của vợ tôi và tôi yêu quý nó... Hơn nữa... tôi không thể sinh con. Tôi bị vô sinh."

(còn tiếp)

CHUYỆN ĐỜI (1)
CHUYỆN ĐỜI (2)
CHUYỆN ĐỜI (3)
CHUYỆN ĐỜI (4)
CHUYỆN ĐỜI (5)
CHUYỆN ĐỜI (6)
CHUYỆN ĐỜI (7)
CHUYỆN ĐỜI (8)




16/1/10

CHỜ TIN BẠN TỪ VÙNG ĐỘNG ĐẤT



Cuối tháng 10, đầu tháng 11.2008, 50 nhà báo quốc tế được Bộ Ngoại giao Mỹ mời đến Mỹ để đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống. Chúng tôi gặp nhau ở Washington D.C, làm quen với nhau. 50 nhà báo từ hơn 40 nước, mỗi người đại diện cho một nền văn hóa, nhưng có một niềm đam mê chung là báo chí, rất nhanh chóng trở thành bạn bè.

Sau 4 ngày "định hướng" ở D.C, được nghe các nhà phân tích chính trị khá nổi tiếng của Mỹ, giới thiệu về cuộc bầu cử tổng thống 2008, chúng tôi được phân chia đến các tờ báo, tạp chí, đài phát thành, đài truyền hình ở khắp nước Mỹ, bắt đầu 10 ngày sống bầu cử, ăn bầu cử, ngủ bầu cử. Đó thật là một kỷ niệm khó phai.

Bầu cử xong, chúng tôi lại tụ tập về Washington để chia sẻ cảm xúc về cuộc bầu cử, cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp thu hoạch được trong sự kiện chính trị vô cùng đặc biệt này. Tôi thân với nhóm các nhà báo nói tiếng Nga (bao gồm Nga, Ukraina, Kazakhstan, Việt Nam), các nhà báo nói tiếng Pháp (Pháp, Marocco, Algeria, Haiti) và các nhà báo ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đông Timor, Việt Nam), nhưng tiếp xúc và nói chuyện với tất cả mọi người.

Trong số 50 nhà báo trên có Dieudonne Saincy, phóng viên kiêm người dẫn chương trình của đài phát thanh Radio Metropole, ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Anh có lẽ là người Haiti điển hình, có gương mặt khá giống vị Tổng thống bị lật đổ Jean-Bertrand Aristide. Dieudone ít nói, khá trầm tĩnh và chỉ xuất hiện vài ba lần trong số 242 tấm hình được post trên trang Facebook chung của cả nhóm (có tên là The International Lucky Journalists).

Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc với nhau qua trang FB trên, cứ đến dịp Giáng sinh - Năm mới, cả nhóm lại gửi tới nhau những lời chúng mừng chân thành qua email. Nhưng thứ Ba ngày 12.1 vừa rồi, trong hộp thư của tôi đã xuất hiện email của Dedi Irawan, nhà báo có vóc dáng nhỏ bé và đôi mắt tròn sáng như một cậu học sinh trung học với tiêu đề lạ: Lời chia buồn sâu sắc tới Haiti. Bức thư rất ngắn: "Xin gửi lời chia buồn sau sắc tới Haiti, đặc biệt là bạn tôi Dieudone Saincy. Hy vọng anh vẫn an toàn."

Tôi quay sang Yahoo! News, thì được biết một trận động đất mạnh hơn 7 độ Richter vừa làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince của Haiti ngay trước bình minh, làm sập nhiều ngôi nhà và có thể cướp đi sinh mạng của hàng vạn người.


Sau đó, lần lượt những email của những thành viên khác trong nhóm xuất hiện trong hộp thư của tôi.

Biljana từ Macedonia viết: "Sáng nay mọi ý nghĩ của tôi đều ở bên Dieudone và đồng bào của anh. Bạn thân yêu, tôi hy vọng, không có chuyện gì xảy ra với bạn. Hãy lên tiếng khi nhận được bức thư này, và hãy nói nếu bạn cần sự giúp đỡ của chúng tôi.

Jeff Leung từ Trung Quốc viết: "Tôi sẽ sang Haiti để tường thuật hậu quả vụ động đất này. Có bạn nào định đi không? Nếu có thì hãy liên lạc với tôi. Chúng ta sẽ giúp Dieudone ở chính thành phố của anh ấy".

Mourad Teyeb từ Tunisia viết: "Anh Dieudone, tôi đang ở bên cạnh anh. Hãy cho chúng tôi biết rằng anh và người thân của anh vẫn bình an vô sự".

Ali Abaday từ Thổ Nhĩ Kỳ viết: "Bạn Dieudone thân mến. Hy vọng mọi điều tốt đẹp với anh và gia đình anh. Hãy cho tôi biết có thể giúp gì được bạn?"

Gulnara Mukhanova từ Kazakhstan viết: "Tôi cũng hy vọng Dieudone và gia đình anh ấy an toàn. Hãy bảo trọng, Dieudone!"

Ediad Wannous từ Syria viết: "Chúng tôi nóng lòng chờ tin của anh, Dieudone".



Zoya Mezzawi từ Lebanon viết: "Thượng đế che chở cho anh. Tôi vẫn còn giữ một tấm hình rất đẹp của anh chụp tại Mỹ. Tôi đang giữ nó trong tay và từ trái tim mình, tôi mong được gặp lại anh với nụ cười rạng rỡ như trong tấm hình này."

Mario Cerna từ Honduras viết: "Dieudone, Chúa sẽ cứu vớt đất nước anh."

Brikenda Rexhepi từ Kosovo viết: "Chúng tôi đang cầu nguyện cho anh và cho Haiti".



Mohammed Ma'aita từ Jordan viết: "Dieudonne thân mến. Tôi hy vọng anh sẽ nhận được bức thư này cũng như hy vọng anh sẽ vượt qua được bối cảnh này. Chúng tôi chia sẻ với anh nỗi buồn về sự mất mát (có thể) của bạn bè và người thân. Cầu mong họ được an nghỉ. Chúa sẽ hàn gắn những vết thương hôm nay".

Charles Odongtho từ Uganda viết: "Dieudonne, trái tim tôi rỉ máu khi hay tin về những hậu quả đau buồn mà vụ động đất gây ra. Ngồi xem tin thời sự quốc tế qua TV, tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy những gì mà anh chị em, người thân và đồng bào của anh đang phải chịu đựng. Mong anh biết rằng Chúa đang che chở cho họ. Đất nước anh lẽ ra không phải gánh chịu thảm họa này sau trận đói vừa qua.

Các bạn đồng nghiệp, chúng ta hãy cùng cầu chúc cho nhân dân Haiti và hy vọng chính quyền nước này nhanh chóng tìm được giải pháp xử lý thảm họa".

Jeremias Langa từ Mozambique viết: "Anh Dieudonneh, tôi là Jeremiah đây. Cùng với mọi người, tôi đang cầu nguyện cho anh và nhân dân Haiti. Chúa ban phước lành cho Haiti".

Alexander Artemyev từ Nga viết: "Các bạn ơi, đây là danh sách các tổ chức nhân đạo đang cứu nạn tại Haiti: - http://www.cnn.com/SPECIALS/2007/impact/

Chúng ta có thể đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế qua Quỹ "International Response Fund" của Tổ chức Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ http://american.redcross.org/site/PageServer?pagename=ntld_main"


Còn nhiều nữa những bức thư chia sẻ của các bạn đồng nghiệp khác. Nhưng cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ Dieudone. Trong đống đổ nát ở Haiti chắc không thể kết nối được với Internet. Dẫu chưa có tin, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng Dieudone bình an vô sự.

Cầu mong đất nước này có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn hôm nay.

Ảnh: 1. Dieudone tại Washington D.C. tháng 10.2008; 2. Hàng vạn người Haiti bị mất nhà ở.

THAM KHẢO
NHỮNG CÂU CHUYỆN LÀM TIM BẠN TAN NÁT
Nguồn: Blog VuPundit


14/1/10

CHUYỆN ĐỜI (8)



Robert trở về khi thành phố đã lên đèn. Anh thường nán lại văn phòng để tận dụng thời gian làm việc với đại bản doanh ở Châu Âu và cũng để tránh giờ cao điểm. Ở Việt Nam đã gần hết một nhiệm kỳ 3 năm, nhưng anh vẫn không sao quen được với việc tự lái xe trên đường phố Hà Nội vào giờ tan tầm.

Nhà cửa vắng tanh, không thấy ánh sáng, cũng như không không có mùi thức ăn từ bếp tỏa ra như mọi ngày. Anh giở điện thoại, không có tin nhắn, không có cuộc gọi nhỡ nào. Cô ấy đi đâu nhỉ? Robert bật đèn nhìn quanh. Không có ai trong nhà. Anh leo lên tầng hai, phòng ngủ lạnh tanh. Phòng thằng bé cũng tắt điện. Anh ngó vào phòng đọc sách. Trong ánh sáng đèn đường từ ngoài rọi qua cửa kính anh nhìn thấy bóng người ngồi bất động trên ghế bành.

Robert với tay bật công tắc. Chị ngồi đó, vẫn mặc nguyên đồ công sở. Trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh có một ly wisky. Chị khẽ quay đầu nhìn về phía anh, cặp mắt thiếu sinh khí. Anh hoảng hốt: "Kìa em, có chuyện gì xảy ra với em vậy?". Anh lao đến bên ghế bành, cầm lấy tay chị. Bàn tay lạnh ngắt.

Chị như bừng tỉnh, cúi xuống: "Em không sao cả..."

Anh nhìn ly rượu, rồi nhìn chị: "Sao em lại uống rượu một mình?". "Em buồn" - chị nói khẽ. "Thằng bé đâu rồi?" - anh hỏi.

- Em đã nhờ bố em đến đón nó. Tối nay nó sẽ ngủ ở nhà bố mẹ em. Hôm nay em không nấu ăn, anh đừng giận nhé.

- Không, anh không giận. Nhưng có chuyện gì vậy, em phải nói cho anh biết chứ. - Robert sốt ruột.

Chị cầm lấy tay Robert: "Anh ngồi lên đây với em. Thế, ôm em chặt vào nhé". Robert ôm lấy người phụ nữ mà anh yêu, tấm thân nóng hổi của chị như mềm ra. Cô ấy bỗng nhiên thật tĩnh lặng, thật yếu ớt, khác hẳn với bản tính sôi nổi và bốc đồng thường ngày... Giọng chị thoảng bên tai: "Robert, anh có nghĩ em là người đàn bà khủng khiếp không?"

- Không, em là phụ nữ rất đáng yêu, rất nữ tính. - Robert khẽ khàng trả lời.

- Thế mà hôm nay em đã làm một việc khủng khiếp... Em đã hắt cả một cốc nước vào mặt chồng cũ của em sau khi cãi nhau kịch liệt với anh ấy.

Robert buông chị ra, đưa hai tay ôm lấy gương mặt chị và hỏi: "Em đã gặp anh ấy để nói chuyện mình sẽ rời khỏi Việt Nam rồi à? Có việc gì mà em phải hành động đến như vậy?"

Nước mắt ứa ra từ khóe mắt chị: "Tại em cảm thấy bất lực, anh ạ. Sao có những điều thật đơn giản mà người khác không chịu hiểu hả anh? Em muốn tốt cho người ta, mà người ta cứ khăng khăng khước từ là sao?"

Robert rút khăn giấy từ chiếc hộp trên bàn, khẽ lau nước mắt cho chị. Ánh mắt anh khuyến khích chị kể tiếp.

- Anh biết không, trưa nay khi nhìn anh ấy đi cái xe máy cũ rích đến quán càphê, em thấy lòng tự nhiên thắt lại. Tự nhiên, em muốn mình có gì thì đưa hết cho người đàn ông này. Anh biết đấy, anh ấy đã từng là chồng em, là bố của con em. Dẫu em với anh ấy đã ly dị, thì anh ấy vẫn là một người thân thiết của em, đúng không? Nhưng không hiểu sao, cứ nói chuyện với anh ấy, là em không thể không cãi vã. Em không thể kìm lại được sự bực tức của mình.

- Em à, đơn giản thôi. Em vẫn còn yêu anh ấy...

Chị nhìn thẳng vào mắt anh. Đôi mắt xanh ấm áp và sự chân thành tỏa ra từ đó nói cho chị biết rằng anh không hề chế nhạo chị.

- Cám ơn anh, vì anh đã hiểu em. Đúng là em còn yêu anh ấy. Nhưng đó không phải là tình yêu như trước kia. Anh biết đấy: anh ấy là mối tình đầu của em, là người đàn ông đầu tiên trong đời em. Em và anh ấy đã có những khoảnh khắc rất đẹp. Thế nên, em không thể căm ghét anh ấy. Trên thực tế có những người yêu nhau, nhưng hoàn toàn không thể sống với nhau. Em với anh ấy là như thế. Anh đừng bao giờ ghen nhé.

- Anh không ghen, mà chỉ thấy tiếc là lẽ ra em đã có thể rất hạnh phúc.

- Anh biết không, anh ấy là người rất tài năng. Với tài năng như vậy, chỉ cần thực tế hơn một chút, sống hợp thời hơn một chút, là hoàn toàn có thể thành công. Anh ấy sẽ có tất cả: sự nghiệp, gia sản, vợ đẹp con khôn. Em thấy rất tiếc, vì chỉ cần điều chỉnh chút ít thôi, anh ấy sẽ có một cuộc sống khác, một số phận khác. Đó chỉ là thay đổi quan niệm sống, không hề phải đánh đổi cái gì, anh ấy cũng không vì thế mà giảm bớt giá trị về nhân cách.

- Nếu anh ấy thông minh như em nói, thì anh ấy biết tất cả những điều vừa rồi. Chỉ có điều, anh ấy có thể là một cá tính mạnh, không chịu được kiểu có người ở bên cạnh chỉ đạo mình phải làm gì. Nên từ trong anh ấy nảy sinh tâm lý phản kháng lại những điều mà em muốn anh ấy phải làm".

Chị giật mình và thốt lên nho nhỏ, nhưng giọng đầy đau đớn: "Cả anh cũng nghĩ rằng em là nguồn cơn cho những thất bại của anh ấy à?"

Anh lại nắm lấy tay chị và ủ chúng trong đôi tay rộng của mình: "Anh đã ở Việt Nam 3 năm, làm việc với nhiều đồng nghiệp Việt Nam từ đủ ba miền. Anh hiểu tâm lý người Việt Nam. Phụ nữ như em có thể sẽ rất thành đạt ở phương Tây, nhưng ở Việt Nam thì luôn gặp một số rắc rối."

Chị lắc đầu nước mắt rơi lã chã: "Anh có tin là em chỉ muốn điều tốt đẹp cho anh ấy không? Chẳng hạn như hôm nay, khi nhìn thấy anh ấy đi chiếc xe máy cũ đó, nhưng em đã nghĩ khi em đi rồi, em sẽ để lại chiếc xe của em cho anh ấy sử dụng. Thế mà, em chỉ nói với anh ấy vài câu thôi là đã nổi cáu, đã xỉ vả anh ấy. Cứ như có một mụ đàn bà độc ác nào đó trú sẵn trong người em, trả thù anh ấy vì đã dám bỏ rơi mụ ta..."

Anh vuốt ve vai chị. "Em cũng chỉ là một phụ nữ Việt Nam bình thường thôi, luôn nghĩ rằng khi mình yêu quý ai đó thì được phép nói nặng lời..."

- Anh, đã bao giờ em nặng lời với anh chưa?

- Chưa. Nhưng đàn ông phương Tây hay phương Đông dù khác biệt bao nhiêu về lối sống và suy nghĩ thì đều có một điểm chung: Họ xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. Chỉ yêu thương không thôi thì không đủ đâu em...

Chị ôm chặt lấy Robert: "Anh, nếu sau này có lúc nào em to tiếng và nặng lời, thì anh hãy biết rằng đó là lúc em yếu đuối nhất, bất lực nhất. Nếu có lúc nào như thế, thì anh đừng nói câu nào mà hãy tiến đến và ôm lấy em thật chặt nhé. "

(còn tiếp)

CHUYỆN ĐỜI (1)
CHUYỆN ĐỜI (2)
CHUYỆN ĐỜI (3)
CHUYỆN ĐỜI (4)
CHUYỆN ĐỜI (5)
CHUYỆN ĐỜI (6)
CHUYỆN ĐỜI (7)


13/1/10

CHUYỆN ĐỜI (7)



Anh lúng túng khi thấy bố quá xúc động trước thông tin bất ngờ này. Anh chẳng đã tức tối gầm lên khi nghe cô vợ cũ nói ông chồng tương lai của cô muốn nhận thằng bé làm con nuôi đó sao. Lo ngại ông có thể bị sốc, anh vội vã giải thích: "Thực ra thì không hẳn là cô ta muốn đem thằng bé làm con nuôi, mà cô ta chỉ muốn con từ chối quyền làm cha đối với cu Tí mà thôi".

Rồi anh thuật lại chi tiết câu chuyện cho bố. Ông nghe chăm chú và ngồi lặng im khi anh kể xong. Vài phút sau, ông mới hỏi: "Thế tức là cô ấy không đem con cho người khác, mà là đưa nó ra nước ngoài sau khi lấy chồng mới thôi, đúng không?". Anh gật đầu.

Ông đứng dậy: "Thôi, con ăn nốt đi, rồi dọn dẹp rửa bát. Xong ra uống nước, bố con ta nói chuyện".

Khi anh ra phòng khách thì thấy ông đã ngồi chờ bên ấm trà sen mới pha. Ông rót trà đưa cho anh: "Lúc nãy con hỏi bố một câu mà bố chưa trả lời là liệu bố có đem con cho người khác, khi bố bằng tuổi con bây giờ? Câu trả lời là không. Không, vì bố và mẹ con sống hạnh phúc và đủ sức nuôi con. Còn trường hợp của con bây giờ lại rất khác. Và vì thế câu trả lời không nhất thiết phải là không".

- Sao lại thế được ạ? Câu trả lời của con cũng là không. Không thể có câu trả lời khác đối với câu hỏi này. - Anh quả quyết.

- Vấn đề là ở chỗ vợ chồng con đã chia tay. Tòa phán quyết thằng bé ở với mẹ. Mẹ nó tái hôn. Nếu như người chồng mới của cô ta chấp nhận thằng bé, thì không có lý gì mà chúng ta giữ được nó ở lại đây.

- Nhưng bố có biết là họ sẽ đi nước ngoài, chứ không phải là loanh quanh đâu đó ở Việt Nam? Điều đó có nghĩa là con có nguy cơ không được gặp nó. Sẽ phải trông chờ vào lòng hảo tâm của cô ta nếu cô ta chịu đưa con nước...

- Đúng vậy. Chỉ có cách đó thôi. Thế nên không thể cứ gân cổ lên cãi vã được. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề...

- Thế bố bảo con phải làm gì? Nhắm mắt để người ta dẫn đứa con trai duy nhất của con đi nước ngoài? Phó mặc nó cho một người đàn ông xa lạ dạy dỗ? Và không rõ vợ chồng anh ta biến nó thành người như thế nào? Biết đâu, nó còn không biết thắp hương, cúng giỗ tổ tiên nữa...

- Thế con có biết thắp hương, cúng giỗ tổ tiên không? Lúc mẹ còn sống, mẹ là người làm việc đó. Mẹ mất đi, bố là người cúng giỗ. Con luôn phải để bố nhắc và chỉ về nhà ăn giỗ khi cỗ đã dọn xong...

Anh lặng người đi sau những lời của bố, quả đúng là như vậy. Thâm tâm anh coi chuyện cúng giỗ là bổn phận thiêng liêng, nhưng anh chưa bao giờ tự tay thực hiện. Có chăng chỉ là thắp nén nhang lên mâm cỗ, hoặc giúp bố hóa vàng. Như hiểu được ý nghĩ của anh, ông nói: "Còn cái việc thắp ba nén hương vái ba cái trước ban thờ, hay hóa vàng như con vẫn làm thì chỉ cần học trong một phút là xong. Con không cần đến hàng chục năm để dạy con trai con làm việc đó".

- Bố, bố đang tước bỏ mọi vũ khí của con... - anh bực tức kêu lên.

- Những thứ vũ khí đó con không hề có. Bố chỉ giúp con nhận rõ ra điều đó mà thôi. Bây giờ bố muốn hỏi con một câu, và con phải nói thật. - Ông ngừng lại nghe thái độ của anh. Thấy anh im lặng, ông tiếp: "Con có thấy nếu con trai con đi nước ngoài là tốt hơn cho nó không?"

-Bố, con còn chưa biết tay bố dượng của nó mồm ngang mũi dọc ra sao thì làm sao con trả lời câu hỏi đó của bố được. Chắc gì đi nước ngoài đã tốt hơn ở Việt Nam? Nhất là nếu người đàn ông đó tài sản chẳng có gì, tính cách lôm côm, thì tốt nhất là nó nên ở lại. Ai đảm bảo mẹ nó sẽ sống hạnh phúc với cuộc hôn nhân thứ hai? Nếu cô ta lại ly dị, thằng bé sẽ ra sao?

Ông đứng dậy, đặt tay lên vai anh: "Có vẻ như con đã hiểu ra vấn đề rồi đấy...". Anh ngẩng lên nhìn ông: "Tức là bố ủng hộ quan điểm của con không cho thằng bé đi.". Ông lắc đầu: "Như bố đã nói, chúng ta không thể giữ thằng bé lại được. Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là giảm thiểu những bất trắc sẽ xảy ra với nó..."

Anh đứng dậy, cầm lấy hai vai ông và lắc mạnh: "Bố ơi, chúng ta không hề biết bất trắc nào đang chờ đợi nó, vậy thì làm sao bố con ta có thể giảm thiểu được những bất trắc đây?". Ông cầm hai tay anh, giữ lại: "Được chứ. Chúng ta có thể đặt các điều kiện".

- Điều kiện gì ạ? - anh nôn nóng hỏi.

- Điều kiện gì ấy à? Cái này thì phải tính. Nhưng muốn tính được thì phải có dữ kiện. Sao con không đi gặp anh chàng Tây kia nhỉ?

- Gặp chồng mới của cô ta ấy ạ?

- Đúng rồi. Chỉ có gặp anh ta, nói chuyện với anh ta mới biết anh ta là người như thế nào, tốt hay xấu, giầu hay nghèo, thái độ với thằng cu Tí ra sao, và nhiều chuyện khác nữa. Biết càng rõ anh ta, thì chúng ta càng đưa ra được những điều kiện sát với thực tế...

(còn tiếp)

CHUYỆN ĐỜI (1)
CHUYỆN ĐỜI (2)
CHUYỆN ĐỜI (3)
CHUYỆN ĐỜI (4)
CHUYỆN ĐỜI (5)
CHUYỆN ĐỜI (6)



12/1/10

CHUYỆN ĐỜI (6)



Những cơn gió mùa đông bắc lồng lộn phóng theo anh. Cuộc nói chuyện nặng nề khiến anh mệt mỏi nên anh quyết định không đến cơ quan làm nốt buổi chiều mà đi thằng về nhà. Dựng xe ở sân, anh vào nhà, nằm vật ra salông.

Gió lạnh lùa vào nhà, lay lay chiếc đèn chùm treo trên trần nhà khiến một vài miếng pha lê lóe lên như cười nhạo anh: "Một thằng đàn ông chả ra gì, bị ả vợ cũ cười vào mũi". Anh lần tay vào túi quần, rút chiếc điện thoại ra, viết nhanh một tin nhắn và gửi vào số máy của người vợ cũ. Mình sẽ không đầu hàng trong trận quyết đấu này, anh tự nhủ như vậy.

- Con về rồi à? Sao không đi làm? - Giọng bố anh vang lên. Có tiếng bước chân của ông, rồi gương mặt ông hiện ra ngay dưới chiếc đèn chùm. Ông cau mày: "Con sao vậy? Mặt con trông thật khủng khiếp, cứ như con vừa mai táng tất cả những người thân trong nhà..."

Anh thở dài, quay mặt vào bên trong. Ông ngồi xuống bên cạnh, lay vai anh: "Này, có chuyện gì nói cho bố biết?". Anh gắt: "Chẳng có chuyện gì cả, bố để con yên". Ông già không chịu buông tha: "Nếu anh không chịu nói, thì lên gác nằm đi. Tôi phải tiếp khách, tổ hưu trí họp ở đây bây giờ." Anh ngồi dậy, cầm chìa khóa, điện thoại, rồi bước lên gác. Không nhìn ông, anh nói: "Bố không được quấy rầy con đâu đấy".

Căn phòng của anh trên tầng ba. Từ hồi li dị vợ anh vẫn ở một mình trong căn phòng này. Nó khá rộng, đủ chỗ để hai vợ chồng cùng đứa con trai sống. Chiếc giường đôi mẹ anh đích thân đi mua trước đám cưới vẫn là chỗ anh nằm ngủ hàng đêm. Chăn ga gối đệm mua từ hồi đó có cái anh dùng, có cái không. Chiếc bàn phấn nơi cô vợ cũ ngồi trang điểm mỗi sáng cũng vẫn còn kia, giờ anh biến nó thành nơi để laptop mà một dàn nghe nhạc mini. Tủ quần áo, tivi... mọi thứ vẫn còn nguyên. Duy chỉ có tấm ảnh cưới treo đầu giường đã được tháo đi ngay sau khi cô chủ cũ rời khỏi căn phòng. Thế vào đó là một phiên bản một bức tranh phong cảnh nổi tiếng mà anh mua trong đợt đi công tác nước ngoài.

Anh mở rèm và nhìn qua cửa kính xuống hàng cây bằng lăng trồng trên hè phố cố vươn tán lá đến sát chiếc bancông, nơi anh vẫn ra tập thể dục mỗi sáng. Mùa này chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu. Gió đang ra sức lay những cành cây ấy để chúng buông tha những chiếc lá vàng cuối cùng còn sót lại.

Anh kéo rèm lại. Căn phòng trở nên tối om. Để nguyên quần áo, anh nằm xuống giường, hai tay đan vào gáy. Mắt anh mở to, nhưng không nhìn thấy gì trong bóng tối. Nhưng khi nhắm mắt thì anh bỗng thấy những vòng vằn vèo màu đỏ phát sáng chạy hỗn loạn. Chúng ru anh vào giấc ngủ mệt mỏi...

... Anh chỉ thức giấc khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Giọng bố anh vang lên: "Dậy, dậy đi con ơi". Anh nói vọng ra: "Con đã nói bố đừng quấy rầy con mà!". "Ờ, nhưng bây giờ là 7 giờ rồi. Bố gọi con xuống ăn cơm." Kể từ ngày mẹ anh mất cách đây hai năm, bố con anh thỏa thuận luôn ăn tối với nhau. Không thể để ông già đã nấu cơm lại phải ngồi ăn một mình, nên nghe ông nói thế, anh đành trở dậy.

- Trời lạnh, làm chút rượu cho ấm bụng nhé? - Bố anh gạ.
- Vâng, - anh gật đầu. Bố anh rót chai rượu làng Vân ngâm mật gấu ra hai cái chén nhỏ: "Nào cụng ly đi con."

Anh lặng lẽ đưa chén lên.

- Nào, hôm nay ở cơ quan có việc gì, nói cho bố hay. Nhà giờ chỉ còn hai bố con, con định vẫn giữ mãi cái kiểu không cần nghe ý kiến của bố như lâu nay à? - ông nhìn xoáy vào anh, ánh mắt lộ rõ sự quan tâm.

- Con đã từng nghe lời bố. Bố lúc nào cũng tâm niệm đừng quan trọng hóa vấn đề, hãy coi nhẹ mọi việc. Nhưng con không thấy đó là giải pháp cho con...

- Sao không phải là giải pháp?

- Vì xã hội hiện nay quá phức tạp, chứ không đơn giản và trong sáng như thời của bố. Mà bố cũng lạ. Vui sướng thì hát véo von, đau khổ thì khóc lóc. Nhiều lúc, con không hiểu được bố.

- Bố còn phải nói với con bao nhiêu nữa? Giời cho ta mọi giác quan, mọi cảm xúc. Tại sao ta lại phải ghìm nén những tình cảm thật trong lòng? Khi ta sung sướng, ta có quyền bày tỏ điều đó qua tiếng hát, qua nụ cười. Khi ta đau khổ, ta hãy khóc để vợi bớt nỗi đau. Sao ta lại từ chối những đặc quyền mà thượng đế ban phát cho chúng ta?

- Nhưng đàn ông không nên sống quá thiên về tình cảm như vậy, bố ạ. Trông chán lắm... Chả làm được trò trống gì nên hồn. Khi vợ chồng con trục trặc, bố nói rất đơn giản: "Nếu các con không còn yêu nhau nữa, nếu thấy cuộc sống chung không còn vui vẻ nữa, thì ly dị cũng được..."

- Ừ, đúng là bố đã nói như thế. Nhưng ly dị là con quyết định, chứ không phải bố. Và bố thấy, con sống cũng thoải mái từ đó đến nay.

- Chỉ thấy thoải mái cho mình mà không đếm xỉa đến việc người khác có được thoải mái từ việc làm của mình hay không có lẽ là cách sống vô trách nhiệm. Hôm nay cô ấy xỉ vả con vì quyết định đó...

- Các con gặp nhau à? Đã mấy năm trôi qua rồi mà vẫn còn nỗi niềm chứa chất à? Hay còn chuyện gì khác?

- Cô ấy nói chúng con lấy nhau không hẳn vì tình yêu, rằng chúng con ly dị nhau là đúng. Nhưng, còn có một chuyện nữa. - Anh ngập ngừng. - Bố này, nếu ngày bằng tuổi con, có người đề nghị bố cho con, bố có cho không?

Bố anh ngừng nhai, nhìn anh ngạc nhiên: "Con sao vậy? Con bị ốm, nói sảng đấy à?"

- Không ạ. - Anh lắc đầu. - Vợ con muốn con đồng ý để cho cu Tí làm con nuôi.

Bố anh giật nẩy mình: "Cái gì? Nó có bị điên không?"

(còn tiếp)

CHUYỆN ĐỜI (1)
CHUYỆN ĐỜI (2)
CHUYỆN ĐỜI (3)
CHUYỆN ĐỜI (4)
CHUYỆN ĐỜI (5)



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết