31/8/09

NO DRAMA!



"Looking for no drama woman for possable LTR, i am 32 divorced no kids. Try to live life to the fullest everyday. When not at work usally racing, everyone welcom, age, race, size, don't matter. Just tired of playing games. So if you know what you want in life, let's me know".

Đấy là một message muốn tìm đối tượng cho một mối quan hệ lâu dài của một người đàn ông 32 tuổi, đã từng li dị một lần. Cái gì anh này cũng chấp nhận, trừ một chuyện là "drama".

Thế nào là "no drama"?

Tức là những phụ nữ không bi kịch hoá cuộc sống của họ, người yêu của họ và những người thân cũng như bạn bè và đồng nghiệp sống quanh họ. Đó là những phụ nữ biết "take it easy", biến chuyện to thành chuyện nhỏ. Đó là những phụ nữ mà tiếng Việt gọi là "biết điều".

Phụ nữ Việt Nam thường rất chịu thương chịu khó, biết hy sinh cho chồng con, nhưng những số người có tính cách "no drama" hình như lại rất ít. Lúc nào cũng phải nghĩ ra điều gì đó làm phức tạp hoá tình hình, quan trọng hoá vấn đề và làm cho mọi việc rối tung lên. Dường như nếu không "thử thách" người thân, không làm cho họ điên cái đầu thì không chịu được.

Kết cục là những người đàn ông cứ lặng lẽ rời xa... Đến lúc đó lại than thân trách phận, chê đàn ông phụ bạc.

Nếu biết "no drama" ngay từ đầu thì tốt biết bao...

(Trích tâm sự của một anh bạn qua điện thoại tối nay)

30/8/09

ĐƯỜNG DÀI... DU MỤC




Дорогой Длинною, tựa tiếng Việt là "Tình ca du mục", hay tiếng Anh là "Those Were The Days" là một trong những bài bát nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Nga.

Дорогой Длинною, đơn giản là "Dặm đường dài". Bài hát do B. Fomin viết nhạc và K. Podrevsky đặt lời.



Dưới đây là một số version của bài hát này theo các phong cách khác nhau.



Nani Bregvadze - nữ ca sĩ Gruzia, hát theo đúng phong cách romans của Nga.



Anna Litvineno - nữ ca sĩ Nga, hát theo phong cách dân gian Nga.



Ban nhạc Penyary của Belarus hát biến tấu



Manca Izmajlova - nữ ca sĩ Slovenia, hát theo phong cách thính phòng.



Nữ danh ca Pháp Dalida trình bày bản tiếng Pháp "Le temps des fleurs"



Phiên bản Aquellos Fueron Los Dias do ca sĩ Tây Ban Nha Gigliola Cinquetti trình bày.



Bản tiếng Anh do ban nhạc Leningrad Cowboys trình bày



Razmik Amyan - nam ca sĩ Armenia, hát theo phong cách nhạc pop.

Bạn thích bản nào?


29/8/09

NGHỆ SĨ VÀ DANH HIỆU


Cẩm Vân - ca sĩ liên tục toả sáng suốt 30 năm qua.

1. Cách đây mấy năm, tôi phỏng vấn nghệ sĩ vĩ cầm đương đại xuất sắc của Nga Eduard Grach, khi ông đem dàn nhạc thính phòng Moskovia đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông nói: "Tôi là Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô, và tôi tự hào về điều đó".

Tôi hỏi lại: "Tại sao?"

Ông đáp: "Để đạt danh hiệu đó, nghệ sĩ phải có tài năng thực sự và tài năng đó phải được xã hội công nhận. Tôi tự hào vì lẽ đó".

2. Một người bạn của tôi là diễn viên của một nhà hát kịch nói thuộc diện hàng đầu Việt Nam. Ít ngày trước chị kể rằng vị nghệ sĩ nhân dân vừa được phân về làm giám đốc nhà hát của chị, giục chị làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Chị đang chần chừ, không phải vì chị thiếu tài năng và thành tích, mà vì nhà hát chị lâu nay hoạt động có phần lay lắt. Chị được danh hiệu, có khi người ta lại nghĩ là chị "chạy".

Ông giám đốc nói với chị: "Không phải là chị cần danh hiệu này, mà là nhà hát cần. Không thể để một nhà hát tầm cỡ quốc gia mà không có nghệ sĩ nhân dân nào. Chị đủ điều kiện, chị cần làm vì nhà hát".

Tôi cũng nói với chị rằng chị nên làm. Không chỉ vì nhà hát như lời ông giám đốc, mà còn vì khán giả của mình. Họ có quyền được thấy người nghệ sĩ tài năng mà họ yêu thích được công nhận danh hiệu cao quý đó.

Chị thở dài: "Cũng biết thế, nhưng hôm trước vào Sài Gòn xem Thành Lộc diễn. Hắn tài như thế mà mới có NSƯT, mình chắc chắn không tài bằng hắn. Cho nên nếu mình là nhân dân mà hắn vẫn ưu tú thì mình thấy ngượng".

3. Một loạt nghệ sĩ thực sự có tài ở miền Nam dường như không màng danh hiệu ưu tú và nhân dân. Giống như chị bạn NSƯT kịch nói nêu trên, tôi cũng thấy Thành Lộc xứng đáng là Nghệ sĩ Nhân dân. Anh thậm chí có phần còn nổi hơn những nghệ sĩ kịch nói xuất sắc khác của sân khấu miền Bắc đã có danh hiệu nhân dân như Lê Khanh, Lan Hương, Hoàng Dũng...

Các nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ cũng xứng đáng với danh hiệu NSND, nhưng các chị tạm thời mới chỉ là ưu tú.

Hữu Châu trong vai Nguyễn Trãi vở "Bí mật vườn Lệ Chi"

Ca sĩ Cẩm Vân, một nghệ sĩ xuất sắc với thâm niên hoạt động nghệ thuật liên tục suốt 30 năm qua, chưa hề có danh hiệu nào. Diễn viên kịch nói Hữu Châu toả sáng trên sân khấu với đủ loại vai cũng như vậy. Có lần tôi thấy họ phát biểu trên báo rằng để được nhận danh hiệu mà phải làm hồ sơ "xin" thì họ không làm, nhà nước phải thấy đóng góp của họ và tưởng thưởng họ.

Kể ra, nghĩ như thế không sai, nhưng cũng hơi máy móc. Tại không ít nước, để nhận các giải thưởng hay danh hiệu, người ta cũng vẫn phải điền những cái form nào đó. Một nghệ sĩ nổi tiếng phá phách như đạo diễn Doãn Hoàng Giang, để nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, cũng phải qua thủ tục này, thì tôi nghĩ, những người khác cũng có thể làm được.

27/8/09

TẠI ĐÀN ÔNG HAY TẠI ĐÀN BÀ?



Cách đây vài hôm tôi ngồi ăn trưa cùng hai người bạn mới quen. Họ mở một phòng khám đa khoa tại Vientiane (Lào). Cứ ngỡ làm ăn ở Lào thì khó thành công, không ngờ cái phòng khám đó chỉ sau vài năm tiếng tăm đã nổi như cồn. Những bệnh nhân VIP nhất của Lào đều đến khám và chữa bệnh tại đó.

Chúng tôi nói đến tính cách của người Lào, và tôi buột miệng: "Đàn ông Lào có nhiều điểm mà đàn ông Việt Nam phải học tập". Anh bạn tôi tò mò: "Ông chắc cũng không tiếp xúc với người Lào nhiều, tại sao ông lại nói vậy?". Tôi thừa nhận là tôi mới chỉ sang Lào một lần vài ngày, nhưng nhận xét đó không rút ra từ chuyến đi ấy.

Để hiểu được câu chuyện tôi sắp kể dưới đây, mời mọi người đọc lại một entry tôi viết cách đây đúng một năm với nhan đề "Có người con rơi tìm ông".

... Giờ tôi kể tiếp nhé.

Tóm lại tôi là fan của chương trình truyền hình tìm người thân trên truyền hình Nga. Những khi rỗi rãi lại truy cập vào website của chương trình để xem những cuộc kiếm tìm và những cuộc đoàn tụ mới.

Một hôm, có hai cô bé tuổi chừng từ 8 đến 12, xinh xắn lắm, xuất hiện trên màn hình và kể qua nước mắt: "Bố chúng cháu là người Lào. Bố cháu học ở Nga, gặp và kết hôn với mẹ cháu. Sau khi học xong, bố cháu về nước, hứa sau khi ổn định công việc sẽ quay lại đón ba mẹ con. Nhưng được một thời gian thì mẹ cháu bị bệnh và qua đời. Ông bà ngoại cháu quá già, không thể nuôi được hai cháu, nên phải đưa chúng cháu vào trại trẻ mồ côi. Sau đó thì ông bà cũng mất. Giờ chúng cháu không còn ai thân thích nữa. Chúng cháu muốn tìm lại bố và muốn sống với bố".

Một người phụ nữ, thành viên ban lãnh đạo của trại trẻ mồ côi, nói rằng hai cô bé rất ngoan, rất chăm học và nếu được đoàn tụ với bố thì chắn hẳn sẽ rất sung sướng và hạnh phúc. Người dẫn chương trình cho biết vài thông tin ngắn ngủi về người đàn ông Lào, trường mà anh ta đã tốt nghiệp, cùng tấm hình của anh chụp từ hơn 10 năm trước.

Xem đến đó, tôi nghĩ thầm, trường hợp này khó đây. Nước Lào lạc hậu thế, viễn thông, Internet đều không phổ biến lắm, chắc gì mà tìm được anh ta...

Mấy tuần sau, tôi quay trở lại website, xem lại những chương trình đã phát trong thời gian đó. Và tôi ngạc nhiên khi thấy hai cô bé được mời trở lại trường quay. Chương trình báo tin đã tìm thấy bố của hai em và có một món quà tặng hai em là đoạn băng video được ghi hình ở Vientiane.

Trên màn hình xuất hiện một người đàn ông tầm 35 tuổi. Gương mặt sáng sủa, chất phác. Anh nói tiếng Nga bằng một giọng run run. Anh xin lỗi vì hoàn cảnh nên đã không thể quay lại ngay đón ba mẹ con. Anh có viết thư, nhưng sau này không nhận được hồi âm (có lẽ đó là sau khi người vợ mất). Anh nghĩ rằng vợ mình đã có cuộc sống mới nên không quấy rầy thêm nữa. Anh lấy vợ khác, một phụ nữ Lào, có thêm một đứa con trai và một đứa con gái.

Người đàn ông không ghìm được cảm xúc và bật khóc: "Lúc nào bố cũng nhớ các con. Bố nhờ hỏi về các con khắp nơi mà không được. Bố sẽ sang Nga đón các con về Vientiane. Điều kiện ở đây không bằng ở Nga, nhưng mẹ và các em rất sung sướng được có các con trong nhà".

Các cô bé cũng khóc. Người dẫn chương trình nói: "Các cháu sắp được gặp lại gia đình của mình. Cố gắng chờ thêm một chút nữa, bố sẽ sang đón các cháu về".

Tóm lại, là một câu chuyện có happy end.

Đấy, đàn ông Lào đấy, một thành viên của xã hội mà chúng ta vẫn nói trên các phương tiện truyền thông là "nhân dân các bộ tộc Lào" đấy. Xem ra họ tiến hóa hơn chúng ta về mặt tình cảm. Chỉ sau vài tuần một chương trình truyền hình nước ngoài đưa tin là có người tìm cha, thì người cha đã tức tốc hồi âm, và nhận ngay trách nhiệm đưa các con về nuôi. Tôi biết lương một công chức Lào là bao nhiêu, chừng 50 USD/tháng là cùng, anh ta đang nuôi 2 đứa con của cuộc hôn nhân sau, giờ thêm 2 đứa nữa, chắc sẽ khó khăn lắm. Chị vợ anh ta cũng thật là hay, sẵn sàng tiếp nhận 2 đứa con của chồng...

Trong khi đó nhân vật trong entry năm ngoái của tôi thì lại có cách xử sự ngược lại. Từ đó đến nay không biết ông ta đã làm gì rồi, có dám gặp con hay vẫn tiếp tục im lặng cho đến ngày về hưu.

Không chỉ ông ta, trên website đó còn 4-5 trường hợp tương tự. Những thông tin đó đã tồn tại 5-6 năm qua, mà không được xóa đi, chứng tỏ những đứa con đó vẫn chưa được gặp cha. Và những người cha Việt Nam đó vẫn tiếp tục im lặng... Điều gì đã khiến họ phải im lặng? Không biết thông tin, hay biết mà lờ đi?

Trên cái website đó, không chỉ đàn ông Lào nhận con rơi của mình. Đàn ông từ những nước lạc hậu như Angola, Kenya và nhiều nước Châu Phi khác, thậm chí từ những nước vẫn còn đang loạn lạc như Afghanistan, Iraq... cũng trả lời khi những đứa con rơi của họ cất tiếng gọi.

Chỉ có đàn ông nước ta là im lặng...

...Anh bạn mới của tôi cho hay người Lào là như thế. Đó là một xã hội nơi người ta tôn trọng những mối quan hệ riêng tư, không lấy đó làm thước đo đạo đức. Những người đàn ông Lào không phải xấu hổ khi có con riêng ở đâu đó. Và những người phụ nữ Lào không hẹp lòng với những đứa con riêng của chồng.

Chị bạn mới ngồi im lặng từ đầu nghe câu chuyện của chúng tôi, giờ mới lên tiếng: "Như vậy theo các anh chuyện này ở VN là do lỗi của ai? Do lỗi của đàn ông hay của đàn bà? Có phải những người đàn ông đó hèn, sợ bị cơ quan đồng nghiệp dị nghị, sợ tổ chức, sợ sếp, hay là sợ vợ? Và nếu sợ vợ, thì có phải là đàn bà nước ta còn quá hẹp hòi?


25/8/09

HÀNG NỘI, HÀNG NGOẠI...



- "Ông (bà), anh (chị), em có ủng hộ việc dùng hàng nội không? Tại sao?"

Đó là tin nhắn mà tôi hỏi bạn bè, đồng nghiệp trong ngày hôm nay. Kết quả thu được như sau:


- Trước tôi chỉ dùng hàng ngoại, giờ thì 50/50, cái gì đồ VN tốt thì ưu tiên, cái gì của nước ngoài tốt thì tại sao lại không dùng?

- Tôi chả biết nhà tôi đồ nào là nội, đồ nào là ngoại, vì mọi thứ toàn do vợ tôi sắm.

- Xe hơi chắc chắn phải hàng ngoại.

- Nhà mình toàn đồ liên doanh. Thế thì là hàng nội hay hàng ngoại.

- Em dùng toàn đồ ngoại, trừ nước mắm. Hehehe.

- Úi giời, đừng nên nói đến đồ ngoại đồ nội, chỉ có đồ xịn với đồ rởm thôi. Đồ xịn có thể do VN sản xuất mà đồ rởm thì cũng có thể do nước ngoài sản xuất.

- Anh ơi, lỡ dùng đồ ngoại thì có bị mắc tội "không yêu nước" không ạ? Em thích đồ ngoại, nhưng nếu bị coi là "không yêu nước" thì em sẽ chuyển sang dùng đồ nội.


- Hỏi lạ nhể? Hết việc rồi à?

- Đồ nội. Tớ là tín đồ của hàng nội. Hehe, chẳng phải phụ nữ Việt Nam là tốt nhất sao?

- Ngoại ạ! Thú thật là đối với em nhà ngoại vẫn tốt hơn nhà nội.



24/8/09

THÁNH THIỆN VÀ GỢI TÌNH


Ksenia Sukhinova (Nga) - Hoa hậu Thế giới 2008

Đó là tiêu chí chính, tương đương với hai cuộc thi sắc đẹp hàng đầu thế giới là Miss World (Hoa hậu Thế giới) và Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ). Muốn được đăng quang Hoa hậu Thế giới, thí sinh phải có vẻ đẹp thánh thiện. Và muốn được trao vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, thí sinh phải đẹp một cách gợi tình.

Điểm qua gương mặt những người đẹp đoạt vương miện các cuộc thi này trong những năm gần đây, có thể thấy ngay các ban tổ chức đã trung thành với "tôn chỉ mục đích" của mình như thế nào:

- Các Hoa hậu Thế giới Trương Tử Lâm - (Trung Quốc), Ksenia Sukhinova (Nga), Taťána Kuchařová (Czech), Unnur Birna Vilhjálmsdóttir (Iceland), María Julia Mantilla (Peru)... đẹp một cách thanh khiết, thánh thiện... Trông họ như những nàng tiên trong chuyện cổ tích.

- Các Hoa hậu Hoàn vũ Stefanía Fernández, Dayana Mendoza (Venezuela), Riyo Mori (Nhật Bản), Zuleyka Rivera (Puerto Rico)... đều đẹp bốc lửa, thậm chí hoang dã. Kiểu đẹp Mỹ Latinh rất phù hợp với Hoa hậu Hoàn vũ. Trong 10 năm trở lại đây, các kiều nữ Mỹ Latinh đã 6 lần bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi.

Hai tiêu chí này không bao giờ công khai, nhưng giới chuyên tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đều rõ. Dẫu thế không phải không xảy ra những chuyện "xỏ nhầm giầy", mà Hoa hậu Hàn Quốc Honey Lee là một ví dụ điển hình. Cô dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2007, mặc dù được dư luận đánh giá cao và chọn là ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị hoa hậu năm đó, nhưng chung cuộc, cô chỉ xếp thứ tư, đoạt danh hiệu Á hậu 3, khiến không ít người bất bình.

Honey Lee

Tuy nhiên khi website Global Beauties bình chọn Grand Salam xếp hạng tất cả những người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp 2007, thì Honey Lee lại vượt lên cả Hoa hậu Hoàn vũ lẫn Hoa hậu Thế giới để trở thành người đứng đầu Grand Salam 2007. Lúc đó người ta mới ớ ra rằng, vẻ đẹp của Honey Lee phù hợp với Hoa hậu Thế giới hơn là Hoa hậu Hoàn vũ. Nếu dự thi Miss World thì có lẽ cô đã giành được vương miện...

Đối thủ của Honey Lee tại HHHV 2007 là Riyo Mori (Nhật Bản). Phải thừa nhận rằng người đẹp xứ Phù Tang có một vẻ đẹp rất lạ, rất thu hút, rất sexy. Mở ngoặc nói thêm, cô Mori này ở Việt Nam có nhiều khả năng ế, vì gò má cao. Nói theo các cụ thì "sát chồng"...
Riyo Mori

Điểm lại các lần Việt Nam ứng thí Miss World và Miss Universe, có cảm giác những người gửi thí sinh đi thi vẫn chưa phân biệt được rõ rệt tiêu chí đặc trưng của từng cuộc thi. Cũng có thể, vì "kho dự trữ" người đẹp của chúng ta có hạn, nên may mắn vớt được ai thì tốt người đó. Trong số những người đẹp đã dự thi 2 cuộc thi này, chỉ có Thiên Lý là có ngoại hình phù hợp với Miss World. Thế nhưng trước đó cô lại là Á hậu của Miss Vietnam Universe. Nếu không có chuyện lình xình của Hoa hậu Việt Nam 2008, thì chắc Thiên Lý cũng không đến lượt.

Điểm yếu của các Hoa hậu Việt Nam trước nay là không biết nên xếp các cô theo tiêu chí nào: Không hẳn trong sáng thánh thiện, mà cũng không hẳn bốc lửa, gợi cảm. Chúng ta cứ nói là phải tìm ra một vẻ đẹp thật Việt Nam, nhưng vẻ đẹp đó nếu đem đi thi quốc tế, thì lại không thể có được ngôi vị cao, vì đó là vẻ đẹp thiếu cá tính.

Quay trở lại với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tổ chức chọn thí sinh tham gia Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra tại Việt Nam năm ngoái. Nguyễn Vũ Hà Anh là người đẹp nổi bật, nhưng cô lại bị loại ra khỏi top 5 vì vẻ đẹp quá lạ của mình. Khoan bình đến thái độ ứng xử của cô ngay tại cuộc thi, nhưng có thể thấy rằng đây là một quyết định thật đáng tiếc. Hà Anh có nét gợi tình Á đông rất đặc trưng, phù hợp với tiêu chí cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hơn ca sĩ Thùy Lâm. Nếu được tham gia, với lợi thế của nước chủ nhà, biết đâu cô đã có thể lọt vào sâu hơn, top 10 chẳng hạn.

Nguyễn Vũ Hà Anh

Những nước lần đầu tham dự các cuộc thi sắc đẹp thường nhận được sự ưu ái náo đó của Ban Tổ chức. Việc Việt Nam có thí sinh lọt vào top 15 hay 20 của Miss World hay Miss Universe thời gian qua phần nào nhờ vào ưu ái này.

Những áp dụng đột xuất của BTC như thí sinh được bình chọn qua mạng nhiều nhất đương nhiên giành vé vào chung kết làm dấy lên phong trào bình chọn trong cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam cũng giúp cho 1-2 thí sinh của chúng ta lọt được vào top 15 - top 20.

Nhưng những lợi thế đó đã mất, thí sinh của chúng ta phải thi đấu theo đúng tiêu chí cuộc thi, bình đẳng với các thí sinh khác.
Và khi đã như vậy, thì việc lựa chọn thí sinh phải phù hợp. Một số nước, như Philippines chẳng hạn, khi tổ chức thi hoa hậu quốc gia, người ta chọn luôn những thí sinh phù hợp với tiêu chí của từng cuộc thi (Miss World, Miss Universe, Miss Earth), để trao danh hiệu quốc gia và cử thí sinh đó đi dự cuộc thi tương ứng với danh hiệu mà họ nhận được.

Để làm được điều đó, thì vấn đề là BTC cuộc thi hoa hậu quốc gia phải nắm giữ giấy phép (license) cử người dự thi của những cuộc thi sắc đẹp có uy tín, trong khi BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (báo Tiền Phong trong những năm trước) lại không nắm một giấy phép nào. License cử thí sinh VN đi dự thi Miss World do Cty người mẫu Elite nắm, còn license đi dự thi Miss Universe là
do Công ty Cổ phần Hoàn Vũ nắm.

Nếu tình hình này vẫn tái diễn, mạnh ai nấy làm, cử thí sinh đi thi bất chấp tiêu chí của cuộc thi, thì thí sinh Việt Nam ngay cả được đầu tư và tập luyện cũng khó mà tiến xa hơn thành tích top 15 - top 20 mà những Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Nguyễn Thùy Lâm... may mắn đạt được.




20/8/09

PHỐ MYEONG DONG Ở SEOUL


Myeong Dong là khu phố buôn bán sầm uất ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Những cửa hàng bán đủ mọi thứ san sát bên nhau. Những quán trà nóng hổi mùi quế. Những quán ăn nơi mà thực khách vừa được ăn vừa được ngắm nhìn người bán hàng trổ tài chế biến.

Myeong Dong đầy sắc màu và hương vị Hàn Quốc. Qua đây một lần hẳn bạn sẽ còn nhớ mãi.

Những tấm hình này tôi chụp trong một ngày mùa đông giá rét cuối năm 2006. Nghe người Hàn Quốc nói đó là một trong những trận rét ghê gớm nhất trong vài thập kỷ gần đây.




Những mặt hàng bày bán trong các cửa hàng trên phố Myeong Dong

Người bán hàng mặc trang phục dân tộc ngay trong thời tiết giá rét.

Một tác phẩm sắp đặt bất ngờ được trưng bầy tại một trung tâm mua sắm



Những món ăn dân tộc được chế biến ngay trước mắt thực khách.

Phụ nữ xếp hàng mua đồ ngọt...

... đàn ông cũng háo ngọt không kém.

Điều gì khiến các bà các cô phải chui vào ngồi trong một cái lều nylon như thế này?
Xin thưa: Xem bói!

Kéo đàn kiếm tiền lẻ.

Ôm miễn phí!
Trời rét, được thoải mái ôm một cô gái xinh tươi như thế này ai mà không thích.

19/8/09

VĂN HÓA DÂN TỘC HAY QUY LUẬT "ÂM LỊCH HÓA"



Hồi học năm thứ Tư đại học, tôi tham gia cuộc thi viết lý luận chính trị dành cho sinh viên toàn quốc. Hồi đó tôi chọn một đề tài to tát lắm: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Bác ruột tôi, giảng viên lý luận chính trị, tư vấn cho một số đường cơ bản. Kết quả là bài thi đoạt giải Ba, được miễn thi môn kinh tế chính trị năm đó.

Khi đi trình bày bài viết của mình tại hội đồng thi của nhà trường, tôi rất ấn tượng về bài thi của một "chị" sinh viên khóa trên. Chủ đề của bài viết là làm sao thu hút thanh niên đến với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nói chung là "chị" cũng dùng những lời lẽ choang choang (giống như trong bài của tôi), kêu gọi phải thế này phải thế kia (thông cảm, sinh viên cuối thập niên 1980 thì nhiều lý thuyết hơn thực tế). Tuy nhiên, bài viết đưa ra nhiều điểm thú vị, mà đến giờ tôi không còn nhớ nữa.

Hay nhất là thầy chủ khảo hỏi: "Em là thanh niên hiện đại, ăn mặc môđen thế này (quần bò áo phông), vậy em có nghe chèo, có xem cải lương không?", "chị" hồn nhiên cười rất tươi và nói: "Không ạ!". Thầy chủ khảo nhướng mày: "Sao lại không? Thế em viết bài này kêu gọi ai phải yêu văn hóa dân tộc?". "Chị" nhanh nhẩu đáp: "Ý em muốn nói là "chưa" ạ. Em nghĩ là cùng với thời gian em sẽ yêu văn hóa dân tộc, sẽ nghe chèo, sẽ xem cải lương. Tức là em sẽ yêu văn hóa dân tộc khi em già đi ạ".

Câu trả lời thật thà của chị khiến cả hội đồng cùng cười.

Nhiều năm trôi qua, càng ngẫm càng thấy câu trả lời đó đúng.



Anh con bác tôi (tức là con trai người tư vấn làm bài thi nêu ở trên), sinh ở đất chèo và chầu văn, nhưng chẳng bao giờ để ý đến những làn điệu này. Cách đây vài năm anh mua xe hơi, tôi có nhã ý tặng anh bộ đĩa CD mừng xe mới. Hỏi anh thích nhạc gì, anh nói nhạc Việt Nam, có dân ca thì tốt.

Ít lâu sau có dịp ngồi xe anh, đề nghị anh cho xin ít music, anh hồ hởi: "Anh có đĩa này hay lắm, chú nghe nhé". Rồi anh cho đĩa vào ổ, bật lên. Tôi lắng nghe và ngạc nhiên khi thấy đó là bản chầu văn chuyên hát tại các lễ lên đồng. Anh vừa lái xe, vừa say sưa hát theo nghệ sĩ trong băng, thỉnh thoảng lại đập đập tay xuống vô-lăng: "Nghe búa bổ chưa?"

Theo lời "trần tình" của anh thì do phải lái xe một mình từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, anh cần nghe một loại nhạc nào đó có giai điệu rộn ràng để không buồn ngủ. Thử vài ba loại nhạc, cuối cùng anh dừng ở chầu văn. Cứ nghe đi nghe lại cái đĩa ấy rồi đâm nghiền, không nghe nó trong lúc lái xe thì thấy bứt rứt khó chịu. Và anh thực sự thấy đó là thứ âm nhạc hay.

Cô con gái tuổi teen của anh mỗi lần ngồi lên xe ô tô là lại phải nhượng bộ bố một cách đầy chịu đựng. Cô trách yêu: "Bố cháu ngày một âm lịch".



Cái hiện tượng "âm lịch hóa" song hành một cách hữu cơ với con người. Khi còn trẻ, người ta vươn ra thế giới bên ngoài, khát khao ngấu nghiến những cái mới cái lạ của người ta mà lãng quên những cái hay cái đẹp của mình. Nhưng càng lớn tuổi, người ta càng tìm về với những giá trị cội nguồn, những thứ làm nên bản sắc văn hóa không trộn lẫn trong tính cách mình, tâm lý mình, tư duy mình.

Một người bạn thân của tôi gốc Huế, lớn lên ở Nha Trang và Sài Gòn, đi học đại học và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, mới đây trở về ở hẳn trong nước. Trong chuyến đi đến xứ Kinh Bắc tháng trước, được nghe quan họ do các liền anh liền chị thứ thiệt hát, về nắc nỏm khen: "Chưa bao giờ được thưởng thức một chương trình biểu diễn hay, với thứ âm nhạc giàu cảm xúc và đem lại ấn tượng mạnh đến như vậy".

Nói đến quan họ, lại nhớ đến họa sĩ Đỗ Dũng. Đối với anh thì người được chia làm hai loại: biết hát quan họ và không biết hát quan họ.

Tuần trước đi Đồng bằng sông Cửu Long, tình cờ nghe một đồng nghiệp đứng tuổi chuyên viết điều tra, một đồng nghiệp tương đối trẻ là kỹ thuật viên IT, cầm micro nức nở đầy kịch tính với "Tình anh bán chiếu" và "Nửa đời hương phấn", mới thấy văn hóa dân tộc đã được default trong người rồi, đến một thời khắc nào đó tự khắc bung ra và cuốn ta vào dòng chảy mãnh liệt của nó.

Nhìn đi nhìn lại, thấy mình cũng không cưỡng lại được sức mạnh của quy luật "âm lịch hóa". Càng ngày càng thấy chèo, chầu văn, quan họ, cải lương hay.

Bạn đã bắt đầu bị "âm lịch hóa" chưa?



18/8/09

CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"



Các báo Tuổi trẻ và Thanh niên hôm nay đăng bài về "cái lưỡi bò" - đòi hỏi vô lý của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với 90% diện tích Biển Đông. Ôi chao, cái tham vọng bá quyền sao mà lớn thế!

Lần đầu tiên tôi được nghe về "cái lưỡi bò" cách đây đã 11 năm, tại một hội thảo chẳng dính dáng gì đến biên giới và chủ quyền, ở tận đất nước Ấn Độ xa xôi...

Số là đầu năm 1998, tôi được mời tham dự một hội thảo quốc tế do Save Children (Anh) và Radda Barnen (Thụy Điển) phối hợp tổ chức tại Agra (Ấn Độ), nơi có đến Taj Mahal nổi tiếng. Chủ đề của hội thảo là "Inclusive Education", có nghĩa là đưa trẻ em khuyết tật học tập cùng với trẻ em bình thường. Mỗi nước cử một vài quan chức của Bộ Giáo dục phụ trách vấn đề này đến tham dự, có nước thì có nhà báo đi kèm, có nước không.

Phái đoàn của Trung Quốc, theo tôi nhớ không nhầm thì có 3 người, hai người trung niên (dáng vẻ sếp) và một chàng trai tầm 25-26 tuổi, nói tiếng Anh rất giỏi. Họ không từ Bộ Giáo dục Trung Quốc mà từ Sở Giáo dục tỉnh Vân Nam. Tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa nhà tổ chức của Save Children UK với người già nhất của đoàn này (chắc là trưởng đoàn) qua lời dịch của chàng trai, đại ý sao Trung Quốc lại cử đoàn cấp sở đi. Ông kia nói rằng Sở Giáo dục Vân Nam làm inclusive education rất tốt, có nhiều kinh nghiệm thực tế để chia sẻ tại hội thảo...


Có vẻ như các nhà tổ chức không hài lòng lắm với câu trả lời này, nhưng cũng không bày tỏ thái độ gì.

Ai đã đi dự hội thảo quốc tế đều biết vào đầu hội thảo bao giờ cũng có màn giới thiệu về đất nước mình và về đoàn của mình. Tôi không rõ các nhà tổ chức xếp theo thứ tự nào, nhưng đoàn Trung Quốc "chào hỏi" gần cuối.
Tôi thấy ba người lục tục treo lên một cái bản đồ lớn của cả Châu Á với Trung Quốc là tâm điểm.

Người đàn ông trưởng đoàn vừa chỉ lên bản đồ vừa nói bằng tiếng Hoa (thông qua chàng phiên dịch) rằng quý vị đang nhìn thấy đất nước Trung Quốc rộng lớn trên bản đồ. Tôi giật mình khi thấy ông ấy chỉ lãnh hải của Trung Quốc kéo sâu xuống phía dưới của Biển Đông, qua cả Trường Sa đến sát bờ biển Malaysia. Khu vực đấy cũng được tô màu khác, giống với màu vùng biển tiếp giáp với Đài Loan, Nhật Bản.

Màn chào hỏi chỉ kéo dài chừng ba phút và không ai được phép hỏi han hay tranh luận gì. MC hội thảo nhanh chóng mời đoàn tiếp theo lên giới thiệu.

Giờ giải lao, tôi tìm gặp ông trưởng đoàn Trung Quốc, ông cầm ly trà đứng xem triển lãm ảnh ngoài sảnh. Tôi không nói được tiếng Hoa, ông không nói được tiếng Anh, chàng trai trẻ phiên dịch thì mất dạng, tôi nói tôi là người Việt Nam, ông ta cười hể hả: "Duê Nản hảo hảo"(Việt Nam tốt tốt), chỉ trỏ ai đó phía cuối sảnh rồi lật đật bước đi.


Bữa ăn trưa tôi tìm gặp anh chàng phiên dịch và hỏi: "Sao các bạn lại giới thiệu biển Đông là lãnh hải của Trung Quốc? Đó là lãnh hải của chúng tôi chứ?". Anh ta giải thích bằng tiếng Anh rằng đó là bản đồ hành chính chính thức của Trung Quốc, và ngay cả vùng biển đó cũng có tên bằng tiếng Anh là "Nam Trung Hoa" (South China Sea).


Anh ta nói thế và cũng kiếm cớ đi ra chỗ khác. Và từ đó đến khi hết hội thảo, họ tránh những chỗ có mặt đoàn Việt Nam.

Rõ ràng là "cái lưỡi bò" này đã được tuyên truyền sâu rộng ở Trung Quốc. Đông đảo quần chúng ở đất nước hơn 1 tỉ dân này được giác ngộ sâu sắc về "cái lưỡi bò". Bạn thử hình dung, những công chức cấp sở ở một cái tỉnh lẻ đèo heo hút gió còn biết rõ về nó để giới thiệu tại một hội thảo quốc tế, thì cũng đủ thấy quy mô của chiến dịch tuyên truyền ấy lớn như thế nào. Tham vọng bá quyền lan rộng và ăn sâu từ trên xuống dưới. Người dân bình thường cứ thế nói chỉ vanh vách mà không cần biết cơ sở pháp lý của "cái lưỡi bò" như thế nào.


Vấn đề biển đảo ở ta mới rộ lên trong thời gian gần đây, Trường Sa - Hoàng Sa thì được chúng ta nói đến lâu hơn (Hồi tôi học phổ thông trung học và đại học có phong trào viết thư, gửi quà cho chiến sĩ ở Trường Sa), nhưng không phải ai cũng biết vị trí của hai quần đảo thiêng liêng này; những hoạt động khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa từ thời chúa Nguyễn cũng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Mới đây Sở Giáo dục Đà Nẵng đã quyết định đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào giảng dạy trong chương trình bậc học phổ thông. Câu chuyện quan trọng này phải được tất cả trẻ em người Việt biết đến, phải ăn sâu một cách tự nhiên vào máu thịt mỗi người dân Việt Nam.


Nếu bạn có con, hãy lấy bản đồ Việt Nam và chỉ cho chúng biết rõ vị trí của Hoàng Sa - Trường Sa: "Đất nước của con trải rộng đến tận đây, con ạ. Con sẽ phải có trách nhiệm giữ gìn bờ cõi ấy"
.

THAM KHẢO:
Trung Quốc yêu sách 80% diện tích biển Đông: Không chấp nhận đường "lưỡi bò”



17/8/09

BAY HÀ NỘI, "KHUYẾN MÃI" THÊM CÁT BI


Sân bay Cần Thơ hôm nay

Chiều thứ Bảy, tôi đáp chuyến bay từ Cần Thơ, thủ phủ Đồng bằng sông Cửu Long về Hà Nội. Lẽ ra là bay chủ nhật, nhưng vì công việc xong sớm, nên đành dứt áo về sớm.

Đến Cần Thơ nhiều lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được bay thẳng từ Cần Thơ về Hà Nội, nên cũng cảm thấy phấn khích. Mọi lần toàn phải lặn lội xe đò từ Cần Thơ lên Sài Gòn, chặng đường chưa đến 200 km mà mất đến 5 giờ đồng hồ, sau đó lại vượt qua những nẻo đường kẹt xe ở cái ổ kiến lớn nhất nước mới tới được Tân Sơn Nhất đặng đáp máy bay về Hà Nội, nên lần này thấy cái viễn cảnh chỉ sau 2 giờ 10 phút bay là ra đến Nội Bài mà cảm thấy lòng phơi phới.

Sân bay Cần Thơ cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Nó nằm ở một chỗ thật khuất nẻo, trông nhỏ bé lắm. Nhà ga lớn hiện đại đang được xây dựng, đường sá chưa được làm, nên lối rẽ từ quốc lộ vào sân bay trông như đường làng, cảnh tượng tương đối đìu hiu.

Nhà ga nhỏ xíu và đơn sơ, chỉ có vài quầy làm thủ tục. Cũng phải thôi, vì hiện tại Sân bay Cần Thơ mỗi ngày chỉ phục vụ vài ba chuyến đi Hà Nội. Đưa vé cho em nhân viên, em xem rồi lễ phép nói: "Tên của anh chưa có trong hệ thống, phiền anh quầy ngoài kia nói họ bỏ tên vô rồi quay lại đây em làm thủ tục."

Sực nhớ ra là vừa nhờ người ở Sài Gòn (mà người này lại phải nhờ một người khác ở tận Hà Nội) book lại vé lúc sáng nay, nên vui vẻ ra quầy ngoài. Ở đó đã có một hàng dài những hành khách (đa phần là người Bắc). Vài phụ nữ lên tiếng gắt gỏng, sao lại thế này, sao lại thế kia. Một chị còn bốc điện thoại gọi đi đâu đó, hạch sách: "Đấy, em không có chỗ đây này, anh xem thế nào. Cái sân bay này lạ thật, lần nào đi cũng mua vé đàng hoàng mà vẫn không có chỗ là thế nào? Đây, anh nói chuyện với nhân viên nhé".

Sau 15 phút chờ ở quầy ngoài thì tên tôi cũng được bỏ vô mạng. Quay trở lại quầy làm thủ tục, thì cô nhân viên đã tươi cười đưa thẻ lên tầu. Hôm trước ở Nội Bài, thấy các nhân viên mặt đất đều đeo khẩu trang, nhưng cô này (và nhiều nhân viên khác ở SB Cần Thơ) lại không đeo , nên tôi tò mò hỏi: "Sao đang có dịch cúm mà em không đeo khẩu trang?". Cô vui vẻ nói: "Mấy ngày đầu khi có quy định, em cũng đeo. Nhưng vướng víu khó chịu quá. Thấy có người không đeo mà cũng không sao, nên em bỏ luôn cho tiện".

Tạm biệt cô, tôi đi đến cửa kiểm soát an ninh. Chuyến bay của tôi theo đúng thời gian ghi trên vé sẽ cất cánh lúc 15h40. Lúc này là 15 giờ. Vừa chuẩn bị bước qua máy dò kim loại, thì hệ thống loa phóng thanh hoạt động: "Vì lý do máy bay đến trễ, chuyến bay VN288 sẽ khởi hành chậm hơn. Thời gian khởi hành mới là 17 giờ 15 phút". Như vậy là sẽ phải chờ 2 giờ 15 phút nữa...

Tôi định quay trở lại nội thành Cần Thơ, nhưng nghĩ cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Thử ngồi chờ ở sân bay mới này xem thế nào.

Phối cảnh sân bay Cần Thơ trong tương lai

Phòng chờ của SB Cần Thơ ở tầng hai. Máy lạnh hoạt động hết công suất, nhưng không khí vẫn ngột ngạt, oi bức, bởi không có quạt. Mấy anh chàng người Pháp hay người Bỉ gì đó chiếm hết các ngồi ngay dưới ô xả khí của máy lạnh. Khu vực cantine với vài hàng ghế bán các loại nước giải khát đóng chai và sinh tố. Không có quầy bán sách báo. May mà còn có wifi để lướt web qua điện thoại di động.

Thật kém may mắn là ba người phụ nữ, một luống tuổi, một trung niên và một trẻ (đều người Bắc) nói điện thoại oang oang, làm cái không khí như đặc quánh trong phòng chờ thêm nặng nề. Người phụ nữ luống tuổi liên tục gọi điện cho con cháu thông báo lịch trình bị chậm. Người phụ nữ trung niên thì bàn thảo các hợp đồng với đối tác. Chị vừa nói vừa nhìn quanh như muốn chứng tỏ với mọi người: Xem này, thấy tôi quan trọng chưa. Còn cô gái thì hình như có anh bồ bị nặng tai. Chuyện yêu đương rô-man-tích mà cứ bô bô, chán thật.

Cuối cùng thì vào lúc 16.30 máy bay cũng đến. Chuyến bay khởi hành đúng giờ như đã thông báo. Không có gì đáng phàn nàn ngoài chuyện các nữ tiếp viên xinh đẹp phải đeo khẩu trang để hở mỗi hai con mắt được kẻ vẽ công phu. Dịch cúm mà cứ kéo dài thế này, họ tiết kiệm được khối tiền son phấn.

Sau hai giờ bay, tiếp viên trưởng thông báo máy bay sẽ hạ độ cao để hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Mươi phút sau, cơ trưởng thông báo, đại ý là hiện tại khu vực sân bay Nội Bài đang có giông lớn, máy bay sẽ phải bay vòng quanh để chờ ngớt giông mới có thể hạ cánh được.

Hành khách xôn xao. Máy bay vẫn bay đều đều, không có dấu hiệu gì là đang bay qua vùng thời tiết xấu. Ngó qua ô cửa, thấy các quầng sáng Hà Nội lung linh, không có vẻ gì là giông bão cả. Sau chừng hai mươi phút máy bay "lượn tròn lượn khéo", tôi nói với đồng nghiệp ngồi bên cạnh: "Có khi lại phải đáp xuống Hải Phòng rồi đi xe buýt về Hà Nội chưa biết chừng". Cô nhìn tôi bán tín bán nghi.

Mấy phút sau, giọng cơ trưởng lại vang lên qua loa phóng thanh: Giông ở Nội Bài vẫn chưa ngớt, chúng ta sẽ phải bay đến Cát Bi và chờ ở đó cho đến khi điều kiện thời tiết được cải thiện. Cô bạn đồng nghiệp nói: "Anh nói thiêng thế. Đã bao giờ anh phải bay đến Cát Bi chưa?". Tôi đáp chưa, đoán thế thôi, vì sân bay gần nhất có thể đáp xuống chỉ có thể là Cát Bi.

Hành khách nhốn nháo. Người thanh niên ngồi cùng hàng ghế với chúng tôi không biết Cát Bi ở đâu. Anh ngơ ngác hỏi: "Mình phải bay sang Trung Quốc hả anh chị?". Không, Cát Bi là sân bay Hải Phòng, chúng ta bay đến Hải Phòng thôi.

Không có gì đáng để cười trong trường hợp này. Ở Việt Nam, sân bay thường có tên khác với địa phương nơi nó tọa lạc. Ví dụ, ở Huế là sân bay Phú Bài, ở TP Hồ Chí Minh là Tân Sơn Nhất, ở Đà Lạt là Liên Khương. Ngay cái sân bay Cần Thơ, tên của nó thực ra là Trà Nóc.


10 phút sau chúng tôi hạ cánh xuống Cát Bi. Đã thấy có 3 chiếc máy bay đỗ sẵn ở đó. Sau mới biết 2 chuyến từ TP HCM, một chuyến từ Đà Nẵng đều phải đỗ tạm xuống đây...

Hành khách được yêu cầu ngồi nguyên tại chỗ (có thể tháo dây an toàn), không được sử dụng buồng vệ sinh (thật ái ngại cho các quý ông...). Tất cả điện thoại được bật lên, mọi người thi nhau kể cho gia đình, bạn bè về sự cố phải hạ cánh xuống Hải Phòng. Vài ba người có ý kiến hay ra ngoài, lấy taxi đi về Hà Nội cho nhanh... Vấn đề là hành lý còn cả trên máy bay, không lấy được và cũng không được xuống thì làm sao đi taxi về được.

Một ông đòi uống trà. Tiếp viên nói máy bay đang tiếp nhiên liệu, không thể đun nước nóng được, bác thông cảm. Một ông khác nói người nhà ở Hà Nội báo tạnh mưa rồi, tiếp viên lại kiên nhẫn giải thích: Mưa tạnh, nhưng điều kiện mây, tầm nhìn chưa cho phép thì cũng không thể bay được... Một người vừa đứng lên duỗi chân duỗi cẳng cho đỡ mỏi thì đã được tiếp viên nhắc nhở ngồi xuống.

Tóm lại là sau một giờ ngồi chờ trên máy bay ở Cát Bi, cơ trưởng cũng thông báo là máy bay sẽ bay trở lại Nội Bài. May mà trong suốt thời gian đó hệ thống điều hòa vẫn hoạt động, nên dân tình không ai bị bốc hỏa. Mùa hè 1996, trong chuyến bay từ Moskva về Hà Nội, máy bay hỏng ở Calcutta (Ấn Độ), hệ thống máy lạnh không hoạt động, trong khi chờ đợi hãng Aeroflot thương thuyết với giới chức Ấn Độ cho hành khách nhập cảnh chờ máy bay khác đến giải cứu, chúng tôi đã phải ngồi trong khoang máy bay nóng hầm hập dưới cái nóng 45 độ C suốt mấy giờ đồng hồ, mồ hôi ướt đầm đìa, khổ hết chỗ nói.

Sau 10 phút bay, chúng tôi cũng hạ cánh êm ả xuống Nội Bài lúc 21 giờ đêm. Thế là chuyến bay bão táp - hành trình đầu tiên của tôi bằng máy bay từ Cần Thơ về Hà Nội kéo dài từ 15 giờ đã kết thúc như thế. Đi Hà Nội mà được "khuyến mãi" thêm Cát Bi! Chuyện thời tiết không trách ai được. Nhưng nếu máy bay đến đúng giờ thì sẽ không mắc phải cơn giông quái ác này.

Tiếng tiếp viên nói bằng Anh ngữ lúc chia tay: "We hope you enjoyed our flight and we're looking forward to meeting you soon".

Chắc là sẽ vẫn gặp nhau thôi, nhưng quả thực là không enjoy chuyến bay này!



16/8/09

CHỢ NỔI CÁI RĂNG


Chợ nổi Cái Răng nằm ở ven đô Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Muốn thăm quan Cái Răng phải đi thật sớm. Có thể khởi hành từ bến Ninh Kiều vào lúc 5 giờ sáng, khi mặt trời bắt đầu mọc.


Chợ nổi Cái Răng họp từ 2-3 giờ sáng. Các dãy nhà hai bên bờ sông hình như không bao giờ ngủ. Tầu bè nhộn nhịp ồn ã suốt đêm.


Nhà ở vươn ra mặt sông trên những cột gỗ mỏng manh như thế này.


Một cây cầu mới đang được xây.


Thương lái trái cây dùng điện thoại di động để điều hàng.

Nụ cười luôn thường trực trên môi những người bán lẻ trái cây cho du khách.

Cả gia đình trên chiếc ghe bán sỉ rau.

Em gái bán mít ngó sang...

...phía anh cắm sào bên này.

Một cặp vợ chồng bán lẻ trái cây.

Những chiếc thuyền đậu san sát trên sông.

Thuyền bán sỉ nào cũng có một cây bẹo treo những mặt hàng mình bán lên cao để người mua dễ nhận thấy.

Khi bán hết hàng, thì những thứ treo trên cây bẹo cũng được cất xuống.

Bán hết hàng rồi, người thì cười vui...

... nhưng cũng có những người đăm chiêu.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết