22/8/11

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ "BÚN MẮNG", "CHÁO CHỬI"


Bà chủ quán "bún mắng" - Ảnh: Dân trí'

1. Không biết bao nhiêu bài báo đã viết về “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội, thậm chí còn bổ sung thêm các món như “phở quát”, “phở xếp hàng”.

Xin được giải thích ngay rằng đây không phải là những món đặc sản “nên biết trước khi chết”, hay “lúc sống nên thưởng thức” như một số trang web về ẩm thực nước ngoài phong tặng. Đó chỉ là cách gọi tắt về một số hàng ăn có cách phục vụ “không giống ai” (thường la mắng, quát lác với nhân viên hoặc thậm chí là cả thực khách). Điều ngạc nhiên nhất đối với mọi người là mặc dù thái độ phục vụ “củ chuối” như vậy, nhưng hàng ăn vẫn đông khách, thậm chí người ta chen nhau vào ăn bất chấp bị “mắng, chửi, quát, xếp hàng”.

Chính sự vô lý này mà nhiều người cố gắng giải thích cái “văn hóa ẩm thực” giàu nhẫn nhịn đến lạ kỳ của người Hà Nội. Trong bài phân tích gần đây nhất trên báo chí: “Bún mắng, cháo chửi” và CEO làm bảo vệ”, người viết đưa ra lý giải từ góc độ xã hội: “Việc trải qua một thời kỳ dài bao cấp, nơi những mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ đã tạo cho người Hà Nội một sự chấp nhận một cách vô thức và đáng tiếc về thân phận chiếu dưới của mình”. “Tâm lý “nó chửi cả làng Vũ Đại” đã tự ve vuốt tính sĩ diện vốn rất cao của mỗi người Hà Nội”.

2. Thật ra trước một hiện tượng như vậy có rất nhiều cách giải thích. Thứ nhất hiện tượng đó có phần được phóng đại lên, bởi ít nhất tôi đã đến một lần quán “cháo chửi” ở Lý Quốc Sư. Tất nhiên tôi không nghe thấy lời chửi nào (có thể do tôi may mắn). Tôi cũng từng đi ăn phở xếp hàng, hay phở tự phục vụ (tức là khách phải tự chạy đến quầy phở để bưng bát phở về bàn của mình). Tôi cũng từng ăn phở trả tiền trước (nếu không trả, chủ phở gọi giật lại bằng một giọng rất chi là khó chịu, xấc xược).

Tất nhiên, ban đầu ai cũng khó chịu về cung cách phục vụ “tinh tướng” ấy. Nhưng sau khi khó chịu mà được ăn ngon, người ta cũng tươi tỉnh lại phần nào. Tôi cũng vậy. Và tôi bắt đầu quan sát. Tôi nghiệm ra rằng, hầu hết thực khách đến các cửa hàng này đều là người quen (cá biệt có những người khách xa đến vì tò mò, nhưng ít thôi). Và vì là người quen, nên họ quá hiểu quy luật bất thành văn trong cách phục vụ ở những quán này. Và khi họ hiểu rồi thì họ cứ lạnh lùng “tuân thủ” theo các quy tắc này thì mọi việc hết sức dễ chịu: chẳng hạn với phở trả tiền trước, bạn cứ bước vào, xỉa ra 30 ngàn (nếu cả quẩy hình như giờ đã là 35 ngàn) chẳng cần phải nói gì cũng được, và cầm một bát quẩy đi vào bàn, là nhanh như cắt, đã có một người bưng bát phở nóng hổi đặt xuống trước mặt bàn của bạn. Trên mặt bàn đã có đầy đủ những gia vị cần thiết, không bao giờ thiếu thứ gì.

Tôi nghiệm ra rằng, tất cả những khách quen của cửa hàng đều hài lòng với cách phục vụ tự động như cái máy vậy (chẳng bao giờ được chào hỏi, mời mọc, còn khách thì không bao giờ phải nhiều lời, phải gọi phục vụ cả).

Chỉ có những khách mới, lớ ngớ, không hiểu “luật bất thành văn” của quán mới chịu “quát, mắng, chửi” (nếu có) mà thôi.

Ở đây nếu nói chủ hàng cố tình quát mắng khách hay nhân viên để tạo “thương hiệu” thì nhầm to. Chẳng qua vì đồ ăn ngon, khách đông, phục vụ quá tải, cho nên họ đành phải đặt ra quy định bất thành văn như vậy để đơn giản hóa quy trình phục vụ.

3. Đó chính là cái lý do mà các hàng ăn có cách phục vụ thiếu “xởi lởi” vẫn cứ tồn tại, đông khách. Trong sự phi lý của nó có cái hợp lý. Trong sự khó chịu của cung cách phục vụ ấy có sự dễ chịu của nó (nếu anh hiểu).

Hà Nội vẫn là như vậy đấy.

NGÔ KHỞI

Nguồn:
Một cách nhìn khác về “bún mắng”, “cháo chửi”




9 comments:

Thuy Dam Minh on lúc 20:54 22 tháng 8, 2011 nói...

Nói chung là anh không khoái mấy vụ bún mắng cháo chửi này. Nghe nó cứ thế nào ấy!

Titi on lúc 22:39 22 tháng 8, 2011 nói...

Bit thì bit, em vữn không thích đến đó lần thứ 2 ...he he...

Th. Anh nói...

Đồng ý rằng khách đến quán hầu hết là khách quen nhưng lượng người đến vì tò mò cũng chẳng phải là cá biệt lắm. Cá nhân cháu thì vẫn thích ăn ngon và phục vụ dễ mến với khách, ai chẳng muốn làm "thượng đế".
Cũng chẳng thể đánh giá rằng những phở mắng, cháo chửi là không dễ mến, không văn hoá. Đó một phần theo thói quen, lối sống vốn nhiều thú vị.

Nặc danh nói...

Wuuu...sao em chưa được chén ở chỗ này heng ^O^

Có lần em về Hà Nội đi chợ sáng sớm, hôm đó em gặp may nhe, em được nghe 2 bà bán hàng chửi nhau như ca í.
Một bà bác già bắc cái ghế ra ngồi giữa cửa hàng rùi bắt đầu chửi như Hồng Vân trong "ông mất gà bà mất vịt" í.
Tiếng chửi của bà cụ ngân nga lên xuống, có vần có điệu làm em klhoái chí đứng đực mặt ra nghe.

Bà cụ chửi xong thì êm lặng ngồi phịch xuống ghế, sau đó đến mợ trẻ hơn đứng xổng dậy chửi đáp lễ bà cụ.
Cũng vần điệu à ơi lên xuống như dân ca nhé. Em cũng khoái chí quá đứng thộn cả mặt nghe :))

Anh mà có dịp vào chợ Sài Gòng nghe dân bán hàng trong đó chửi nhau thì chán lắm. Khi chửi thì hem ai chịu giử trật tự take turn cả. Họ cùng chửi ầm lên, ko cần biết người kia đã chửi dứt chưa, họ hem biết cái gì gọi là "get in line" theo thứ tự ;))

LU

Lana on lúc 08:17 23 tháng 8, 2011 nói...

'Phở sầm sì' duy nhất em còn ghé là Phở bà béo ở Nam Ngư (thật sự ko nhớ có tên quán không nhưng em chỉ hay gọi là phở bà béo, phố Nam Ngư ngắn tẹo và có mỗi tiệm phở đó là đông nên chả cần tên). Đến đây chẳng qua đi với bạn chứ tự mình chọn thì chả đến luôn.

Thật sự đến những nơi phục vụ niềm nở cảm giác vẫn ngon hơn. Rõ ràng ăn ngon còn do cảm giác. Vừa ăn vừa nghe chửi (dù là chửi người khác) sao mà ngon cho được :((

Nặc danh nói...

Nên đổi tựa bài này thành "Một cách nhìn của người quen với bún mắng, cháo chửi", hehe

Nặc danh nói...

Câu kết ác quá, gom hết vào một rọ, lại có cảm giác như thách thức...

Nitaduong on lúc 11:54 23 tháng 8, 2011 nói...

Nói chung, không thích cách làm dịch vụ của người HN (xin lỗi nếu xúc phạm đến người HN).

Hậu Khảo cổ on lúc 18:39 24 tháng 8, 2011 nói...

Hình như nhiều người, nếu chưa/ ko đến ăn ở những hàng "nổi tiếng" quát tháo chửi mắng như thế thì "áy náy" vì mình chưa/ ko phải là "người sành ăn" chăng? Ăn ngon đâu chỉ cần thức ăn, mà còn là thái độ nhà hàng, vệ sinh hàng quán nữa chứ. Cứ dễ dải chấp nhận như vậy do tâm lý đám đông và sự "sĩ diện" đã dung túng cho cung cách dịch vụ rất không hay này.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết