27/8/11

"SÁNG KIẾN" CẤM XE MÁY VÀO GIỜ CAO ĐIỂM



1. Trong bầu không khí “Trưng Vương khung cửa mùa Thu” đầy lãng mạn “Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy” này mà phải nói đến chuyện phàm tục như đi xe máy và đề xuất cấm xe máy, thật không có gì buồn bã hơn.

Tôi, cũng như rất nhiều người khác ở Hà Nội, là người đi xe máy hằng ngày. Và cũng như rất nhiều người khác, tôi rất ghét phải chịu cảnh đông đúc chen đẩy xô lấn, phải hít khói bụi và trời mưa phải mặc áo mưa mà vẫn bị nước bẩn bắn vào người. Nhưng tôi tin rằng tắc đường liên miên ở Hà Nội không chỉ là do quá nhiều xe máy, mà còn do đường thì nhỏ mà có quá nhiều ô tô.

Sáu giờ chiều mà ở chốt giao thông xế bên khách sạn Daewoo nơi phố Kim Mã cắt phố Nguyễn Chí Thanh và Liễu Giai, ta thường xuyên chứng kiến cảnh sáu chiếc xe ô tô dàn hàng ngang trên đường. Trong hoàn cảnh ấy, những tay lái xe máy “lụa” nhất của đất Hà thành cũng chịu thúc thủ, đừng nói gì đến gây tắc đường. Phố nhỏ cỡ phổ biến ở thủ đô chỉ cần một chiếc ô tô bốn chỗ đỗ hớ hênh là cũng đủ gây ách tắc, rồi đánh nhau, rồi náo loạn.

2. Giờ đây người ta lại nghiêm túc mà xem xét một đề xuất cấm xe máy vào các giờ cao điểm, hai tiếng rưỡi buổi sáng, hai tiếng buổi trưa và hai tiếng rưỡi buổi chiều, tổng cộng vị chi bảy tiếng mỗi ngày, nối dài thêm danh sách những ý tưởng kỳ quặc đến tuyệt vọng trong nỗ lực cải tiến tình hình giao thông ở Hà Nội.

Về bản chất, đề xuất này cũng không khá hơn (ở khía cạnh duy lý) với những đề xuất thuộc dạng xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ, hay nhẹ cân, ngực lép không được phép điều khiển mô tô... tạo nên cả những tranh luận sôi nổi lẫn tiếng cười chế giễu trước đây.

Giả dụ cứ cho rằng ta áp dụng đề xuất trên đây vào thực tế: vậy thì ta căn cứ vào giờ của đồng hồ nào? Hay thành phố sẽ sử dụng lại chế độ còi tan tầm xưa kia từng rất thân thương? Rồi giờ cấm xe máy sẽ tính cho thời điểm dắt xe ra khỏi cửa nhà hay xuất hiện trên phố? Và dắt xe đi bộ ngoài đường mà không nổ máy bình bịch thì có bị tính là vi phạm quy định hay không?

Tôi đã tưởng tượng được ra cảnh hàng trăm hàng nghìn con người dắt xe thất thểu đi trên đường, vừa đi vừa canh me đồng hồ đeo tay, rồi khi đến giờ, mọi người sẽ nhảy phắt lên yên, giống hệt như một đội ky binh được lệnh xung phong trên chiến địa.

Vả lại, một khi đã cấm như vậy, rất có khả năng “giờ cao điểm” ở Hà Nội sẽ chuyển luôn sang những giờ không cấm xe máy, vì tỉ lệ người làm tự do và ở khối tư nhân giờ đã cao quá rồi, đâu có phụ thuộc vào giờ giấc hành chính xưa nay nữa.

3. Cùng theo “nguyên lý đề xuất” ấy, ta có thể nghĩ ra nhiều sáng kiến đóng góp nữa, cái nào cũng có mức độ khả thi nhất định cả: chẳng hạn như ta hãy cấm phụ nữ lái xe ô tô, vì phụ nữ thường mất năm đến sáu “đỏ” mới đỗ được xe vào vệ đường, đỗ được rồi là mừng quá bỏ xe đó chạy biến đi, mặc cho xe xiên xẹo và bánh trước thường chếch một góc 45 độ so với thân xe, không những vậy họ lại còn hay nhầm chân ga và chân phanh. Hoặc ta có thể cấm xe máy những ngày nhiệt độ hơn 25 độ, vì trời nóng mà ngửi khói nhiều người dân dễ bị ngất, vân vân và vân vân.

Bài học từ chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã là quá rõ: một khi đã là bắt buộc và thực sự có lợi ích, thì sẽ áp dụng được và áp dụng cho mọi người không có ngoại lệ, còn chừng nào chỉ là những manh mún, vá víu thì những đề xuất giời ơi đất hỡi chỉ xứng đáng làm đề tài cho những ai rỗi việc lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

CON SÂU

Nguồn:
Lại một "sáng kiến" giao thông




6 comments:

LU on lúc 20:03 27 tháng 8, 2011 nói...

Đúng là xử dụng ô tô ở VN hiện nay chưa hợp lí lắm. Vì đường xá chật chội, nhà nhà ko có bãi đổ xe phải đi cất nhờ ở nơi khác.
Mỗi sáng chỉ mỗi công đọan transit từ xe bé sang xe nhớn, rùi chiều về lại transit từ xe nhớn sang xe bé để về nhà thì thật là phí phạm thời gian lao động.
Chưa nói, đậu xe vào lề mờ em thấy người lái cứ loay hoay mất cả vài chục phút mới tìm được bãi đáp. Có lần, em thấy một bác tài đậu có mỗi chiếc xe thui, mờ bác í hết nhúc nhích cái đầu rùi lại thụt thịt cái đuôi gần 30 phút, làm cả đoạn đường đứng lại thở dài chờ bác í hết nhúch nhích cái xe to đùng cồng kềnh.

Cách hay nhất, nên đề nghị các giới cho ra giải sáng tạo xe đa năng.

Đó là xe phải xử dụng được trong mọi hoàn cảnh, đi đường to thì nó to ra phóng vù vù hem sao, nhưng vào đường bé thì có thể xếp cho nó bé lại gọn gàng như chiếc xe độp. Rất chi là thuận tiện nhe, về nhà, ta có thể xếp nó nhỏ lại, treo lên hem cần bãi đổ chi cho tốn kém, như treo khô mực phơi sương í.

Titi on lúc 20:45 27 tháng 8, 2011 nói...

Hix... chỉ cần rời phần lớn trường học khỏi nội đô là xong thôi mờ :-)

Thuy Dam Minh on lúc 23:09 27 tháng 8, 2011 nói...

Cấm xe máy là việc chắc sẽ phải làm, không sớm thì muộn thôi. Khoa học về quản lý đô thị cho hay rằng nếu thu nhập quốc dân bình quân của một thành phố đến 3000 USD là cấm hoàn toàn được xe máy. Cũng đã đến lúc một số thành phố lớn ở Việt Nam làm được điều này rồi!

Xà bông! on lúc 12:55 29 tháng 8, 2011 nói...

Và như ý của Bác Thuy Dam Minh thì xe đạp sẽ lên ngôi, là lá la...

NLVD nói...

em ước gì người ta cấm xe máy ngay và luôn, nếu xe máy được cấm em hứa sẽ không bất mãn cái thành phố có tên Hà Nội này hơn một tị. Dù hàng ngày em vẫn di chuyển bằng xe máy.

Nặc danh nói...

Tôi nghĩ không nhất thiết phải cấm. Chỉ cần áp dụng chế tài thu phí sử dụng công trình giao thông và phí ô nhiễm môi trường đối với tất cả các phương tiện cá nhân thật cao thì ắt người ta sẽ tự giảm sử dụng xe cá nhân thôi. Đã thế ngành GTVT còn có khoản thu lớn để đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình giao thông. Một kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm và phát huy tối đa lợi ích cộng đồng.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết