Nghệ sĩ mở công ty, nghệ sĩ trở thành đại biểu quốc hội hay nghệ sĩ đảm nhận các cương vị quản lý... không còn là chuyện mới. Liệu khi ấy họ có còn là nghệ sĩ và “chất” nghệ sĩ có đồng hành với công việc đang gánh vác?
Văn nghệ sĩ vinh dự được bầu chọn là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể kể đến nhà thơ Vũ Quần Phương, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Trà Giang, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân...
Gần đây, nghệ sĩ trẻ Hồng Ánh được UBMTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII. Khá nhiều nghệ sĩ của TP.HCM cũng đã trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân (ĐBHĐND) TP.HCM đợt này: NSƯT Hồng Vân, ca sĩ - diễn viên Thanh Thúy, nghệ sĩ cải lương Quế Trân...
Danh cao, phận dày
Hồng Ánh là nghệ sĩ duy nhất được Liên hiệp Các hội Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH. Theo người của Ban chấp hành (BCH) Hội Điện ảnh TP.HCM (tổ chức ban đầu giới thiệu Hồng Ánh ứng cử), cô hội đủ các yếu tố về tuổi tác, đạo đức và năng lực để có thể đại diện cho giới văn nghệ sĩ TP.HCM ở nhiệm kỳ này.
Chưa đảm nhiệm cương vị lãnh đạo hay ở trong BCH của tổ chức nghề nghiệp nào, Hồng Ánh mới chỉ được biết đến qua các vai diễn và giải thưởng điện ảnh.
Là Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng phim Xanh, cô vừa mới bắt tay vào sản xuất một số dự án.
Điều này càng nối dài những vinh dự và cả những thử thách với cô trên con đường trở thành đại biểu của nhân dân, trước hết là cất lên tiếng nói của giới nghệ sĩ TP.HCM đã gửi gắm nơi cô, nếu cô trúng cử.
Thế nhưng, không phải nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng cho thử thách ở nghị trường. Tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã nhắm giới thiệu một nữ diễn viên chèo và một phóng viên báo hình, cả hai đều có tên tuổi, xinh đẹp và trẻ trung, nhưng họ khước từ vì... bận.
Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP. Hà Nội, các kỳ trước có khá nhiều nghệ sĩ được giới thiệu là ứng cử viên ĐBQH nhưng họ đều từ chối, như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (lúc đó ở trong BCH Hội Nhà văn Hà Nội), nhà biên kịch Bành Mai Phương (Hãng phim Truyện Việt Nam)...
Theo họ, xung quanh cuộc sống và nghề nghiệp của người nổi tiếng vốn đầy thị phi.
Trong khi đó, bước vào con đường của “ông nghị, bà nghị” đồng nghĩa với hình ảnh và tên tuổi của nghệ sĩ cần xứng đáng với vị trí chính trị họ đang nắm giữ. Các nghệ sĩ tiền bối là ĐBQH ở vào thời kỳ showbiz chưa phát triển sôi động và nghệ sĩ cũng không bị dư luận “săm soi” như bây giờ.
Tuổi họ đều cao, nên ít chịu ảnh hưởng bởi những “dư chấn” từ dư luận và truyền thông. Bây giờ thì khác. Khi thông tin Hồng Ánh là ứng cử viên ĐBQH vừa phát ra, lập tức nhận được lời bàn tán, chỉ trích về nhân cách của cô từ một người trong giới, kèm theo đó là hàng trăm bình luận của độc giả, người ủng hộ, người phản đối.
May mắn cho cô, cô vẫn thắng phiếu tuyệt đối (dù chuyện tai bay vạ gió đó xảy ra trước khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú) và là một trong 22 người đạt tỷ lệ 100% trong cuộc bỏ phiếu kín tại Hội nghị Hiệp thương lần ba.
Áp lực trách nhiệm cao nên nhiều nghệ sĩ cũng không “mon men” tới chính giới. Nhà thơ Bằng Việt, tốt nghiệp cử nhân luật ở nước ngoài, từng được nhắm đến để đưa vào danh sách ứng cử viên ĐBQH năm 1995.
Ông cười giải thích với người tín nhiệm, sở dĩ ông từ chối là “vì muốn có thời gian để tự do bù khú với bạn bè, đi đây đó và làm những việc mình thích. Một nhiệm kỳ ĐBQH mà nói không ra hồn thì dân mắng cho, nói nhiều lại dễ bị vạ miệng”.
Ở cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP. Hà Nội, có dịp gặp gỡ, thuyết phục và vận động những người có khả năng và đủ điều kiện để đưa vào danh sách ứng cử viên, nhà thơ Bằng Việt có thể hiểu lý do của sự khước từ còn ở chỗ đời sống cơm áo và những nhu cầu vật chất vẫn còn theo đuổi văn nghệ sĩ, trong khi nếu có danh tiếng ở cương vị chính trị cũng không đi kèm lợi ích vật chất.
Sân khấu - cuộc đời
Ở các nước, việc nghệ sĩ trở thành chính trị gia không còn xa lạ và hai vị trí này có tác động tương hỗ khá mật thiết.
Xuất thân từ nghệ sĩ hay đang tham gia lĩnh vực nghệ thuật nên trong sự nghiệp chính trị, họ dành nhiều sự ưu tiên cho giới của họ là chuyện dễ hiểu.
Các nghệ sĩ ở ta phần nào phát huy được vai trò này, nói được tiếng nói cần thiết của cử tri và người trong giới mình.
NSND Đặng Nhật Minh trong nhiều khóa làm ĐBQH đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Luật Điện ảnh và cuối cùng luật này đã được thông qua, ghi nhận nhiều nỗ lực của ông trên cương vị ĐBQH, dù Luật chưa thực sự hoàn chỉnh.
Chia sẻ với báo giới, NSƯT Hồng Vân chẳng hề giấu giếm ý định sẽ... “xin cái nhà hát” nếu trúng cử ĐBHĐND TP.HCM. Ở chiều ngược lại, ở cương vị mới, nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế sâu sát hơn.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ với báo giới, làm ĐBQH cho ông cơ hội thấy tình cảnh của người dân, qua đó ảnh hưởng đến nhận thức xã hội để bước đến văn chương, thay đổi khuynh hướng sáng tác...
NSND Trà Giang thổ lộ, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người dân khơi dậy trong bà sự cảm thông, giúp bà hiểu được tâm tư, tình cảm của họ.
Có ý kiến lo lắng, nghệ sĩ thì cứ hãy là... nghệ sĩ, chính trường không phải là “sân khấu” nên không phù hợp với họ. Khi họ chưa kịp trở thành một chính trị gia giỏi thì xã hội đã mất một nghệ sĩ, hoặc họ chỉ có thể trở thành chính trị gia... diễn giỏi mà thôi.
Nói gì thì nói, vẫn không thể phủ nhận việc nghệ sĩ nước nhà ngày càng có nhiều cơ hội tham gia chính trường, khi mà tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có tác động lớn, thậm chí rất lớn đến công chúng.
Nhưng trên hết, như nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh, không phải có mặt nghệ sĩ để “đẹp đội hình, mà người được lựa chọn có biết ăn nói có ích cho văn nghệ sĩ và phong trào chung hay không”.
CUNG CẦU
Nguồn:
NGHỆ SĨ VÀ CHÍNH TRƯỜNG
4 comments:
Bên em cũng có một chị đạo diễn được lắm, sống và làm việc rất ấn tượng, chị ấy được đề cử làm chủ tịch công đoàn ( đại diện cho người lao động) nhưng lại làm mất lòng khá nhiều sếp. CHị ấy mệt mỏi, công việc cũng không tiến triển mấy. Chung qui cũng tại không biết cách thuyết phục, như trong bài ghi là cách ăn nói ấy :-D
Đức độ, tài năng mà không có kiến thức tối thiểu về giao tiếp thì cũng khó mà thành công trong bất kỳ cương vị xã hội nào :-)
postay thật!
Không ở đâu có thể có bằng cấp và chức vị dễ như ở VN, và cũng không ở đâu có thể có tiếng mờ hem có miếng nhiều như ở VN ;))
Nghệ sĩ nói gì thì nói, không nên tham gia chính trường. Mệt lắm, mệt cả cho mình và cả cho nhiều người nữa. Tác dụng thì lại quá ít!
Đăng nhận xét