8/5/09

TÔ MÀU "17 KHOẢNH KHẮC MÙA XUÂN"



Ngày Chiến thắng 9.5... Đã hơn 60 năm nay ngày lễ 9.5 này là ngày lễ chính của hàng triệu người Nga.
20 năm sau khi Liên Xô tan rã, trên lịch của nước Nga xuất hiện những tờ lịch màu đỏ mới, một số ngày lễ chính thức bị dẹp bỏ, nhưng Ngày Chiến thắng vẫn là ngày hội lớn của đại đa số người Nga và người dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây...

Khi đất nước tan rã vào đầu thập niên 1990, những tưởng "ngày hội lệ nhòa khóe mắt" này không còn mấy giá trị đối với xã hội dân chủ mới nảy sinh, nơi đồng tiền là thước đo trong quan hệ giữa người và người. Đổ vỡ không chỉ quốc gia vĩ đại đã phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn để giải phóng loài người khỏi ách phátxít, mà cả những giá trị tinh thần đã nuôi dưỡng lòng quả cảm và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Xôviết trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.



Bài hát "Ngày chiến thắng. Trình bày: Lev Leshenko

Thế hệ những người cao tuổi không thể hiểu nổi cũng như không thể chấp nhận những quy tắc sống mới, thế hệ trung niên thì chỉ quan tâm đến một điều - làm sao nuôi sống gia đình, còn thế hệ trẻ thì trưởng thành trong mọi sự dửng dưng, không có lý tưởng và hoàn toàn thiếu những quy chuẩn về đạo đức lại phải chịu đòn "tấn công tổng lực" của các phương tiện truyền thông cổ xuý cho những giá trị của xã hội tư sản - kiếm tiền bằng mọi giá.

Thế nhưng những nền tảng của xã hội Xôviết hoá ra lại mạnh hơn người ta tưởng. Trên đống tro tàn của cuộc sống tinh thần được hình thành trong những năm tháng cướp bóc hậu Xôviết đã dần dần mọc lên những chồi non của ký ức, cái thiện và lòng nhân. Người ta lại tìm đến với những thứ tưởng chừng đã bị lãng quên, thanh niên được kéo lại gần với những cội nguồn tinh thần của cha ông họ. Chất keo để gắn kết và khơi gợi ký ức trong lòng dân tộc chính là ngày chiến thắng.

Vài ba năm trở lại đây, tại những cuộc tụ họp của các cựu chiến binh ngày một thấy nhiều hơn những gương mặt trẻ. Họ trò chuyện với các cựu chiến binh bằng mối quan tâm thực thụ. Những chàng trai, cô gái ngồi trên ghế nhà trường trong những năm 1990, chỉ biết đến lịch sử chiến tranh qua những trang sách giáo khoa, thì nay đang cố gắng hiểu vì lẽ gì mà ông bà họ đã dũng cảm vượt qua những thử thách nghiệt ngã, thậm chí hy sinh cả bản thân mình trong cuộc chiến tranh ác liệt nhất của lịch sử loài người.

Nhưng đội ngũ các cựu chiến binh thì ngày một ít đi, người nào "trẻ nhất" cũng đã ngoài 80. Sự quan tâm đến họ chưa hẳn đã tốt, nhiều người vẫn đang phải sống trong những căn nhà đổ nát, quà nhân ngày chiến thắng có khi chỉ là tấm vé đi xem biểu diễn nghệ thuật.

Với khoản phụ cấp ít ỏi, họ phải chống chọi với cuộc sống thường nhật và những căn bệnh tuổi già ngày một chồng chất. Những cụ có con có cháu thì còn đỡ, những cụ đơn thân thì chỉ còn một con đường là nhà dưỡng lão. Và dường như ngày chiến thắng là niềm vui duy nhất của các cụ vào lúc xế bóng này, khi được mặc lại quân phục, cài lên ngực áo những tấm huân chương kiêu hãnh và hoà mình vào những khúc nhạc trầm hùng của cuộc chiến tuy đã lùi xa nhưng vẫn còn nóng hổi ký ức. Và họ như hạnh phúc hơn, khi bên cạnh có thêm cháu chắt để cùng sống, cùng sẻ chia.



Đoạn trích trong phim "17 khoảnh khắc mùa xuân" trên nền ca khúc "Ở một nơi xa" (Где-то далеко)

Món quà độc đáo mà Truyền hình Trung ương Nga tặng các cựu chiến binh năm nay là phát sóng phiên bản màu của hai bộ phim huyền thoại "17 khoảnh khắc mùa xuân" (ảnh) và "Chỉ có các cụ già ra trận", những bộ phim đen - trắng đã làm rung động lòng người không chỉ ở Liên Xô, mà ở cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.

NSND Liên Xô Tatyana Lioznova, người phụ nữ đã tạo dựng hình ảnh chiến sĩ tình báo Maksim Isaev, lúc đầu đã phản đối kế hoạch này. Nhưng sau khi xem một số đoạn tô màu thử nghiệm, đã không giấu nổi sự thán phục và đích thân chỉ đạo ý tưởng nghệ thuật cho quá trình này.

Đáng tiếc là đạo diễn Leonid Bykov, người đã từng muốn quay "Chỉ có các cụ già ra trận" bằng phim màu, nhưng chỉ được cấp phim đen - trắng, không còn sống tới ngày hôm nay để thưởng thức lại kiệt tác của mình. Các bộ phim này còn được làm lại âm thanh, để tạo hiệu quả mạnh hơn đối với khán giả.

Không chỉ các cựu chiến binh mà thế hệ trẻ cũng háo hức trước sự xuất hiện mới của các tác phẩm nghệ thuật kinh điển của Liên Xô về đề tài chiến tranh. Hy vọng qua đó họ sẽ có thêm những bài học mới về lòng yêu nước, về đức hy sinh, lòng quả cảm và tinh thần khát khao hoà bình của nhân dân Nga. Và như thế, ngày chiến thắng sẽ mãi là ngày liên kết giữa các thế hệ.

Bài của Elena Zubtsova đăng trên Lao Động ngày 8.5.2009

3 comments:

nguoilavuaden on lúc 12:02 8 tháng 5, 2009 nói...

Ôi bài này hay quá anh ạ. Và có sức khái quát rất cao; nhất là cái đoạn này:

"Thế hệ những người cao tuổi không thể hiểu nổi cũng như không thể chấp nhận những quy tắc sống mới, thế hệ trung niên thì chỉ quan tâm đến một điều - làm sao nuôi sống gia đình, còn thế hệ trẻ thì trưởng thành trong mọi sự dửng dưng, không có lý tưởng và hoàn toàn thiếu những quy chuẩn về đạo đức lại phải chịu đòn "tấn công tổng lực" của các phương tiện truyền thông cổ xuý cho những giá trị của xã hội tư sản - kiếm tiền bằng mọi giá."
(@Lu: mình đoán giờ này Lu đang đi oánh tạ:)), he he)

LU on lúc 13:08 8 tháng 5, 2009 nói...

chời, đi oánh tạ về trễ có một tí đã bị Ngườilavưaden ăn mất con tamp roài. Bên Mỹ cũng rơi vào tình trạng một gia đình 3 thế hệ có 3 cách si nghĩ khác nhau như vầy anh a. Người già ko chấp nhận nổi cái mới, cứ khư khư muốn cất giử lại cái cũ, người trung niên thì lo chạy cơm gạo giử yên gia đình, họ như đứng giữa hai làn nước, chỉ có thế hệ thứ 3 là năng động và hoàn toàn hòa nhập vào cái mới. Ba thế hệ, ba mâu thuẫn, ba hướng đi song song cho tới nay vẫn chưa tìm được hướng hòa hợp nào tốt nhất trong những gia đình Viet tại Mỹ.

Titi on lúc 04:30 9 tháng 5, 2009 nói...

Bài hát rất hay, đồng chí Vyacheslav Tikhonov vẫn đẹp bí ẩn kinh :D

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết