Từ hồi nhỡ ra phải xem opera xà phòng, bây giờ tôi lại đâm nghiện cái phim "Những nàng công chúa nổi tiếng" phát trên VTV3 tầm sau 22h mới chết! Tóm lại là đi đâu làm gì, cũng cứ căn tầm đó để bật tivi xem diễn biến trong cái gia đình họ Na bên xứ Hàn như thế nào.
May là phim này không sến, không ảo não ung thư chết chóc, toàn khai thác những chuyện rất thật ở mọi khía cạnh trong cuộc sống gia đình, nên rất gần gũi và hấp dẫn. Có cảm giác như chuyện này, chuyện kia đã xảy ra đâu đó trong cuộc sống của mình, của anh chị em mình, bạn bè mình..., chứ không phải xa lắc xa lơ bên xứ kim chi.
Opera xà phòng xứ Hàn lên đỉnh từ lâu thì biết rồi, diễn viên đẹp diễn xuất giỏi, âm nhạc hay, quay phim đẹp. Nhưng phục nhất là kịch tác gia và đạo diễn xây dựng tính cách nhân vật quá xuất sắc, mỗi nhân vật một cá tính, không ai trộn lẫn ai và không là bản sao của một nhân vật khác ở một tác phẩm khác.
Thử điểm qua mấy nhân vật thú vị nhất:
1. Bà ngoại Nam Dal Goo
Có cảm giác bà này bộc tuyệch, bộc toạc, nghĩ gì nói nấy, không cân đong đo đếm gì cả. Bà sống vô tư, chả quan tâm đến ai, suốt ngày đòi con gái cho ăn, ăn chán lại đi nhẩy. Có người lạ đến là vợ chồng người con gái lại phải chèo chống để những lời nói "vô duyên" của bà khỏi mếch lòng người khác.
Nhưng bà có nói sai không? Hầu như không bao giờ sai! Những lời nói đúng thường nghịch nhĩ, dễ khiến người nghe bực tức hoặc rầu lòng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật và luôn có giá trị. Người ta nghe lời bà nói xong, tức tối, nhưng rồi cũng nhận ra là bà nói đúng.
Ẩn trong bà già vô lo ấy lại là một người đàn bà đã trải qua nhiều vất vả, luôn canh cánh món nợ chưa trả được với con gái là không thể đứng ra tổ chức một đám cưới hẳn hoi, có của hồi môn cho con. Động tác bí mật thu xếp đám cưới cho vợ chồng con gái khiến bà con gái hiểu lầm dẫn đến cuộc cãi vã nảy lửa giữa hai mẹ con và bà bỏ đến nhà dưỡng lão là một trường đoạn cảm động.
2. Người mẹ Kyung Myung Ja
Bà là người giàu lòng nhân ái. Không phải người phụ nữ đã có hai con nhỏ nào cũng có thể mở rộng vòng tay để nuôi thêm một đứa trẻ sơ sinh nữa, không những thế còn chiều chuộng nó hơn con đẻ của mình. Bà là điển hình của type phụ nữ Châu Á hy sinh cho chồng, con, cho gia đình. Yêu con, bà giành hết các việc, sẵn sàng bao che, chiều chuộng khiến hai cô con gái thứ ba và thứ tư không biết nấu nướng, cũng chẳng biết những điều tối thiểu khi về nhà chồng.
Bà Myung Ja yêu con một cách bản năng, theo kiểu gà mái: Biết cô thứ ba tiêu hoang, vay tiền nặng lãi, ngăn chặn mọi người cho cô vay tiền, nhưng đến khi biết cô bị bọn xã hội đen hành hung xiết nợ, bà vét túi đến gặp thẳng bọn lưu manh để thanh toán dứt điểm. Phản đối cô con gái cả đi bước nữa với anh chủ cửa hàng gà rán, nhưng bà là người duy nhất trong gia đình dám ra tay với cô vợ trước của anh này khi cô đến phá rối đám cưới.
Bà cũng đầy những điểm yếu, ví dụ như chấp nhặt với đứa con riêng của cô con gái cả, khi nó không chịu gọi cô là mẹ. Bà Myung Ja cũng phũ mồm, thấy sai là bà phải nói cho sướng mồm, nói xong thì phải chạy theo để giải quyết hậu quả (vụ đuổi mẹ ra khỏi nhà). Bà thấy hồ hởi, khi con gái thứ ba phá vỡ các phong tục đi làm dâu để ưu tiên về nhà mẹ đẻ trong dịp nghỉ lễ, mà chẳng cần biết con rể và gia đình bên chồng của con gái sẽ suy nghĩ thế nào về hành động của cô.
3. Cô con gái thứ ba Na Mi Chin
Cô là điển hình của thế hệ các cô gái trẻ thực dụng không còn chịu ràng buộc với lối suy nghĩ truyền thống về hạnh phúc và gia đình. Cô thích ăn ngon, mặc đẹp, thích làm mọi việc theo ý mình, thích nói thích làm những điều bị xã hội coi là "chướng tai gai mắt". Đối với cô, mọi người trong gia đình, chồng hay cậu của chồng, khi đã sinh sống dưới một mái nhà, thì đều bình đẳng và có nghĩa vụ phải chịu đựng nhau.
Cô cũng là người có suy nghĩ và hành động có thể liệt vào dạng quái đản: Hất cốc bia vào mặt chị gái, bắt người yêu và chị gái (vốn là bạn thân của nhau) phải xin phép cô nếu muốn gặp gỡ nói chuyện. Nhưng cũng chẳng có ai dám hy sinh nhiều hơn cô: im lặng cả chục năm trời về sự thật hai chị em sinh đôi không phải là chị em ruột để chịu đựng sự phân biệt đối xử của người cha khó tính.
Cô cũng giống như bà ngoại và mẹ: luôn nói thẳng và có quan điểm dứt khoát đối với những điều mà cô mắt thấy tai nghe. Suy nghĩ và cách xử lý của cô mang màu sắc ích kỷ, làm mọi người khó chịu, nhưng nhiều khi lại rất hợp lý và là cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
***
Ba người phụ nữ thuộc ba thế hệ mang dấu ấn riêng biệt của thế hệ mình, nhưng đều có một điểm chung là luôn nhìn thẳng vào sự thật, dám đối mặt với sự thật và không ngần ngại lách lưỡi dao sắc lạnh để cắt xoẹt cái điều mà họ cảm thấy có thể là khối u gây nguy hiểm. Chính ba người phụ nữ này gây ra những sóng gió và cũng giải quyết không ít khúc mắc cho gia đình, làm cho bộ phim cuốn hút người xem.
Xem phim truyền hình Hàn, thấy tác giả kịch bản và đạo diễn dám đi đến tận cùng tính cách của nhân vật, chứ không "lưỡng lự nhị nguyên" (chữ của nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái) trong xây dựng tính cách nhân vật điện ảnh ở xứ ta. Trong bối cảnh thế này, nhân vật A với tính cách thế này thì sẽ phải suy nghĩ hành động như thế này, nhưng ở ta lại ngại, nên lại bắt nhân vật A xử sự như nhân vật B, hay nhân vật C, thậm chí là nhân vật D.
Phim ảnh thì cũng phải như cuộc đời. Nhân vô thập toàn, không có ai hoàn toàn tốt, cũng không có ai hoàn toàn xấu. Người tốt cũng có những tính xấu và người xấu cũng có những tính tốt. Lỡ làm người tốt trong phim của ta là cứ phải tốt từ đầu đến cuối, cấm thấy có cái gì dở. Lỡ làm người xấu trong tim của ta là cứ phải xấu cho đến tận khi chết. Thế nên phim của ta mới chán...
Có đúng thế không nhỉ?
THAM KHẢO:
1. ĐÀN ÔNG VÀ OPERA XÀ PHÒNG
2. Nhân vật trong phim truyện Việt: Lưỡng lự nhị nguyên! (Phần 1)
3. Nhân vật trong phim truyện Việt: Lưỡng lự nhị nguyên! (Phần 2)
12 comments:
thì film này hơi giống xì tai anh vít nên anh khoái là phải roài. Anh theo xì tai gia đình xã hội học đường, ko có ung thư tình củm lởng mợng té lên té xuống ngày mí chục trận.
Em có "oan điểm" sống thì mình phải là mình, ko việc gì mình phải là A, B hay C. Đóng kịch chỉ được một lúc thoai ko ai đóng mãi đuợc cả đời. Cũng ko việc gì phải ép mình làm theo cái sự người khác thích. Nhưng mừ có một điều hơi bị nan giải, khi em làm việc thì em rất chi là lắm mồm, nói suốt, và cứ thích ra lệnh. Về nhà thì em lại chả nói năng tiếng nào vì có ai đâu mà nói, mà cũng chả thích nói, nhưng vào bờ nốc thì cứ hay đùa linh tinh. Như thế này thì gọi là thuộc dạng gì trong 3 dạng phụ nữ anh kể trên anh hì? tư vấn cho em một tí giùm, cho em định hướng tính cách anh héng :D
úi xời, cái bà mẹ này sao mà bà mẹ Việt Nam thế!
Em sang một cái là đi tơi bời khói lửa, vừa mới về To.
Bi giừ sinh hoạt tinh thần của anh thật nhiều mạo hiểm nhỉ:-P
à, em DTP đây!
Chót ghé mắt xem rồi là hôm nào cũng phải thức đến tầm đấy để theo dõi diễn tiến. Bà Nam Dal Goo bọn em hay gọi là bà xoay tròn xoay. Thích nhất bà mẹ, đúng kiểu gà mái mẹ. Lúc hiền lành thì rất hiền lành. Nhưng lúc ai mà động đến con bà xem, bà cho chúng mày biết. Bực nhất là cô chị cả, đúng kiểu cam chịu, lệ thuộc tình cảm, tự dưng thì ôm khốn khổ vào mình khi đề nghị tái hôn với lão lúc nào cũng sợ vợ cũ, tiền làm ra chi li với mình từng đồng trong khi vung tiền cho mụ vợ cũ chỉ biết đánh bạc ăn chơi rồi mắng mỏ, khinh rẻ chồng mình... Túm lại, phim này rất đáng xem. Vì đề cập đến chi tiết, sâu sắc các vấn đề gia đình: tái hôn, tảo hôn, độc thân, nuôi con một mình, phi công trẻ, phận làm dâu... đến tâm tư của các cô gái không được về thăm mẹ đẻ vào dịp lễ tết, ích kỷ của con cái khi bố/mẹ quyết định tái hôn, đau khổ thầm lặng của bà mẹ già chỉ có mỗi mình cô con gái, đành nhờ cậy gặp chàng rể tốt chịu nuôi mình lúc già cả đơn chiếc...
Quá nhiều vấn đề mà chỉ từng ấy nhân vật, từng ấy khung cảnh (ba cái nhà, hai cái quán, mấy con đường...)- mà bọn em hay nói nôm na có khi chỉ giản tiện ở một cái giường - thế mà phim Hàn vẫn thu hút người xem. Cảnh tết trung thu xum họp gia đình, thật ấm áp, cảm động.
@Da: Oài, em DTP. Tưởng đâu quên VN rồi? Lại nói là đi về To, anh chịu không biết đường nào mà lần. May còn nhớ ghi chú là DTP!
Hơ hơ...thỉnh thoảng rảnh rảnh em cũng ngó xem ba cái vụ xà phòng thơm này. Nhưng thú thật là em xem vì chiều lòng bà ngoại Tí thôi ạ :D
em cũng không theo dõi thường xuyên nhưng cũng nắm bắt đc 1 chút , em thấy chị Nguyen Thi là 1 quan điểm về bà chị cả , còn em lại nghĩ chị cả có tấm lòng bao dung giống mẹ của cô cô rang tay đón bọn trẻ thiếu may mắn , ng chồng nhu nhược , trong sự quẫn trí ... em nghĩ ít ng phụ nữ dám làm đc điều này , bên cạnh tấm lòng nhân ái chị là ng phụ nũ giỏi giang trong kinh doanh , khóe léo trong ứng xử chỉ có 1 điều vì chị dám đánh đổi niềm hạnh phúc của mình cho ng khác , em nghĩ đến cuối phim ng phụ nữ này sẽ đc đền đáp xứng đáng . Rất cảm ơn bài viết của anh VMC , 1 bài viết sâu lắng , em đọc đã " ngộ " ra nhiều điều ^^
@nghia designer: thực ra bà chị cả và ông chồng tái hôn khiến chị hình dung ra kiểu người đần đần, gặp kẻ ghê gớm, nó hất nước vào mặt một cách vô cớ, cũng chỉ biết bất động đứng yên, rồi chui vào góc nhà, góc bếp mà khóc thầm, không biết ngẩng mặt, dang tay mà đập lại, không biết to tiếng cãi lại, bảo vệ chính mình, nhưng rồi sau đó lại trút hết giận dữ, ấm ức vào những người hiền hiền khác. Ông chồng, ngậm bồ hòn, không nói nổi mụ vợ cũ đanh đá, đành quay sang bực tức với bà vợ tái hôn. Bà này, về nhà trút hết ấm ức lên bà mẹ. Vòng luẩn quẩn, bởi cả hai đều lành quá hóa đần, cứ để kẻ vô lý dày vò, cứ cam chịu một cách ngu ngốc. Nhưng số người này cũng khá nhiều...
Điểm hấp dẫn nữa của bộ phim này chính là các vấn đề gia đình tưởng đao to búa lớn lại được lồng ghép hết sức nhẹ nhàng, tinh tế, cũng không kém phần hài hước, vui nhộn trong những tình huống sinh hoạt, ăn ở, ngủ nghỉ của hơn bốn gia đình. Nhân vật không phải phát ngôn những điều hệ trọng đó mà dường như rất tài tình chỉ thông qua những sinh hoạt hằng ngày, những đối thoại cha-con, anh-chị-em,vợ-chồng, cháu-chú... mà người xem tự cảm nhận, tự đọc ra điều đó. Rất đời thường, dung dị, chứ không kịch như phim Việt. Phim Việt Nam, đạo diễn, kịch bản để lộ bản thân quá nhiều qua nhân vật.
enjoy tinh moi, nhung "van giau trong tim bong mot nguoi", anh a:-P
hihi, em cũng thích phim này anh ạ. Chưa bỏ một tập nào, à, hình như có bỏ 1 tập hôm í nhà em mất điện. Chưa kịp download để xem lại, em cũng định comment nhưng sợ dài quá, nên đã viết thêm một entry về cô bé út bên nhà em í, anh ạ.
thể loại opera xà phòng e hok xơi dc :D
Đăng nhận xét