11/5/09

V-LEAGUE - CỐI XAY SẮP HẾT THỊT?



Không thạo về bóng đá lắm, nhưng trước làn sóng sa thải huấn luyện viên ở V-league, tôi cũng lạm bàn đôi điều.

Một đồng nghiệp của tôi bảo: Kể từ khi Cty Gỗ Hoàng Anh của ông Đoàn Nguyên Đức kết hợp với đội bóng đá Gia Lai, tuyển mộ một loại sao, trong đó có "Zico Thái Lan" Kiatisuk Senamuang, thì Việt Nam bắt đầu có bóng đá chuyên nghiệp.

Không hiểu nhận xét như thế có đúng không, nhưng cái tên Hoàng Anh - Gia Lai lúc đầu gọi cứ ngượng mồm, nhưng đến bây giờ thì quen quá rồi.
Thậm chí bây giờ dân nghiền bóng đá gọi ngắn hơn, ví dụ như "gỗ", tức là CLB Hoàng Anh - Gia Lai; "gạch", tức là CLB Gạch Đồng Tâm - Long An, "ximăng" - hình như là CLB Ximăng Hải Phòng...

Chưa biết sắp tới SHB Đà Nẵng có bị gọi là "Ngân hàng", hay Thể Công có bị gọi là "Viettel", "điện thoại", hay "Allo" không?


Nói chung là cái giải V-league đủ hết cả hỉ nộ ái ố. Dàn xếp tỉ số, bán độ, hoolligan, trọng tài bắt sai, những hành vi vô văn hoá của cả cầu thủ lẫn khán giả, cái gì cũng có. Một đồng nghiệp khác của tôi lại nói: "Bóng đá chuyên nghiệp nó phải như thế"!

Từ đầu mùa V-league năm nay đến giờ xảy ra hiện tượng mới: các đội thi nhau sa thải huấn luyện viên. Cứ đá vài ba trận mà thua, thì a-lê-hấp, mời bác huấn luyện viên đi chỗ khác chơi, bất kể bác là ai, từ HLV người nước ngoài của đội tuyển quốc gia, cho đến những vị cựu trào đầy máu mặt.


Một tờ báo gọi giải V-league là cái "cối xay" huấn luyện viên.


Nghe mà hãi!


Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng phải thôi. Bóng đá thế giới cũng thế. Anh cầm quân không ra gì, thua vài trận liên tiếp thì tôi phải thay anh. Bóng đá là kinh doanh, giữ anh lại để tôi thua lỗ à? Một tay nghiền bóng đá nói với tôi: "Bóng đá chuyên nghiệp là như thế"!


Ở nước ngoài họ coi HLV cũng chỉ là người làm thuê. Nhưng mà thuê ở vị trí cao hơn. Chưa chắc anh đã có lương cao hơn cầu thủ.


Ở VN bây giờ cũng coi HLV là người làm thuê. Không rõ lương các ông có cao hơn lương cầu thủ không, nhưng do truyền thống và tâm lý Á Đông, nên HLV vẫn được xem như là người thầy. Hình như thực tế trong các đội bóng có sự phân vai ấy: HLV là thầy, cầu thủ là trò. Các bình luận viên trên tivi vẫn nói "các học trò của ông A" để chỉ các cầu thủ do HLV ấy chỉ đạo.


Thế là ở đây nảy sinh mâu thuẫn: Thầy thì phải được tôn trọng, phải nghe thầy, phải đối xử với thầy tử tế. Không thể có chuyện thích lên thì sa thải (xử tệ) với thầy. "Nhưng đây là bóng đá, bóng đá chuyên nghiệp, không phải giáo dục" - một đồng nghiệp khác nữa lại nói thế.


Tóm lại, trăm tội đều đổ vào cái cụm từ "bóng đá chuyên nghiệp" hết. Chuyên nghiệp là nó phải như thế.


"Chưa hết lượt đi , nhưng V-league đã "xay" hết 8 huấn luyện viên". Đấy là tít báo tôi ngày hôm nay.

Vấn đề là cái đội ngũ nhân sự cao trong bóng đá, tức là các huấn luyện viên, rất là có giới hạn. Quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ những gương mặt đấy mà thôi. Nay tôi bị sa thải ở CLB này, thì mai tôi đến "đầu thầy" (thay cho "đầu quân" dùng cho cầu thủ) ở CLB khác. Không được hài lòng, thì tôi cho vài trận thua để được sa thải rồi lại đi "đầu thầy" chỗ khác.


Liệu có xảy ra tình trạng là cái cối xay ấy sắp hết thịt không nhỉ?

- Sẽ có nguồn HLV khác, ví dụ như thuê nước ngoài, hoặc gọi các cựu danh thủ ra làm huấn luyện viên. Không có chuyện cối xay sắp hết thịt đâu! - một fan bóng đá nói với tôi thế.


Ừ, nếu mà thế thì tôi cũng yên lòng. Chứ cứ xay thế này, hết thịt thì chết!


Ảnh: Riedl - một trong những HLV đầu tiên bị "cối xay" V-League nghiền nát.

2 comments:

LU on lúc 20:50 11 tháng 5, 2009 nói...

giống tình trạng thuê nhân viên bên đây roài anh ợ. Bi giờ hãng mướn làm việc trả lương cao mà ko hiệu quả là cho đi ngay, vì còn cả đống thịt khác đang chờ thế chỗ của mình. Cái gì bi giờ cũng được tính thành tiền cả. Đôi khi em có cảm giác mình đã trở thành một con buôn tính tiền chứ ko còn là dân học kĩ thuật nữa.

Tinh Rock on lúc 10:29 12 tháng 5, 2009 nói...

đó là bước đệm để tiến tới bóng đá chuyên nghiệp, Nước nào cũng có bước phát triển riêng, V league ko phải ngoại lệ!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết