11/5/07

TINH VI SỜ TI CON GÀ RI



Kể từ hồi cộng tác cho chuyện mục "Góc của Joe" trên Lao Động cuối tuần, Joseph Ruelle trở nên nổi tiếng quá chừng luôn. Trước đây bạn ấy đã tung hoành trong cộng đồng blog Việt rồi, nhưng kể từ khi giữ chuyên mục trên LĐCT thì được "vua biết mặt chúa biết tên" nhiều hơn. Truyền hình biến Joe thành người của công chúng luôn.

Phải thừa nhận người nước ngoài viết tiếng Việt như Joe thì siêu hạng. Hôm nay tôi giới thiệu với các bạn một bài mới nhất của Joe (có được biên tập chút đỉnh) đăng trên Lao Động cuối tuần số phát hành tuần này...

PHÊ BÌNH CHO VUI

Mình đọc báo Việt Nam rất thường xuyên, thấy báo chí Việt Nam đang phát triển rất mạnh, đăng tải nhiều chuyện hay lắm. Mình cũng học báo chí ra, nên hay có tính super soi. Mình phát hiện ra 3 chuyện hơi bị buồn cười về cách viết bài của các bạn đồng nghiệp. Kể ra đây cho vui, mong mọi người đừng giận.

Điều thứ nhất là luôn tìm cách “ngây thơ hóa bản thân”, đặc biệt là khi viết về những chuyện tế nhị, như là tham nhũng hay tệ nạn xã hội... Đoạn này mình lấy từ một bài báo mang tên “Gái gọi sinh viên qua mạng”:

“Theo lời chỉ dẫn, tôi dễ dàng trông thấy những quảng cáo đầy hấp dẫn nhan nhản trên các website, với các địa phương riêng biệt…Đó là trang giới thiệu về gái mại dâm ở TP Hồ Chí Minh, còn ngay tại Hà Nội cũng có một loạt địa chỉ …Kèm với những lời mời chào đó là thỏa thuận "đảm bảo từ A đến Z, giá 150.000đ"... Tôi hoa cả mắt khi đọc "tin quảng cáo" nào cũng na ná như nhau”.

Mình nghĩ phóng viên ấy không “hoa cả mắt” đâu. Nhà báo thường là những người rất tỉnh táo, có lẽ thậm chỉ là những người tỉnh táo nhất trong xã hội. Chuyện tiêu cực từ nhỏ đến lớn đa số nhà báo đã quá biết rồi. Mình đoán phóng viên ấy chỉ “xoa cả mắt” thôi, vì buồn ngủ nhưng vẫn phải nộp bài trước 12h đêm.

Trong một bài báo khác một cô phóng viên “ngầm” kể về chuyện gặp một nhóm thanh niên hư hỏng ở vũ trường New Century: “Dù cố nghĩ tôi vẫn không thể lý giải được, tại sao những thanh niên mới lớn này thường xuyên đi qua đêm mà bố mẹ chúng vẫn coi đó là chuyện vặt.”

Mình nghĩ cô ấy có thể lý giải được. Mình có thể lý giải được. Chắc cháu hàng xóm của mình cũng có thể lý giải được. Chuyện con nhà giàu đôi khi thiếu sự quản lý của bố mẹ chẳng có gì phải sốc cả. Thật ra cô phóng viên ấy đã “lý giải được” ngay trong câu tiếp theo “Những người lớn ấy – vì vô trách nhiệm hay vì họ đã bất lực trước những đứa con bất trị?”.

Điều thứ hai là rất hay cho một vài câu vào để khẳng định rằng mình là người tốt.

Khi Trúc Ly đang chuẩn bị thoát y thì điện thoại tôi réo vang theo thỏa thuận trước với các đồng nghiệp đang đứng bên dưới. Chụp lấy điện thoại, tôi hét lớn vào máy: "Anh về ngay đây". Nói đoạn, tôi tháo chạy ra ngoài, trong tiếng chửi bới của Ly cùng nhân viên khách sạn này.” (Lấy từ bài “Gái gọi” sinh viên qua mạng” trên...)

May quá nhỉ! Tại sao bạn đồng nghiệp ấy biết chính xác cái lúc em “Trúc Ly” gì đó đang chuẩn bị thoát y nhỉ?! Mình thấy đoạn này hơi thừa. Chủ đề của bài là cuộc sống của các cô gái trẻ bán dâm, chứ không phải là sự khéo léo của anh phóng viên và bạn đồng nghiệp đang đứng bên dưới. Nếu bài không có đoạn này thì liệu người đọc sẽ kết luận rằng anh phóng viên đã nhiệt tình được em Trúc Ly phục vụ từ A đến Z chăng?!

“Có lẽ sự “trống huơ trống hoác” của Tùng cũng giống như cái cảm giác của người tu sau khi tỉnh cơn say. Tôi chưa uống say bao giờ nhưng nghe nói, buồn lắm.” (Lấy từ bài New Century nêu trên).

Đoạn này cũng thế thôi. Chuyện cô phóng viên ấy đã từng hoặc chưa một lần uống say không cần thiết phải cho vào đâu – cái từ “có lẽ” ở đầu câu là đủ để người ta biết cô ấy đang đoán cảm giác thôi.

Điều thứ ba là thói nghiện “viết tắt kiểu tinh vi”. Chẳng hạn: “Hơn 12 giờ đêm. Dân chơi ào ra từ một sàn trên phố T.” Thôi, ai đã từng đi chơi ở Hà Nội cũng biết sàn đấy là New Century hết, tại sao không viết hẳn ra? Viết kiểu dễ đoán như thế thì viết hẳn ra có hơn không? Muốn giấu thông tin thì phải giấu hoàn toàn chứ!

Có lẽ mình nên dừng lại ở đây. Bạn sẽ hỏi: “Ơ cái anh Joe này, sao đưa ví dụ mà chẳng dẫn nguồn là từ báo nào thế?” Chết, chết, thế là mình cũng viết tắt tinh vi sờ ti con gà ri rồi.

Quảng cáo cho Joe một tí: Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách "Tớ là Dâu" (xem ảnh) với các bài viết đặc sắc của Joe trên blog (đã đăng tải trên Lao Động cuối tuần) và nhiều bài mới chưa đăng ở đâu bao giờ. Mọi người cũng nên tìm đọc cho vui nhỉ?

1 comments:

hihi nói...

ok, rất độc đáo, đúng với thục trạng báo chí Việt Nam

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết