12/5/07

NHẠC TRƯỞNG LẠC QUAN LÀ NHẠC TRƯỞNG BUỒN



Nghệ sĩ Nhân dân Nga, Nhạc trưởng Murad Annamamedov:
Nhạc trưởng lạc quan là "nhạc trưởng buồn"

Đến Hà Nội thực hiện chương trình "Những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam 2007", NSND Nga Murad A.Annamamedov đã gặp lại những bạn đồng khoá người Việt sau 30 năm xa cách. Ông thực sự xúc động trước tình cảm hồn hậu mà đồng nghiệp và công chúng Việt Nam yêu văn hoá Nga dành cho ông.


19 TUỔI ĐÃ LÀM NHẠC TRƯỞNG

Thưa Nghệ sĩ Nhân dân Murad Annamamedov, hồi ông còn bé ông đã được đưa đến trường ballet. Nguyên cớ nào đã khiến cậu bé Murad bỏ ballet để chạy sang nhạc cổ điển?

- Tôi không học ở trường ballet, mà được nhận vào trường nhờ những chỉ số hình thể khá chuẩn (cười). Nhưng thời đó tôi không muốn lên Mátxcơva, không muốn xa mẹ tôi đang ở Asghabat (Turkmenia - sau này là Turkmenistan). Mẹ tôi là nghệ sĩ độc tấu piano đầu tiên của nước cộng hoà, bà muốn tôi theo nghề ngoại giao, nhưng do từ tấm bé tôi đã sống trong bầu không khí âm nhạc nên tôi không có sự lựa chọn nào khác. Năm 15 tuổi tôi đã chơi trong dàn nhạc giao hưởng và đến năm 19 tuổi đã bước lên bục chỉ huy. Tôi tự hào là trong cuộc đời nghệ thuật của mình tôi không phải phấn đấu khổ sở vì sự nghiệp bởi vì tôi đã làm nhạc trưởng chính 28 năm nay.

Năm 1980, khi mới 25 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm Chỉ đạo nghệ thuật kiêm nhạc trưởng chính Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia nước Cộng hoà Turkmenia. Tại sao lại có sự ưu ái như vậy?

- Đúng đây là kỷ lục của thời đó, nhưng không phải vì tôi giỏi giang xuất chúng gì, mà là vì hoàn cảnh. Khi tôi đến đó, dàn nhạc hầu như tan rã, còn lại một nhúm nhạc công với những nhạc cụ tồi tệ, điều kiện làm việc rất tồi tệ. Người tiền nhiệm của tôi lại xin đi học nâng cao trình độ ở Mátxcơva. Và tôi về đó thì tự nhiên buộc phải trở thành nhạc trưởng. Tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì một nửa dàn nhạc là những người đã dạy dỗ tôi trước kia. Nhưng tôi cũng đã không làm phụ lòng tin của họ. Một năm rưỡi sau, dàn nhạc đã trình tấu được những tác phẩm khó nhất và trở thành niềm tự hào của nước cộng hoà. Nhưng rất đáng tiếc là nó đã bị giải tán dưới thời cố Tổng thống Saparmurat Niyazov.

NHẠC GIAO HƯỞNG CHẠY ĐUA VỚI THỊ TRƯỜNG

Cuối thập niên 1980, dưới sự lãnh đạo của ông Dàn nhạc Giao hưởng Saratov là đơn vị nghệ thuật đầu tiên của Liên Xô chuyển sang cơ chế hạch toán mới. Ông đã vượt qua những khó khăn của thời bao cấp như thế nào?

- Đó là những năm đầu của cải tổ ở Liên Xô. Người ta muốn áp dụng một số nguyên tắc kinh tế thị trường vào kinh doanh nghệ thuật. Ai muốn ở lại cơ chế cũ thì bị kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng cũng được nhận nhiều tiền từ nhà nước hơn. Còn ai đồng ý chuyển sang cơ chế mới thì nhận được ít tiền hơn, nhưng lại có nhiều khả năng sáng tạo hơn. Toàn bộ tập thể Dàn nhạc Giao hưởng Saratov đã bàn bạc và thống nhất chuyển sang cơ chế thị trường. Thực tế cho thấy, khi phải đối đầu với sự cạnh tranh thực thụ, thì bản năng sáng tạo của người hoạt động văn hoá được đánh thức, không chỉ trong người lãnh đạo là tôi, mà trong tất cả các thành viên của dàn nhạc.

Khi có sáng kiến, thì có thêm nhiều ý tưởng và từ đó mà thành quả cũng nhiều thêm. Và phần thắng đã thuộc về Dàn nhạc Giao hưởng Saratov. Điều quan trọng là tập thể dàn nhạc đã tin tôi. Tôi đã làm việc với họ trên cơ sở có sự chuẩn bị rõ ràng về tâm lý và họ được thông tin một cách đầy đủ.

Vào giai đoạn đó, nhân dân Liên Xô thừa nhận thức rõ rằng chúng tôi thua phương Tây, không phải trên phương diện tên lửa hạt nhân, mà thua về mức sống. Do vậy cần đánh thức tiềm năng sáng tạo trong quần chúng, vì chỉ có nhân dân mới tạo được điều kỳ diệu. Dàn nhạc của chúng tôi là một bộ phận của nhân dân và chúng tôi tạo ra điều kỳ diệu của riêng mình.

Tôi tin rằng sự cạnh tranh của kinh tế thị trường được xây dựng trên cơ sở lành mạnh có thể đem lại những kết quả tốt. Nó đã xoá bỏ được bình quân chủ nghĩa trong sáng tạo nghệ thuật. Bây giờ, những người có tài, có thái độ lao động đúng đắn, đã sống tốt hơn những người không có được những phẩm chất như vậy.

KHI NHẠC TRƯỞNG BUỒN...

Và giờ đây, khi lãnh đạo Dàn nhạc Giao hưởng Yaroslavl, ông lại biến nó thành một trong ba dàn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất nước Nga. Đâu là bí quyết thành công của ông?

- Bí quyết trước hết là tôi có sự ủng hộ của Thống đốc Yaroslavl. Là một người dân chủ, ông đặt ra cho tôi nhiệm vụ phải cải tổ đời sống âm nhạc tại địa phương. Sau khi nghe tôi trình bày các giải pháp, thì ông không những đồng ý, mà còn chỉ đạo các quan chức trong bộ máy hành chính tôn trọng các ý kiến của tôi. Do vậy nên dàn nhạc đã có những tiến bộ nhanh chóng. 13 năm qua, dàn nhạc của chúng tôi luôn biểu diễn với khán phòng chật kín khán giả.

Trước khi tôi về, dàn nhạc có rất nhiều vấn đề tâm lý nội bộ, hục hoặc và cãi vã lẫn nhau. Câu đầu tiên tôi tuyên bố ở dàn nhạc là: "Nếu có ai định cãi nhau thì hãy biết rằng họ sẽ cãi nhau với tôi". Trước tôi thì dàn nhạc cũng đã qua tay nhiều đời nhạc trưởng. Khi giới thiệu tôi với dàn nhạc, ông Thống đốc nói: "Nếu lần này dàn nhạc không làm nên cơm cháo gì, thì chúng tôi sẽ không thay nhạc trưởng mà sẽ thay toàn bộ dàn nhạc" (cười).

Tôi thấy quyền lực nếu được sử dụng đàng hoàng và dân chủ thì phát huy hiệu quả rất tốt. Tôi là người lãnh đạo, nhưng bên cạnh tôi có hội đồng nghệ thuật, có công đoàn... Chúng tôi học cách chung sống hoà bình theo nguyên tắc "làm việc hết mình - nghỉ ngơi hết sức".

Dàn nhạc Giao hưởng Yaroslavl nằm ở thành phố không có nhạc viện, nên chúng tôi bị thiếu nhân lực. Nhưng sau một thời gian lao động nghiêm túc và có chút danh tiếng nhiều nhạc công giỏi từ các nơi khác đã đến xin làm việc tại Yaroslavl.

Ông còn viết sách và cuốn sách có tựa đề rất gợi của ông là "Bút ký nhạc trưởng buồn" được dư luận rất chú ý. Ông đề cập vấn đề gì trong cuốn sách này?

- Tiêu đề cuốn sách xuất phát từ bài phỏng vấn tôi "Tâm sự nhạc trưởng buồn" đăng trên báo "Luận chứng và sự kiện". "Buồn" ở đây là nói vui thôi. Mọi việc ở dàn nhạc đi vào nền nếp, không cần sự hiện diện chỉ đạo hàng ngày của tôi nữa vì mỗi người đều biết rõ công việc của mình, được tin tưởng và được giao việc, nên nhạc trưởng hầu như chẳng còn gì để làm. Vì thế cho nên tôi có vẻ như là buồn. Theo hợp đồng thì mỗi mùa biểu diễn tôi phải chỉ huy 10 buổi hoà nhạc, nhưng do buồn, nên tôi chỉ huy gấp hai lần rưỡi, tức là 25 buổi.

Cuốn sách còn một tựa phụ là "Bút ký nhạc trưởng điên". Đây là những ghi chép hài hước từ thực tế cuộc đời làm nghệ thuật của tôi về những nghệ sĩ mà tôi đã gặp, đã biểu diễn chung. Có vài người cũng buồn vì tôi đề cập góc khuất trong con người họ. Nhưng tôi có nói: "Anh (chị) đừng có giận tôi, tôi giới thiệu về anh (chị) chân thực thế cơ mà. Nhà xuất bản còn bảo tôi điên kia kìa". Thế là họ cũng hết giận.

TÔI XẤU HỔ VÌ TÒA XỬ TRẮNG ÁN CHO NHỮNG KẺ GIẾT HẠI VŨ ANH TUẤN

Mới đây ông tuyên bố rằng chính quyền cần phải để mắt nhiều hơn đến những kẻ dân tộc chủ nghĩa quá khích và đưa ra khẩu hiệu: "Nước Nga dành cho những người yêu nước Nga". Ông có thể nói gì thêm?

- Ở nước Nga xuất hiện trào lưu sôvanh dân tộc của những kẻ quá khích. Đó là những kẻ ít văn hoá, thất nghiệp, thất học. Họ cho rằng sở dĩ họ bị như vậy là do những người có màu da khác, kiểu mắt khác. Họ đã xuống đường biểu tình tại Yaroslavl và giương khẩu hiệu "Nước Nga là của người Nga". Tôi là người Turkmenistan, nên tôi được mời lên truyền hình để hỏi ý kiến.

Tôi nói: "Thật ngu xuẩn nếu đưa ra khẩu hiệu ví dụ như "Trung Quốc là của người Nga", nước Nga đương nhiên là của người Nga, nhưng vấn đề là nước Nga nào? Nước Nga nghèo nàn hay nước Nga giàu có về truyền thống văn hoá. Nhà thơ vĩ đại Puskin có một phần máu người da đen. Rất nhiều thiên tài khác cũng có máu nước ngoài. Nếu thiếu họ, thì văn hoá nước Nga sẽ vô cùng nghèo nàn. Vì vậy, tôi đề xuất một khẩu hiệu khác "Nước Nga dành cho những người yêu nước Nga".

Nếu bạn yêu nước Nga, hãy đến sinh sống ở nước Nga, cống hiến tài năng của mình, đem lại lợi ích cho nước Nga và bạn cũng sẽ có lợi ích. Tôi nghĩ đại bộ phận dân chúng Nga ủng hộ quan điểm này của tôi.

Thật xấu hổ khi toà án Nga xử trắng án cho những kẻ sát hại sinh viên Vũ Anh Tuấn. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước kết quả đó. Những người Nga có tư cách thực sự bị sốc.

GIAO HƯỞNG CHƠI BEATLES, PINK FLOYD, QUEEN...

Ông có viết là nhìn xuống khán phòng ngày càng thấy tóc bạc nhiều hơn tóc xanh. Ông có kế hoạch gì để thu hút khán giả trẻ đến với nhạc cổ điển?

- Chúng tôi sẽ trình tấu những tác phẩm được viết lại cho dàn nhạc cổ điển theo phong cách pop, ví dụ như các tác phẩm của Beatles, Pink Floyd, Queen... Chúng tôi ký kết hợp đồng với Vyacheslav Valeev, nhạc trưởng trẻ người Mátxcơva để thực hiện ý tưởng này. Tôi hy vọng với cách tiếp cận đó, nhạc cổ điển sẽ có lớp khán giả mới.

Murad Annamamedov

- Nhạc trưởng, Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga.
- Người đoạt giải thưởng Sobinov và Quỹ Arkhipova.
- Sinh năm 1955 tại Mátxcơva, tốt nghiệp Khoa Chỉ huy Giao hưởng-Opera Nhạc viện Quốc gia Mátxcơva mang tên P.I. Tchaikovsky (lớp của Giáo sư G.N. Rozhdestvensky).
- Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Turkmenia (1980).
- Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Saratov (1985).
- Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Yaroslavl.
- Tác giả cuốn sách "Bút ký nhạc trưởng buồn".

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết