VÌ SAO NHÂN VIÊN VIỆT NAM THIẾU TINH THẦN HỢP TÁC?
Lâm Minh Chánh
Saga Communications (www.saga.vn)
Tôi viết bài này tham gia bàn tròn thảo luận tại sao nhân viên Việt Nam thiếu tinh thần hợp tác trên thời báo Kinh Tế Sài Gòn, tháng 11-2005. Các bạn đọc và góp ý nhé.
Theo tôi, có bốn lý do sau đây:
Thứ nhất, người Việt Nam đã đưa môi trường làm việc, bạn đồng nghiệp vào trong cuộc sống riêng tư của mình quá nhiều. Hầu hết chúng ta xem đồng nghiệp là những người bạn thân thiết.
Ở các nước phương Tây, cả các nước tiên tiến trong khu vực, họ tách bạch rất rõ giữa đồng nghiệp và bạn bè, xem đó là hai thế giới khác nhau. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy một người bạn Úc tổ chức đám cưới, mời khoảng 200 người dự tiệc nhưng trong đó chỉ có 2 người làm cùng công ty.
Trong khi đó, chúng ta làm việc chung, chơi chung, nhậu chung. Gắn bó nhiều, “thương” nhiều, thì cũng “ghét” nhau, “ganh tức” nhau nhiều. Những tình cảm “hỷ, nộ, ái, ố” vì thế len lỏi vào trong môi trường làm việc - một môi trường đúng ra chỉ nên có sự tôn trọng nhau, quý mến nhau như những đồng nghiệp.
Thứ hai, người Việt Nam chúng ta còn thiếu một chút chuyên nghiệp trong làm việc. Ở một số nơi, người ta có thể thảo luận, phê bình nhau chan chát, để tìm ra ý hay cho công ty phát triển.
Khi họp hành, họ phê bình, săm soi ý tưởng, chứ không “tấn công” con người. Có những cuộc họp, họ sẵn sàng thảo luận hàng tiếng đồng hồ, tuy có đỏ mặt tía tai... nhưng sau khi đã đạt được ý tốt nhất là gần như họ không còn để ý đến những tranh luận vừa xảy ra.
Trong khi đó người Việt Nam chúng ta hay tự ái và hay đưa danh dự cá nhân vào những ý tưởng của mình. Ý tưởng mà bị thảo luận, phê bình thì cũng gần như cá nhân bị “tấn công”.
Điều đó thường dẫn đến hai thái cực. Một là thương nhau, “dĩ hòa vi quý”, cố gắng không có ý kiến trái ngược và điều đó hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của tổ chức. Hai là ngược lại, “dập” không thương tiếc ý kiến của những người “phe khác”. Ý kiến càng khác nhau, thì mâu thuẫn cá nhân và phe nhóm càng cao.
Thứ ba, một số nhân viên tạo ra những phe cánh mâu thuẫn với nhau và đôi khi đối đầu với cả cấp quản lý trực tiếp. Ngay cả ở một số công ty lớn của nước ngoài tại Việt Nam, dù đã có hệ thống làm việc chuyên nghiệp trong tuyển dụng và đánh giá nhân viên, nhưng cũng không tránh được việc cư xử cảm tính của một số “sếp” người nước ngoài hay người Việt Nam.
Chẳng hạn đôi khi cũng có những trường hợp thăng tiến gây ngạc nhiên cho mọi người. Và vì thế theo lẽ thường, một số người sẽ “tranh thủ” sếp, tạo phe cánh để có thể “bay xa bay nhanh” hơn bình thường.
Riêng ở các công ty, cơ quan nhà nước thì có thêm tình trạng nhiều nhân viên là người nhà, là “đàn em” của anh Hai, anh Ba... do đó cấp quản lý trực tiếp không dám “đụng” đến.
Còn ở các công ty tư nhân, công ty cổ phần, đôi khi nhân viên là người nhà của giám đốc hay của thành viên hội đồng quản trị… các “nhân vật” này thường tạo ra những chuyện làm nội bộ xáo trộn. Cấp quản lý dù có giỏi đến đâu cũng bị “bó tay” và rất khó làm việc.
Thứ tư, một số người hay đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của tập thể. Trong trường hợp hai quyền lợi mâu thuẫn nhau, một số người, bất chấp tất cả, sẵn sàng theo đuổi quyền lợi cá nhân.
Ý KIẾN CỦA BẠN THÌ SAO?
PHẢN BIỆN TỪ BLOG CỦA HANA:
Mình không thấy thuyết phục lắm.
-Thứ nhất, đúng là người Việt không có thái độ tách biệt giữa công việc và tình cảm, nhưng có trời mới biết họ có thực sự coi đồng nghiệp là bạn bè thân thiết hay không, hay đó chỉ là thói quen đưa vấn đề riêng tư vào công việc.
Mình nhớ ông thầy người Úc từng nói làm gì có tình bạn ở công sở, chỉ có sự cạnh tranh. Mình thấy điều đó đúng với mọi môi trường làm việc và văn hoá. Con người ở đâu thì vẫn là con người, ai mà không mang đầy đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Đố kỵ là tính cách cơ bản nhất của con người. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ người ta kiềm chế được nó đến đâu, xử lý nó thế nào.
Cộng tác là một mặt khác của mối quan hệ đồng nghiệp. Tây mạnh về mặt này nhưng người Việt lại yếu ở mặt này là do đâu, sẽ nói ở phần dưới.
-Ai mà không tự ái cá nhân khi bị phê phán trong công việc? Đã là con người ai là không quan tâm đến thể diện (trừ người bệnh đã mất khả năng nhận thức). Quan trọng là phê phán thế nào để đạt được hiệu quả, người Việt yếu vì người Việt không có văn hoá phê phán, cũng sẽ nói tiếp ở dưới.
-Chia rẽ, bè phái là hệ quả của tính không đoàn kết, không phải là nguyên nhân.
-Nếu nói về tính cộng đồng và tính cá thể thì Tây có khi có tính cá thể cao hơn Việt, nhưng vì sao trong công việc họ lại biết đặt lợi ích tập thể lên trên, điều đó không thể chỉ giải thích bằng văn hoá, sẽ nói kỹ dưới đây.
Mình nghĩ để giải thích cho tính mất đoàn kết của người Việt một mặt phải nhìn vào văn hoá vì văn hoá sẽ chi phối tư duy và cách hành xử. Nhưng văn hoá là lớp cắt sâu, và nó không đủ để giải thích, vì thế phải nhìn cả vào điều kiện kinh tế xã hội - là lớp cắt ngang - nữa (mà thực ra 2 mặt này quan hệ qua lại, khó tách biệt).
Văn hoá VN là văn hoá tiểu nông, tính tư hữu cao. Chính ông ngoại quốc tên là Mác cũng thấy rằng người nông dân giống như củ khoai, dốc ra khỏi bao tải thì mỗi củ lăn đi một nơi. Trong khi một nền văn hoá kém tính ổn định hơn như văn hoá du mục phương Tây, thì các thành viên trong cộng đồng buộc phải có tính cộng tác cao hơn do điều kiện sống luôn phải di chuyển theo bầy đàn (mặc dù điều này ko có nghĩa là họ ko có tính cá thể cao).
Nói về điều kiện kinh tế- xã hội, những xã hội công nghiệp hoá cao thì tính đoàn kết, cộng tác phải cao hơn vì tất cả phải theo dây chuyền (có lẽ do đặc trưng văn hoá nên các xã hội phương Tây có điều kiện công nghiệp hoá dễ hơn mình).
Còn trong một xã hội lộn xộn như VN, mạnh ai nấy sống thì chẳng ai thấy sự cần thiết của cộng tác và đoàn kết. Đó là chưa nói ở nơi đâu mà điều kiện sống càng khắc nghiệt thì càng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh (mọi người có thấy bẩn tính nhất thế giới là người Ấn, người Việt và người Tàu không?). Thể chế pháp luật không đủ mạnh để kiềm chế thì cái sự chia rẽ nội bộ, gây bè kết cánh, đố kỵ hãm hại nhau, đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích tập thể nó càng hoành hành.
Tất cả những cái này có thể học được không, tư duy phê phán, văn hoá phê phán, văn hoá cộng tác? Câu trả lời hiển nhiên là có. Không ai tự nhiên sinh ra đã có sẵn những thói quen và cách hành xử tốt, kể cả Tây. Nhưng có ai để ý dạy những cái này cho trẻ con từ bé không? Câu trả lời nhường cho các bạn.
free hit counters
0 comments:
Đăng nhận xét