Câu chuyện này xảy ra cách đây đã 21 năm...
Ngày 8.5.1986, cô Alla Fiodrovna, dạy môn ngôn ngữ, bảo cả lớp: “Ngày mai các em nhớ tới Công viên Văn hoá nếm thử món cháo lính nhé. Các chiến sĩ Hồng quân đã từng ăn món này trong suốt 4 năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đấy.”
Đã thành truyền thống, tại Minsk (Belarus) cứ đến Ngày Chiến thắng (9.5), các chiến sĩ CA (Sovetskaya Armia – Quân đội Liên Xô) lại chở đến Công viên Văn hoá những chiếc nồi quân dụng to tướng. Họ dựng những chiếc lều bạt màu khaki và tái hiện khung cảnh nấu cháo lính (солдатская каша) của một thời oai hùng đã qua.
Tôi hỏi Volodia, cậu ở cùng tầng trong ký túc xá: “Mai cậu dẫn bọn tớ đi ăn cháo lính nhé?” Volodia khinh khỉnh: “Cái món ấy chán chết đi được. Tớ đã phải ăn nó suốt hai năm nghĩa vụ rồi. Tối nay cậu về nhà tớ, ăn thịt hun khói còn ngon hơn”.
Không, tôi phải đi ăn cháo lính. Nay mai về Việt Nam còn có cái mà kể chứ. Tôi rủ thêm được mấy đứa đồng hương rỗi việc nữa đi cùng. Háo hức lắm. Phải “sờ mó” cho được hình hài của cuộc chiến tranh ấy chứ.
Công viên hình như tấp nập hơn bất cứ một dịp hội hè nào khác. Tiếng đàn phong cầm náo nức bản “Hãy đeo huân chương, hỡi các cựu chiến binh”. Những người lính phong trần đầu bạc ôm nhau nhảy múa. Không còn những lo âu về nguy cơ thảm hoạ Chernobyl vừa diễn ra. Không còn những ưu tư về một tương lai “perestroika” vừa mới bắt đầu. Họ chỉ còn là những đứa trẻ.
Sao mà nhiều người xếp hàng ăn cháo lính thế. Nửa tiếng đầu, chúng tôi đứng vui vẻ. Nửa tiếng sau đã bắt đầu uể oải và mệt mỏi. Bỗng nhiên một cậu “chuyên gia cửa hàng” chạy đến, mặt mũi đầy nghiêm trọng: “Này, thằng Vladic vừa đến ốp. Nó tìm được nguồn nồi hầm vô biên. Mau mau về mua!”
Cháo lính ơi, thôi đành tạm biệt nhé. Chúng tôi còn phải nghĩ đến cháo của ngày mai, không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình nữa.
Volodia giờ đây kinh doanh phát đạt, đi xe Mercedes. Gặp tôi ở Mátxcơva trước Ngày Chiến thắng lần thứ 50 (9.5.1995) và nghe tôi kể lại câu chuyện ăn cháo lính hụt, anh ngậm ngùi: “Bây giờ cậu có muốn thì cũng chẳng ai nấu món ấy. Nước Nga phải nghĩ nhiều hơn đến những thứ khác”.
Chúng ta cũng không nghĩ đến cháo nữa. Những chiếc nồi hầm may mắn mua được trong Ngày Chiến thắng được tôi mang về Việt Nam và bán hết. Chắc chẳng có ai nấu cháo trong những chiếc nồi sang trọng ấy.
(đăng trên báo Lao Động, Chủ nhật, ngày 11.5.1997)
0 comments:
Đăng nhận xét