(Tiểu luận của Hồ Anh Thái)Một nghệ sĩ châu Âu vào vai Hamlet. Vị hoàng tử Đan Mạch cầm trên tay một cuốn sách, nhìn vào trang giấy mà không đọc, đọc mà không hiểu trong ấy viết gì. Tâm trí chàng đang ngổn ngang xáo trộn.
To be or not to be? Tồn tại hay không tồn tại? Sống hay không sống? Quyết liệt hơn, báo thù hay không báo thù? Cuốn sách trên tay không còn là cái để đọc nữa. Ta đang suy tư những chuyện sống còn. Thế mà vẫn có người hỏi.
What do you read, my lord? Hoàng tử đọc gì vậy?
Hamlet đã lặp lại đúng ba lần một ý:
- Chữ, chữ, chữ.
Một nghệ sĩ tầm tầm chỉ cần đọc một hơi ba lần ấy là hoàn thành câu thoại.
Words, words, words.Nhưng nghệ sĩ lớn mà ta đang nhắc đến đã cắt câu thoại ra làm ba, cứ giữa hai lần là một khoảng lặng. Hoàng tử đọc gì vậy?
Hamlet im lặng nhìn người hỏi. Một lát. Rồi hơi giật mình như thể đến bây giờ mới hiểu câu hỏi. Chàng nhếch mép, hỏi gì mà lạ nhỉ? Nhưng chàng vẫn khẽ trả lời.
- Chữ.
Rồi chàng nhìn xuống trang sách. Đọc lại vài dòng chữ nãy giờ mình đã đọc mà không tập trung, không hiểu. Đến bây giờ chàng mới nhận ra mấy dòng chữ ấy. Lẩm bẩm như tự nói với mình.
- Chữ.
Chậm rãi, chàng đưa mắt nhìn lên bao quát toàn bộ khán giả ở trước mặt, rồi trầm giọng. Lần này là một sự khẳng định khi tri giác đã trở lại. Chỉ có chữ mà thôi. Những lời suông.
- Chữ.
Smoktunovsky vai Hamlet Xin hãy đếm lại mà xem. Chỉ có một ý, lặp lại ba lần, nghệ sĩ lớn không ai đọc thuộc lòng mấy chữ ngắn ngủi liền một mạch, mà đã cắt nó ra làm ba khoảng lặng. Cả nhà hát chìm trong im lặng. Băn khoăn. Ngỡ ngàng. Thậm chí tê tái.
Trên sân khấu, đó là khoảng lặng chết người. Chẳng chết ai đâu. Chỉ là cách ví von về một quãng thời gian im lặng thật đáng giá. Sân khấu là nói là hát là múa, là ồn ào sôi động, những cái đó truyền cảm xúc tưng bừng mạnh mẽ cho người xem. Nhưng sân khấu cũng có những khoảng lặng ghê người, lúc mọi âm thanh, ngôn ngữ, thậm chí ánh sáng đã chìm đi, đã biến mất. Trong bóng tối lạnh lùng, trong lặng im nghẹt thở, không thấy gì, không nghe gì, người ta càng cảm nhận đang có một cái gì ở đó, một cái gì mà ngôn ngữ, âm thanh và ánh sáng không thể nào diễn tả nổi, một cái gì mạnh mẽ hơn những yếu tố vừa mới hiện hữu.
Có thể tạt ngang ở chỗ này, đùa một tí. Nhà thơ George Evans một lần được mời đi xem vở diễn mới của một kịch tác gia ở San Francisco. Xong kịch, tiệc nhẹ ở đại sảnh nhà hát, kịch tác gia tiến lại hỏi cảm tưởng của vợ George Evans. Bà thấy vở kịch thế nào?
- Ồ... những chỗ yên lặng thật là tuyệt vời.
George kể lại chuyện này và bạn bè tất thảy cười phá lên. Well, the silent moments are great. Coi như chuyện hài hước. Kịch là đối thoại, hội thoại, là nói và nói, ấy thế mà quý bà lại khen những chỗ im lặng, nói nôm na là những quãng nó “câm miệng đi”. Phải nói là quý bà rất biết tránh đòn, biết tránh áp lực phải khen vờ khen đỡ hoặc phải nói thẳng nói toẹt ra. Lại cũng là ý của George, khen nhau như thế bằng mười chê nhau.
Tôi biết người vợ trước của George Evans, chị là người ngoại đạo của văn chương nghệ thuật, chị nói vậy vì không biết bình luận thế nào. Chị nói thật. Cái đùa cái giễu là do chúng tôi tán ra với nhau mà thôi.
Nhưng phải trở lại với chuyện khoảng lặng tuyệt vời mà nói rằng một khoảng lặng được đạo diễn và diễn viên tài năng sử dụng có sức nổ rất lớn trong việc gây cảm xúc. Ở chỗ này, tôi nhớ vai diễn của nghệ sĩ Tuệ Minh trong vở kịch Cách mạng của Nguyễn Khải, Đoàn kịch Điện ảnh công diễn vào khoảng 1977-1979. “Phù thủy giọng nói” Tuệ Minh đã tung hoành trên lãnh địa lời thoại. Lên bổng xuống trầm, tuôn ra ào ạt, rồi ngắt, rồi nghỉ... một cách giàu cảm thụ và đầy ý thức. Ngắt. Nghỉ. Cái đã làm nên vai Phượng để đời.
HUY: Người bạn gái thân nhất của Huy đi bán gạo. Nghe mà buồn cười quá, đến là buồn cười.
PHƯỢNG: Người bạn trai thân nhất của Phượng không làm gì cả, anh ấy chỉ ngắm vuốt và đi chơi, đâu có kém buồn cười. Vừa thê thảm vừa buồn cười.
Trong câu nói của Phượng, phần trước là lời đối đáp với Huy. Phần sau được Tuệ Minh chọn như là điểm nhấn. Chỉ có sáu âm tiết. Vừa thê thảm vừa buồn cười. Một nghệ sĩ bình thường sẽ hét vào mặt Huy sáu âm ấy thật đanh thép, bày tỏ thái độ quyết liệt lên án (và khá thô thiển). Phượng không hét. Thậm chí chị đã xuống giọng như thầm thì, như nói riêng cho mình hay. Chỉ có sáu âm tiết, nhưng đã được nghệ sĩ tách làm ba đoạn với những sắc thái khác biệt.
- Vừa thê thảm...
Kèm thêm một tí chút chua xót trong giọng nói. Nỗi xót xa đang lặn vào trong.
- ... vừa...
Chỗ này Phượng ngừng ngắn như để lục tìm xem có thêm được một từ thật chính xác. Nói gì đây? Vừa phải điểm huyệt được căn tính của đối tượng, vừa độp lại, nhưng cũng vừa là sự chế giễu một người thân, rất thân.
- ... buồn cười.
Rốt cục Phượng không tìm thấy chữ nào đắc dụng hơn chữ buồn cười vừa mới nói ở trên. Cô lặp lại. Nhưng sắc thái đã khác, giễu mà không quá đà trở thành mạt sát.
Khoảng lặng mà Tuệ Minh thiết lập được trong một đối thoại ngắn đã khiến người xem đủ hiểu đủ ngấm và đủ xúc cảm để mà mê ly và nhớ mãi.
Tôi nhớ những khoảng lặng tuyệt vời khác trong những vai của nghệ sĩ Ngọc Hiền, đoàn kịch Hải Phòng, vào khoảng những năm 1970. Bà mẹ bỏ con mà đi, nay trở lại nhà bố chồng tìm lại con gái trong kịch Masa của Liên Xô. Klea, phu nhân của một triết gia rỗng tuếch ở Hy Lạp cổ đại trong kịch Con cáo và chùm nho của G. Figueiredo. Phu nhân Milford trong Âm mưu và tình yêu của F. Schiller. Những năm sau này là nghệ sĩ Lê Khanh với Lý Chiêu Hoàng trong Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, Phồn Y trong Lôi vũ của Tào Ngu... Còn rất nhiều diễn viên và đạo diễn tài năng đã làm ra những khoảng lặng tuyệt vời mà ta không liệt kê được hết ở đây. Có những cảnh, một mình diễn viên trên sân khấu, độc thoại, dài cả mấy trang giấy, hai mươi phút, ba mươi phút trôi qua mà người xem không dám cựa quậy, không dám gây tiếng động. Cả nhà hát như bị thôi miên. Chỉ còn có lời thoại của nhân vật. Nói, nói và nói. Rồi... im, im và im. Chen lẫn, tách biệt, rồi hợp lại để đẩy không khí kịch lên thành cao trào.
Lê Khanh vai Lý Chiêu Hoàng trong "Rừng trúc" Người thích những khoảng lặng đầy ngụ ý sẽ không thể hòa giải với phim truyền hình. Loại phim bộ, phim nhiều tập của truyền hình, do đặc trưng thể loại nhằm vào đối tượng là các bà nội trợ vừa xem vừa trông nhà nấu bếp, các cô tiểu thương vừa đứng quầy vừa uốn tóc gội đầu vừa xem, các cụ cao tuổi không theo được nhịp độ nhanh mạnh hoặc tạo lập phong cách của điện ảnh... vừa xem vừa không cần tập trung lắm, vừa bỏ ra ngoài hoặc bỏ qua một vài tập, mà vẫn có thể hiểu được. Thế là chậm thay cảnh đổi cảnh, chỉ có thoại và thoại. Quen nếp, nhờn tay, từ người viết kịch bản cho đến đạo diễn, mỗi khi bí quá, ý tưởng không chuyển thành hình ảnh được, cách giải quyết dễ dãi nhất là chuyển hết thành đối thoại. Cho nhân vật nói là xong. Nói triền miên, như đọc thuộc lòng, như cái máy nói, như bắn súng liên thanh.
Thèm quá những khoảng lặng.
Không cần nói nhiều về những nhà hát ở Mỹ và châu Âu mà tôi từng được bước chân vào. Lần xem Hồ thiên nga của Nhà hát Northwest Ballet ở Seattle, bang Washington, tôi nhớ giữa chừng có một bà ngồi phía sau hai hàng ghế bỗng hắt hơi. Một lần. Hai lần. Bà phải nén cho tiếng hắt hơi xẹp bớt xuống, chỉ còn xì xì. Hôm ấy là một ngày lạnh. Có lẽ từ chỗ gửi xe hơi, bà phải đi bộ lòng vòng hơn một cây số mới đến được nhà hát và đã nhiễm lạnh trên đường. Bà giữ chiếc mùi xoa trước mũi, cố nén cho nhẹ mỗi lần hắt hơi. Chắc là bà nán lại vì hy vọng sẽ nhanh khỏi. Nhưng không. Không. Rốt cục bà phải lặng lẽ bỏ ra khỏi khán phòng vài nghìn người. Trước đó, không ai tỏ ý bất bình, tất cả đều im lặng thông cảm và chia sẻ. Nhưng đương sự thì phải tự ý thức được mình đang làm phiền người khác. Phải hy sinh cái vé mấy chục đô la, vé phải đặt mua từ trước khá lâu.
Khoảng lặng của sân khấu chỉ tuyệt vời khi nó được hợp tác của khán giả, bằng một sự im lặng tương xứng.
Rạp Hồng Hà. Ngồi hàng ghế ngay trước mặt tôi là hai bà cháu, bà khoảng sáu mươi, cháu lên năm lên sáu. Cái ghế so với thằng bé là hơi thấp, nó phải nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống, rồi sau cùng nó đứng thẳng dậy. Mà trẻ con xem tuồng làm sao, nó chỉ thấy mấy nhân vật vẽ mặt vẽ mày, cắm cờ trên vai, vung gươm vung giáo chậm chạp theo kiểu cách điệu, thỉnh thoảng thét lên vang lừng, thỉnh thoảng rít lên the thé, thỉnh thoảng nói giọng mũi bèn bẹt, giọng cổ gầm gừ, giọng bụng âm ư. Đoàn hát được giao cho nhà hát Hồng Hà ngay trước chợ Hàng Da, tưởng đưa sân khấu ra giữa chợ đời là đắt khách. Anh chị em tiểu thương bây giờ xem phim bộ Hồng Kông Hàn Quốc, có tiện chân vào rạp thì cùng lắm xem cải lương, ai xem tuồng. Nhưng người vào xem dù không phải tiểu thương vẫn mang theo vào không khí cái chợ. Không yên lặng được một lúc. Ăn hạt bí, ăn bánh, giở túi ni lông loạt soạt loạch xoạch. Nhân tiện diễn viên đang ca khúc bi ai thì ta nói chuyện riêng. Thằng bé gọi, bà ơi, cháu đi đái. Bà nó được cái mê tuồng, không rời mắt khỏi sân khấu, thì đi đi. Đi lối nào? Đi qua trước mặt người ta mà ra, vào chỗ kia kìa.
Thằng bé ngần ngại nhìn những người ngồi xung quanh. Không may là hai bà cháu nó ngồi ở chính giữa hàng ghế, muốn ra bên phải hay bên trái đều phải đi qua rất nhiều người. Nó cố nhịn thêm một lát nữa, rồi lại đòi bà dắt ra. Bà lại bảo cháu cứ đi đi. Tranh cãi dùng dằng một lúc nữa, cuối cùng bà nhớ ra chai nước cầm ở tay. Bà ngửa cổ tu nốt chai nước rồi đưa cho thằng bé. Nó đứng thẳng đuỗn, bắt chim vào trong miệng chai mà giải quyết cái việc nhấp nhổm nãy giờ.
Miêu tả được đến thế thì chứng tỏ việc thưởng thức sân khấu của tôi đã bị thủ tiêu. Lâu lâu rồi, sân khấu của ta không tồn tại những khoảng lặng nữa. Nếu có thì chắc chắn sẽ không gây được hiệu quả cho người xem. Khi tất cả rơi vào tĩnh lặng, đó là lúc mới thấy rõ dân ta thật lắm bệnh. Đang lành mạnh khỏe khoắn, chẳng ai bị làm sao, nhưng chỉ cần nửa phút lặng là tất cả bỗng rào rào lên. Ho, hắng giọng, sụt sịt, xỉ mũi, rung đùi, nhún ghế, quay ngang quay ngửa, cắn hạt dưa hạt bí tanh tách. Nếu có đạo diễn cả gan để khoảng lặng kéo dài một phút thì bắt đầu có tiếng hấm hứ sốt ruột, ai chịu được ngồi không quá lâu như vậy ở thời này. Chuyện trò cứ thế mà như đập thủy điện sông Đà xả lũ.
Hãy nhìn mấy ông nhạc trưởng nước ngoài được mời sang chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng của ta. Một kiểu mời đúng thầy đúng thợ vào đúng cái thể loại âm nhạc của phương Tây mà ta đang nỗ lực. Mấy ông nhạc trưởng thì vừa sang trọng vừa duy mỹ. Thủ tục cúi chào xong rồi, nhạc trưởng nâng đũa chỉ huy lên ra hiệu chuẩn bị. Dàn nhạc lặng phắc cho thấy đã sẵn sàng. Ông nhạc trưởng chờ khán giả. Khán giả thì không sẵn sàng. Có gì mà phải sẵn sàng, vẽ chuyện, ông thấy cần bắt đầu thì cứ bắt đầu đi, việc gì ông phải chờ chúng tôi im lặng. Mà chúng tôi không thể ngồi im một giây. Dân tộc này ngồi im được một giây thì bốn nghìn năm đã phải làm nô lệ, bốn nghìn năm đã không còn đậm đà bản sắc dân tộc. Cái sự xôn xao ồn ào triền miên trong nhà hát cuối cùng đã làm ông nhạc trưởng Tây thua cuộc. Ông phải đưa tang cho sự duy mỹ của mình. Ông phải nhượng bộ công chúng bản địa trong một cuộc thương lượng không cân sức. Cây đũa của ông vung lên nhưng nó không còn là cây đũa thần của phù thủy âm nhạc nữa.
Nhà viết kịch nào phải liều lĩnh lắm thì mới còn dám tạo ra những khoảng lặng trong vở kịch của mình. Khoảng lặng độc đáo ư? Khoảng lặng tuyệt vời ư? Hãy nhìn gương mấy ông chỉ huy dàn nhạc kia.
Cảnh trong vở "Cung phi Điểm Bích" Lại một lần ở rạp Hồng Hà. Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải cứ rạp Hồng Hà là tệ, và cứ những rạp khác là sang. Tôi xem một vở mới về cung phi Điểm Bích được vua sai đi quyến rũ vị chân tu Huyền Quang. Ngồi cùng hàng ghế có một ông khoảng U70, luôn mồm bình phẩm, bình phẩm với bà vợ chưa đã, ông quay sang cả khán giả ngồi hai bên, chõ cả lên khán giả ngồi hàng trước, lôi kéo mọi người xung quanh tham gia bình phẩm. Ông còn vươn sang, đập vào tay tôi, ngồi cách ông những một khán giả:
- Giỏi thật, nó giấu mi-kờ-zô trong người mà mi-kờ-zô bắt rất nhạy, rất vang.
Ông tán tụng kỹ thuật âm thanh mới, micro giắt trên ngực diễn viên, không phải là mấy cái micro thả từ trên cao xuống. Sự thay thế micro đã diễn ra vài chục năm rồi, chứng tỏ đã lâu ông không đi nhà hát.
- A, con này cao tay nhỉ, nó dám vào đại náo nhà chùa. Ông sư kia cũng dền dứ vớ vẩn, nghiêm túc thì cứ đuổi cổ nó ra khỏi chùa là xong. Lại được cái thằng vua kia, ngu gì mà ngu quá. Ô, hóa ra là sư được trời đất phù hộ, không bị chết cháy trên giàn lửa nữa à... Gì mà phải trật tự, đi xem phải bình luận mới thú.
Câu cuối cùng là ông nói với khán giả ngồi cạnh, người vừa lên tiếng bảo ông trật tự.
Mọi người xung quanh đều khó chịu, nhưng chỉ biết quay sang nhìn nhìn.
- Về nhà mà bình luận. Hoặc lên sân khấu mà diễn, hoặc ngồi im mà xem.
Người kia bảo.
- Người ta có trình độ thì người ta mới bình luận được.
- Trình độ giẻ rách, im đi.
Người kia nặng lời.
- Như ở đây là còn ít, ở Tây ấy à, trong nhà hát người ta còn hò hét, huýt sáo nữa ấy chứ.
Ông bình loạn vẫn tiếp tục quay sang nói với vợ, cái giọng khê khê nồng nồng đồng chiêm trũng.
Khán giả ngồi hàng trước, nãy giờ phải chịu luồng hơi bình luận thường xuyên phả vào gáy, giờ mới quay lại:
- Người ta nhắc nhở đúng rồi đấy.
Bình loạn rơi vào thế cô lập, đành phải xuống giọng. Nhưng từ đấy cho đến lúc kết thúc, ông ta thỉnh thoảng vẫn lép bép vài câu, cố giữ tư thế, chả nhẽ xẹp luôn thì kém.
Một cái rạp khá khẩm như Megastar trên tháp Bà Triệu, phải là người thực sự thích phim ảnh, lại cũng phải có tiền vì giá vé khá đắt, thì mới bước chân đến. Cứ hy vọng là ở đấy, người có văn hóa nhiều hơn. Nhưng rồi toàn nam thanh nữ tú cả đấy, cánh văn phòng trẻ cả đấy, người yêu điện ảnh cả đấy, mà vẫn cứ ra cái chợ. Một cuộc thi tài sử dụng điện thoại di động trong rạp. Một cuộc chạy đua nhắn tin bằng điện thoại trong rạp. Những màn hình điện thoại màu xanh lè giơ lên trước sau và hai bên. Chuyện trò và bình phẩm như pháo nổ. Nhà rạp thì có chiêu tuyên truyền văn minh khá độc đáo. Màn ảnh hiện lên hình chiếc điện thoại di động màu xám bị liệt và giọng nói: Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được vì đang ngồi cạnh thuê bao khác trong rạp chiếu phim, xin quý khách vui lòng gọi lại sau. Câu tuyên truyền lập tức phải nhận một trận cười. Cái điện thoại di động màu xám trên màn ảnh nếu hiểu thái độ khán giả thì nó phải đỏ lên vì ngượng, sự tuyên truyền độc đáo đã bị xem là vụng về nhà quê.
Chúng tôi hay xem ở cụm rạp này. Ngày thứ tư, giá vé giảm khoảng 40%, bảo nhau chớ dại mà xem vào hôm ấy, vé rẻ, rạp sẽ đông người lộn xộn. Ngày cuối tuần cũng đừng xem, đông người nhốn nháo. Rốt cục chỉ có thể chọn mấy ngày ít ỏi còn lại. Mua vé thì phải chọn hàng ghế cuối cùng, ít nhất là sau lưng mình không còn ai, tránh được cả một hàng ghế mất trật tự ở đằng sau. Chọn chỗ ngồi ở trong góc, ít nhất là tránh được một bọn người ngồi tiếp giáp ở một bên vai. Hàng cuối cùng, trong góc. Hạn chế việc tiếp xúc với người ở mức thấp nhất. Càng ít tiếp xúc với người, càng đỡ bực bội.
Đã đến mức ấy rồi ư? Càng tránh gặp người càng tốt. Người ham du lịch thấy rất rõ điều này. Nơi nào ít người đặt chân đến, nơi ấy sạch sẽ, tinh khôi, trong lành, dễ chịu. Nơi nào đang là điểm nóng, điểm đắt khách, người đổ đến đàn đàn lũ lũ, nơi ấy rác rưởi ngập ngụa, hôi khai, hơi người tiếng người có thể làm nhức đầu mỏi mắt. Người chuyên du lịch chỉ tìm đến những nơi còn khá nguyên sơ, vắng vẻ, chỉ có ta với thiên nhiên, nơi ta tôn trọng thiên nhiên và thiên nhiên hào phóng trở lại, ban phát cho ta những cảm xúc tuyệt vời.
Ngày trước tôi có đọc một truyện ngắn Đông Âu, kể chuyện một chàng trai mới lớn vừa mê sách vừa yêu sân khấu. Một nghệ sĩ mà anh ta hâm mộ đến thành phố và biểu diễn đêm duy nhất, vai Don Juan để đời của ông. Chàng trai khó khăn lắm mới xoay được một chiếc vé. Nhưng cũng ngày hôm ấy, một người bạn hứa cho anh ta mượn cuốn sách mà anh ta vẫn tìm kiếm lâu nay. Trước giờ xem kịch, anh ta phải đi xe buýt đến đầu kia của thành phố, tìm nhà mãi, rồi ngồi trước cửa chờ người bạn đi đâu đó đột xuất. Cuối cùng, không chờ được để lấy cuốn sách, anh ta đâm bổ đến nhà hát. Muộn. Phải nằn nì xin xỏ mãi mới được vào. May mắn. Vẫn còn kịp xem nghệ sĩ lớn diễn cảnh cuối cùng. Cái chết của Don Juan. Tuyệt vời. Càng tuyệt vời càng tiếc vì không được xem trọn vẹn vở kịch. Khi anh ta về nhà, người cha bảo: “Tác phẩm của nhà văn vẫn còn lại đấy, trong sách của ông ta, ngay cả khi ông ta không còn nữa. Nhưng tác phẩm của một nghệ sĩ sân khấu thì không phải bao giờ ta cũng được chứng kiến. Nó sẽ đi theo nghệ sĩ về nơi yên tĩnh đời đời”.
Đấy là một lý do để những người yêu sân khấu cứ tham lam lui tới nhà hát từng đêm. Bao nhiêu sáng tạo sân khấu mà ta được xem bốn mươi, ba mươi năm trước, bây giờ chẳng lưu được bằng một hình thức nào. Ngay cả có lưu trong băng đĩa hình thì nó không thể tái hiện nổi một phần tài năng của nghệ sĩ trong không khí sống động và luôn tiếp diễn của nhà hát.
Nhưng mà người yêu sân khấu không đến nhà hát bằng bất cứ giá nào. Chẳng nhẽ phải đến một nơi mà người ta không thể tìm được một khoảng lặng tuyệt vời?
Minh họa của Kim Duẩn