3/2/10

HÃY YÊU MÌNH HƠN



Chị bạn thân gọi đi ăn tất niên. Nói bận lắm, không đi được đâu. Nhưng chị khăng khăng: "Đi đi, có chuyện muốn hỏi ý kiến ông".

Đến nơi, thấy chị ngồi với hai người bạn thân nữa. Tất cả đều là đàn ông. Có vẻ như chị đã than thân trách phận với đám bạn gái xong rồi và giờ đấy muốn nghe những lời khuyên khách quan và lý trí của đám đàn ông.

Gọi đồ ăn xong, cả ba số ruột: "Nào có chuyện gì thì nói cho chúng tôi biết đi".

Chị than thở: ''Tôi buồn quá, suốt ngày vun đắp cho chồng con, thế mà tối qua đứa con gái lớn nói chỏng lỏn: "Nếu bây giờ con đi lấy chồng, thì chỉ có bố là buồn thôi. Còn mẹ chỉ muốn tống khứ con ra khỏi nhà cho nhanh". Đấy, nó nói thế đấy. Tôi nghe mà lòng tê tái. Cả đêm không ngủ được".

Anh bạn số 1 nói: "Nó nói cho vui ấy mà, không có ý gì đâu".

Anh bạn số 2 nói: "Mẹ với con gái xung khắc là chuyện bình thường. Con gái luôn hợp với bố. Tôi mà có con gái, chắc tôi chiều nó đến hư mất".

Anh bạn số 3 (là tôi) nói: "Lũ thanh niên mới lớn, con gái hay con trai đều ăn nói bất cần đời kiểu đó cả."

Chị bức xúc: "Sao lại có thể bất cần đời với mẹ của mình. Một người luôn lo lắng chăm bẵm cho nó từng li từng tí. Nói ba ông tha lỗi, đến cái băng vệ sinh cho nó cũng là tôi lo. Nó làm tôi đau đớn".

Anh bạn số 2: "Tại sao nó lại nói như thế?"

Chị kể: "Chuyện là thế này, nó thường xuyên ghen tị với con em. Nó nói tôi dành hết tình yêu cho con em, không còn quan tâm đoái hoài gì đến nó nữa. Năm nó 12 tuổi, tôi mới sinh con bé thứ hai. Tôi đã nói với nó rằng mẹ sinh em là vì con. Để con có chị có em, chứ có một mình thì buồn lắm. Nhưng nó không chịu cảnh phải chia sẻ tình yêu như thế, mặc dù nó vẫn yêu con em nó..."

Anh bạn số 3 khuyên: "Thế thì bà phải nói với nó thế này: "Con ạ, con đã độc chiếm tình yêu của mẹ suốt 12 năm liền. Em con thì luôn phải chia sẻ tình yêu với con, nó đâu có được đặc quyền như con trước kia?".

Chị lắc đầu: "Tôi đã nói như thế rồi mà nó không nghe"!

Anh số 1 thủng thẳng: "Vấn đề là tại bà. Bà đã để nó sống trong cảnh quá no đủ. Nó không biết nó có nhu cầu gì, bởi vì nhu cầu gì của nó cũng được bà giải quyết mất rồi. Thế là nó thấy nó là sinh vật thừa..."

Anh số 2 quả quyết: "Bà mắc một sai lầm giống đại đa số phụ nữ Việt Nam đó là tự cho mình cái quyền hy sinh hết cho gia đình. Họ biến ông chồng và những đứa con thành người thừa trong nhà, không còn thói quen quan tâm và chăm sóc đến vợ, đến mẹ nữa, vì người phụ nữ đó không có vấn đề gì và tự giải quyết được hết mọi việc".

Chị thốt lên: "Trời ơi, có phải các ông khuyên tôi bỏ mặc chồng con không?"

Anh số 3 lắc đầu: "Không phải. Ý của chúng tôi là bà cũng phải có cuộc sống của mình, không nên dành hết thời gian, công sức cho chồng con, mà quên đi bản thân mình. Nói tóm lại thì bà cũng phải yếu đuối, phải có chuyện để chồng con sực tỉnh ra mà nghĩ về bà, nghĩ cho bà và quan tâm đến bà."


16 comments:

Minh Phuong nói...

Ở nhà cháu cũng hợp bố hơn là mẹ, thậm chí còn thường bất đồng với mẹ nhưng có lẽ sẽ không bao giờ nói những lời như thế với mẹ đâu. Mẹ dứt ruột đẻ mình ra, hơn ai hết mẹ là người yêu thương mình nhất. Phải khẳng định rằng giờ có nhiều đứa trẻ trở nên ích kỷ và nguyên nhân lớn trong việc này là do sự nuông chiều của các bậc phụ huynh. Sự nuông chiều này có lẽ có mặt ở thành phố nhiều hơn là nông thôn.

Này on lúc 23:10 3 tháng 2, 2010 nói...

Ngày xưa những câu tương tự như con bé này em nói là thường, hóa ra em đã làm mẹ buồn rất nhiều mà không biết.
Từ 15 đến 20 tuổi đứa con nào cũng là kẻ thù của bố mẹ, sẵn sàng làm tổn thương người thân.
Cô bé này hơn 20 rồi nhưng vẫn sống cùng gia đình. Bao giờ đi lấy chồng, đi xa, tự lo cuộc sống của mình, lúc đấy mới hiểu được những câu như này là bất nhẫn. Mẹ với con gái càng sống cạnh nhau càng xung đột và mâu thuẫn, đơn giản vì giống nhau.

MHTL on lúc 00:22 4 tháng 2, 2010 nói...

Anh số 4 xua tay: chị gì ơi, bớt chút thời gian vào web đọc bài ĐỜI KO NUỐI TIẾC này, và suy ngẫm 1 chút nhé.

http://vmcinhanoi.blogspot.com/2009/12/oi-khong-nuoi-tiec.html

Titi on lúc 05:44 4 tháng 2, 2010 nói...

Típ phụ nữ này ngày xưa được hoan hô vô cùng, nào là hy sinh nào là bit vì người khác, nào là bit lo xa...bla bla...nhưng thực ra chị ấy đang phạm phải những sai lầm mà tâm lý học hiện đại đã nói rõ:
1. Qua ròi cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Trong gia đình ngày nay, con cái phải được coi là thành viên ngang bằng với mọi thành viên khác. Tức là phải có khoảng không riêng nhất định, được tôn trọng và có sự độc lập lớn dần theo độ tuổi. Không để con cái tự lập mà sống hộ chúng nó quá nhiều, làm cho chúng mất đi cơ hội được trải nghiệm, được lớn, chúng nó sẽ không bit ơn đâu mà sẽ còn oán trách đó.
2. Chăm sóc vật chất mà quên đi chăm sóc tinh thần cho con cái. Cho nên không bit con cần gì, con cũng không hiểu mẹ muốn gì, cả 2 thay vì thấu hiểu nhau lại dằn vặt nhau đến phát ốm. Như bài bên bác DHP có nói về 2 cái cây, đều đủ nước, ánh sáng...nhưng một cây được hỏi han, được nghe âm nhạc, nhận hơi ấm của con người thì sống khỏe hơn hẳn cây chẳng được như vậy. Cả 2 mẹ con này đều như cái cây thứ 2, đủ nước nhưng chẳng có sự âu yếm, quan tâm nên còi cọc và èo uột.

3. Sinh con không vì tự nhiên mà vì lí do gì gì thì sớm muộn cũng bị những đứa con vặc lại thật đau đớn.
4. Cái này thì theo một điều cấm kị của nhà Phật: đã ra ơn ( hy sinh vì chồng con í) thì đừng có đi kể lể. Nếu kể lể ra thì coi như bằng âm. Có khi kết quả của nó còn tệ hơn là không hy sinh gì. Hic hic...cùng là hành động hy sinh, hết lòng vì gia đình nhưng phụ nữ ngày trước không bao giờ đi kể lể công lao như thế nài đâu (kể với ai cũng là kể công, đều tuyệt đối không được ạ )

Titi on lúc 06:00 4 tháng 2, 2010 nói...

@Này: "Từ 15 đến 20 tuổi đứa con nào cũng là kẻ thù của bố mẹ, sẵn sàng làm tổn thương người thân". Việc này chỉ xảy ra với gia đình nào bố mẹ ít nói chiện, đối thoại bình đẳng với con cái. Chị chắc chắn với em, nếu bố mẹ dành thời gian nói chiện, giao lưu với con thường xuyên tình hình sẽ khác hẳn đó :-)

"Mẹ với con gái càng sống cạnh nhau càng xung đột và mâu thuẫn, đơn giản vì giống nhau". Giống về vật chất (tức sinh lí học) thôi, nếu giống về tinh thần thì phải hòa hợp chứ. Lí do mâu thuẫn của 2 mẹ con chính là không có điểm giao nhau về tinh thần. Muốn có điểm chung về tinh thần giữa 2 thế hệ khác nhau như thế, chỉ còn cách mở lòng, đối thoại với nhau càng nhiều càng tốt :-)

LU on lúc 08:59 4 tháng 2, 2010 nói...

Đọc bài này xong em nhớ câu nói, "đơn giản là hay".

Lúc mới đọc xong em thấy vừa buồn cười mà cũng hơi bị nhột. Nhột vì bài viết làm cho em nhớ đến câu chuyện, 2 bà và 3 con vịt. 2 bà ở đây một trẻ, 1 già thể hiện cái tính chuyện bé xé to, hay bị kịch hóa mọi thứ rồi tự làm khổ mình của phụ nữ.
Từ bé họ đã như thế và đến già cũng như thế. 3 con vịt ở đây buồn cười vì được thay thế bằng đàn ông, xăng xái tám chuyện của các bà.

Từ câu nói hờn dỗi như đùa của đứa con gái bị bệnh tưởng tượng mẹ nó ko còn yêu nó, dẫn đến bà mẹ tưởng tượng ra một bi kịch thương tâm. Nhưng vì là vịt đàn ông nên họ đã đơn giản hóa câu chuyện lại. Nếu thay thế là 3 con vịt đàn bà, thì chắc chắn bà mẹ sẽ ra về mà lòng càng thêm đau khổ thương tâm. :D

"Less is More"

he he...đúng là dân master văn chương viết có khác. Đơn giản ko thừa một chử mà có thể làm cho con vịt Lu cũng tưởng tượng ra được một tình huống hơi bị hay.

Unknown on lúc 10:02 4 tháng 2, 2010 nói...

Hồi cấp 3, dịp mùng 8-3 lớp em tặng hoa cô giáo dạy toán - cô cũng có một cô con gái học lớp 6, đang tính thêm một em bé nữa nhưng chưa đặng. Hôm đó, cô kể chuyện quả táo cho bọn em nghe - cô nói thông thường cha mẹ chúng ta yêu thương, chiều chuộng chúng ta quá nhiều, nên chúng ta coi đó là mặc định chỉ có chiều từ phía chúng ta chứ không có chiều trở lại. Nhưng với cô, cô có một quả táo và cô dành quả táo ấy cho bản thân, cô muốn con gái cô biết cách quan tâm đến cha mẹ & những người xung quanh, hòa đồng, chan hòa chứ không muốn em bé trở thành trung tâm của mọi sự săn sóc, chăm nom.
Lúc đó, bọn em ngỡ ngàng về cô, không ngờ cô giáo toán của mình tân tiến, hiện đại vậy,

Thuy Dam Minh on lúc 11:08 4 tháng 2, 2010 nói...

Bạn số 2 và Bạn số 3 đã nói quá đúng. Phụ nữ Việt nam thường là như thế. Họ hy sinh hết, hy sinh không biết mệt mỏi vì chồng con. Họ biến chồng con họ thành những đứa trẻ người lớn.
Đổi lại, họ muốn chồng con họ nhất nhất nằm trong tầm kiểm soát của họ, nghe lời họ... thậm chí là bản sao của họ.
Thế nên mỗi khi chồng con vượt rào đi đâu đó, làm gì đó là họ lo lắng khôn nguôi. Lo cho đến khi nào chồng con về và họ nhìn thấy tận mắt mới yên tâm.
Kiểu lo lắng này, không những làm chồng con thành người hoàn toàn bị động (hoặc bị động phần lớn) trong việc lo lắng và kiểm soát cuộc sống của mình, mà đi xa hơn, còn làm yếu đuối đi cả một thế hệ.
Cho nên, anh nghĩ, những bạn phụ nữ phải dành thời gian lo cho mình, cho bản thân mình đã, nếu không là phần lớn, thì cũng là một phần nào đó. Ví dụ như làm đẹp, tập thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, đi picnic...
Nhiều bạn phụ nữ chẳng quan tâm gì đến bản thân mình, cứ lo cho chồng con, mình thì ăn mặc xấu xí, xuống cấp. Lỡ chẳng may chồng nó chán thì thật là bi kịch. Hic!

Vân Lam nói...

Chị LU cứ thế mà nói. Em thích đoạn "không thừa một chữ" của chị. Em và xã ở nhà thường nhắc về anh Cường, xã nói :

"Văn phong anh Cường rất hay, không phải văn báo chí, cũng không phải văn màu mè. Nó đầy đủ và hàm súc, KHÔNG THỪA nhưng cũng KHÔNG THIẾU một chữ nào. Ở đó, ta có thể thấy rõ ràng ý thức giữ gìn tuyệt đối sự trong sáng của tiếng Việt nơi anh ấy!"

Em là người làm chứng cho lời nhận xét ấy nhé. :D Chẳng hay tết này anh giai có thể giành chút thời gian cho bố con nhà nó được diện kiến lần nữa không ạ? :)

VMC on lúc 19:02 4 tháng 2, 2010 nói...

@Minh Phương: Cháu để lại số đt hoặc địa chỉ email của cháu vào đây, chú sẽ liên lạc.
@Này: Chia sẻ với em ý kiến này.
@Ếch: Anh số 4 là Ếch đó hả?
@Titi: Nhất trí với em các điểm 1,2,3. Riêng điều 4 thì chị ấy không kể lể. Chị ấy đang chia sẻ vấn đề của mình và muốn được nghe một lời khuyên.

VMC on lúc 19:03 4 tháng 2, 2010 nói...

@Lu: Cảm ơn em.
@Thụy: Nhất trí với bác.
@Vân Lam: Chắc chắn là tiếp cả gia đình VL rồi.

VMC on lúc 19:04 4 tháng 2, 2010 nói...

@Lan: Ở ta ít có người phụ nữ như vậy.

Titi on lúc 19:40 4 tháng 2, 2010 nói...

Vầng, nhưng em mong chị ấy đọc được bài này, cả những comments của mọi người nữa. Ròi thì hy vọng chị ấy sửa sai dần dần ạ :-)
Ai trong chúng ta cũng có thể sai lầm. Đừng sợ sai lầm, hãy chịu khó sửa sai ngay lập tức và ... hãy tha thứ cho bản thân (yêu mình một tí như tựa đề của bài này) :-)

Lana on lúc 09:53 5 tháng 2, 2010 nói...

Mình thì thấy cái gì thái quá (đi về thái cực) cũng thành dở. Chăm sóc bao bọc người khác quá trở thành sự chiếm hữu, hạn chế tính độc lập. Hy sinh đến quá mức thành không biết yêu bản thân mình. Ngược lại sang thái cực kia thì lại thành lạnh lùng, có phần hơi ích kỷ (nếu có một quả táo, sao không cùng chia sẻ với chồng con mà lại dành cả cho mình nhỉ?)

Vấn đề là sự nhận thức. Chị nhân vật chính trong câu chuyện này chăm chiều con (chăm bẵm nó từng li từng tí như chị nói) nhưng nhiều khả năng là chị không để tâm 'làm bạn' với con, tạo mối quan hệ gần gũi, chia sẻ ngay từ khi con còn bé và xây dựng mối quan hệ ấy.

Rồi đến khi nghe những người bạn thân khác phái phân tích, chị lại bật ngay về thái cực ngược lại "có phải các ông khuyên tôi bỏ mặc chồng con không?". Với kiểu 'nhận thức' như chị này thì... bó tay thôi.

Unknown on lúc 10:38 5 tháng 2, 2010 nói...

Chị chăm chiều con nhưng chưa thành công trong vai trò "cô giáo" của con - uốn nắn, điều chỉnh hành vi, thái độ con trẻ. Điều quan trọng là cách giáo dục con cái. Mọi bà mẹ đều có thể hi sinh tất cả cho con cái, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết làm thế nào để con mình thành con người biết quan tâm chia sẻ. Điều này vô cùng khó khăn. Con bạn có thể thành đạt như bạn muốn, làm mọi thứ đúng như lẽ đời phải thế nhưng con bạn có thể quan tâm, sẻ chia, cảm thông với mọi người xung quanh hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào chính cách bạn xử sự với người thân, bạn bè, xã hội quanh bạn.
Trường hợp của chị này, thiếu san sẻ tình cảm với con là một phần, phần nữa sẽ là cách chị ấy trở thành "người hướng đạo" của con ra sao?
Cô bé có thể học giỏi, không gây ra một lỗi lầm nào cả, có thể ra ngoài cô bé sẽ chẳng nặng lời với ai cả nhưng tại sao khi về nhà cô bé lại hờn dỗi với mẹ? Hoặc lại khá vô cảm khi mẹ buồn vì lời nói đó? Chị ấy có thể cho con cái vô điều kiện nhưng cách chị ấy cho con ra sao, làm thế nào để con có ý thức về điều đó là quan trọng hơn cả.

Unknown on lúc 10:43 5 tháng 2, 2010 nói...

Trường hợp quả táo, cô vẫn cho em bé quả táo, nhưng trước khi cho cô muốn em hiểu được cha mẹ quan tâm đến em như thế - điều này sẽ tác động lên em bé, em bé bắt đầu ý thức được đó là sự quan tâm của cha mẹ dành cho em, tiếp theo em sẽ biết cách quan tâm đến cha mẹ và người khác.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết