Lần cuối cùng được ăn sinh nhật anh cách đây đã 16 năm. Còn nhớ hôm đó chúng tôi ngồi ở quán Nguyên Sinh ở phố Lý Quốc Sư trên gác 3 hay gác 4 gì đó sau khi phải đi qua những bậc cầu thang chênh vênh và lắt léo.
Thời ấy quán ăn nhà hàng chưa nhiều như bây giờ. Nguyên Sinh là quán ăn nghe nói có từ thời Pháp với đồ ăn rất ngon được coi là quán sang trong thành phố. Bữa ăn chỉ có 5 người: hai vợ chồng anh, 2 người bạn Nga một nam một nữ và tôi, người Việt duy nhất. Tôi vẫn nhớ như in bữa ăn ấy, bởi nó... ngon và vui. Đấy là lần đầu tiên tôi phải uống trọn một ly wishky và được ăn món chuối đốt rượu.
Vợ chồng anh có một con trai đẹp như thiên thần tên là Vova. Với mức lương khoảng 800 USD, họ sống sung sướng ở Hà Nội trong khi ở quê nhà đang vấp phải những quá đắng đầu tiên của cải tổ.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang. Sau đó khoảng 2 tháng, họ được báo phải rời khỏi Việt Nam trước thời hạn. Liên Xô mấp mé trên bờ vực sụp đổ. Mátxcơva không chuyển tiền sang và họ phải nhận lương từ quỹ sơ tán khẩn cấp (trong trường hợp chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh).
Họ không nghĩ sẽ bị lâm vào cảnh bi đát như vậy. Những kế hoạch dành dụm, mua sắm của họ bị bỏ dở. Họ tức tốc gói ghém đồ đạc và chuẩn bị lên đường. Anh gọi tôi đến đưa cho một thùng nặng những đồ bát đĩa ấm chén rất đẹp. Tôi hỏi: "Sao anh chị không mang về?". "Quá cân rồi. Cậu cho chúng tôi gửi ở đây, chúng tôi sẽ quay lại".
Họ đi chuyến bay đêm. Xe rời Vạn Phúc chở cả nhà lên Nội Bài đúng vào lúc trời mưa. Chị ôm tôi trong nước mắt: "Trời ơi, như một cuộc chạy trốn! Có cảm giác như giặc đã đến bên kia cầu Long Biên rồi!".
Tôi giữ thùng bát đĩa ấm chén của anh rất cẩn thận bởi vẫn đinh ninh nghĩ rằng anh chị sẽ quay trở lại. Nhưng họ đã trở về một đất nước bị tan rã hoàn toàn. Anh người Ukraina, chị người Estonia - đều là công dân Liên Xô, nhưng không có một người thân thiết nào, một mối quan hệ ruột rà nào ở nước Nga, ở Mátxcơva. Cuộc sống với họ trở nên thực sự khó khăn. Họ cố trụ lại, ôm ấp hy vọng khủng hoảng sớm chấm dứt để được quay trở lại Việt Nam.
Vất vưởng một thời gian, anh đi làm guide cho một hãng du lịch, còn chị đi cào bài ở casino. Chẳng ai có thể tưởng tượng ra cặp sinh viên ưu tú của Viện Quan hệ Quốc tế Mátxcơva - trường đại học đỉnh cao của Liên Xô, thông minh giỏi giang, đẹp đẽ sang trọng, lại đi làm những công việc như vậy. Nhưng họ buộc phải làm, buộc phải sống. Và rồi dần dà những công việc đó trở thành NGHỀ của họ.
Ba năm sau, trong một lần liên lạc với nhau, anh hỏi: "Cậu vẫn sử dụng bộ đồ ăn của chúng tôi chứ?". Tôi nói chúng vẫn nằm nguyên trong hộp, có cần gửi sang Mátxcơva cho anh chị không. Anh bảo làm gì có thời gian ăn uống mà dùng bát đĩa đẹp, vợ toàn phải đi làm đêm, chồng thì đi suốt ngày, con phải gửi về Estonia cho ông bà ngoại trông. "Thôi cậu lấy ra dùng đi kẻo phí, chắc chẳng có hy vọng nào chúng tôi sang được Việt Nam nữa đâu" - anh nói vậy.
... 12 giờ 15 phút hôm nay tôi gọi điện cho anh. Phải đến hồi chuông thứ 10, anh mới nhấc máy, giọng ngái ngủ. Ở Mátxcơva lúc đó là 8h15 sáng. Anh vui mừng khi nghe lời chúc mừng. "Cám ơn, cậu là người đầu tiên chúc mừng tôi trong ngày hôm nay". Anh hỏi han công việc, cuộc sống của tôi và thở dài: "Bao giờ tôi mới được trở lại Việt Nam đây?"
Giọng anh chùng xuống khi tôi hỏi về gia đình. "Vôva chết rồi! Nó bị tai nạn giao thông mấy năm trước. Trời ơi, tôi không bao giờ tin nó đã chết. Đẹp như thế, thông minh như thế. Còn Masha thì đã bỏ về Estonia 2 năm trước. Cô ấy không chịu đựng được cuộc sống ở Mátxcơva nữa. Vợ chồng như mặt trăng mặt trời, ở cùng một nhà mà có khi cả tháng chẳng gặp nhau. Giờ tôi ở một mình. Chỉ một mình thôi. Cậu thấy khốn nạn không, một thằng đàn ông 44 tuổi đã từng có tất cả, nay lại mất tất cả. Tôi vừa nghe điện thoại của cậu vừa phải tự nấu bữa sáng đây. Cuộc đời thật chó má!"
"Nhưng anh giỏi giang, tài năng, chắc chắn mọi chuyện sẽ ổn thoả thôi" - tôi an ủi. Anh cười khùng khục: "Tài năng, bây giờ ai cần đến tài năng? Cái thời ngày xưa có một chút tài năng thì sống cũng tốt đấy, chẳng phải lo gì. Thời nay có tài năng thì chết dẫm, cậu ạ. Chẳng ai cần tài năng của tôi. Muốn sống được thì phải biết nghe lời. Mà tôi thì tiếc thay lại có một chút trí khôn, biết phân tích, phán đoán, suy luận, nên không thể nghe lời được, cho nên chắc cả đời sẽ không ngẩng mặt lên được".
Ôi chao, sinh ngày 29.2.