15/2/08

CẢI LƯƠNG TIẾP TỤC CẢI LƯƠNG



Tôi là người Bắc, tôi không nghiền cải lương, nhưng biết đánh giá thế nào là một vở cải lương hay, biết thưởng thức ngón nghề đờn ca của các nghệ sĩ và có được cảm giác thoả mãn với một vở cải lương đích thực.

Wikipedia bản tiếng Việt định nghĩa cải lương như sau:

"Cải lương, nghĩa đen là đổi mới, là một loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát của miền nam Việt Nam, trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ, và bản Vọng cổ. Nghệ thuật này ra đời vào năm 1917, chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương hơn so với các nghệ thuật thuần túy như hát chèo và hát bội. Đề tài của các tuồng cải lương thường liên quan đến các điển tích và những vấn đề xã hội. Hiện nay cải lương vẫn còn thịnh hành, đặc biệt là tại miền nam Việt Nam" (*).

Phải nói, cải lương - như một bộ môn nghệ thuật được đổi mới, có ảnh hưởng sâu rộng và sức sống mãnh liệt. Bằng chứng là cả miền Nam không có đoàn chèo nào. Chèo là bộ môn nghệ thuật rặt Bắc và chỉ có ở miền Bắc và chỉ có người Bắc hát, thì cải lương - xuất thân từ Nam Bộ - lại phát triển rất rầm rộ ở miền Bắc, tạo nên một trường phái cải lương Bắc kết hợp được tinh hoa của nghệ thuật đờn ca Nam Bộ với cách xử lý niêm luật của sân khấu hiện đại.

Ngày xưa, rất nhiều địa phương ở phía Bắc có đoàn cải lương. Trước 1954, đoàn Chuông Vàng của Hà Nội với những tài tử Bắc kỳ đã làm mưa làm gió trên sân khấu Sài Gòn. Khi đất nước bị chia làm 2 miền, thì ở miền Bắc, ngoài những đoàn hát cải lương tập hợp những nghệ sĩ Nam Bộ tập kết, còn có những đoàn cải lương của người Bắc rất nổi tiếng như Đoàn Cải lương Thái Bình (tung hoành ngang dọc trong thập niên 1970 với vở "Lửa phi trường"), hay Đoàn Cải lương Hoa Mai (Hà Sơn Bình) với Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng hát hay không thua kém Út Trà Ôn, Thành Được...

Miền Nam giải phóng, cải lương từ miền Nam ra nhanh chóng chinh phục công chúng miền Bắc XHCN. Thời đó những vở diễn của các nghệ sĩ miền Nam như "Làm lại cuộc đời", "Cây sầu riêng trổ bông", "Tiếng hò sông Hậu", "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Lá sầu riêng", "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh".. đã khiến khán giả miền Bắc say mê. Cải lương mang đến cho công chúng miền Bắc sự ngọt ngào lạ lẫm với cách diễn khác, cách khai thác những chủ đề gần gũi về số phận con người, tình người và đặc biệt là những kết cục có hậu.

Có lẽ đó là thời hoàng kim của cải lương. Khi nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, khán giả miền Bắc tiếc thương chị chẳng khác gì khán giả miền Nam. Còn nhớ, Đài Truyền hình Trung ương khi đó không kịp ghi hình vở diễn cuối cùng với diễn xuất của Thanh Nga là "Thái hậu Dương Vân Nga". Để đáp ứng nhu cầu của công chúng, đài đã phải quay vở diễn này với diễn xuất của nghệ sĩ Kim Hương. Lịch phát sóng được công bố trước nhiều ngày và khán giả tụ tập rất đông trước các màn hình đen trắng ở hội trường các công sở. Phát thanh viên ngậm ngùi giải thích rằng, thật tiếc chúng ta không được xem Thanh Nga, mời các bạn (thời đó chưa gọi quý vị như bây giờ) xem Kim Hương.




Ngọc Giàu ca "Dạ cổ hoài lang"
Thế hệ vàng của cải lương đã qua. Cải lương đã ngắc ngoải trong suốt hơn 2 thập kỷ. Bây giờ, người ta ít biết "cải lương" là sự đổi mới, mà những gì dính đến cải lương bị coi là xí xọn, loè loẹt, cầu kỳ vô lối, sến... Khổ thay khi cải lương đồng nghĩa với những điều như vậy.

Cái gọi là cải lương bây giờ thực ra không thể xem được. Một số nghệ sĩ vẫn ca hay, diễn hay đấy, nhưng một mình họ chẳng thể hồi sinh được sân khấu cải lương. Xem cải lương tức anh ách khi thấy kịch bản vô lý không thể tưởng tượng, các màn tấu hài lê thê - vô bổ - nhạt hoét; các diễn viên bất kể đóng vai nào đều vô cùng xinh đẹp phục trang lộng lẫy (nữ tì của sân khấu các lương chắc chắn mặc đẹp hơn công chúa thời xưa); các nam diễn viên thì xinh đẹp hệt như các nữ diễn viên.

Gần đây dư luận nói nhiều đến những nỗ lực làm mới sân khấu cải lương. Cải lương giờ đây phải kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, phải đưa ra sân vận động, phải có sự tham gia của các ca sĩ đang hot, phải có sân khấu hoành tráng ánh sáng laser kèm theo những kỹ thuật phi thân như trong rạp xiếc. Nói nôm na thì cải lương đang tiếp tục cải lương.

Thiển ý của tôi, thì cách này sẽ chẳng đi đến đâu. Cải lương đã được cải lương trong 3/4 đầu của thế kỷ 20 để đến rất gần với công chúng và đã thành công. Thời đó cải lương có những kịch bản xuất sắc, những nghệ sĩ xuất sắc và một công chúng xuất sắc. Phải chăng thời hoàng kim đã qua?

Có lẽ cải lương không cần cải lương thêm nữa, hãy quay lại với cung cách và niêm luật đã biến cải lương thành classic thì hơn.


Lạm bàn một tí, ai có ý kiến nào hay thì chia sẻ trong comment nhé. Xin cảm ơn trước.

(*): Xem http://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3i_l%C6%B0%C6%A1ng

Ảnh: Cải lương giờ có cả dàn nhạc giao hưởng, dàn đồng ca và đu bay như trong rạp xiếc. Cảnh từ vờ "Chiếc áo thiên nga" sắp công diễn ở TP.HCM. Ảnh: VNExpress.


1 comments:

Ritaduong on lúc 14:50 22 tháng 3, 2010 nói...

Anh nói đúng, cải lương classis vẫn tuyệt vời. Tôi mà dân SG 100%, tôi mê cải lương từ bé xíu và đến giờ vẫn mê. Nhưng tôi không tài nào cảm được cái lớp nghệ sỹ mới bây giờ, nó vô hồn và hỗn tạp quá. Nếu nghe ca cổ, tôi vẫn nghe các bài bản do các nghệ sỹ thế hệ trước trình bày như minh phụng, thanh sang, lệ thủy. Tôi cực kỳ dị ứng với cách ca diễn của lớp trẻ ngày nay, nghe chói tai không thể tả và hoàn toàn không có nét riêng. Ví như ngày xưa, nghe 1 làn hơi là biết ngay nghệ sỹ nào, còn bây giờ thì rối nùi, na ná. Nhiều lúc muốn đi rạp xem hát, nhưng thật buồn là chẳng có cái quái gì đáng xem.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết