4/2/08

BÁNH CHƯNG



Ngẫm đi ngẫm lại, thấy mình là người hạnh phúc. Vì được biết và được tham gia vào một nghi lễ không thể thiếu của Tết Việt. Đó là gói bánh chưng.

Hồi bé, năm nào cũng được mẹ lặn lội đưa từ Tuyên Quang về Nghĩa Hưng (Nam Định) ăn Tết với ông nội. Nếu về sớm, thể nào cũng được xem ông chọc tiết giết lợn. Rồi ông gói bánh chưng. Bao nhiêu những việc lớn trong nhà đều một tay ông làm cả. Lá dong không phải đi mua vì ông trồng ngay ở mảnh vườn nhỏ sau nhà. Những cọng lá xanh ngăn ngắt thật đẹp.

Có năm về muộn, ông đã gói bánh xong rồi. Bánh đang được luộc trong chiếc nồi to ở giữa sân, khói bốc nghi ngút. Bọn trẻ con chạy loăng quăng xung quanh, thỉnh thoảng lại lấy những ống rạ châm lửa đốt pháo tép. Tiếng pháo, khói pháo, khói rạ, mùi thơm bốc ra từ nồi bánh chưng đang sôi tạo nên một không khí Tết thật đầm ấm và hạnh phúc.

Năm nào tôi cũng được ông gói cho một cặp bánh chưng nhỏ bằng 1/4 chiếc bánh thường. Ông gọi đó là bánh chưng cóc. Hình như khi còn sống, ông không cho tôi món quà nào có giá trị lớn hơn những chiếc bánh nhỏ xinh đó, nhưng đối với tôi, đó lại là món quà vô giá, bởi chúng chứa đựng tình yêu vô bờ mà ông dành cho tôi.

Sau này, khi tôi đã học cấp 3 và chuyển về Hà Nội sinh sống, Tết thời bao cấp tuy rất khó khăn nhưng rất rộn ràng. Cả năm thiếu thốn, nên Tết ai cũng cố gắng có được món này món khác. Quần áo mới, đồ ăn thức uống đều được chuẩn bị từ hàng tháng trời trước Tết. Và hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng.

Năm nào tôi cũng phải lãnh nhiệm vụ là rửa lá gói bánh. Những chiếc lá dong chở từ miền ngược về Hà Nội qua những bàn tay tần tảo của mậu dịch quốc doanh nhiều khi nham nhở, nhàu nhĩ, chứ chẳng được nguyên vẹn xanh mướt như tầu lá mà ông gói bánh ở quê. Phải cắt hết những phần dập nát và khô héo, rửa thật sạch và lấy khăn lau khô. Có những năm giá rét, ngồi rửa lá dong ở máy nước công cộng mà run bần bật. Rửa xong thì thấy đôi tay tím tái và gần như không còn cử động được nữa.

Nồi luộc bánh thường là chiếc thùng phuy nhỏ cắt ngang được cả xóm chuyền tay nhau nấu lần lượt. Cái nồi ấy như một sợi dây liên kết các gia đình trong khu tập thể. Nhiều khi cuộc sống vì cái nồi nấu bánh chưng mà bớt đi căng thẳng. Mọi người nhường nhịn nhau hơn vì không muốn những xích mích nhỏ lại gây trở ngại đến việc nấu bánh chưng ngày Tết.

Còn nhớ một năm không mượn được nồi luộc bánh chưng, bố mẹ phải nhờ ông chú rể làm ở Nhà máy Cao su Sao Vàng luộc hộ. Đúng hẹn đến cổng nhà máy chờ lấy bánh về, nhưng nhân viên bảo vệ cam đoan đã thấy ông ấy chở bánh về từ sáng sớm rồi. Đành lủi thủi đạp xe về nhà.

Chừng hai tiếng sau, thấy ông chú lễ mễ chở bánh đến, mặt mũi hầm hầm, mắng cho một trận nào là lười nhác, nào là mải chơi, để ông mày phải vất vả với đống bánh chưng này. Giải thích thì ông ấy bảo mày bịa, bảo vệ thằng nào không biết tao vẫn còn ở trong mà lại nói thế. Đành ngậm ngùi nuốt cục tức vào trong lòng.

Xong nồi bánh chưng người ta có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã có thể yên tâm đón Tết. Bánh chưng được dùng để cúng, để biếu, để ăn trong tất cả các bữa ăn trong mấy ngày Tết. Có gia đình đến 29-30 Tết đếm xem trong nhà mình có bao nhiêu cái bánh chưng, coi chúng như một gia tài nho nhỏ, có thể giúp tạm thời cất lo âu sang một bên để vui vẻ đón Tết. Bánh chưng được ăn nhẩn nha đến tận rằm tháng Giêng. Lại gạo thì được luộc lại. Mốc thì được cắt mốc đem đi rán.

Bây giờ ít người gói bánh chưng. Lích kích mệt mỏi mất công quá. Nhà cửa đẹp đẽ cũng chẳng biết có thể nấu bánh chưng ở đâu? Dịch vụ thì lại sẵn, thôi cứ đi mua cho nhanh. Hơn thế, thời buổi này có mấy ai biết gói bánh chưng nữa đâu?

Bánh chưng vẫn hiện diện trong đời sống Tết của người Việt, nhưng giữ vai trò tượng trưng. Người ta ăn bánh chưng chỉ đôi ba miếng trong suốt Tết. Ăn hoa lá cành chứ không phải ăn lấy ngon lấy no như trước kia. Mà biết đâu ăn ít lại tốt. Bánh chưng bây giờ độc lắm. Người ta bỏ pin vào nồi luộc cho lá bánh chưng xanh, ăn nhiều có khi ngộ độc chứ chả chơi.

Ảnh từ blog của Ma Tu Co.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết