19/12/07

PHẨM GIÁ ĐÀN ÔNG



Anh là học sinh giỏi, được chính quyền Việt Nam Cộng hoà cử đi du học ở Hoa Kỳ. Đang học năm thứ ba thì Sài Gòn sụp đổ. May mà ba má anh tình cờ có mặt ở Hoa Kỳ đầu năm 1975, thấy tình hình bất ổn, họ nấn ná ở lại Mỹ. Lúc đầu họ thấy áy náy không yên, nhưng đến khi Sài Gòn thất thủ, thì họ thở phào nhẹ nhõm. Số phận đã run rủi họ tránh khỏi những bất trắc.

Ba má anh không dính dáng gì đến bộ máy chính quyền. Họ chỉ là những trí thức có chút danh tiếng. Miền nam lọt vào tay cộng sản Bắc Việt khiến họ buồn rầu, nhưng rồi cũng phải tất bật thu xếp để bắt đầu một cuộc sống mới nơi đất khách quê người, nên không ai còn thời gian để sầu muộn.

Riêng anh, anh quyết định "delete" mọi ký ức về mảnh đất nơi mà anh đã sinh ra ở bên kia đại dương. Quyết không nghe, không nói, không biết, không vương vấn gì nữa. Ở vào tuổi 20, việc đó hoá ra làm cũng không khó lắm.

Anh luôn khẳng định mình là người Mỹ. Anh lập gia đình với một cô gái gốc Việt cũng có hoàn cảnh tương tự. Họ sinh con, đi làm ở sở Mỹ, sinh sống với người Mỹ, sống cuộc sống Mỹ. Anh quên hết. Và cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn của mình.

Thế rồi đến đầu thập niên 1990, tự nhiên anh thấy phải thay đổi môi trường làm việc và xin vào làm cho một công ty Nhật Bản. Một ngày kia, sếp anh từ Tokyo gọi điện sang Mỹ cho anh: "Tran-san, anh là người Việt Nam đúng không?". Anh thờ ơ đáp: "Tôi là công dân Mỹ, thưa ông". "Nhưng anh là người gốc Việt mà. Ngay cả họ tên anh, anh đâu có đổi qua tiếng Mỹ", sếp gặng. "Vâng, tôi đã là người Việt" - anh nhấn mạnh từng chữ.

Hoá ra công ty có một dự án từ thiện ở Việt Nam. Chẳng có ai biết tiếng Việt cả. Mà ở đó người ta nói tiếng Anh không tốt lắm. Tiếng Nhật lại càng không có ai. Sếp muốn anh tham gia vào dự án. Chỉ vài ba lần đi sang đó, chứ không phải là làm dài hạn. Không thể từ chối, anh đành gật đầu đồng ý.

Anh bay từ Mỹ đến Tokyo. Từ Tokyo đến Bangkok, nằm ở đó cả tuần lễ để xin visa vào Việt Nam và cuối cùng lên chiếc máy bay của Vietnam Airlines do Liên Xô sản xuất bay sang Sài Gòn. Khi máy bay bắt đầu hạ độ cao, anh ngó qua cửa sổ nhìn xuống. Những cánh đồng bạt ngàn chằng chịt kênh rạch, những ngôi nhà lúp xúp ken chặt vào nhau. Anh nhắm mắt. Không thấy có bất cứ cảm giác nào. Anh tự thấy hơi kỳ lạ.

Tân Sơn Nhất bé nhỏ, nhếch nhác và quê mùa khiến anh càng thêm tủi. Anh xách hành lý lên chiếc Toyota mà người Nhật mua sẵn cho dự án và đi đến một tỉnh không rõ cách Sài Gòn bao nhiêu cây số, chỉ biết mất đến nửa ngày đường chạy xe qua vài ba cái phà và thấy hết cuộc sống đầy khó khăn của những người phải ở lại.

Nơi anh đến là một trung tâm điều dưỡng dành cho những nạn nhân chiến tranh. Dự án mà công ty anh làm là cung cấp chân giả cho những người lỡ đạp phải mìn, hoặc bị dính bom. Công việc của anh cũng không nặng nhọc lắm, chỉ là dịch những câu hỏi và trả lời giữa chuyên gia chỉnh hình của Nhật với các nạn nhân, nhân viên của trung tâm và các quan chức địa phương. Nói chung, họ đều tử tế và đều tỏ ra biết ơn các chuyên gia Nhật.

Hầu như không ai biết anh là người Việt, người ta gọi anh theo kiểu Nhật là Tran-san. Anh cũng chẳng có ý định tiết lộ điều đó với mọi người. Anh nói tiếng Việt không còn rành nữa, nhiều khi phải căng tai lên để nghe và phán đoán những điều mà người dân miền Trung nói.

Một ngày đã gần tới cuối chuyến đi, lúc anh đang đứng tiểu tiện ở nhà vệ sinh của Trung tâm thì có tiếng lọc cọc đi tới. Một người đàn ông có dáng đi ngật ngưỡng bước đến đứng cạnh anh và lục tục cởi khuy quần làm cái việc mà tất cả đàn ông đều làm. Người đàn ông vừa tiểu vừa ngửa mặt lên trời mắt nhắm nghiền và thở ra một tiếng khoan khoái. Anh nhìn mặt anh ta và có cảm giác sờ sợ về một sự biến thái nào đó.

Người đàn ông đột nhiên nói bằng giọng Sài Gòn khiến anh hiểu rất rõ ràng: "Chu cha, thiệt là sướng!". Anh giật mình hỏi lại: "Ông nói sao?". "Anh hổng thấy sao? Tui đang sướng nè. Lần đầu tiên sau 15 năm tôi được đái... đứng nè!". Anh bất giác nhìn xuống dưới và thấy người đàn ông đang đứng trên đôi chân giả. Những chiếc chân mà công ty anh mang từ Nhật sang và các chuyên gia chỉnh hình chật vật lắp cho từng người trong những ngày qua.

Những người chỉ mất một chân thì dễ hơn. Đằng này, người đàn ông này mất cả hai chân, một bên mất đến cẳng chân, một bên mất đến bắp đùi. 40 tuổi mới chập chững đi lại những bước đi đầu tiên và vẫn còn cần đến một cái gậy để chống. 40 tuổi mới lại được thực hiện cái động tác đặc quyền của đàn ông là... đứng đái.

Thốt nhiên anh thấy vỡ lẽ ra nhiều điều. Anh theo người đàn ông đi nhậu để mừng đôi chân mới. Anh ta dẫn anh về nhà, gặp chị vợ cũng 4 đứa con lít nhít. Nhà họ chẳng có gì ngoài những tiếng cười. Cả nhà coi anh là ân nhân của họ. Và lần đầu tiên sau hơn 15 năm anh mới có lại được cảm giác thân thuộc, cảm giác được là một phần của cái cộng đồng, của mảnh đất mà anh đã bỏ đi.

Cái cảm giác ấy theo anh trở về Tokyo. Anh nói với sếp: "Chương trình từ thiện của ông ở Việt Nam còn kéo dài bao lâu?". Ông nói: "Chúng ta cần mang tới đó 100.000 chân giả. Mỗi chuyến đi chỉ giải quyết được 2.000 trường hợp. Tran-san, anh có thời gian và ý nguyện không? Chúng tôi rất cần anh ở đó". "Tôi đi được", anh đáp ngắn gọn.

Và anh lại trở về. Lần này thì cảm giác xa lạ không còn nữa. Anh muốn mang lại cái niềm vui giản dị và nhỏ nhoi như của người đàn ông kia cho nhiều người khác. Và suốt từ đó đến nay đã hơn 15 năm, anh hầu như không còn rời xa Việt Nam.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết