16/12/07

CHUYẾN VIẾNG THĂM BUỔI SÁNG



Sáng sớm, tôi mở cửa phòng làm việc, pha cho mình một ly cà phê và giở báo ra điểm các tin nóng. Đúng lúc đó thì có tiếng gõ cửa. Tôi lên tiếng mời vào và ngẩng lên: Cửa mở - một người đàn ông ngoài 40 dìu một người đàn ông khoảng 65-68 tuổi nặng nhọc bước vào. Sau khi đỡ người đàn ông già ngồi xuống ghế, người đàn ông trẻ ý tứ bước ra ngoài.

Tôi lịch sự thông báo với ông già rằng tôi chỉ có thể tiếp chuyện ông trong nửa tiếng đồng hồ, vì sau đó tôi có cuộc họp. Ông cười và nói: "Vâng... Tôi sẽ... nói... nhanh thôi". Ông ôm ngực ho và thở hổn hển: "Bước mấy bậc thang... lên đây... mà mệt quá. Lúc nãy... khi anh xe ôm... đưa tôi... đến đây... tôi đã suýt ngất. Phải đứng... trấn tĩnh một lát... rồi mới bước lên đây được".

Tôi hỏi ông muốn uống nước hay cà phê, nhưng ông nặng nhọc lắc đầu.

Rồi ông nói, lần này dường như đã đỡ mệt hơn, nên không còn ngắt quãng nữa. Ông nói ông là thương binh ở Huế. Ông bị thiên đầu thống, nên ra đây chữa bệnh đã được vài tháng. Nhà cửa khó khăn quá. Có bao nhiêu tiền dành dụm được và được bà con hàng xóm, đồng đội cho ông đã tiêu hết trong mấy tháng chữa bệnh. Ông nói ông quen hết các vị lãnh đạo ở cơ quan chủ quản của tôi, họ bảo ông qua đây gặp sếp tôi hoặc tôi. Lần trước ông đã qua mà chẳng gặp ai, hôm nay may quá mới gặp được tôi.

Tôi hỏi: "Bác cần giúp đỡ phải không?". Ông gật đầu xác nhận. Tôi nói: "Vâng, đúng là cơ quan cháu có quỹ từ thiện để giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bác có thể cho cháu xem giấy tờ tuỳ thân và hồ sơ bệnh án của bác được không?"

Ông đưa cho tôi một tấm thẻ thương binh, giấy plastic bọc ngoài đã bị bong ra. Tên họ đầy đủ, tấm hình cũng là của ông, nhưng không rõ nó được dán vào trước hay sau khi giấy plastic còn nguyên vẹn: " Hồ sơ bệnh án tôi để bên báo An ninh Thế giới anh ạ. Các anh ấy cũng hứa giúp tôi một khoản..."

Tôi nói: "Thế này bác ạ. Cháu giới thiệu bác qua quỹ từ thiện của chúng cháu nhé. Bác sẽ gặp chị T, phụ trách quỹ. Chị ấy sẽ hướng dẫn bác làm các thủ tục cần thiết. Bác thông cảm, quỹ này là tiền của nhân dân đóng góp, nên chắc chắn phải làm các thủ tục".

Người đàn ông thở dài và kể thành thật: "Tôi đã đến gặp chị T rồi. Chị ấy cũng nói như anh". "À, bác đã gặp chị T rồi ạ? Thế thì chị ấy nói đúng đấy. Chúng cháu không thể làm khác được đâu ạ. Nếu cần cháu sẽ gọi sang bên An ninh Thế giới để mượn hồ sơ bên đó".

Ông già lắc đầu: "Phức tạp quá nhỉ? Làm từ thiện mà cũng thủ tục nhiêu khê thế à?".

Lời nói của ông khiến tôi thực sự ái ngại. Tôi quay điện thoại. Người đàn ông hỏi: "Anh gọi đi đâu thế ạ?". - "Cháu gọi cho chị T, để bàn xem có cách nào giúp bác không?". Tôi gọi điện và không để ý đến thái độ của ông già.

Chị T nhấc máy, tôi kể sơ qua về ông già. Chị nói: "Ồ, đến lượt em bị ông ấy mò đến à? Ông ấy đã đến gặp chị và cũng nói hệt như vậy. Nhưng chẳng hề có giấy tờ, hồ sơ bệnh án gì cả. Chị đã bảo là không thể giúp gì được ông ấy. Ông ấy có nói: "Hay là cô giúp tôi tiền để mua vé tầu về Huế?". Chị đồng ý và gọi điện cho người quen để mua vé tầu cho ông ấy bằng tiền túi của chị. Nhưng đúng ngày đúng giờ thì không thấy ông ấy đến ga. Hôm sau ông ấy đến và xin lỗi trong đó lụt, ông không thể về được và nói chị đưa tiền để ông ta đi mua vé. Chị nói: "Hôm nọ bác đã làm cháu mất mấy trăm nghìn rồi. Bác hãy xác định đúng ngày giờ về. Cháu sẽ đặt vé cho bác". Ông ta nói chưa quyết định được ngày về và xin chị ít tiền để sống tạm cho đến khi đó. Chị đưa cho ông ấy 200 nghìn đồng. Anh bảo vệ nói khi ra đến cổng, ông ta nói với người xe ôm chở ông ta đến: "Lại có tiền xài rồi, may quá". Đây là một người ăn xin chuyên nghiệp. Em đừng mủi lòng. Em không được cho một đồng nào hết."

Ra thế. Tôi quay sang nói với ông: "Cháu đã nói chuyện với chị T. Trường hợp của bác cháu không thể giúp được gì hơn. Nếu bác muốn trở lại Huế, thì bác báo cho cháu ngày về, chúng cháu sẽ mua vé tầu cho bác. Vé đó sẽ không chuyển sang thành tiền, cũng như không thể trả lại được. Đây là số điện thoại của cháu, bác hãy thu xếp và báo cho cháu biết".

Ông già cầm lấy tờ giấy có ghi số điện thoại và tần ngần hỏi: "Tôi phải thuê xe ôm chở đến đây, anh có thể cho tôi xin chục nghìn để trả cho anh xe ôm không?". "Được, cháu sẽ đưa bác 20 nghìn". Tôi đưa cho ông ta 20 nghìn và tiễn ra cửa. Người xe ôm đã chờ sẵn ở hành lang và dìu ông ta xuống cầu thang.

Bạn thân mến, nếu một buổi sáng nào đó bạn gặp người đàn ông này, hoặc gặp một người tương tự, thì bạn hãy biết rằng đó chính là một hình thức ăn xin mới, những kẻ ăn xin đó biết dùng mọi cách để tấn công vào lòng trắc ẩn của bạn. Hãy mạnh dạn tiễn họ ra khỏi cửa và thông báo cho thường trực/bảo vệ ở cơ quan (công ty) bạn đừng bao giờ cho những người như vậy vào.

Free web counters

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết