5/10/07

KHI NGƯỜI MẸ RA ĐI



Tôi biết cô từ năm học lớp 11. Con trai cô học cùng tôi. Cậu học giỏi nhất lớp, nên theo một quán tính nào đó, mẹ của người học giỏi nhất được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ huynh của lớp. Đó là người phụ nữ mảnh khảnh, ăn mặc giản dị, tóc lúc nào cũng búi, toát lên một vẻ đẹp của tri thức.

Vợ chồng cô làm ở một Viện Nghiên cứu và hai con trai của cô đều khôi ngô, học giỏi. Cậu cả (học cùng tôi) là tấm gương cho cả lớp về học hành, nhưng cậu chỉ mải học, không biết rõ cuộc sống xung quanh như thế nào. Chúng tôi gọi cậu là "thằng ngố". Cậu thứ hai thì khác hẳn. Nó là linh hồn của đám trẻ con trong khu tập thể, nhưng chưa thấy nghịch quá bao giờ.

Đó là thời tiếng Nga hoàng kim. Tôi học môn này cũng khá. Một hôm, cô mang đến cho tôi một tập giáo trình tiếng Nga và chỉ vào một bài khoá: "Cô thấy có cái truyện ngắn này rất hay. Cô nhờ cháu dịch hộ. Thứ hai tuần tới cô giáo chủ nhiệm muốn cô nói chuyện với cả lớp trong giờ đạo đức (Giáo dục công dân bây giờ), cháu sẽ đọc bản dịch nhé".

Đó là truyện "Chúng ta sẽ gặp nhau sau 10 năm nữa" (Давай встретимся через 10 лет). Vào ngày học cuối cùng của đời học sinh phổ thông, một cô gái đến nói với một chàng trai rằng cô đã yêu cậu trong suốt 3 năm học cấp ba. Chàng trai bối rối vì không biết chuyện đó. Cô gái hỏi: "Sau này cậu muốn làm nghề gì". Chàng trai đáp: "Mình muốn làm nhà văn, mình sẽ trở thành người nổi tiếng". Cô gái cười: "Thế 10 năm nữa mình gặp nhau trước cửa Nhà hát Lớn ở Mátxcơva nhé?". Họ đồng ý.

Nhưng ít lâu sau thì chiến tranh nổ ra. Liên Xô mất hơn 20 triệu người trong 4 năm khói lửa đó. Họ bặt tin nhau. Chàng trai bị thương ngoài mặt trận, trở về và bắt đầu viết văn. Chàng trai ngóng tin cô gái, nhưng không ai biết cô ở đâu. Có người nói, cô đã hy sinh trong chiến tranh. Tuy nhiên, đúng vào ngày họ hẹn nhau, anh vẫn đến chờ trước cửa Nhà hát Lớn...

Câu chuyện chỉ giản dị có thế. Cô muốn dạy chúng tôi phải biết ước mơ và theo đuổi tận cùng ước mơ của mình...

Tôi và cậu con trai học giỏi của cô đi học thêm luyện thi đại học cùng nhau. Một hôm chúng tôi bàn xem nên thi trường nào. Cả lũ bạn xúm vào nói cậu nên thi vào ĐH Hàng hải. Vài hôm sau, cậu thông báo: "Tớ sẽ thi trường mà các cậu khuyên".

Cậu thi và đỗ. Thời bao cấp, được đi tàu viễn dương là mơ ước của một nửa dân số VN. Học năm thứ ba-thứ tư gì đó, cậu đã được tham gia một chuyến đi biển dài ngày. Cậu trở về đầy phấn khích, kể cho chúng tôi những điều tai nghe mắt thấy ở những hải cảng nước ngoài nơi cậu được đặt chân tới và đầy bí hiểm kể về những ngón ăn chơi của những người đi tàu viễn dương, khiến bọn bạn học cùng lớp mắt tròn mắt dẹt.

Và cũng từ đó cuộc sống sóng gió của cậu bắt đầu. Cậu bắt đầu thích mánh mung buôn lậu. Học xong đại học, cậu biền biệt trong những chuyến đi kéo dài nhiều tháng trời và mỗi lần trở về thì lại giầu hơn. Hàng xóm nhìn cậu với con mắt ghen tị, nhưng cũng không ít người thở dài: "Học giỏi như nó mà giầu thì cũng xứng đáng".

Nhưng mẹ cậu thì không yên tâm một chút nào...

Sự lo lắng của bà không phải không có cơ sở. Cái gì đến cũng sẽ đến. Đường dây buôn lậu có cậu tham gia bị chặt đứt. May mắn là lúc đó cậu đang lênh đênh tại một nơi nào đó. E rằng về nhà có thể bị tù, cậu và một số thuỷ thủ nữa đã trốn biệt tăm.

Chưa hết, đống của cải ở nhà lại dẫn đến một tai hoạ khác. Cậu em trai được ông anh chiều chuộng lao vào con đường ăn chơi, hưởng lạc. Cậu bị công an bắt trong một lần ăn chơi như thế ...

Đó là những bi kịch mà người phụ nữ như cô không bao giờ mong muốn.

Vào một ngày kia, người ta không thấy bóng dáng của cô trong khu tập thể nữa.

Đầu tiên, người ta tưởng cô về quê, hay đi chơi đâu đó cho khuây khoả. Nhưng mấy tháng sau vẫn không thấy cô, hàng xóm sinh nghi bèn hỏi cậu con trai thứ. Lúc ấy cậu mới oà khóc, chìa cho mọi người xem bức thư của cô:

"Con yêu quý,

Chắc chắn con biết rằng mẹ yêu hai con hơn bất cứ ai trên thế gian này. Mẹ sẵn sàng hy sinh mọi niềm vui, hạnh phúc của mẹ, thậm chí cả sinh mạng mẹ cho cuộc sống của hai con.

Mấy năm qua, các con làm mẹ thật đau đớn và tủi hổ. Mẹ trách các con một, mẹ trách mẹ mười. Tại sao mẹ lại có thể để các con đi đến ngõ cụt thế này? Mẹ còn trí khôn không, còn trái tim không? Tại sao mẹ không ngăn cản được các con?

Vì đã để các con đến nông nỗi này, mẹ thấy mẹ đáng bị trừng phạt.


Con yêu quý, mẹ đi đây. Hai anh em con và những người khác đừng bao giờ đi tìm mẹ. Bởi vì các con sẽ không bao giờ tìm thấy mẹ.

Nếu sự ra đi của mẹ giúp con thức tỉnh thì sự ra đi đó là cần thiết, không còn là vô nghĩa.

Con hãy lấy ngày này làm ngày giỗ mẹ.

Nếu anh trai con trở về, các con hãy yêu thương nhau và cố gắng sống tốt.

Ở bất cứ nơi nào từ nay về sau mẹ cũng vẫn sẽ luôn hướng về các con, luôn mong các con bình an và hạnh phúc.


Vĩnh biệt con.

Mẹ".

... Cậu con trai thứ đã tu tỉnh làm ăn. Lấy vợ và có hai con gái xinh xắn. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp cậu, người đàn ông cao lớn có đôi mắt đầy suy tư và nụ cười buồn - khác hẳn với thằng bé nghịch ngợm mà tôi biết cách đây hơn 20 năm.

Nhưng người con trai lớn thì vẫn bặt vô âm tín.

Cả người mẹ cũng vậy...

Free web page counters

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết