31/10/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (2)



... Đi thêm chừng ba chục bước nữa, cô quay lại. Nhưng chàng trai đội mũ len không còn tần ngần đứng nhìn theo cô nữa. Chiếc xe buýt đã rời bến.

Chẳng cần chàng trai khuyên, thì cô cũng đã mang theo một chai rượu Lúa mới 45 độ. Nhớ lại lời nói của chàng trai, cô hơi ngạc nhiên. Hình như chưa có người Nga nào khuyên cô phải "tử tế" với hải quan. Họ không có thói quen hối lộ người thừa hành công vụ. Mấy chiêu ranh mãnh đều là do người Việt nghĩ ra và phổ biến cho nhau. Và cũng chẳng phải nhân viên hải quan nào cũng nhận những món quà trên mức tình cảm. Một vài người thậm chí còn rất nghiêm khắc, rơi vào tay họ thì chẳng còn cách nào khác là chấp hành đúng quy định.

Nhưng sao chàng trai này lại có vẻ thạo việc của người Việt như vậy? Ngay cả những người bạn Nga thân nhất với cô cũng không biết những chuyện buôn bán, gửi hàng của đám sinh viên người Việt. Không phải họ thờ ơ, mà chỉ bởi vì trong tư duy của họ những việc ấy hình như không tồn tại.

Cô làm thủ tục hải quan khá nhanh chóng. Số hàng hoá cô gửi về nước có vượt quá cơ số cho phép một chút, nhưng có lẽ nhờ chai rượu tất cả đều qua trót lọt.

Thế là xong cái công việc lớn nhất của chuyến đi học này. Bây giờ chỉ còn thi xong nữa là về nước. Chỉ còn một tháng, phải thi 4 môn, mua một ít hàng xách tay, xem nốt mấy bộ phim hay và đi xem trượt băng nghệ thuật. Đó là kế hoạch cuối cùng của cô ở xứ sở bạch dương. Và trước khi bắt tay vào làm những việc ấy, cô tự cho phép mình ngủ bù nguyên một ngày.

Mãi đến chiều tối, cô mới xuống dưới để đi sang nhà ăn. Qua chỗ thường trực, cô kiểm tra ô thư theo thói quen và phát hiện một gói vuông vắn bọc bằng giấy khá dày mầu nâu. Cô hỏi bà thường trực: "Ai mang gói này đến cho cháu thế bác?". Bà thường trực đáp: "Một ông trung niên. Ông ấy nói con trai ông ấy gửi cho cháu". - "À!" - cô kêu lên một tiếng khi nhớ ra chàng trai trên xe buýt. Hoá ra anh ta giữ lời hứa gửi sách cho mình thật.

Sang đến nhà ăn, chọn đồ ăn xong và bưng ra một cái bàn sát cửa sổ trông ra hàng cây bạch dương trổ lá xanh mướt, cô giở gói giấy ra. Quả nhiên, trong đó có 2 tập truyện của Gaidar bằng tiếng Nga, kèm thêm tuyển tập thơ Nga - Xôviết và một phong thư. Cô mở phong bì và lấy ra bức thư được viết bằng nét chữ nghiêng đặc trưng kiểu Nga rất đẹp.

"Xin chào cô gái từ chuyện cổ tích phương Đông,

Tôi tên là Kolia (*), hay Nikolai Gorenkov. Tôi 22 tuổi. Sinh viên năm thứ 4 Khoa thiết kế dân dụng Đại học Công nghệ. Trường tôi cũng có sinh viên Việt Nam đấy. Rất có thể một vài người bạn của tôi cũng là bạn của bạn.

Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy tôi hơi già để làm tân binh. Mấy năm trước điều kiện sức khoẻ của tôi không tốt, nên tôi toàn được miễn. Năm nay do chăm chỉ đi bơi mùa đông, sức khoẻ của tôi đã khá hơn, và giờ đây tôi có thể phụng sự.

Hôm qua quả là một ngày đặc biệt. Đơn giản là vì tôi gặp bạn. Tôi nhận ra bạn là người Việt ngay (vì họ hay đi trên chuyến xe buýt này), nhưng bạn cũng thật khác biệt (vì hầu hết người Việt đều không kể chuyện đi gửi hàng). Tôi thấy bạn không biết và không muốn nói dối.

Tôi chẳng biết phải viết gì cho bạn, vì chúng ta hầu như không biết gì về nhau. Tôi sợ rằng những lời vồn vã nồng ấm của tôi có thể khiến bạn hiểu lầm rằng tôi là kẻ quá lãng mạn hoặc là kẻ dở hơi - hai cái mác mà tôi hoàn toàn không muốn bị gắn vào trong tâm trí bạn.

Chuyến đi sắp tới của tôi có thể sẽ là rất xa. Những việc tôi phải làm có thể sẽ rất khó khăn và vượt qua sự chịu đựng của tôi. Nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác.

Giờ đây tôi chỉ có một sự lựa chọn mà cả tâm trí tôi, tâm hồn tôi, tình cảm của tôi đều giục giã tôi phải làm - đó là làm quen với bạn, được trở thành bạn của bạn, và nếu có thể cùng với thời gian được trở thành một người thân của bạn.

Chắc chắn bạn sẽ không khước từ mong ước đó của tôi. Đúng không? Tôi biết rõ là bạn sẽ trả lời đồng ý.

Thế nên bạn sẽ đừng ngạc nhiên khi vài ba ngày nữa bạn sẽ nhận được bức thư đầu tiên tôi viết với tư cách là người lính trong Quân đội Xôviết từ một trại huấn luyện nào đó mà tôi còn chưa biết. Tôi hứa sẽ viết cho bạn hàng tuần.

Thế nhé, cô gái trong chuyện cổ tích. Chúc mọi điều tốt lành sẽ đến với bạn trong những ngày tháng cuối cùng ở đất nước của chúng tôi.

Hãy nhớ rằng, từ nay bạn có một người bạn tên là Kolia.

Tạm biệt!"
____
(*) Kolia là tên gọi thân mật của Nikolai.

(còn nữa)

30/10/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (1)



Hai mươi hai năm kể từ buổi chiều mùa hè ấy, bạn mới kể cho tôi câu chuyện này. Khi đó bạn mới là cô gái ngoài 20, sau giờ tan học, tất tả mua một cái bánh rán nóng trên hè phố và vội vã nhảy lên chuyến xe buýt về phía đông thành phố. Bạn phải đến nơi đăng ký gửi thùng hàng về nước trước 3 h chiều. Và trên chuyến xe buýt ấy đã xảy ra một cuộc gặp kỳ lạ ...

Chuyến xe ấy đi về phía khu bách hoá tổng hợp lớn nhất thành phố, nên lúc nào cũng chật kín người. Cô bước lên xe và đưa mắt nhìn: không còn một chỗ trống. Cô đành lách vào giữa xe, giơ tay bám vào chiếc cột. Không khí ngột ngạt trong xe, khiến cô càng cảm thấy mệt mỏi. Sực tỉnh, cô vội vã đưa tay lên che cú ngáp.

Cô thấy có bàn tay vỗ nhẹ vào chiếc túi cô đeo bên hông: Cô quay người và nhìn thấy cặp mắt màu hạt dẻ của một chàng trai tầm tuổi cô. "Mời bạn ngồi" - chàng trai đứng dậy nhường ghế. Cô cảm ơn và ngồi xuống không một chút khách sáo.

Cô chống tay lên trán và chợp mắt trong giây lát. Xe dừng ở bến đỗ khiến cô tỉnh lại. Dòng người lục tục kéo lên làm cho chiếc xe trở nên chật chội hơn. Xe chạy, và cô có cảm giác có ai đó đang nhìn mình. Cô ngẩng đầu lên thì bắt gặp cặp mắt màu hạt dẻ đang nhìn cô chăm chú. Chàng trai ngượng nghịu mỉm cười, nhưng không chịu quay mặt đi. Lúc này cô mới để ý, đã đến đầu mùa hè mà chàng trai vẫn đội cái mũ len sùm sụp trên đầu.

Xe lại dừng bánh. Lần này thì có người xuống, và cũng có người lên. Một bà già chống gậy lọc cọc đi đến bên ghế của cô. Ồ, dù có mệt thì vẫn phải đứng dậy nhường ghế thôi. Bà cụ cười hấp háy với cô gái tóc đen: "Cảm ơn con gái".

Cô đứng đối mặt với chàng trai. Hai người cùng bám vào chiếc cột inox. Chàng trai đột ngột hỏi:
- Bạn đi đâu?
- Tôi đi, tôi đi... đến hải quan để gửi hàng về nước. Tôi sắp kết thúc khoá học ở đây. - Không hiểu sao cô lại nói được cái nguyên do đi đóng hàng, vốn là điều khá nhạy cảm đối với sinh viên nước ngoài, một cách dễ dàng như vậy.
- Ồ, thế thì vất vả lắm. Bạn có khuân hết cả Liên Xô về không đấy?
- Tôi rất muốn. Nhưng hải quan chỉ cho mỗi sinh viên mang về đúng 1 khối hàng. Kể cả cái thùng đựng cũng được đóng đúng tiêu chuẩn 1m x 1m x 1m. Nên chắc chỉ mang về được một phần của Liên Xô thôi. Còn anh đi đâu?
- Tôi đến quận đội. Tôi sắp nhập ngũ.
- Đi nghĩa vụ quân sự à? Anh sẽ đóng quân tại đâu?
- Tôi chưa biết. Mà nếu có biết thì cũng không nói được. Bí mật quân sự mà.
- "Bí mật quân sự" (1) của Gaidar ấy à?
- Bạn cũng đọc Gaidar sao?
- Có chứ, tôi đọc hết, cả "Timur và đồng đội" (2) lẫn "Bí mật quân sự". Tất nhiên là bản dịch tiếng Việt thôi.
- Tôi thấy tiếng Nga của bạn tốt lắm mà.
- Nhưng... nhưng tôi chưa tìm được mấy cuốn đó bằng tiếng Nga, - cô nói dối. Thời gian sang đây vừa học, vừa đi đặt mối giao hàng, vừa đi lùng mua hàng mang về nước, làm gì có thời gian mà vớ tới mấy quyển sách văn học. - Với lại... tôi cũng không có thời gian để đọc chúng.
- Tôi sẽ tặng bạn 2 cuốn sách đó, - chàng trai nói.
- Ồ, làm sao mà tặng được? Anh sắp đi nghĩa vụ. Tôi lại sắp về nước. Chắc mình không còn cơ hội gặp nhau nữa, - cô thốt lên.
- Nhưng bạn có còn ở đây ít nhất là 2 ngày nữa không và bạn cũng có địa chỉ ký túc xá chứ?
- Tất nhiên. Tôi còn phải thi và một tháng nữa mới về nước. Còn anh bao giờ đi?
- Mai.
- Mai à? Thế thì chắc chắn mình không gặp nhau được rồi. - Thốt nhiên cô thở dài.
- Tôi cũng có nói mình sẽ gặp nhau đâu? - Chàng trai cười. - Nhưng tôi sẽ gửi sách cho bạn.

Xe lại dừng. "Bến của tôi đây rồi. Tôi xuống đây. Tạm biệt anh", cô nói vội vã.
Chàng trai cười hiền lành: "Tôi cũng xuống. Để lấy địa chỉ của bạn".

Chàng trai rút một cuốn sổ nhỏ và chiếc bút bi từ trong túi đeo bên mình đưa cho cô gái. Cô ghi địa chỉ ký túc xá, số 15, phố Artilleristov, và họ tên mình vào đó rồi trả lại cho chàng trai.

- Bạn không cho tôi địa chỉ ở Việt Nam à? Chẳng phải bạn sẽ chỉ ở Liên Xô có hơn một tháng nữa thôi sao? - chàng trai nheo mắt hỏi sau khi đọc những dòng chữ ghi vội trong cuốn sổ tay.
- À vâng, nếu anh muốn, - cô nói và đưa tay đón lại cuốn sổ. Cô ghi địa chỉ của mình ở Hà Nội. - Đây, thế này là tôi khó chạy khỏi anh. - cô nói đùa.
Chàng trai nhận lại cuốn sổ, nắm lấy tay cô và đặt tay cô lên môi hôn: "Cảm ơn bạn vì cuộc gặp rất có ý nghĩa trước khi nhập ngũ. Tôi sẽ nhớ bạn lắm đấy".

Chàng trai lột mũ để lộ chiếc đầu trọc lốc (3) và cúi gập đầu xuống chào theo một kiểu rất kịch. Cô không nhịn được cười trước cử chỉ hài hước đó. Chàng trai giục: "Bạn đi đi. Tôi chờ chuyến xe kế tiếp. Quận đội còn cách đây 2 bến".
- Vâng, tôi đi nhé. Chúc anh thượng lộ bình an và gặp nhiều may mắn.
- Hãy tặng hải quan của chúng tôi một chai vodka và họ sẽ cho bạn mang về Việt Nam, nhiều Liên Xô nhất có thể.
- Cám ơn anh đã khuyên, tôi sẽ tặng họ chai "Lúa mới". Tôi đi đây.

Cô bước đi. Chừng mươi bước cô quay lại. Chàng trai đứng trên bến đợi xe, tần ngần vò chiếc mũ len trong tay, nhìn theo cô đăm đăm.
- Tạm biệt! - cô nói.
Chàng trai đưa 2 ngón tay lên môi gửi cho cô một nụ hôn gió. Và quay mặt đi. Một chuyến xe buýt vào bến.
____
(1), (2): "Bí mật quân sự", "Timur và đồng đội" - Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Arcadi Gaidar.

(3): Tân binh ở Liên Xô phải cạo trọc đầu trước khi nhập ngũ.

(còn tiếp)

29/10/07

GHEN!



Ba tiếng gõ vào cửa phòng thật lịch sự. Tôi nói: "Mời vào". Cửa mở, và một chàng trai cao lớn, khôi ngô xuất hiện. Nếu như không có cuộc điện thoại báo trước, thì tôi hẳn sẽ không nhận ra nó. Chàng trai nở nụ cười ngoác đến tận mang tai: "Hi! Cháu vào được chứ ạ?".

6 năm trước, nó mới 13 tuổi, còn là một cậu bé rụt rè bẽn lẽn. Người bạn thân của tôi bỏ chồng và đưa con trai (là nó) ra nước ngoài. Trẻ con được đi nước ngoài, đứa nào chẳng thích. Nhưng nó thì không. Nó bảo: "Hay mẹ cho con ở lại với bố. Mẹ sang ổn định công việc trước rồi con sang sau".

Nhưng đời nào mẹ nó chịu. Mẹ nó muốn thoát khỏi người chồng tệ bạc càng nhanh càng tốt. Mặc dù anh ta yêu con, song chị không muốn nó bị ảnh hưởng những tính xấu của chồng. Toà đã phán quyết cho chị nuôi con, chị có quyền đưa nó đi thật xa.

... "Chú sẽ không thể nhận ra cháu nếu gặp ở ngoài đường. Xem nào, rắn rỏi, khoẻ mạnh, thành đàn ông thực thụ rồi. Có bạn gái chưa?" - tôi hỏi.

- My god (Ối trời), mẹ cháu suốt ngày nói: "Không yêu đương gì hết, phải tập trung vào học tập". It's funny, isn't it (Đúng là buồn cười phải không chú)? Nhưng bọn con gái Tây có thèm để mắt đến thằng Châu Á tóc đen mũi tẹt đâu mà yêu với chả đương?" - cậu bé liến thoắng. Mắt nó ánh lên những tia nhìn tinh nghịch. Tôi biết anh chàng đang nói dối.

Nó kể đủ chuyện về cuộc sống của hai mẹ con. Rằng lúc đầu khi mới sang, mẹ nó phải đi làm 2 job để lo cho nó ăn học. Khi nó lớn hơn một chút thì đi bỏ báo buổi sáng kiếm thêm phụ giúp mẹ. Thực tình tôi cũng đã biết những chuyện ấy vì tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với chị qua email và chat.

- Thời gian gần đây cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn rồi đúng không?
- Vâng. - Nó cúi mặt lí nhí đáp, giọng trùng hẳn xuống. Vài giây sau, nó ngẩng mặt lên, lắc đầu mạnh mấy cái như muốn hẩy hết những ý nghĩ đang ngự trị trong đầu nó ra ngoài.
- Không đúng thế à?
- Thì chắc là chú cũng biết rồi còn gì. Kể từ khi Richard xuất hiện, thì cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn thật.
- Richard... - Tôi chưa nghe bạn tôi nhắc đến cái tên này. - Richard là bạn của mẹ cháu à?
- Không phải là bạn, mà là boyfriend.

Tôi phì cười: "Phải rồi, tiếng Việt gọi là "người yêu".
- Vâng, người yêu. - Chàng trai chì chiết.
- Tốt quá. Chú mừng vì mẹ cháu đã có người yêu!
- Cả chú cũng nghĩ vậy sao?
- Ồ, vậy theo cháu chú phải nghĩ như thế nào? Mẹ cháu mới 41 tuổi, còn rất trẻ và xinh đẹp. Mẹ cháu đã vất vả lo cho cháu suốt 6 năm qua. Bây giờ cháu đã vào đại học. Cháu trở thành người lớn rồi. Mẹ cháu có quyền yêu và được yêu chứ? Cháu định để mẹ cháu chết già đấy à?
- Không, cháu không muốn killing her softly (giết mẹ cháu nhẹ nhàng) như vậy. Mẹ cháu có thể có boyfriend. Nhưng không phải là Richard.
- Nói cho chú nghe, ông ta xấu ở điểm nào?
- Ông ta không xấu. Ông ta handsome, rich, and caring (đẹp trai, giàu có và chu đáo), nhưng hai người không hợp vì hay cãi nhau lắm.
- Cãi nhau không phải là biểu hiện của một mối quan hệ dở đâu cậu bé. Có những cặp rất hay cãi nhau, nhưng họ lại sống với nhau rất lâu.
- He's snooty (Ông ta cứ khinh khỉnh).
- Có thể vì cháu chưa hiểu ông ta.
- Thôi, cháu không nói nữa. Cháu thấy là chú đứng về her side (phía mẹ) rồi. Anyway, hôm qua mẹ cháu phone cho cháu, nói rằng thứ Bảy mẹ cháu về đến Nội Bài, mẹ cháu hỏi chú có thể lên sân bay take her (đón mẹ cháu) được không?
- Mẹ cháu về với Richard chứ?
- Of course (Đương nhiên).
- Được, chú sẽ lên sân bay đón.
- OK. Thank you. By the way I must tell you. Richard is smelly like a goat. He'll spoil your new car. (Cháu cám ơn chú. Nhân thể cháu phải nói với chú. Richard hôi hám như... dê vậy. Ông ta sẽ làm hỏng cái xe mới của chú).
- Biết làm thế nào được cậu bé. Đã nhận lời thì phải thực hiện thôi.

Chàng trai chào và ra về. Hôm sau đúng giờ hẹn tôi lên sân bay đón mẹ cậu cùng người yêu của chị.

Chuyến may bay xuống trễ nửa tiếng do thời tiết không thuận lợi cho việc hạ cánh. Chị xuất hiện ở cửa ra rực rỡ và tươi tắn, không hề có dấu hiệu mệt mỏi của chuyến bay dài, cũng không hề có dấu hiệu của 5 năm gian khổ đằng đẵng nơi đất khách quê người.

Sau lưng chị là một người đàn ông với vẻ mặt cương nghị, ánh mắt xanh thông minh và ấm áp. Anh chìa tay, xưng danh và bắt tay tôi. Một bàn tay cứng cáp và đáng tin cậy. Anh hỏi thăm một số câu, giản dị và chân thành, cứ như tôi và anh đã quen biết từ lâu.

Anh xếp hành lý vào cốp xe. Họ ngồi vào băng sau. Richard quàng tay sau vai chị. Chị ngả đầu lên vai người đàn ông ngoại quốc và cười rất tươi: "Thế là mình lại trở về nhà. Richard, welcome to my homeland (Chào mừng anh đến với quê cha đất tổ của em).

Richard cúi xuống hôn chị thật nhanh.

Tôi nổ máy và từ từ tiến khỏi sân bay.

Tôi để ý. Nhưng không thấy mùi hôi. Hoá ra nó chỉ tồn tại trong đầu óc của chàng trai 19 tuổi đang ghen với hạnh phúc của mẹ mà thôi.

Chắc một - hai năm nữa, cậu sẽ hiểu ra điều đó.

Free hitcounter

28/10/07

ĐẠP THÊM MỘT CÁI



Một cậu bạn đồng nghiệp ở báo bạn làm nghề cũng đã chục năm nay. Ngày xưa có lần bị mấy anh lão làng trêu: "Thanh niên cao to đẹp giai hùng dũng thế kia mà đi viết "đào ươn kép ế!". Trong nghề báo, ấy là thuật ngữ vui chỉ những phóng viên chuyên viết văn hoá nghệ thuật (xin lỗi các bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực này nhé, tôi hoàn toàn không có ý định xúc phạm các bạn đâu).

Cậu cười hiền lành: "Tạng em thế, sến với cải lương, không đủ bản lĩnh để viết điều tra như mấy bác. Thôi trời cho thế nào ăn thế".

Nhưng tôi biết, cậu không hẳn là sến với cải lương. Cậu ngại va chạm. Càng tránh xa những sự đời đen bạc càng tốt. Có lần cậu bảo: "Mẹ em không thích cho em làm báo. Cụ bảo nghề này bạc. Nhưng em lại chỉ hợp và thích mỗi nghề này, nên chọn "đào ươn kép ế" cho nó lành".

Đến tuần vừa rồi cái sự "lành" của cậu bị đe doạ.

Một ngôi sao điện ảnh cách đây 2 thập kỷ bị bắt quả tang đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Thực ra, người trong giới biết anh ta đánh bạc từ lâu rồi. Chỉ có điều dân văn nghệ biết thì rỉ tai nhau cho vui, chứ đời ai nấy sống, mặc kệ.

Đương nhiên, báo cậu không thể im lặng trước một sự kiện như vậy. Phóng viên nội chính đã có đủ thông tin về việc diễn viên kia bị bắt ra làm sao, công an thu được những tang vật gì vân vân và vân vân. Tức là đủ mọi thông tin để làm một cái bài ban đầu cho độc giả mua báo.

Sang ngày hôm sau, chẳng nhẽ vẫn kể chuyện ấy? Phải cung cấp thêm cho độc giả những thông tin khác về "thân thế sự nghiệp" của ngôi sao vang bóng một thời kia.

Sếp gọi cậu, giao nhiệm vụ, phải có bằng được thông tin về những trò ăn chơi, cờ bạc, tình ái trong quá khứ của diễn viên này. Phải cho độc giả thấy anh ta hư hỏng một cách có hệ thống và việc bị bắt hôm qua là hệ quả tất yếu của một quá trình trượt dốc kéo dài.

Cậu biết hết những chuyện không hay ho của ngôi sao nọ. Ngồi với bao nhiêu "đào ươn kép ế" rồi, chẳng hỏi thì họ cũng tự kể cho cậu nghe. Tuy nhiên, dù thế nào đó cũng chỉ là những lời đồn đãi, làm gì có bằng chứng, làm gì có ai dám khẳng định những điều đó là đúng sự thật?

Vấn đề còn là ở chỗ cậu không thể làm thế. Cậu gọi điện cho tôi than thở: "Ông ấy (sếp) làm khó em quá. Em không thể vừa mới thấy anh ta bị nạn là đã vội vàng xông vào "ăn thịt" như một con kền kền. Với lại mẹ em vẫn bảo: "Thấy người ta bị ngã mà mình còn đạp thêm cho người ta vục mặt xuống bùn là nhẫn tâm". Nên em sẽ báo cáo với sếp em là em không làm. Kệ, ông ấy có đuổi việc em cũng được".

Cậu gác máy, còn tôi tự vấn: "Có bao nhiêu nhà báo được mẹ dạy là không được đạp thêm một cái đối với người đã bị vấp ngã nhỉ?"

Free web page counter

26/10/07

CHỜ "ĐỘNG PHÒNG"



Cơ quan bạn có được một dự án. Một nhóm chuyên viên được bầu ra, giúp việc cho thủ trưởng, chỉ chuyên về dự án này. Không khí hồ hởi. Thủ trưởng ra lệnh cho văn phòng thu xếp một phòng làm việc riêng cho nhóm chuyên gia. Mỗi người sẽ được rút ra khỏi phòng làm việc lâu nay của mình, tập trung về phòng mới, dễ làm việc.

Bao nhiêu là sáng kiến. Bao nhiêu là đề xuất. Bao nhiêu là những hoạt động cụ thể phục vụ cho dự án. Chưa có phòng làm việc mới, các chuyên viên vẫn ai ở phòng nấy, nhưng không khí ban đầu vẫn náo nức. Họ hăm hở bắt tay vào thực hiện công việc, cũng không ai quá để tâm rằng chưa có phòng làm việc chung.

Ba tháng đầu, thủ trưởng bận theo một lớp bổ túc quản lý. Ông phó chẳng có lệnh thủ trưởng, chẳng việc gì mà phải quyết, mà chỉ là quyết một cái phòng làm việc.

Nửa năm sau, thủ trưởng có bao nhiêu là việc lớn lẫn việc bé phải làm.

Chín tháng mười ngày, một cái phòng làm việc vẫn chưa ra đời. Của đáng tội, trong một số cuộc họp giao ban, người ta cũng nhắc nhở chuyện hoài thai căn phòng. Phòng thì có đấy, ngay cạnh phòng thủ trưởng thôi, nhưng còn đang cân nhắc xem thủ trưởng có nên đổi phòng sang đó hay không? Địa thế tốt ơn, hướng tốt hơn. Phòng thủ trưởng tốt hơn thì mới ăn nên làm ra.

Rồi thêm mấy tháng nữa cho văn phòng tính toán: phòng dự án nên treo rèm màu gì? Bàn làm việc cho bốn chuyên viên có nên đặt loại cabin, loại giả gỗ hay lót nỉ? Máy tính đặt vào đấy là cái mới hay máy cũ mang từ phòng cũ sang? Bộ bàn ghế tiếp khách mẫu mã kiểu gì, nên mua của hãng nào?

Việc dự án thì không chờ. Các chuyên viên phân tán, ai vẫn ở phòng nấy, nhưng vẫn làm việc. Dần dần họ hầu như quên chuyện thủ trưởng hứa sẽ có một phòng làm việc chung.

Mãi lâu sau. Một hôm chánh văn phòng thông báo phòng làm việc của nhóm dự án sẽ được mở vào ngày mai. Mai sẽ cúng “động phòng”, đã bấm được ngày tốt. Đã qua hai cái chín tháng mười ngày, giờ mới “động phòng”. Mà cũng chỉ là dọn dẹp vài ba thứ linh tinh ra khỏi căn phòng cũ, chỉ còn lại căn phòng trống hơ trống hoác như phòng hoang.

Phòng được mở. Chỉ đơn giản là cô tạp vụ lên tra chìa vào ổ, mở khóa, rồi khép hờ. Chuyên viên nào có nhu cầu thì bê máy lên đấy mà làm việc.

Chẳng có chuyên viên nào lên. Một năm rưỡi qua họ hăm hở công tác mới, bao nhiêu ý định mới, bao nhiêu viễn cảnh của dự án và của cơ quan... Tất cả những cái ấy đã dần suy giảm, dần mòn mỏi, dần rơi rụng. Việc dự án cũng kéo lê đi rồi dậm chân tại chỗ vì nhiều nguyên nhân. Rồi họ quen dần với việc không chờ có phòng làm việc riêng.

Trong thâm tâm, thủ trưởng thì tự lý: đấy là để cho mọi người thấy, hiệu quả công việc là ở cái đầu chứ đâu phải ở cái phòng. Hay là một cái lý khác đầy tính triết học: mọi công việc chỉ thực sự bắt đầu ở nơi bốc đồng và hào hứng đã kết thúc.

Cũng còn một cái lý khác ở thâm tâm ông: mọi nhiệt tình đều có thể làm cho cạn kiệt, mọi hăng hái đều có thể làm cho mệt mỏi. Chỉ cần thời gian. Một khi nhiệt tình và hăng hái mài mòn đi, ở đó mới là sự hạ nhiệt cho những sáng kiến mà ông không thực sự muốn thực hiện. Để mài mòn, xin nhắc lại: chỉ cần sử dụng hiệu quả của việc kéo lê thời gian.

Bắt đầu từ khi ấy, thủ trưởng có cái lý: tôi đã tạo điều kiện phòng ốc đầy đủ nhưng nhân viên thiếu nhiệt tình.

Chắc ông rất nhớ tục ngữ Việt Nam:

Nước chảy đá mòn.
... Dãi nắng dầm sương, tương phải nát.

Hồ Anh Thái
(Tuổi trẻ Cuối tuần, 26-10-2007)

Blog counter

25/10/07

ALBERT EINSTEIN NÓI VỀ BÁO CHÍ



Khi ta bị tính sổ công khai về tất cả những gì ta đã nói dù trong khi vui đùa, khi cao hứng hay khi bực bội nhất thời, thì điều đó tuy thật phiền hà, song ở chừng mực nhất định cũng là hợp lý và tự nhiên. Nhưng nếu ta bị tính sổ công khai về những điều người khác đã nhân danh ta để nói và ta không có cách gì để khả dĩ tự vệ được, thì tình cảnh ấy thật thê thảm.

"Vậy ai mà khổ sở vậy?", anh sẽ hỏi. Vâng, bất kỳ ai đủ nổi tiếng và bị đám nhà báo thăm hỏi. Anh cười vì không tin ư? Nhưng tôi đã trải nghiệm đủ rồi, để tôi kể anh nghe.

Anh hãy tưởng tượng: một buổi sáng kia, một tay phóng viên đến gặp anh và vui vẻ hỏi rằng, liệu anh có thể nói đôi điều về ông N. bạn anh được không. Thoạt tiên có thể anh sẽ cảm thấy phẫn nộ vì một câu hỏi như vậy. Song anh nhanh chóng nhận ra rằng, sẽ chẳng có cách nào để chạy thoát. Bởi nếu anh từ chối trả lời, tay phóng viên sẽ viết: "Tôi đã hỏi một trong những người bạn gọi là thân nhất của N., nhưng ông này đã khéo léo từ chối. Mong độc giả tự rút ra những kết luận hiển nhiên từ thái độ ấy". Vì không có cách nào để chạy thoát, anh trả lời như sau:

"Ông N. là một nhân cách hào hiệp, thẳng thắn, được tất cả bạn bè quý mến. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng nhìn ra được mặt tốt. Ông là người chịu khó và đảm nhận được rất nhiều việc cùng lúc; nghề của ông đòi hỏi ông phải dành hết tâm sức cho công việc. Ông là người yêu gia đình, luôn dành cho vợ tất cả những gì ông có..."

Bài viết của tay nhà báo: "N. không thực sự coi trọng điều gì và có tài lấy lòng tất cả mọi người, hơn nữa lúc nào ông cũng đóng vai một người dễ dãi và mềm mỏng. Ông thuộc loại nô lệ cho công việc, đến mức không bao giờ nghĩ tới những chuyện riêng tư hay tham gia vào một hoạt động tinh thần nào khác. Chiều chuộng vợ hết mực, ông là tên đầy tớ ngoan ngoãn phụng sự cho các nhu cầu của bà ấy...".

Ở một tay nhà báo đích thực, bài viết sẽ còn giật gân hơn thế nhiều, nhưng với anh và với ông N. bạn anh thì như thế có lẽ đã đủ. Ông ấy sẽ đọc những điều kể trên vào buổi sáng ngày mai trên báo, và sự giận dữ của ông ta với anh sẽ là vô giới hạn, dù về bản chất ông ta có tốt bụng và vui tính đến đâu đi nữa. Nỗi đau khổ của ông ta sẽ làm anh đau đớn không nói ra được, vì trong thâm tâm anh vốn quý mến ông ta.

Anh sẽ làm gì trong trường hợp này, bạn thân mến của tôi? Nếu anh nghĩ ra được cách gì, hãy báo ngay cho tôi biết nhé, để tôi có thể lập tức bắt chước cách của anh.

ALBERT EINSTEIN

Trích từ sách "Thế giới như tôi thấy"

Xin từ Blog của Nhật Hoa

24/10/07

SOVMUSIC.RU



Mình mê nhạc Nga. Hiển nhiên rồi, nhiều người không mấy dính dáng đến Nga, còn mê nhạc Nga, huống hồ mình, học và nói tiếng Nga gần 30 năm nay.

Rất thích nghe lại những bài hát Liên Xô ngày xưa, nhưng quả thực khó kiếm quá. Tuần trước, đi đám cưới một đồng nghiệp, tình cờ gặp một anh bạn phóng viên báo Tiền Phong. Cậu ấy giới thiệu cho website Soviet Music .

Website rất chất với hàng nghìn bài hát nổi tiếng thời Liên Xô, điển hình là các bài hát ca ngợi tổ quốc, đất nước Nga tươi đẹp, các bản tình ca thời chiến làm say đắm lòng người.

Ai không biết tiếng Nga, mà biết tiếng Anh cũng có thể vào để thưởng thức những giai điệu trầm hùng, da diết, sâu lắng của một dân tộc có tâm hồn vô cùng khoáng đạt.



Những con sếu (Журавли)

23/10/07

MỤ MẪM VÌ HẠNH PHÚC



- Này Ngoét về nước rồi. Anh tổ chức gặp gỡ đưa bọn em đi ăn cơm nhé.

- Ồ, về sớm thế à? Tưởng Tết mới về chứ?

- Nàng phải về sớm vì bụng to như cái trống rồi. Tết mới về thì sợ ộ ệ quá, người ta không cho lên máy bay.

- Oái, đã có bầu rồi à? Sao nhanh thế?

- Nhanh gì nữa. Từ lúc đám cưới, sang Đức, cũng được mấy tháng rồi còn gì?

- Siêu âm chưa?

- Con trai.

- Sướng nhể? Nhưng bọn Tây lại thích con gái hơn nhá.

- Chính thế.

- Tóm lại là Ngoét bầu tháng thứ mấy rồi?

- Hình như 4 tháng. Đúng là cuộc sống đã được định sẵn rồi nhỉ. Lúc vào số rồi là tiến rất nhanh.

- Chắc là Ngoét hạnh phúc lắm?

- Vâng, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đến mụ mẫm. Em bảo với Ngoét: "Này nhìn đằng ấy "ngu" lắm í, tớ chẳng muốn nói chuyện nữa. Sao bao nhiêu thông thái, sắc sảo bay đi đâu hết thế?"

- Em nhận xét thế Ngoét không giận à?

- Giận gì, bạn thân thì mới nói được thế chứ. Nhưng trên thực tế đúng là như thế. Cả nhà Ngoét phải thừa nhận là em nói đúng. Đàn bà, dù thông minh sắc sảo đến đâu, rồi cũng vẫn có lúc quay trở lại là đàn bà. Hihi.


22/10/07

CON VẸT



Con vẹt áo ngàn xanh
Quen nhằn những hạt kê đỏ

Tôi ném một hạt đỏ

Con vẹt đọc câu kinh cầu

Tôi ném hạt không màu
Con vẹt đọc câu kinh điên

Tôi ném hạt trắng, xanh
Con vẹt đạp lồng rít tiếng cú

Thì thôi
Tôi đi với con chim sẻ mùa hè.

(Ngô Mai Phong)

21/10/07

CUỘC SỐNG Ở BỂN


Xin từ blog của OZ LIFE, một người bạn định cư ở Australia.

Ngụ ở Tây có sướng?

Câu trả lời có thể viết được thành phim truyền hình nhiều tập cho VTV3…

1. Chị ấy sướng nhất, mười ba năm qua, chị hưởng một cuộc sống “vương giả” theo nghĩa là chẳng phải làm gì nhiều. Chỉ 2 tuần sau khi đặt chân lên xứ sở kanguru, ông nhà để chị lại với hai quý tử (anh đi làm ăn xa ở một đảo quốc nghèo) cùng ảo tưởng chồng là chủ một doanh nghiêp nhiều triệu đôla.

Không phải lo kiếm tiền, cả ngày chỉ tưới tắm vườn tược, nuôi dạy con cái, sơn sửa nhà cửa, hết mời bạn bè tới thăm, lại thăm thú bạn bè… Chẳng cần một cuộc sống xa xỉ vì biết chồng làm lụng vất vả.

Anh mua cho một chiếc xe hơi cũ còn chạy tốt, chu cấp theo chế đô “ăn nhòe”, rồi bớt chỗ nọ chỗ kia mua vài món đồ trang sức. Không đủ để biết Úc, chị chưa từng đi đâu quá ba giờ lái xe, vả lại cũng không muốn đi đâu thiếu chồng. Chẳng thạo, chẳng thích Internet và máy tính, hàng tuần thổ lộ tình yêu đầy vơi với chồng bằng fax.

Một năm một lần ông Ngâu bà Ngâu gặp nhau, vừa kịp giận nhau đã lại ra đi, không có thời gian cãi cọ đúng sai. Rồi lại sống trong nhớ thương vô bờ. Một lần sau mười năm sống như Ngưu Lang - Chức Nữ chị tới thăm chồng, tận mắt thấy chốn ấy quá hoang dã và thiếu thốn, hài lòng đã không theo sang, chị trở về an hưởng cuộc sống nơi thành phố nhỏ yên bình này.

Không cần đi làm, không cần giao lưu rộng rãi, dăm ba người Việt là đủ, xem phim lồng tiếng Việt, băng đĩa hải ngoại, khỏi cần biết tới những gì xảy ra trên trái đất này, trên cái đất nước nơi chị đã từ đó ra đi, trên đất nước mà chị đang sống.

Tưởng rẳng chị là người đơn giản nhất mà tôi gặp nhưng…

2. Giọng nói miền Tây đồng bằng sông Cửu Long nghe ngồ ngộ, dễ thương, cô líu lo bày tỏ. Bển này thích quá trơì, tiền kiếm bằng cả năm bển nhà, bển Việt Nam cực lắm. Có giường đệm, lò vi sóng, nhà em làm gì có thứ đó.

Đồ ăn bên này cũng ngon nhức nhối. Lúc đầu em không biết ăn, rồi thử, bây giờ ăn ngon luôn, ăn xong muốn té lật lật. Bếp ở đây cũng có trong nhà liền, chứ nhà em muốn nấu nướng gì phải ra bên ngoài, bên này cả cầu tiêu cũng có trong phòng ngủ luôn.

Ở đây đi làm ruộng (farm) cũng đi xe hơi du lịch, nhà làm sao có được. Tiếng Anh của em còn dở èng, ở nhà em nói (chủ yếu nói bằng tay !!!!!!!!!!!) chồng hiểu hết mà ra ngoài ít người hiểu em nói chi. Em chiều chồng nhưng cũng sợ chồng em ghê.

Hồi mới sang cũng buồn, nhớ nhà, nhớ mẹ, riết cũng quen. Nếu có về Việt Nam thì chỉ chơi thôi chứ không về hẳn đâu, em sợ về Việt Nam lắm. Hôm rồi ổng ấy mua kem cho, lần đầu tiên được ăn kem ngon như thế.

Gần nhà em có cái đầm rộng nhiều vịt (thật ra là sếu – pelican) to lắm chắc tới chín ký, không biết có ăn được không?

Nếu bạn ở bển, có kinh nghiệm sống nào hay chia sẻ trong comment nhé. Xin cảm ơn.

19/10/07

CHỊ EM MUỐN GÌ?


Tôi làm một cái test: nhờ những người bạn của tôi nhắn tin cho vợ hoặc người yêu xem họ muốn được tặng gì nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.

Và đây là nguyện vọng của những người đẹp:

Nhóm tinh thần:
- Một nụ hôn thật nồng thắm anh nhé.
- Xiết em thật chặt trong vòng tay của anh.
- Cọ râu vào... ngực em.
- Đi xem phim mới ở Vincom!
- Xoá phim XXX của Vàng Anh khỏi điện thoại của anh.
- Tặng em cuốn "Lụa".
- Đưa em đi chơi trượt cỏ.
- Mai mình đi ASEAN Resort nhé.
- Hoa, hoa và hoa. Chocolate nữa nhé.
- Sáng mai em muốn uống càphê ở Highlands Hồ Tây.


Nhóm vật chất:
- Mua cho em cái chải lông mi đang quảng cáo trên tivi.
- Mùa thu rồi, em lạnh lắm, anh tặng cái gì cũng được. (Hic)
- Thế bao giờ anh định mua xe đây?
- Vẽ, quà làm gì, cứ đưa xiền đây cho em.
- Tặng đôi giầy mới đê!
- Mình ơi, Louis Vuiton giảm giá.

Còn bạn thì sao? Hãy viết vào comment. Nhỡ đâu người yêu (chồng) của bạn đọc được, anh ấy sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn.

Happy Vietnam Woman's Day!

HÀ NỘI VẪN CÒN THU



Mượn từ Blog của Bố Cu Hưng

Trưa hôm kia, từ Tòa soạn, chạy xe máy ra sân bay chỉ với một bộ đồ duy nhất trên người. Gửi xe ở bãi và lấy vé đi Hà Nội. Xuống Nội Bài lúc đã chiều, ta xi hỏi hành lý đâu, ta rằng ta không có. Bạn ở Sài Gòn điện thoại rủ nhậu, nói đang ở Hà Nội. Nó la oai oái ông đi hồi nào, rằng ta mới đi. Hỏi chừng nào vô, nói sáng mai. Vậy ra Hà Nội làm chi mà ra có một chút? Thưa rằng ta ra Hà Nội để uống cà phê vì Thu Hà Nội đẹp quá.

Mà đẹp thật. Mấy năm ở Hà Nội, tháng nào cũng có đôi bận ra sân bay đi công tác nhưng ít khi để ý cảnh vật bên đường . Ấn tượng nhất chỉ là mùa nào thì Hà Nội từ trên cao cũng bị che một lớp sương mờ. Hôm nay thì khác, những cánh đồng Đông Anh vừa gặt phơi chân rạ vàng, mấy con vịt ngụp lặn trên đầm nước, những chiếc xe đạp chở hàng rong vào phố trong nắng Thu.


(...)


Có cái gì đó đang thay đổi. Ô cửa cao ốc nhìn ra Hồ Tây như đẹp hơn, dù phải vượt tầm mắt ra khỏi những mái tôn giả ngói và một rừng nhà chóp diêm dúa, nhưng đã không còn đáng ghét. Dù có ai đó ở HN bảo là “bọn nhà quê từ Sài Gòn ra”. Ừ, so với cái kiêu sa của Thu xứ Bắc thì hình như những đứa SG như ta nhà quê thật.


Chia tay những ngọn nắng vàng để trở về Sài Gòn với một sân bay mưa rát mặt và đường ngập nước. Ra bãi lấy xe chạy về. Chợt bật cười: mình bụi đời quá, bộ quần áo mặc hai ngày hình như đã không còn có thể gọi là đàng hoàng.

Thay đổi không khí một chút sau ba tháng xất bất xang bang. Hai tháng cùng đồng nghiệp chuẩn bị báo ra hàng ngày, một tháng ngập đầu trong công việc. Chỉ một buổi tối ở HN đủ để nhận ra mình đang để công việc cuốn đi mà không kịp sống.


Hà Nội vẫn còn thu.

18/10/07

MAI ĐẦU NON



Sao không ở mai trang
May chăng gặp thục nữ

Sao không làm mảnh ngọc
Trăm năm cầm giữ lời nguyền

Giá chịu giấu mình trong tối
Muôn sau đời bình yên

Sao không về Cô Tô
Gieo bóng bên chùa Hàn San *

Bạn bầy cùng rau vi
Đỡ cơn đói lòng kẻ sĩ nghèo

Sao không làm ngọn gió
Đi cùng buồm sông sóng bể

Dẫu là hạt bụi nhỏ
Bay cuồng điên vó ngựa sa trường

Bất quá làm kẻ mất trí
Thênh thang đường thế gian...

Biết nói với người sao đây?
Sinh ra đã là thân mai
Mọc đơn độc nơi đầu non
Làm người tình của vô số vì sao bội bạc
Giá buốt mùi hương chìm trong tuyết

Riêng còn một màu trắng tinh khiết
Mù sương không giết nổi
Nở đợi người biền biệt đã bao đông...

(Ngô Mai Phong )

___________________________________
* Hàn San: Ngôi chùa được nhắc tên trong bài thơ bất tử " Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế, nhà thơ Trung Quốc - đời Đường.

17/10/07

CẢM BIẾN LÙI



- Này, xe ông có lắp cảm biến đấy à?
- Ừ, có 4 cái ở 4 góc xe với một cái ở đuôi xe. Cứ cách vật gì trong vòng từ 1m đổ xuống là nó bắt đầu phát tiếng bip bip để mình biết mà tránh.
- Hay nhỉ. Thế thì cũng tiện dụng. Nhưng đi đường Hà Nội mà nó cứ kêu suốt ngày thì sốt ruột lắm.
- Ừ mấy hôm đầu cũng thấy khó chịu. Nhưng bây giờ quen rồi. Nó cứ báo có người, xe hoặc chướng ngại vật ở gần thì cũng đỡ.
- Hôm nọ đi check xe, bọn ở garage cũng khuyên là nên lắp, nhưng cứ phân vân không biết có nên lắp không.
- Thôi, đi thạo rồi, còn lắp làm gì?
- Nói thế chứ, đi đường nhà mình đông bỏ xừ, người xe đi ẩu, có cảm biến nhắc, tránh va chạm, xây xát xe thì cũng đỡ xót.
- Ờ, nhưng xe đằng ấy có bảo hiểm toàn thân, xước xát gì thì bảo hiểm trả, lo gì!
- Đúng thế, nhưng chẳng nhẽ cứ dăm bữa nửa tháng lại đi bảo hiểm một lần à. Cũng phải lâu lâu mới đi chứ. Mà trong khoảng thời gian ấy chẳng nhẽ cứ đi với con xe bị xây xước?
- Thế thì còn chờ đợi gì nữa, lắp cảm biến thôi.
- Ừ, quan trọng nhất là cái cảm biến lùi. Mắt bắt đầu kém nên lái xe buổi tối cũng cần lắm đấy. Tuần tới lĩnh tiền sẽ đi lắp...
(...)
- À mà này, nếu có quả cảm biến lùi lắp cho người nhỉ? Con người ta đâu có phải lúc nào cũng tiến. Phải có lúc lùi chứ. Giá xử có cái cảm biến lùi, biết lùi đúng lúc, lại tránh được những nguy hiểm sau lưng thì hay biết mấy...

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TỰ DO (2)



Trích tiểu thuyết "Cuốn sổ vàng" (The Golden Notebook)
của Doris Lessing, nữ văn sĩ Anh đoạt Nobel Văn học 2007

(tiếp theo)

Cuối cùng thì Molly thở dài nói: “Tự do. Cậu có biết không, khi tớ đi xa ấy, tớ nghĩ về tớ và cậu, và tớ cả quyết rằng chúng ta là tuýp đàn bà hoàn toàn mới. Chúng ta phải là như vậy, đúng không?”

“Chẳng có điều gì mới dưới gầm trời này”, Anna cố tình nói theo giọng Đức. Điều đó khiến Molly càng bực tức - chị nói giỏi đến nửa tá ngôn ngữ: “Chẳng có điều gì mới dưới gầm trời này”, chị bắt chước hoàn hảo cái giọng xoe xoé của một bà già giọng đặc Đức.

Anna nhăn mặt, ghi nhận sự thất bại của mình. Chị không học được ngoại ngữ, do ý thức về bản thân mình quá rõ nên chị không thể trở thành một ai đó khác: có những lúc Molly trông thật giống Mother Sugar, biệt danh của bà Marks -người mà cả hai đến điều trị bằng phân tâm học. Cái cảm giác dè dặt mà cả hai cùng có về nghi lễ uy nghi và đau đớn được thể hiện qua con vật cưng có tên là “Mother Sugar”, mà một thời gian sau trở thành tên cho người nhiều hơn, ngụ ý toàn bộ cách nhìn đời của họ - thủ cựu, ăn sâu bám rễ, cổ hủ, bất chấp sự tương đồng đáng hổ thẹn của nó với bất cứ thứ gì phi luân thường đạo lý. Bất chấp cái cách mà Anna và Molly cảm nhận nghi lễ khi thảo luận về nó; cũng chính vì thế mà thời gian gần đây Anna ngày càng cảm được nhiều hơn; và đó cũng chính là một trong những điều mà chị muốn tranh luận với bạn mình.

Nhưng giờ đây phản ứng giống như vẫn thường làm trong quá khứ, đối với sự ám chỉ phê bình thoáng qua của Anna Mother Sugar, Molly nói nhanh: “Nhìn chung thì bà ta rất tuyệt và tớ không thừa hơi để phê phán”.

“Bà Mother Sugar thường nói: “Cô là Alectra” hay “Cô là Antigone”, và thế là chấm hết theo cách nghĩ của bà ấy”, Anna nói.

“Ờ, cũng không hẳn là chấm hết”, Molly nói vẻ chế diễu về những giờ dò dẫm đau đớn mà hai người vừa trải qua.

“Đúng thế”, Anna bất ngờ quả quyết khiến Molly lần thứ ba nhìn chị đầy tò mò. “Đúng. Mà tớ cũng có nói là bà ấy không làm cho tớ những điều tuyệt với nhất trên thế giới này đâu. Tớ tin chắc là tớ chưa bao giờ đương đầu được với những điều mà tớ phải đương đâu khi không có bà ta. Nhưng nói chung… tớ nhớ rất rõ một buổi sáng, ngồi tại đó – trong căn phòng lớn, những luồng sáng trên tường bí hiểm, Đức Phật, những bức tranh, những pho tượng”.

“Thế thì sao?” – Molly nói lộ rõ giọng chỉ trích.

Đối diện với quyết tâm rõ ràng nhưng không thổ lộ về chuyện không tranh cãi chủ đề này nữa, Anna nói: “Tớ cứ nghĩ mãi về chuyện đó trong suốt mấy tháng qua… giờ đây tớ muốn nói chuyện ấy với cậu. Dù sao thì cả hai ta đều đã trải qua chuyện đó, và với cùng một người…”

“Thế thì sao?”

Anna tiếp tục: “Tớ nhớ cái buổi chiều biết rằng tớ sẽ không bao giờ quay trở lại. Tất cả thứ nghệ thuật khốn khiếp ấy bừa bãi khắp nơi”

Molly hít một hơi thật dài. Chị nói nhanh: “Tớ không biết cậu định nói gì”. Do Anna không trả lời, nên chị nói giọng buộc tội: “Mà cậu có viết gì kể từ khi tớ đi vắng không đấy?”

“Không”

“Này tớ nói cho cậu biết”, giọng Molly rít lên, “Tớ sẽ không bao giờ tha thứ cho cậu nếu cậu vứt bỏ tài năng của cậu. Tớ nói thật đấy, tớ không thể chịu đựng được việc trông chừng cậu - Tớ đã lang chạ với vẽ, múa, diễn, viết, và bây giờ thì… cậu rất có tài, Anna ạ. Tại sao thì tớ cũng không thể hiểu nổi.

“Làm sao tớ có thể nói tại sao khi mà cậu lúc nào cũng gay gắt và chỉ trích?”

Mắt Molly ngấn nước. Những giọt nước mắt ấy đã được kìm nén khi chị buông ra lời chỉ trích nặng nề nhất đối với bạn mình. Chị bộc lộ một cách khó khăn: “Trong sâu thẳm tâm tư, tớ vẫn nghĩ, rồi tớ sẽ lấy chồng, cho nên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tớ phí phạm tài năng bẩm sinh của tớ. Cho đến gần đây thậm chí tớ còn mơ ước có thêm con – đúng tớ biết đó là điều xuẩn ngốc, nhưng sự thực đúng là như thế. Tớ đã 40, mà Tommy thì đã lớn. Nhưng vấn đề là cậu lại không viết chỉ bởi vì cậu nghĩ đến chuyện lấy chồng…”

“Nhưng cả hai ta đều muốn lấy chồng”, Anna nói với vẻ hài hước; tinh thần cuộc nói chuyện được phục hồi; chị đau đớn hiểu rằng cuối cùng chị vẫn không đủ khả năng để tranh luận một số chủ đề với Molly.

Molly cười khan, chiếu tia nhìn rát buốt và chua xót vào người bạn và nói: “Thôi được rồi, nhưng rồi cậu sẽ phải hối tiếc đấy”.

“Hối tiếc”, Anna bỗng phá lên cười. “Molly, sao cậu không bao giờ chịu tin rằng những người khác lại có những khiếm khuyết mà cậu có nhỉ?”

“Cậu khá may mắn vì chỉ có một tài, chứ không phải bốn tài”.

“Hình như một tài của tớ có áp lực rất mạnh đến bốn tài của cậu?”

“Tớ không thể nói với cậu trong tâm trạng thế này. Tớ pha trà cho cậu trong khi chúng ta chờ Richard nhé?”

“Tớ thích uống bia hay cái gì đó khác”, chị trả lời giọng khiêu khích. “Tớ nghĩ tớ sẽ rất hứng chí được uống vào thời điểm muộn hơn”.

Molly lên giọng đàn chị, chính cái giọng mà Anna đã đưa ra: “Cậu đừng có bỡn cợt, Anna. Nhất là khi cậu thấy điều đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào - cậu nhìn Marion ấy. Tớ tự hỏi không biết cô ấy có say sưa khi tớ đi vắng không?”

“Tớ có thể nói với cậu là cô ấy có – đúng thế, cô ấy có đến gặp tớ vài lần”.

“Cô ấy đến gặp cậu à?”

“Đấy là chuyện mà tớ muốn nói đấy, tớ đã nói với cậu rồi tớ có thể hoán đổi mà”.

Là người theo quan điểm chiếm hữu, Molly tỏ rõ sự oán giận, Anna biết chị sẽ có thái độ như thế khi nói: “Tớ cho là cậu sẽ nói Richard cũng đến gặp cậu đấy chứ?” Anna gật đầu; Molly nói mạnh mẽ: “Để tớ đi lấy bia”. Từ bếp trở ra với hai cái ly cao được để lạnh lấm tấm hạt nước, chị nói: “Nào, tốt nhất là cậu hãy nói với tớ tất cả trước khi Richard đến, nhé?”

Đây là bản dịch có bản quyền. Đề nghị không post lên blog hoặc diễn đàn.
Xin cảm ơn.

16/10/07

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TỰ DO (1)



Trích tiểu thuyết "Cuốn sổ vàng" (The Golden Notebook)
của Doris Lessing, nữ văn sĩ Anh đoạt Nobel Văn học 2007

Những người đàn bà tự do: Một
Anna gặp bạn là Molly
mùa hè 1957 sau một thời gian không gặp

Chỉ có hai người đàn bà trong một căn hộ ở London.

“Chuyện là thế này”, Anna nói khi bạn chị trở lại từ chiếc máy điện thoại ở đầu cầu thang, “Chuyện là thế này, tớ thấy, mọi thứ sắp rối tung lên cả”.

Molly là người đàn bà rất khoái điện thoại. Khi nó đổ chuông, chị đã điều tra ngay: “Nào, xem có tin đồn gì nào?”. Giờ đây chị nói, “Richard gọi. Anh ấy đang đến đây. Có vẻ như hôm nay là ngay duy nhất anh ấy có chút thì giờ rảnh rỗi cho tháng tới. Hoặc ít ra là anh ấy nói như thế”.

“Này tớ không đi đâu nhá”, Anna nói.

“Không, cậu cứ ở nguyên đấy”.

Molly ngắm nghía lại diện mạo của mình - chị mặc cái quần và cái áo len dài tay, cả hai đều đã quá tã. “Tớ đã về, nên anh ấy sẽ phải ôm tớ” - chị kết luận và ngồi xuống bên cạnh cửa sổ. “Anh ấy chẳng chịu nói có chuyện gì - tớ đồ là lại có chuyện cơm không lành canh không ngọt với Marion”.

“Anh ấy không viết cho cậu à?”, Anna thận trọng hỏi.

“Cả anh ấy lẫn Marion đều viết- những bức thư rất chi là tình củm. Thực là kỳ quặc, đúng không?”

Thực là kỳ quặc, đúng không? là câu nói điển hình trong những cuộc trò chuyện tâm tình mà họ đào bới tin đồn. Nhưng đã dò đúng được tông câu chuyện, Molly lại nghẹo sang hướng khác: “Thôi nói chuyện đấy cũng chẳng ích gì bởi vì anh ấy nói là anh ấy sắp đến rồi”.

“Có lẽ anh ấy sẽ bỏ đi nếu thấy tớ ở đây”, Anna nói giọng vui vẻ, nhưng hơi có phần hùng hổ. Molly liếc xéo chị và nói: “Ồ, nhưng vì lẽ gì chứ?”

Chị luôn hiểu rằng Anna và Richard chẳng ưa gì nhau; trước đây Anna luôn bỏ đi mỗi khi chị chờ Richard đến. Molly nói: “Thực ra tớ nghĩ trong tâm khảm anh ấy cũng khá quý cậu đấy chứ. Vấn đề là anh ấy cam kết quý tớ, về nguyên tắc – anh ấy vẫn điên rồ như thế anh ấy luôn phải hoặc là quý hoặc là không ưa một ai đó, và tất cả những gì không ưa mà anh ấy không thừa nhận là anh ấy có với tớ, đều bị đẩy sang phía cậu”.

“Vui thật”, Anna nói. “Nhưng cậu có biết điều gì không? Tớ phát hiện ra là trong thời gian cậu đi vắng thì đối với rất nhiều người tớ với cậu hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau đấy”.

“Mãi đến giờ cậu mới hiểu điều đó à?”, Molly nói, lộ rõ vẻ đắc thắng như mọi lần Anna chật vật theo kịp – theo chị thì mọi chuyện đều hiển nhiên.

Trong mối quan hệ này, sự cân bằng đã bị phá vỡ từ rất sớm; Molly nhìn chung từng trải hơn so với Anna, còn Anna thì lại rất tài năng.

Anna luôn giữ quan điểm riêng. Chị mỉm cười thừa nhận rằng bao giờ chị cũng chậm hiểu.

“Tính mọi điểm thì tớ và cậu đều rất khác nhau”, Molly nói. “Thực là kỳ quặc. Tớ nghĩ là cả hai chúng ta đều có chung một kiểu sống, không lấy chồng và vân vân. Tất cả mọi người đều thấy thế”.

“Đàn bà tự do”, Anna nói nhăn nhó. Chị giận dữ, thứ hoàn toàn mới lạ đối với Molly, chính vì thế mà chị nhận thêm một cái liếc đầy dò xét từ người bạn: “Họ vẫn còn đang xếp loại tớ với cậu từ góc độ quan hệ với đàn ông đấy, ngay cả những người tốt nhất trong bọn họ”.

“Vậy thì chúng ta cũng xếp loại, sao lại không nhỉ?” Molly nói chanh chua. “Ờ, cũng khó mà không làm”, chị hấp tấp sửa lại sau khi bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của Anna. Hai người bỗng lặng im, họ không nhìn nhau nhưng điều đó cho thấy một năm không gặp quả là thời gian dài, ngay cả đối với một tình bạn lâu năm.

(còn nữa)

Đây là bản dịch có bản quyền. Đề nghị không post lên blog hoặc diễn đàn.
Xin cảm ơn.

15/10/07

SAY GOOD-BYE!



Đời sẽ không bao giờ vắng câu "Tạm biệt". Bởi vì nó là một hành động vô cùng cần thiết. Và bởi vì "tạm biệt" thường buồn, nhưng thường đẹp.

Nhóm các bạn có 15 người. 15 người khá nhất trong số sáu chục người muốn thử sức ở tờ báo này.

Người đầu tiên nói "tạm biệt" ngay sau ngày gặp mặt đầu tiên. Bạn viết một bức thư khá dài và lý giải rằng bạn rất tiếc không thể khởi hành cùng 14 người còn lại, bởi vì bạn rất nặng gánh gia đình, và bạn phải chọn nơi thực sự là chỗ dựa cho bạn về mặt tài chính.

Người thứ hai nói "tạm biệt" sau hai tuần học nghiệp vụ. Bạn thực sự để lại ấn tượng mạnh trong tôi về thái độ học hỏi nghiêm túc, tìm hiểu mọi sự đến tận gốc rễ. Nhưng mẹ bạn không muốn con gái theo nghề báo. Mặc dù được sự ủng hộ của cha, nhưng bạn không muốn làm mẹ đau lòng. Âu cũng là một sự lựa chọn đúng.

Người thứ ba nói "tạm biệt" cũng là một người có khả năng. Bạn có lập luận tốt và logic. Tôi nhìn thấy ở bạn khả năng tổ chức và triển khai công việc. Nhưng hình như bạn sớm nhận ra báo không phải là nghề của bạn. Mặc dù lời giải thích của bạn về sự ra đi không thuyết phục tôi lắm. Nhưng tôi vẫn tôn trọng sự lựa chọn của bạn.

Giờ còn lại 12 người.

Sau 4 tuần thử làm nhà báo chuyên nghiệp, các bạn dường như đã mất đi cái nhuệ khí sự hăng say lúc ban đầu. Các bạn phải đối mặt với những vấn đề thực tế rất nghiệt ngã của nghề báo. Hình như có những bạn hoang mang: Nghề báo mà chúng ta mơ ước là thế này ư? Hình như có những bạn mệt mỏi: Chao ôi, bao giờ tôi mới thoát khỏi cửa ải trầm luân này?

Và chắc chắn có bạn nghĩ đến bỏ cuộc.

Bỏ cuộc? Không lẽ bạn lại dễ đầu hàng thế?

Bạn còn rất trẻ. Bạn đã vượt qua những thử thách ban đầu để lọt vào top 15. Bạn có 6 tháng để thử sức, để khám phá và để sống.

Vậy tại sao mới đi được 1/6 quãng đường, sức chưa thử được bao nhiêu, khám phá chưa được gì nhiều và hầu như chưa được sống với nhịp đập và hơi thở thực thụ của nghề báo, bạn đã bỏ cuộc?

Bạn thiếu gì? Thiếu quyết tâm, thiếu lòng yêu nghề, hay thiếu kiên nhẫn?

Bạn sợ gì? Sợ không làm được việc, sợ làm thất vọng người khác, hay sợ bị mất sĩ diện vì khi đi đến cuối chặng đường chỉ nhận được giấy chứng nhận chứ không phải hợp đồng làm việc?

Tất cả chỉ là nguỵ biện, bởi vì nếu bạn không đi đến cuối chặng đường ngắn ngủi này, thì bạn có thể sẽ chẳng đi trọn vẹn được những chặng đường khác trong cuộc đời của bạn.

Cuối cùng, xin tặng bạn một câu: "Happiness is not a station you arrive at, but a manner of travelling" (Margaret Lee Rubeck).

Hay cũng ý đó, theo Che Guevara là: "Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích, mà là trên từng chặng đi"

14/10/07

CẢM XÚC GIAO MÙA



Đất trời đang chuyển mùa.
Mạn phép trích dẫn những dòng cảm xúc giao mùa trên blog bạn bè.


Cả tuần làm việc rồi, tối thứ bảy rất muốn đi chơi để có thêm một luồng sinh khí mới, cho cuộc sống thư thái hơn. Bữa trưa mẹ dặn dò em kỹ lưỡng trước khi đi làm, câu: "gió mùa Đông Bắc về" sao nghe thân thương và mềm lòng đến thế! Và đêm qua trời đổ mưa, gió rất mạnh và rét. Anh đến đón em về, em không đòi đi chơi, vì biết chắc thế nào anh cũng nói: "Trời này chỉ có đi chơi bằng niềm tin". Em rất sợ đi xe máy mà phải chui vào áo mưa, cái mùi của nó ngột ngạt giống như đang trên ô tô vậy, và em sẽ say mất, có lần còn ốm một tuần liền vì ngồi trong áo mưa quá lâu. Mà lạ là lúc ấy em không ngửi thấy mùi áo mưa gì hết, chỉ có duy nhất một mùi "hoa sữa" cứ nồng nàn quẩn quanh lấy áo anh, vương vất hoài trong đó, hơi ấm từ vòng tay xiết chặt, từ cái ôm ghì đầy yêu thương hạnh phúc. Cảm ơn hương hoa sữa trong cơn mưa! (Hà Lan Girl)

Chủ Nhật, Hà Nội lạnh, Kobe cũng lạnh. Thời tiết này thật thích hợp cho việc ngủ. Trời lạnh, ừ, ai cũng thèm một cái ôm. Ôm gối cho nó lành. Buổi sáng, tỉnh dậy lúc 11h45p, ăn trưa, rồi lại ngủ tiếp đến 19h45p. Ôi bình yên, ôi bình yên nép trong lòng chăn. (N-QUY)

Sáng nay thức dậy/Cạn hết mưa nguồn/Nắng lên.../Nhưng khoảng trống cuối cùng trong anh/Đã trở thành lao xao/Phố huyện.../Anh biết đi đâu bây giờ? (Thình Măng)

Sao lại có loài hoa rung rinh như thế, Nét thu Hà nội, lành lạnh mà thơm tho. (Nikita)

Trời Hà nội cuối thu, xe xe lạnh, hương hoa sữa lúc thoang thoảng, lúc đậm đặc, những ngày cuối tuần bình yên. Nhưng có thật sự bình yên không nhỉ? (Baba – Hoàng tử bóng râm)

Thu đang qua, và đông đang tới. Tối hôm kia, mẹ bế Uru lang thang quanh khu. Bất chợt mùi hoa sữa chen vào giữa hai mẹ con. Ồ, vậy chắc chắn là có hai cây hoa sữa. Ngó quanh quất, chưa phát hiện mùi hương xuất phát từ đâu. Cây hoa sữa ẩn mình, kín đáo toả hương, rải dài ra khắp con phố. Vừa xa đủ để mùi hương nhạt nhoà, thì cây hoa sữa thứ hai tiếp thêm độ nồng nàn. (Uru)

Nhớ lần đầu tiên đi Pháp. Hàng cây ở đại lộ Khải hòan môn trụi hết lá, cong queo, màu xám xịt. Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy đầu cành đồng loạt ánh lên màu đỏ rực của lộc cây sắp trổ. Em đứng ngẩn ngơ nhìn mãi. (Grass)

Chả hiểu tự bao giờ, mưa luôn đem cho người ta cảm giác buồn bã và nhung nhớ. Cái ướt, cái lạnh khiến người ta chỉ muốn thu gọn lại trong lòng, gặm nhấm nỗi buồn của mình, ve vuốt những nỗi đau mà trong đó có những nỗi đau ta có thể chia sẻ, cũng có những nỗi đau không có cơ hội được giãi bày, mãi mãi chôn kín cho đến khi ta trở về với cát bụi. Khi vui, ta tìm đến phim ảnh. Nhưng khi buồn, âm nhạc trở thành nơi để ta nương tựa. Nơi nương tựa ấy, có khi làm cho ta tạm thời quên đi nỗi buồn ẩn chứa trong lòng, nhưng cũng có khi càng dấn ta sâu vào niềm đau.

Tự dưng dạo này thích nghe nhạc buồn, nhất là những lúc trời mưa. Càng thích nghe nhạc buồn hơn khi ta vừa trải qua một thời kỳ đau buồn hoảng loạn, thời kỳ mà hàng loạt người thân mà ta yêu thương, ta quen biết bỗng dưng giũ hết hồng trần để trở về với cát bụi. Ta ít nhiều mất đi niềm tin vào cuộc sống này, mặc dù ta vốn là đứa lạc quan. Nghe nhạc buồn, ta thật sự cảm phục người viết nhạc, bởi những bài nhạc của họ gần như cover hết những niềm đau nỗi buồn mà đời người dù muốn dù không cũng phải trải qua không nhiều thì ít. Ta tìm thấy bản thân mình trong chính những tác phẩm không dành cho ta ấy. (Doan Tien st)

Cả tối, mình nghe Phương Linh hát bài này (Mong anh về). Cảm giác mong chờ khiến cho người ta luôn thấy ngày dài hơn. Đối mặt với nỗi cô đơn, sẽ nhận ra nhiều điều mà trước kia mình không dễ gì nhìn thấy. (Mr. Moon)

Thành phố buổi chiều cơn mưa đuổi nắng... (Hoàng Nguyên Vũ)

Có điều gì đó không rõ ràng lắm trong tôi. Bâng khuâng lãng đãng... mùa thu càng khiến tôi thấm thía điều ấy. Những nụ quỳnh ngoài cửa sổ vẫn nở. Tôi đã không bắt mình thôi để ý đến nó được. Dù giờ đây tôi đang rối bời cả lên ... Tôi nhiều khi lãng mạn quá chừng, phải không tôi? (TờRang)

Cái con phố bé xíu nhà mình thế mà cũng có đến mấy cây hoa sữa. Đặc biệt một cái là cây nào cũng... lùn, còn hoa thì dày đặc từng chùm. Bình thường cũng chẳng mấy khi để ý đến nó, một phần vì chỉ đi lướt qua, một phần cũng chẳng có thời gian để mà ngửa cổ nhìn lên trời.

Cây thì có thể bỏ qua, nhưng mùi hương của nó thì không thể giả vờ không biết được. Cứ chiều sâm sẩm tối là bắt đầu ngào ngạt. Cửa sổ phòng mình lại nhìn thẳng ra góc phố có cây hoa lùn ấy. Mặc dù còn bị vướng mấy cái cây to đùng khác nữa, nhưng chỉ cần mở cửa sổ ra là cả phòng đã tràn ngập cái mùi không thể lẫn vào đâu được. Nhất là khi có những cơn gió nhẹ nhàng tràn qua...

Chưa bao giờ thấy mùa thu lại gần đến như thế. (Hanh Myu)

Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm... (Lật đật)

Bụi trong mắt…góc thốc gió…một ngày không mưa bão…

Thế rồi đâu cũng vào đó…bắt gặp kẻ độc hành trên con phố dài hun hút đêm nay thấy quen mà xa lạ quá. Thế rồi đâu cũng vào đó…bắt gặp kẻ độc hành trên con phố dài hun hút đêm nay thấy quen mà xa lạ quá. (Lê Thắng)

Ngày qua len lén nỗi buồn/Cố quên mà lại cứ càng nhớ mong/Trái tim đã hoá giá đông/ Giơ tay mà với trời không thấu trời (Hà Thạch Hãn)

Ảnh: Sông Hương của Hoàng Văn Minh

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết