(Viết nhân 100 năm ngày sinh của Akira Kurosawa)
“Ở Nhật Bản người ta toàn hỏi tôi những câu vô nghĩa. Tôi không trả lời” – Akira Kurosawa kể. Vì tính bướng bỉnh và thái độ không nhân nhượng mà Kurosawa có biệt danh là “Hoàng đế”.
Ông là người con thứ bảy (con út) trong gia đình có cha là võ sĩ samurai. Từ bé ông đã theo cha học võ. Nhưng ông đã “phản bội” cha để đi theo một con đường khác – điện ảnh. Người anh cả của ông là Heigo cũng không thực hiện được hy vọng của cha về theo đuổi con đường binh nghiệp. Năm 27 tuổi, anh cùng người bạn gái bỏ vào núi và cả hai đã quyên sinh tại đó.
Sự nghiệp điện ảnh của Kurosawa bắt đầu sau khi ông giành phần thắng trong một cuộc thi và trở thành trợ lý đạo diễn tại hãng phim “Toho”. Bộ phim ông làm từ đầu đến cuối có tên là “Huyền thoại judo” (Sanshiro Sugata) được công chiếu rộng rãi năm 1943. Nhưng Kurosawa không coi đó là tác phẩm đầu tay, bởi ông luôn tự tin rằng mình là đạo diễn giỏi nghề. Ở tuổi 33, ông tự mình đi một con đường trong điện ảnh và đặt ra những quy chuẩn của riêng mình. “Đừng nói nhiều”, - Kurosawa thường nói với các đồng nghiệp như vậy.
Kurosawa là đạo diễn kiệt xuất. Bởi vì để đem đến cho khán giả thứ điện ảnh trung thực, cần phải quay cái mà anh muốn, chứ không nên quay cái mà vì thứ đó người ta trả tiền. “Tôi không thể lừa dối khán giả vì tiền” – ông nói. Người Nhật thích thưởng ngoạn những khoảnh khắc. Vì vậy, ông chăm chút từng chi tiết để gây ấn tượng mạnh. Trong cảnh cuối của phim “Ngai vàng đẫm máu” (Throne of Blood) ông đã cho bắn diễn viên Toshirō Mifune bằng mũi tên thật từ khoảng cách rất gần. Độ an toàn của diễn viên phụ thuộc hoàn toàn vào sự thiện nghệ của người bắn tên. Còn trong phim “Ran” ông đã cho xây dựng một lâu đài thật trên núi Phú Sĩ. Chỉ để đốt cho hiệu quả thật của cảnh quay.
Để diễn viên quen với phục trang, ông bắt họ phải mặc trang phục đó mấy ngày trước khi quay. Để quay cảnh có thời tiết khác biệt, ông sẵn sàng chờ hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Các thành viên trong đoàn làm phim của ông đều biết rõ rằng: nếu Kurosawa chỉ bắt diễn viên quay lại một lần, điều đó có nghĩa là ông không thích cảnh đó và không quan tâm đến nó nữa.
Mở hãng phim của chính mình “Kurosawa Production”, ông có thể sáng tạo tương đối độc lập. Tất cả các bộ phim của ông đều giành được những giải thưởng danh giá ở nước ngoài trong khi ở trong nước bị các nhà phê bình điện ảnh Nhật Bản đánh cho tơi tả. Ông thường thiếu tiền, vì vậy đã đồng ý cộng tác với Hollywood. Ở tuổi 50, ông cao lớn, ăn mặc trẻ trung và sang trọng. Chính vì điều đó mà các ông bầu phim Mỹ trông đợi ở ông phép màu lạ lẫm từ đất nước Phù Tang có thể đổi gu cho nền điện ảnh của họ. Nhưng họ không biết rằng Hoàng đế đang đến với họ.
Năm 1966 ông đồng ý dựng bộ phim “Chuyền tàu-kẻ đào tẩu” cùng một dàn sao Mỹ. Nhưng ông không thể tìm được tiếng nói chung với các nhà sản xuất. Ông muốn dựng một bộ phim triết lý sâu sắc, nhưng họ lại đề nghị ông phải có vài cảnh phụ nữ khỏa thân. Không những thế, tính thực dụng và hệ thống hợp đồng nghiệt ngã của điện ảnh Mỹ đã khiến ông phải chào thua. Kurosawa không thể hiểu tại sao người ta có thể cho ra đời tác phẩm nghệ thuật trong những điều kiện như thế. Người Mỹ lại cho rằng ông bị trầm cảm và buộc ông phải đến trị liệu ở ba bác sĩ thần kinh. Cuộc xung đột chấm dứt với việc hủy bỏ hợp đồng.
Trở về Nhật Bản, Kurosawa buộc phải bán nhà để bắt đầu từ con số không. Đó là giai đoạn đen tối trong cuộc đời ông. Và vào một ngày tháng 12.1971, ông đã tự tay cắt ven. Nhưng rõ ràng là số phận chưa bắt ông phải chết. Ông được cứu thoát từ cái bồn tắm đầy nước. Kurosawa buộc phải sống thêm gần 30 năm nữa.
Ông đành phải kiếm tiền bằng cách quay phim quảng cáo cho rượu wisky Nhật Bản. Ông làm việc đó song song với cuốn phim lịch sử sau này trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới “Kagemusha”. “Không ai chi tiền cho tôi. Tất cả đều nói phim lịch sử thì ai quan tâm. Tôi quay “Kagemusha” để chứng minh sự thật không phải như vậy”, - Kurosawa nói.
Và ông đã chứng minh được điều đó. 12 năm sau vụ tự sát bất thành, ông đã xây dựng hãng phim “Kurosawa Film” ở Yokohama. Năm 1990, thế giới được xem bộ phim “Những giấc mơ của Akira Kurosawa” (Dreams) với 8 đoạn về tư duy và thế giới quan của ông, về cuộc sống, cái chết, sáng tạo và bản chất con người. Đạo diễn lừng danh Hollywood Steven Spielberg là giám đốc sản xuất của phim.
Bộ phim cuối cùng của ông “Vẫn chưa” (Madadayo)ra mắt tháng 4.1993. Vị giáo sư già cùng các học trò của mình lúc thì thưởng ngoạn rượu sake, lúc thì phân tích những giọt nước mưa. Bên ngoài cánh cửa chiến tranh đến, rồi đi qua mà không ai phát hiện ra. Ông giáo già và vợ phát hiện ra những điều khác, mà theo họ thì quan trọng hơn: những chiếc mộc nhĩ trên thân cây, cái nắng mùa hè, những cụm lá vàng và đỏ nhuốm tuyết trước cửa nhà.
Tên của bộ phim lấy từ một câu thoại: “Ông đã sẵn sàng sang thế giới bên kia chưa?”, “Chưa, vẫn chưa!”
Kurosawa tự cho mình giống công tước Myshkin trong tác phẩm “Chàng ngốc” của đại văn hào Nga Fedor Dostoevsky. “Tôi thường đọc đi đọc lại sách của Dostoevsky. Không ai có khả năng viết về con người, tâm lý và số phận của con người hay như thế. Nhờ ông mà tôi hiểu cuộc sống” – Kurosawa kể. Ông cho rằng để viết kịch bản, cần phải học thuộc những cuốn tiểu thuyết và những vở kịch của các tác giả khác: “Tôi muốn hiểu những tình cảm làm tâm hồn tôi xao động bắt nguồn từ đâu?”
Bộ phim mà ông hài lòng nhất chính là chuyển thể tiểu thuyết “Chàng ngốc” (The Idiot). Kurosawa chuyển bối cảnh bộ phim sang Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới II, ở Hokkaido. Các nhân vật đều mang tên Nhật. Giới phê bình điện ảnh thế giới cho rằng đây là bộ phim chuyển thể hay nhất và trung thực nhất tác phẩm của Dostoevsky.
Nhưng giới phê bình điện ảnh Nhật Bản đầu thập niên 1950 lại không đánh giá cao bộ phim. Họ cho rằng nó không đảm bảo các tiêu chuẩn của một bi kịch cổ điển Nhật Bản. Làm xong bộ phim này, Kurosawa buộc phải rời khỏi hãng phim “Sekino”. “Nhưng dù thế nào thì đây vẫn là bộ phim hay nhất của tôi. Tôi biết chính xác như vậy. Tôi đã nghiền ngẫm nó rất lâu và dồn vào đó mọi kinh nghiệm đạo diễn. Có lẽ tôi thích “Chàng ngốc” bởi vì tôi giống nhân vật chính của tiểu thuyết – công tước Myshkin” – Kurosawa nói.
Tiểu sử
1910, 23.3: Akira Kurosawa chào đời ở ngoại ô Tokyo.
1936: Trở thành trợ lý cho đạo diễn K. Yamamoto. 7 năm sau, ông dựng bộ phim đầu tiên “Huyền thoại judo”.
1944: Nữ diễn viên Yoko Yaguchi (1921-1985) đóng trong bộ phim “Đẹp nhất”. Hai người kết hôn ngày 21.5.1945. Họ có hai con: con gái Kazuko và con trai Hisao. Hisao sau này trở thành nhà sản xuất và làm việc cùng cha.
1948: Làm quen với đạo diễn Toshiro Mifune. Ông này về sau đóng hầu hết các phim của Kurosawa. Hai người cùng làm bộ phim “Thiên thần say”. Ba năm sau, ông chuyển thể tiểu thuyết “Chàng ngốc”.
1951: Đoạt Oscar Phim nước ngoài hay nhất cho "Rashomon". Đây là phim Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Oscar. "Rashomon" còn đoạt "Sư tử vàng" tại LHP Quốc tế Venice.
1952: Mẹ đạo diễn qua đời. Ông dựng bộ phim buồn đầu tiên có tên “Sống”. Ba năm sau, ông cho ra đời “7 võ sĩ samurai” – một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của ông.
Tháng 4.1955, ông thành lập hãng phim “Kurosawa Pro”.
1973: Hợp tác với Liên Xô làm bộ phim “Dersu Uzala”. Phim này đoạt Oscar năm 1975.
1980: Nhận giải Cành cọ Vàng cho phim "Kagemusha". Phim này còn đoạt BAFTA đạo diễn xuất sắc nhất và Cesar Phim nước ngoài hay nhất.
1982: Nhận giải "Sư tử vàng" thành tựu trọn đời.
1990: Nhận giải Oscar thành tựu trọn đời. Một năm sau ra mắt phim “Bản rhapsody tháng Tám” (Rhapsody in August)về thảm họa nguyên tử ở Nagasaki.
1998, 6.9: Qua đời tại Tokyo.
28 comments:
Xấu hổ quá, mình không hề biết một tý gì về Hoàng đế cả.
Có đề tài nào anh Cường ko viết đc nhỉ, đúng là "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" :)
Phim của bác này nổi tiếng đến nỗi sách dạy tiếng Nhật cho newbie cũng có đưa phim của bác ý vào nữa :D
Thật là tệ. Anh không biết gì về điện ảnh Nhật cả. Hic! Quả là mình kém tệ. Và chợt có một thắc mắc: Vì sao phim Nhật không phổ cập ở Việt Nam mình như phim Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc nhỉ?
VMC ơi, Dứa ơi,trả lời cho anh nhé! Biết đâu anh lại có cơ hội!
Oài, phim Nhật khá là triết lý nên khá là khó xem, anh Thụy ơi . ĐIện ảnh Nhật rất lớn, chỉ sau Hollywood, cho nên làm việc với công nghiệp điện ảnh Nhật cũng phải có mấu mới làm nổi nữa anh ợ :-)
Anh C ơi, em thấy tên của Hoàng đế viết ngược lại cơ . Hong phải A.K mà là Kurosawa Arika là sao?
Đọc bài này lại tự hỏi không hiểu một con người gai góc xù xì và một tròn trịa, ai dễ thành công hơn nhỉ??
@Titi:
Akira là tên, Kurosawa là họ. Tùy người viết mà tên hay họ được đặt trước. Cũng giống như bọn Tây có thể viết là Hương Đặng, thay vì Đặng Hương. Hè hè.
Hay quá, bi h em mới biết đến đó Hoàng đế này, những người sinh cung Dương Cưu rất đặc biệt anh nhỉ? Cảm ơn bài viết của anh,
Em cũng mới nghe lần đầu. Cảm ơn anh vì bài viết bổ ích.
@Mai: Khen vừa thôi Mai ơi, những thông tin này có hết trên Internet, a chỉ soạn lại thôi mà.
@Dứa: Thật thế à? Trẻ con làm sao hiểu được phim của bác ấy nhỉ?
@Thụy: Nhật Bản có nhiều phim hay phết. Điển hình là cái phim năm ngoái đoạt Oscar có tên là "Departures". Anh nên xem phim này. Link tham khảo ở đây: http://vmcinhanoi.blogspot.com/2009/06/chet-la-canh-cong-e-khoi-hanh.html
@Lana:
Vấn đề Lana đưa ra rất hay. Cả hai đều có cơ hội thành công. Nhưng những người tròn trịa thì thường thành công cho chính bản thân họ, còn những người gai góc thì thường đem lại thành công cho một trào lưu mà họ khởi xướng. Do vậy loại người thứ hai thường được lưu danh.
@Lan & Phú: Cảm ơn các bạn.
@MC3: Có phải ai cũng biết hết mọi thứ đâu bạn? Vẫn chưa muộn mà.
Hihi, đúng rồi, em cũng đang định khuyên anh Thụy nên bắt đầu với Okuribito (The Departures), vừa dễ xem, vừa cảm động và vừa giàu triết lý.
Đọc chàng ngốc rồi, rất thích. Nhưng phim của ông này thì chưa xem, search trên google tên thấy Akira Kurosawa hoàng tráng gớm, phải download film của ông này về xem mới được. Những tính cách này thật đáng kính trọng. Cám ơn anh VMC.
Em bỗng quan tâm đến "Chàng ngốc" của Dostoevsky quá, nhưng tìm trên net, hiệu sách hông có, có ai bít hông? Help me,
Em thích đọc mấy bài nói về tiểu sử những người nổi tiếng thế này, hay. Nói đến film Nhật thì em cũng thích nhạc theme của Nhật luôn. Nhạc của composer Shigeru Umebayashi hay lắm. Ông ấy viết nhạc đệm cho film, đa số là những fim nổi tiếng.
@HwoangNguyen:
Phim nào của bác này cũng đáng xem cả. Ngoài "Kagemusha", thì nên xem "7 võ sĩ samurai", "Rashomon"... Đó thực sự là những kiệt tác.
@Lan: Chắc phải tìm ở mấy hiệu sách cũ thôi. Tùy người dịch mà tiêu đề sách có thể là "Chàng ngốc", hoặc "Thằng ngốc".
@LU: Nhạc của Kitaro cũng rất đáng nghe.
@ Lan: Trên mạng có bản tiếng anh, sách in Tiếng Việt giờ hiếm lắm, thư viện nhà bác mình có nhưng muốn đọc sách của ông thì phải trở thành bạn của ông. Mà thời gian để trở thành bạn của ông hơi bị lâu, trước bác Hách (Nhà văn Nguyễn Phan Hách) phải mất 2 năm đi đi lại lại mới mượn được sách của ông đấy. Mà bạn là con gái thì chắc chắn là không được rồi, trừ phi bạn 60 tuổi trở lên và tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh cùng bác mình thì may ra mới có cơ hội, chia buồn nhé ;))
P/S: Thử tìm ở các thư viện lớn xem sao. Chỉ giúp bạn được nhiêu đó thôi.
@ Lu:
Share or Publish mấy bản chọn lọc của Shigeru Umebayashi đi em.
Vâng, em cảm ơn mọi người, em sẽ tìm xem thế nào,
Anh Cường: tên của người Nhật ở trong nước thì viết họ trước và tên sau, còn khi trong quan hệ với đối tác nước ngoài họ viết theo kiểu Âu -Mỹ tức là tên rồi mới đến họ.
Trong nước Nhật thì sẽ viết:Kurosawa Akira
Còn khi người nước ngoài viết bài về ổng thì người ta viết theo " kieeur Tây" là Akira Kurosawa.
@Nặc danh:
Thế là các bạn Nhật viết họ tên theo thứ tự giống như mình nhỉ?
@VMC: Quay lại câu hỏi tròn trịa và gai góc. Dạ em thấy đúng "người tròn trịa thì thường thành công cho chính bản thân họ, còn những người gai góc thì thường đem lại thành công cho một trào lưu mà họ khởi xướng". Lại nghĩ người gai góc đạt được thành công cũng thường rất gai góc? nhưng nếu được, thành công của họ thường mang tính đột phá (nên anh kết là thường được vinh danh?)
(chiều thứ 6 có 2 ngày nghỉ trước mắt, tung hứng nô đùa bên nhà Gấu xong qua entry này nghiền ngẫm triết lý 1 tẹo :))
Đúng đó anh Cường, họ chỉ khác không có phần tên đệm thôi, còn thứ tự viết tên cho tất cả mọi giao dịch nội địa ..thì cứ thế: họ+tên.
Chỉ khi liên quan đến ngoại quốc thì họ mới viết theo kiểu: tên+ họ..
Với lại em nghĩ người tròn trịa thì thường thành công ngay còn người gai góc thành công đến muộn, hoặc không đến.
Có tìm mua được đĩa phim bạn giới thiệu :"Bộ phim mà ông hài lòng nhất chính là chuyển thể tiểu thuyết “Chàng ngốc” (The Idiot).".
Và cả phim "Chàng Ngốc" do Liên xô dựng nữa.
Mong bạn chỉ dẫn giúp.
Xin cảm ơn.
Đăng nhận xét