9/12/09

VỀ NHỮNG PHIM KHÔNG ĐƯỢC BÔNG SEN VÀNG



Bạn Cát Khuê, một cây viết về điện ảnh của báo Thanh Niên, hôm nay công bố danh sách các phim đã được vinh danh "Bông sen Vàng" trong 15 liên hoan phim đã qua. Danh sách khiến tôi khá bất ngờ, vì một số phim VN mà tôi thấy hay, lại không phải là vàng. Thực ra, cũng giống như Oscar, nhiều phim nhàng nhàng lại đoạt giải cao, trong khi những phim thực sự hay thì lại rớt đài.

Theo danh sách mà Cát Khuê đưa ra, 24 "Bông sen Vàng" bao gồm: Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi (LHP 1 - 1970); Người chiến sĩ trẻ, Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Đường về quê mẹ, Chuyện vợ chồng anh Lực (LHP 2 - 1973); Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội (LHP 3 - 1975); Sao tháng Tám (LHP 4 - 1977); Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Những người đã gặp (LHP 5 - 1980); Thị xã trong tầm tay, Về nơi gió cát (LHP 6 - 1983); Bao giờ cho đến tháng Mười, Xa và gần (LHP 7 - 1985); Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Anh và em (LHP 8 - 1988); Vị đắng tình yêu (LHP 10 - 1993); Ngã ba Đồng Lộc (LHP 12 - 1999), Đời cát (LHP 13 - 2001); Người đàn bà mộng du (LHP 14 - 2004); Hà Nội, Hà Nội (LHP 15 - 2007).

Tôi có may mắn đã xem gần hết những bộ phim kể trên. Đúng là có những bộ phim thực sự gây được ấn tượng mạnh như: Cánh đồng hoang (Hồng Sến), Thị xã trong tầm tay và Bao giờ cho đến tháng 10 (đều của Đặng Nhật Minh), Về nơi gió cát (Huy Thành); có những bộ phim hay như "Đời cát" (Nguyễn Thanh Vân), Con chim vành khuyên (Nguyễn Văn Thông), "Đến hẹn lại lên" (Trần Vũ)...; nhưng cũng có những bộ phim mà thực sự bây giờ có nặn óc cũng chẳng thể nhớ ra nội dung của nó như thế nào ("Anh và em" là ví dụ điển hình).

Nhưng có những bộ phim hay (theo quan điểm của tôi) lại không được Bông sen Vàng, như "Chị Tư Hậu" của Phạm Kỳ Nam, "Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm" của Hải Ninh, "Hai năm nữa anh về" của Trần Phương, "Thương nhớ đồng quê" của Đặng Nhật Minh.

Khó có thể có bộ phim nào về số phận một người phụ nữ Việt Nam được dàn dựng hay như "Chị Tư Hậu". Kịch bản hay, diễn xuất cực kỳ tinh tế (NSND Trà Giang năm đó mới 19 tuổi thể hiện xuất sắc vai một phụ nữ miền Nam - ảnh trên); góc quay độc đáo. Nhiều trường đoạn được dàn dựng vô cùng sáng tạo (đoạn chị Tư Hậu bồng con tiễn chồng đi tập kết trên chiếc cầu gẫy).


"Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm", không chỉ mô tả cuộc đấu tranh vì thống nhất của bà con ở hai bờ sông Bến Hải, mà còn đề cập chi tiết số phận của những con người cụ thể trong hàng ngũ "địch", "ta". Phim gây xúc động mạnh cho người xem với diễn xuất xuất thần của Trà Giang, Lâm Tới, Đoàn Dũng... Đây cũng là phim Việt Nam đầu tiên có những đại cảnh. Trà Giang đã đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moskva.

"Thương nhớ đồng quê" có lẽ là phim duy nhất của Đặng Nhật Minh không gắn với những đề tài mang tính tuyên truyền của điện ảnh Việt Nam. Nông thôn Việt Nam thời hiện tại hiện ra chân thực một cách rõ nét, nơi mà những giá trị văn hóa đạo đức bị đảo lộn. Những ghìm nén, bức bối của người dân quê chất phác khi phải đối mặt với sự tấn công của đô thị và văn minh bị phơi bày. Nhưng ở đó ta cũng thấy sự trong sáng của làng quê như một điểm tựa tinh thần cho tất cả mọi người sau những thất vọng và đổ vỡ.


"Thương nhớ đồng quê" bị trượt Bông sen Vàng một cách đáng tiếc. Thêm một điều tiếc nữa là diễn xuất sống động và chân thực của Thúy Hường (ảnh) và Tạ Ngọc Bảo đã không được ghi nhận đúng mức.

"Hai năm nữa anh về" của đạo diễn Trần Phương hầu như không được nhắc đến. Bộ phim được sản xuất, được yêu cầu sửa chữa, được chiếu một số buổi, rồi bị lãng quên. Dựng theo kịch bản của nhà văn Vĩnh Quyền, phim đề cập số phận của một người đàn ông cải trang làm nhà sư hoạt động bí mật trong vùng địch. Sống ở chùa lâu năm, người đàn ông bị ảnh hưởng giáo lý nhà Phật, không còn khả năng giơ súng bắn vào một tên ác ôn.

Phim không chỉ lạ ở nội dung, mà còn được quay rất đẹp qua ống kính của Phạm Việt Thanh. Trọng Trinh tỏ rõ đẳng cấp về diễn xuất trong vai nhà sư cải trang...


23 comments:

LU on lúc 20:41 9 tháng 12, 2009 nói...

trời. film "chị Tư Hậu" hay thế mà ko được gì là hơi có vấn đề chấm điểm rồi. Em cũng thích film "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", nhưng ko thích bằng "chị Tư Hậu". Em chưa được xem "thương nhớ đồng quê" và "hai năm nữa anh về", nên ko biết nó hay như thế nào? diễn viên nữ VN cho tới nay em vẫn thích nhất Trà Giang, thích nét đẹp của cô và cách diễn bằng mắt rất hay.

Nặc danh nói...

(NLVD) - Phim Hà Nội, Hà Nội có HN không hả anh?

lvu on lúc 21:54 9 tháng 12, 2009 nói...

Đoàn Dũng còn sống không bác nhỉ? Em nhớ ông này trong vở Người cha thô bạo.

VMC on lúc 22:59 9 tháng 12, 2009 nói...

@LV: Đoàn Dũng còn sống.
@LU: Thương nhớ đồng quê vẫn còn cơ hội xem, nhưng Hai năm nữa anh về thì chắc là không.
@NLVĐ: Có "HN" là có gì?

lvu on lúc 23:54 9 tháng 12, 2009 nói...

Ôi chết, em nhầm, em nhớ ra ông Dũng khác cơ, không biết có phải tên cũng Đoàn Dũng không? ông này có cái mặt hơi dữ, già hơn cái anh Đoàn Dũng này.

VMC on lúc 00:13 10 tháng 12, 2009 nói...

@LV: Em hỏi ông Đoàn Dũng này chứ gì? http://fotovietnam.com/images/gallery/picture/DSC_9909.jpg
Ông ấy vẫn còn sống.

Nặc danh nói...

(NLVD) - Công nhận em viết không chuẫn roài, em chân thành xin lỗi nha, há há. Vì cái phim này (em) không thấy xôn xao mấy, tự nhiên thấy được giải, tên thì lại ngân vang chuông, em có tý e ngại sợ nó vào list sau phim Anh và em.
Nhưng bi giờ em không hỏi nữa, vì em đoán anh chưa xem phim này, nên cũng không biết nó có Hà Nội không:)

LU on lúc 09:06 10 tháng 12, 2009 nói...

@ anh : nếu anh có lòng từ bi thì cho em xin thương nhớ đồng quê đi. Ngại quá đi cứ chôm văn hóa bên anh về làm của nhà mình. Thôi hối lộ một chầu phở 24 đính kèm một li cà phê nóng héng :D

VMC on lúc 09:13 10 tháng 12, 2009 nói...

@LU: OK, để đi kiếm DVD.

LU on lúc 09:16 10 tháng 12, 2009 nói...

@ anh : he he, nếu anh chơi tới DVD thì...chầu ăn Thái, quyết định thế. Lu <--quân tử nhất ngôn :D

VMC on lúc 09:18 10 tháng 12, 2009 nói...

@LU: Đọc giới thiệu "Thương nhớ đồng quê" ở một số bài viết sau:
1. http://dienanh.net/forums/showthread.php?t=22690

2. http://www.yxine.com/?gf=nv&star_id=59

3. http://www.yxine.com/?gf=fa&view=1&movie_id=592

Vào đây để đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp:

www.vietnammonpaysnatal.fr/net/thuongnhodongque.pdf

LU on lúc 09:30 10 tháng 12, 2009 nói...

em Lu cám ơn thầy (*.*)

Titi on lúc 09:36 10 tháng 12, 2009 nói...

Vào nhà anh.... mải ngắm bà TG ...chẳng còm được cái rì nữa :-D

Xem tivi online nhanh nhất on lúc 11:27 10 tháng 12, 2009 nói...

phim hay mà

Unknown on lúc 13:33 10 tháng 12, 2009 nói...

Đúng là "Chị Tư Hậu" rất hay và Trà Giang thật tuyệt vời. Còn "thương nhớ đồng quê" mình vẫn thấy nó thế nào, cảm giác thiếu thiếu, chưa tới hay sao ấy.
Cảm ơn bác vì bài này.

marcus nói...

Thương nhớ đồng quê hay mà bị nhân vật cô Quyên (Lê Vân) làm hỏng hết bánh kẹo. Tất nhiên phim này hay được một phần còn nhờ vào truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

Trà Giang quả thật là gương mặt khó quên của điện ảnh Việt Nam. Trong "chị Tư Hậu", cảnh máy quay chạy theo chị Tư Hậu ra biển là một cảnh quay kinh điển của điện ảnh.

VMC on lúc 19:30 10 tháng 12, 2009 nói...

@Marcus: Nhất trí tuyệt đối với 2 ý kiến này.

Unknown on lúc 21:12 10 tháng 12, 2009 nói...

Những diễn viên khóa 1 Trường ĐAVN em đoán là vì có sự tuyển lựa của chuyên gia Liên Xô, nên hầu hết các cô đều có khuôn mặt khá vuông và góc cạnh (trừ Thanh Hiền ra) rất ấn tượng xi-nê. Khóa 2 thì có vẻ Tây, còn sau này trường SKĐA không tuyển diễn viên điện ảnh nữa mà chỉ có sân khấu thôi nên coi như xong.

Em nghĩ Thương nhớ đồng quê vai của LV không đến mức dở, đất của cô ấy chỉ có thế. Ghét nhất là chèn cái vai anh giáo thuyết giảng lấy từ truyện Những bài học nông thôn vào, truyện của NHT thì luận đề kiểu đó còn được, vào phim nó sượng kinh khủng. Em chỉ thích cảnh Nhân đi ra cái bến xe đỏ quạch bụi, rồi ở ga, Quyên quay ngoắt đầu lại, làm Nhân bàng hoàng... Em còn biết nguyên mẫu Quyên của anh Thiệp là ai cơ. :-)

VMC on lúc 22:16 10 tháng 12, 2009 nói...

@TQ: Nhân vật anh giáo không đến nỗi dở, những diễn viên đóng vai đó thì tệ. Nhất là đoạn đang thuyết giảng thì dẫm vào bãi phân trâu. Anh thích cảnh đoàn xe chở tân binh đi qua cổng chào. Nguyên mẫu là ai vậy, tiết lộ được không?

Unknown on lúc 22:33 10 tháng 12, 2009 nói...

Một người phụ nữ thành đạt lắm, vừa phong phú vừa xa xôi. Vì thế em cũng chỉ biết nhìn từ xa :-)
Em nghĩ Đặng Nhật Minh bắt tần số của NHT ở nhân vật Quyên - mẫu cô gái hiện đại vốn có ở mấy phim khác, nhưng Quyên của NHT xuất hiện chỉ như một biểu tượng hay mặt nạ, không có hành động gì mấy. Khi lên phim, kịch bản bị hổng khi không xử lý được tiến trình hành động và tâm lý của cô này, đâm ra gượng. Cô này mà sex với Nhân cũng ko xong, tham gia sinh hoạt làng xã cũng dở, rốt cuộc chỉ như bình hoa di động.

VMC on lúc 23:12 10 tháng 12, 2009 nói...

TQ: Nghe thế thì anh có vẻ là đoán ra được rồi đấy.
Nhân vật Tạ Ngọc Bảo đóng là Nhâm, chứ không phải Nhân.

Vân Lam on lúc 04:33 11 tháng 12, 2009 nói...

Em xem được gần hết các phim đó (xem ké cụ thân sinh nhà em - vào năm em 12 đến 14 tuổi, cụ chuyên sưu tầm các tác phẩm văn học và điện ảnh kinh điển của thế giới). Nhưng lúc đó còn quá nhỏ, không cảm thụ nổi. Giờ quên ráo trọi! Anh biết chỗ nào còn bán đủ bộ các loại này không? Chỉ cho em để tết này về em tậu một mớ!

Lúc cụ thân sinh nhà em xem là băng video, giờ nó còn nhưng mười mấy năm rồi nó móc meo hết. :(

VMC on lúc 09:08 11 tháng 12, 2009 nói...

@Vân Lam: Anh nghĩ là khó mà tìm được hết các phim này.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết