31/1/08

TRÊN TỪNG XĂNGTIMÉT


Cuối những năm 1970, ở xứ ta rất nổi tiếng bộ phim truyền hình nhiều tập của Bulgaria có nhan đề "Trên từng cây số". Hai điệp viên: Đâyanốp đẹp trai và Pôpốp béo ục xấu xí rất nổi tiếng.

Hôm nay đi trên đường phố Hà Nội, tự nhiên nhớ đến hai chàng. Vì cái tựa phim "Trên từng cây số" liên tưởng đến tốc độ di chuyển trên đường phố ngày hôm nay. Không thể đi trên từng cây số mà nhích trên từng xăngtimét.

Cuối tuần đến nơi, lại sắp nghỉ Tết. Hình như có bao nhiêu xe ôtô đều được huy động đi ra đường để đi biếu quà Tết, đi chúc Tết. Xe Hà Nội đã đành. Xe các tỉnh cũng vô khối. Ước tính một nửa số xe lưu thông trên đường nội đô hôm nay là từ các tỉnh.

Sơn hào hải vị ùn ùn kéo về. Tiền bạc đổ cả về thủ đô.

Tất cả tạo nên cảnh tắc đường ngoạn mục với tốc độ đi chậm hơn rùa bò.

Đã thế trời lại mưa rét. Bà con đi xe máy nếu ngày thường mất 30 phút đi từ nơi làm việc về đến nhà, thì hôm nay phải mất 60 phút, cá biệt có tuyến đường mất đến 90 phút. Cầu mong không có ai bị cảm lạnh vì phải tốn quá nhiều thời gian dầm mưa và gió lạnh.

Mà Hà Nội sao hôm nay lạnh thế. Có lúc nhiệt độ xuống dưới 9 độ C. Nghe nói mấy hôm nữa còn lạnh hơn, vì ảnh hưởng của đợt lạnh chưa từng thấy từ Trung Quốc tràn xuống.

Mai sẽ lại tiếp tục một ngày tắc đường. Vì mai là ngày làm việc cuối cùng, nên tất cả đều phải khẩn trương "hoàn thành nhiệm vụ". Bà con ngày mai ra đường nhớ mặc ấm hơn và nhớ mang theo áo mưa đề phòng bị cảm lạnh vì tắc đường.

30/1/08

"TÔI HỌC Ở HARVARD"



Trong bữa ăn tối với vợ chồng cô bạn thân từ Sài Gòn ra, tôi được nghe một câu chuyện thú vị từ người chồng của cô bạn.

Cách đây mươi hôm, anh được mời đến dự một cuộc gặp với một nhóm sinh viên Mỹ đến Việt Nam để tìm hiểu tình hình thực tế. Cùng được mời có một nữ nhà báo nổi tiếng và một vị tiến sĩ ở Harvard về.

Ông tiến sĩ được ưu tiên phát biểu trước mấy chục sinh viên Mỹ kia. Họ đang háo hức về một đất nước sống động, khác hẳn với cảnh bom rơi đạn nổ gắn liền với cái tên Việt Nam, mà trong đầu óc của nhiều người trong số họ vẫn còn là tên một cuộc chiến hơn là tên của một đất nước.

Ông tiến sĩ mở màn với việc ca ngợi người Việt giỏi giang, thông minh, năng động, không có việc gì không làm được. Ông khẳng định người Việt là dân tộc giỏi nhất thế giới, sẽ đạt được tất cả những gì mình muốn, vấn đề là chỉ còn thời gian.

Tiếp đó, ông nói Việt Nam đang là mảnh đất vàng, những cơ hội kinh doanh ở Việt Nam hiện có chỉ xuất hiện một lần trong thế kỷ. Đến Việt Nam vào thời điểm này bạn có thể vừa làm được sự nghiệp vừa làm được gia sản. Mau mau đến Việt Nam kẻo trâu chậm uống nước đục.

Cuối cùng, ông khoe đã mời vị giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ của mình tại Harvard sang Việt Nam làm việc trong công ty do ông lập ra. Ông được trả lương 70 triệu một tháng và được cấp một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, được tạo mọi điều kiện để phát huy khả năng và cống hiến. "Ông ta thật quá sung sướng nếu đem so với các vị giáo sư vô gia cư ở Mỹ!" - tiến sĩ kết luận.

Choáng. Quá choáng khi nghe câu chuyện này. Lạc quan là phẩm chất cần thiết, nhưng có nên lạc quan tếu như vị tiến sĩ này không nhỉ? Mấy chục sinh viên Mỹ kia đến Việt Nam với tâm trạng háo hức được tìm hiểu về một đất nước hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh với những vấn đề sáng và tối của quá trình phát triển. Họ thu được gì sau bài diễn thuyết đao to búa lớn, lý tưởng hoá thực tế của ông tiến sĩ?

Chồng bạn tôi còn nói rằng ông tiến sĩ nọ nói tiếng Anh rất dở. Không hiểu ông bảo vệ luận án như thế nào?

Đó là vị tiến sĩ Harvard thứ nhất. Vị tiến sĩ thứ hai, tôi tìm thấy khi lần theo comment mà anh ta để lại trên blog của một người bạn. Anh này lập một blog riêng và post lên đó những bài báo bốc thơm bản thân mà một nhà khoa học chân chính không bao giờ làm. Chẳng hiểu anh ta khoe khoang bản thân như vậy để làm gì?

Một vị nữa, giám đốc một doanh nghiệp, cũng hay khoe mình học ở Harvard về. Trong cuộc họp CEO nhân Hội nghị APEC ở Hà Nội tháng 11.2006, anh ta nhảy thẳng đến chỗ CEO một công ty thuộc loại hàng đầu thế giới khi thấy ông ta đeo huy hiệu của Harvard trên ve áo. Anh tíu tít: "Xin chào người bạn cùng trường". Ông kia hỏi lại là anh tốt nghiệp ngành gì năm nào, thì anh ngắc ngứ rồi tịt ngóm. Chuyện này trong giới đều biết và cười, vì anh ta chỉ tham dự một khoá đào tạo ngắn hạn vài tháng ở Harvard, nhưng đi đâu cũng vỗ ngực về cái mác Harvard tự dán.

Chả biết hai vị tiến sĩ kể trên có thuộc loại "tự dán mác" hay không?

28/1/08

CHỐNG CHỌI GIÁ RÉT


Rét mà vẫn xinh!

Các tỉnh miền Bắc đang vô cùng giá lạnh. Giới thiệu với mọi người vài biện pháp chống chọi giá rét.
  1. Mặc nhiều lớp quần áo nhẹ, thay vì một lớp dầy. Cách này giúp bạn đỡ bị mất nhiệt. Nếu bạn cảm thấy nóng, bạn có thể cởi bỏ một (hai) lớp quần áo và ngược lại nếu bạn chưa đủ ấm, bạn hãy cấp tốc bổ sung thêm một (hai) lớp.
  2. Giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ướt mưa cũng như bị đổ mồ hôi.
  3. Không nên mặt quần áo quá chật, để hơi ấm không chuyển sang quần áo.
  4. Quần áo bằng vải thô dệt tay giữ ấm không thua kém len, trong khi lại nhẹ hơn.
  5. Các loại trang phục chống thấm cũng có tác dụng ngăn cản sự bài tiết trên da. Vào những hôm trời mưa, nên thay quần áo ít nhất một lần.
  6. Giầy thể thao thường không đủ sức giữ ấm cho đôi chân. Nên đi những đôi giày hoặc bốt có tráng lớp chống thấm bên ngoài. Nếu đi giầy bình thường, nên khoác thêm một lớp bọc bằng cao su hoặc nilon.
  7. Nếu đi giày có lớp chống thấm, nên thay tất (vớ) ít nhất một lần trong ngày.
  8. Nên đi hai lớp tất, một lớp tất cotton bên trong lớp tất len.
  9. Không nên sử dụng găng tay bằng len khi đi xe máy, để tránh bị cước. Hãy dùng găng tay da. Tốt nhất là găng tay do Mông Cổ sản xuất, tuy không đẹp về hình thức nhưng da rất mềm và giúp bạn điều khiển xe máy được dễ dàng.
  10. Chùm một chiếc mũ mỏng (thường bán kèm với áo jacket) lên đầu rồi hãy đội mũ bảo hiểm ra bên ngoài. Chiếc mũ (hoặc khăn mỏng) sẽ giúp bạn giữ ấm được đôi tai.
  11. Đeo khẩu trang khi đi xe máy.
  12. Khăn quàng cổ nên là vật bất ly thân trong thời tiết giá lạnh. Khi có triệu chứng đau họng, hãy uống ngay một ly trà gừng thật nóng.
  13. Giấy báo cũng có thể giữ ấm nếu bạn dùng nó quấn quanh người rồi mặc một lớp áo khác ra bên ngoài.
  14. Đến chỗ làm nên bỏ chân ra khỏi giầy (có thể cho lên ghế… hehe), vì để chân trong giầy dễ bị lạnh chân. Cố gắng giữ chân ấm để không bị cảm lạnh.
  15. Nếu đi ngoài trời về bị ướt và lạnh, bạn hãy vào nhà tắm đứng dưới nước vòi hoa sen từ mức ấm cho đến nóng nhất có thể chịu đựng được. Đứng như vậy khoảng 5-7 phút, bạn có thể tránh bị cảm lạnh.
Ảnh: VNE

27/1/08

24 NĂM CHỜ CHỒNG



Sáng Chủ nhật, chúng tôi tiễn đưa một cựu đồng nghiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà Phan Dung ra đi ở độ tuổi 83.

Tôi không biết bà. Khi tôi đến làm việc ở báo năm 1992 thì bà đã nghỉ hưu được 16 năm rồi.

Nghe nói thời còn con gái, bà đẹp lắm. Bác Lý Sinh Sự, nhà báo lỗi lạc, cũng mới về hưu được vài năm nay, còn nhớ năm 1966 khi đến làm việc ở nhà 51 sau khi tốt nghiệp đại học đã gặp bà khi đó mới 41 tuổi. Bác Lý nói: "Xét đến tận bây giờ thì không có ai đẹp như bà".

Bà là nhà báo tận tuỵ, có một thời gian dài giữ vai trò Trưởng Ban Bạn đọc. Với cái tâm trong sáng, bà đã giúp bảo vệ quyền lợi của rất nhiều người lao động. Bác Đình Hằng, một nhà báo thời đó nhớ lại: "Thỉnh thoảng trên bảng báo tường nhà 51 thấy dán những bức thư chữ viết siêu vẹo, đầy lỗi chính tả nhưng nội dung lại vô cùng cảm động. Đó là những lá thư cảm ơn Ban Bạn đọc và nhà báo Phan Dung đã kịp thời can thiệp để quyền lợi chính đáng trở lại với tập thể công nhân".

Nhưng bà lại trở thành huyền thoại ở một khía cạnh khác.

Năm 1952 khi còn ở chiến khu Việt Bắc, bà đã tiễn người chồng là ông Trần Minh Trung (tức Bình) lên đường vào chiến trường miền Nam, hoạt động công khai. Khi đó ông bà chưa có con và bà bắt đầu chặng đường dài chờ chồng.

Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt và đầy ra Côn Đảo. Bà không nhận được một lá thư nào, một dòng tin nhắn nào từ người chồng yêu dấu suốt 24 năm. Bà chỉ nghe những thông tin không chính thức là ông đã hy sinh. Nhưng bà vẫn chờ, ngay cả trong những thời khắc tuyệt vọng nhất, ngay cả trước những sóng gió dữ dội nhất...

Một năm sau ngày đất nước thống nhất, một đồng nghiệp tất tả đến báo tin với bà: "Anh Bình vừa được đưa ra khu nghỉ dưỡng Quảng Bá (Hà Nội)". Bà cười: "Chú cứ trêu tôi làm gì? Anh ấy hy sinh từ lâu rồi". Người đồng nghiệp phải ra sức thuyết phục bà mới chịu đạp xe lên Quảng Bá. Và ở đó bà không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ông, vẫn còn sống, nhưng sức khoẻ đã tàn tạ.

Năm đó bà đã 51 tuổi, hạnh phúc quay trở lại thật muộn màng. Tất cả bạn bè và đồng nghiệp đều thấy xót xa cho họ vì tuổi trẻ đã qua đi và họ không thể nào có con được nữa. Ông bà đành chấp nhận chăm sóc nhau cho đến cuối đời.

Hơn chục năm nay, khi tuổi cao sức yếu, ông bà bán nhà riêng, dọn vào nhà dưỡng lão để có người chăm sóc và được nương tựa vào những người bạn già.

Nhưng trong đợt giá lạnh nhất của 12 năm qua, bà đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại ông một mình trên cõi đời này. Vậy là một huyền thoại đã ra đi...

Entry này là một nén hương mà tôi thắp lên với mong muốn hương hồn bà được an nghỉ nơi chín suối.

26/1/08

XEM BALLET NGA CÙNG NGHỆ SĨ NHÂN DÂN



Đêm Gala Concert of Russian Ballet Stars duy nhất diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội 26.1.2008. Trời rét đậm khiến cho bối cảnh đi xem có phần nào giống với đi xem ở Nga, chỉ khác là không có tuyết. Người Nga đi xem ballet hay opera đều ăn mặc siêu lịch sự. Đàn ông complet cà vạt rất nghiêm chỉnh, phụ nữ bao giờ cũng váy áo là lượt y như đi vũ hội. Tuyệt đối không có người mặc quần jeans và những đồ "bụi phủi" vào nhà hát.

Một lần đi nhà hát vào mùa đông, thấy phụ nữ Nga đều xách theo một túi nhựa. Trời rét cô nào cô ấy đều mặc măng tô, đi bốt cao đến đầu gối. Vào đến bên trong nhà hát, các bà các cô (và cả các ông nữa) đều cởi măng tô ra gửi vào chỗ gửi đồ. Bên trong cái túi nhựa mà các bà các cô mang theo là đôi giày cao gót. Họ cởi đôi bốt cao ra, đi đôi giày cao gót vào và sải bước kiêu hãnh vào khán phòng. Mở ngoặc đơn nói thêm là trong các ngôi nhà của Nga có hệ thống sưởi bằng nước nóng, nên rất ấm áp.

Quay trở lại đêm Gala Ballet Nga ở Hà Nội. Nhìn chung dân tình đến xem đều ăn mặc đẹp. Tuy nhiên, ai cũng sù sụ măng tô, jacket vì NHL Hà Nội không có nơi gửi quần áo, hơn nữa bên trong nhà hát cũng khá lạnh.

Một rừng người mẫu cao 1.7m trở lên đứng đón khách từ cửa nhà hát. Mỗi người được mời một ly champagne Nga hảo hạng. Giấy mời ghi 19.30 bắt đầu, nhưng người Hà Nội không quen đi xem vào thời điểm dở giăng dở đèn ấy nên tới lúc đó cả khán phòng mới chỉ lấp được 1/3.

Thực ra công chúng Hà Nội ít ai biết đến đêm gala của các ngôi sao ballet đến từ hai nhà hát hàng đầu của Nga (và cũng là của thế giới) là Bolshoi Theatre và Stanislavsky Theatre. Nhà tài trợ chính - Quỹ Altimo của Nga hình như cũng không có nhu cầu quảng bá mạnh về sự kiện này, vé không bán mà được phân phát cho các VIP, các doanh nghiệp đối tác và một số ít người có dây mơ rễ má với Nga.

Khán giả suốt ruột phải vỗ tay ba lần đêm diễn mới mở màn. Đúng vào 8h như thường lệ. Tuy hơi bực một chút, nhưng người ta cũng quên ngay và đắm chìm vào vũ khúc Tango mở màn do hai nghệ sĩ Pershenkova và Malenko biểu diễn. Rõ ràng đây là thứ ballet rất khác, quyến rũ, huyền ảo và mê hoặc.

Sân khấu NHL HN không trang hoàng lộng lẫy gì, chỉ có tấm phông trắng biến ảo theo từng cách chiếu đèn mầu, nhưng khán giả như lạc vào thế giới cổ tích với những thiên thần đang bay lượn.

Khán giả Hà Nội tỏ ra rất sành điệu trong thưởng thức, những tràng vỗ tay kéo dài đến rát cả tay, những tiếng "ồ" đồng thanh thán phục và những tiếng kêu "Bravo" khiến các ngôi sao ballet Nga trình diễn thăng hoa và bay bổng hơn. Có lẽ ở các thủ đô khác, người ta cũng chỉ vỗ tay và tán thưởng đến thế mà thôi.

45 phút của phần một trôi qua rất nhanh. Khi MC tuyên bố nghỉ giải lao 25 phút và đèn bật sáng trở lại thì tôi phát hiện ra khán phòng của NHL đã không còn một chỗ trống. Người Hà Nội hoá ra là không phải không mặn mà với văn hoá đỉnh cao, họ chỉ đến muộn mà thôi.

Một điều thú vị nữa mà vị khán giả ngồi cạnh tôi phát hiện ra là trên sân khấu không có logo to tướng của nhà tài trợ đập vào mắt khán giả. Quỹ Altimo hẳn phải tốn hàng chục nghìn USD để đưa các ngôi sao ballet đến Hà Nội, nhưng họ đủ văn hoá và lịch lãm để không chăng cái tên của mình to tổ chảng lên sân khấu. Chỉ có dòng chữ Altimo khá khiếm tốn đính trên giải băng của lẵng hoa đứng nép vào cánh gà bên trái.


Khi phần hai bắt đầu, tôi nhận ra một nữ nghệ sĩ nhân dân múa lách vào hàng ghế ngay sau lưng tôi. Chị là một trong những nghệ sĩ mà lâu nay tôi khá kính trọng về cả sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật lẫn trên cương vị nhà quản lý.

Đèn tối dần, nhạc du dương nổi lên. Và đúng lúc ấy thì tiếng chuông điện thoại cũng nổi lên. Và một giọng nữ quyền lực vang lên, không to, nhưng đủ để những người ở mấy hàng ghế xung quanh nghe thấy: "Allo, tôi nghe đây". Một vài người, trong đó có tôi quay lại để nhìn xem ai vừa cất tiếng. Thì ra đó chính là chị, nữ nghệ sĩ nhân dân khả kính.

Trong 5 phút tiếp theo, chị nghe và chỉ đạo (chắc hẳn là người dưới quyền) về những việc cần làm. Chắc là việc gấp, nên chị mới buộc phải vừa xem vừa chỉ đạo như vậy. Cuối cùng chị nói: "Đấy, đang ở NHL xem ballet của Bolshoi Nga. Làm dở cả chương trình của người ta". Rồi chị tắt máy. Tiết mục mở đầu phần hai được chúng tôi thưởng thức như ăn phải cơm sượng.

Nhưng như thế chưa hết. Suốt cả 45 phút còn lại, thỉnh thoảng chị lại bình luận với những người ngồi cùng: "Đấy, múa cổ điển bao giờ cũng phải làm kỹ. Không làm hàng giả như múa dân gian hay múa đương đại được. Nghệ sĩ múa cổ điển phải chính xác đến từng chi tiết, phải cảm thụ toàn vẹn âm nhạc" v.v và v.v... Những lời lẽ rất hay, nhưng nếu ở giảng đường thì phù hợp hơn.

Tôi cố loại những bình luận của chị như những tạp âm. May mà sự điêu luyện của các nghệ sĩ ballet Nga đã cứu vãn buổi biểu diễn.

Chị không phải là người duy nhất như thế. Mấy năm trước, đi xem một buổi hoà nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng thấy một nữ quan chức khá cao của ngành điện ảnh thản nhiên nói chuyện điện thoại trong khán phòng. Nữ quan chức này cũng đi học ở Nga về, nhưng hình như chị không theo học văn hoá nhà hát.

Tôi cứ băn khoăn, không hiểu hồi nữ Nghệ sĩ nhân dân kia còn múa, chị sẽ có phản ứng thế nào, nếu dưới khán phòng người ta nghe điện thoại di động. Câu trả lời rất đơn giản: Thời đó khán giả làm gì có điện thoại di động mà nghe!

Ảnh: Ksenia Kern và Smolyaninov Alexander trong trích đoạn từ ballet "Don Quixote"

Blog counter

24/1/08

20 ĐIỀU BẠN NÊN LÀM TRONG NĂM MẬU TÝ



1. Bớt viết blog, dành nhiều thời gian để gặp gỡ và chăm sóc những người thân và những người bạn thật ngoài đời.

2. Đi thăm một nước láng giềng. Cánh đồng Chum của Lào, Angkor Wat của Campuchia là những nơi đáng đến, chắc bạn không phải chi nhiều tiền cho chuyến đi như vậy.

3. Xem rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008. Đáng tiếc là đuốc chỉ đến TP Hồ Chí Minh, mà không đến Hà Nội. Xem Olympic qua truyền hình.

4.Đi nghỉ hè ở một địa điểm nào đó của Việt Nam như Mũi Né, Phú Quốc, Nha Trang hay Côn Đảo.

5. Bắt đầu một môn thể thao mới. Yoga có thể là lựa chọn tốt nếu bạn không chọn được môn nào ưng ý.

6. Bỏ một thói quen xấu, như hút thuốc, uống rượu...

7. Mua thức ăn do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hoa quả.

8. Dự festival Huế.

9. Đi tàu biển Hoa Sen hành trình Nam - Bắc.

10. Thăm thác Bản Giốc.

11. Xem phim mới với diễn xuất của Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân.

12. Theo dõi bầu cử Tổng thống Nga, bầu cử Tổng thống Mỹ.

13. Tỏ tình vào ngày 29.2 thay vì ngày 14.2, bởi 4 năm mới có một ngày 29.2 và năm nay là năm đặc biệt đó.

14. Sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn, nhưng hãy thận trọng đừng vung tay khi tiêu tiền ảo.

15. Đi kiểm tra sức khoẻ để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất ngờ.

16. Bình chọn cho Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới. Hiện Vịnh Hạ Long đứng ở vị trí số 9, không có cơ hội lọt vào top 7 nếu bạn không bầu chọn.

17. Hiến máu nhân đạo.

18. Tham gia các hoạt động từ thiện.

19. Hưởng ứng "Free Hugs".

20. Chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Danh sách này không xếp theo thứ tự ưu tiên, mà chỉ là bản liệt kê. Bạn có gì bổ sung không?


23/1/08

CƯỜI MỘT TÍ



Kiếm chồng

Nếu con định kiếm một tấm chồng tốt thì hoàn toàn không quan trọng chuyện chiếc Mercedes của nó mầu gì.

Diễn đàn ôtô

- Iem lái con Lanos. Iem hoàn toàn hài lòng vì cùng đứng chờ đèn xanh ở ngã tư, nó đã vượt được con Phantom.

- Còn iem chơi con Camry 3.5. Chỉ mới đưa cần số tự động khỏi vị trí “mo”, nó đã ào lên cho con Phantom ăn khói.

- Iem là chủ nhân con Phantom đây. Iem cực kỳ hài lòng với hệ thống lái tự động cho phép em ngủ suốt hành trình.

Yêu

Một đôi yêu nhau ngồi thề bồi dưới ánh trăng:

- Em yêu anh không?

- Có.

Hôn nhau.

- Anh sẽ cưới em chứ?

- Ừ.

Lại hôn nhau.

- Thế anh mua cho em con SH nhá?

- Không.

- Này, xem lại mặt hàng đi. Ngon thế này mà không ăn sẽ tiếc đấy!

Xổ số

Ông lão 75 tuổi trúng xổ số 1 tỷ đồng. Các nhà báo đề nghị ông chia sẻ cảm tưởng. Ông lão thở dài: “Thì còn nói gì được nữa? Từ nay tôi sẽ có một gia đình lớn nhất mực thương yêu tôi”.

Hột soàn

Một người đàn ông bước vào cửa hiệu bán hột soàn. Cô gái bán hàng đon đả: - Ôi anh. Thật may là anh đến cửa hàng em đúng vào dịp Tết. Bọn em đang có chương trình khuyến mại 20%. Anh định mua gì cho bạn gái ạ? Ví dụ như chiếc nhẫn này, chắc chắn cô ấy sẽ rất thích.

Người đàn ông buồn rầu: - Tôi không có bạn gái.

Cô bán hàng cười khúc khích: - Anh cứ đùa. Cao to đẹp giai như anh mà lại không có bạn gái ạ?

Người đàn ông chớp mắt: “Vợ tôi không cho phép, cô ạ”!

22/1/08

RẰM THÁNG CHẠP



Thế là rằm cuối cùng trong năm đã đến. Năm mới sẽ đến trong hai tuần nữa.

Ngày rằm cuối cùng không có gì đặc biệt, ngoài việc nhận được 2 vé đi xem ballet do các nghệ sĩ của Nhà hát Bolshoi Mátxcơva biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội tối thứ Sáu này.

Nghe đâu một vài soái ở Nga về đã mời nhóm nghệ sĩ này từ nước Nga băng tuyết bay sang Hà Nội chỉ để biểu diễn đúng một đêm cho những người Việt Nam chưa từng một lần được biết thế nào là ballet của Nhà hát Bolshoi. Thế cũng là chơi sang quá nhỉ?


Mới đây Nhà hát Bolshoi cũng biểu diễn ở Bangkok. Đích thân Hoàng gia Thái đứng ra mời sau khi một ông hoàng bà chúa nào đó may mắn được xem các nghệ sĩ ballet số một của Nga và thế giới biểu diễn ở đâu đó và thấy rằng phải tạo điều kiện cho thần dân của mình xem nghệ thuật đỉnh cao.


Việt Nam mình không có Hoàng gia, những người đói khát nghệ thuật đỉnh cao như mình được các soái chăm sóc là may rồi.


Tối xem "Ai là triệu phú" thấy quá tiếc cho anh chàng đã vượt qua mức 50 triệu mà còn để vuột mất giải thưởng trong một câu hỏi không mấy khó khăn.

Về nguyên tắc tính lịch âm, hai can liền nhau không bao giờ kết hợp được với một chi. Giáp Tý có rồi thì đương nhiên không thể có Ất Tý. Thế mà anh ta lại chọn Mậu Tý là năm không có, trong khi cái năm ấy chỉ còn nửa tháng nữa là lù lù dẫn xác đến.


9h cắm đầu cắm cổ về thắp hương. Tối nay rét thật. Rét quá ngọt. Thấu vào tận xương. Mưa lắc rắc đủ làm người ta phải rùng mình khi nhỡ chạm vào nó.


Mùi hương trầm lan toả xoá tan cái lạnh lẽo trong nhà.

Chỉ còn thiếu mùi bánh chưng nữa thôi.

Thốt nhiên thấy Tết đã cận kề lắm rồi.


21/1/08

GIÀ CÒN NHẢY ĐẦM



Chị bước vào phòng làm việc của tôi, đã nghỉ hưu được một năm, nhưng vẫn thanh thoát và toát lên một dáng điệu trẻ trung. Chị khoát tay, giọng lanh lảnh: "Lục tung cả tủ mới tìm được bộ này mặc đến thăm cậu. Chị bây giờ là con mụ oshin già rồi. Về hưu được 1 năm thì 7 tháng nay chăm cháu ngoại. Sáng dậy từ 5 giờ lọ mọ đi chợ. Suốt ngày chặt chặt, xay xay, thái thái, nấu nấu. Tối có hôm còn mất ngủ vì con bé chỉ quấn bà. Bà bế mới ngủ. Khổ ơi là khổ!".

Miệng chị than khổ, nhưng căn cứ vào cái vẻ bề ngoài từ con người chị thì thấy không khổ tẹo nào. Mặt nhẹ nhõm, không bị phì phị như hồi sắp về hưu. Tóc đen nhưng nhức, quần áo là lượt, nước hoa thơm ngát. "Chị đảo ngói đấy! Không béo được vì làm hùng hục suốt ngày như trâu", chị nói như đoán được ý tôi.

Đòi uống trà và ăn sôcôla, chị mở máy tiếp: "Khổ lắm cơ em ạ. Cuối tuần con gái lớn lại đèo bòng 2 đứa con của nó về. Chị đã nói đi nói lại là thứ Bảy Chủ nhật tha cho tôi. Nhưng chúng nó cứ về, còn ngủ lại tối thứ Bảy đến tối Chủ nhật mới về. Nhưng chị mặc xác. Chúng mày thích về thì tự nấu mà ăn. Bà không hơi đâu mà đi phục vụ cả lò nhà chúng mày như thế". Chị cười khanh khách, tỏ vẻ khoái chí.

Đúng lúc ấy thì điện thoại di động của chị gióng giả "Còn ta với nồng nàn". Chị mở ví đầm lấy điện thoại: "Allô, mày đấy à. Ừ, tao không có nhà, đang đến cơ quan cũ chơi. Sao nửa năm nay mày biến đi đâu thế? Sao, đi thăm con ở Sài Gòn à? Vợ nó đẻ à? Vợ nó đẻ thì liên quan gì đến mày! Tao là bà ngoại thì mới phải chăm cháu chứ. Ừ, thế nên giờ về rồi chứ gì? Tao ấy à, vẫn thế thôi. Nhưng giờ tao không nhảy ở chỗ đấy nữa rồi. Bây giờ chuyển về nhảy ở Thanh Xuân, sang qua đường là đến. Lò mới mày ạ. Âm thanh ánh sáng nhạc nhẽo hay, mỗi tội ngoại ô nên hơi vắng".

Chị im lặng lắng nghe đầu dây đằng kia. Tôi hiểu ra bà này đi nhảy đầm vào thứ 7, chủ nhật. Thư dãn sau một tuần phục vụ chồng và con cháu. Sau khi nghe đầu đằng kia nói một thôi một hồi, đến lượt chị tiếp tục: "Thế lò mới ở gần chỗ mày à? Nhiều zai không? Zai trên đấy mà ngon thì mới bõ tao đi xe buýt lên chứ! Toàn bọn mắt toét hôi nách là tao không đi đâu đấy. À, chỉ có bọn miệng toàn bia rượu à? Vứt! Chẳng nhẽ vừa nhảy vừa đeo khẩu trang? Thôi thế này, tao sẽ đến biểu diễn một lần cho bọn nó lác mắt. Mày kiếm cho tao một zai ngon, biết dẫn thành thục để tao còn phăng nhé. Nếu không kiếm được thì báo cho tao biết, tao sẽ rủ zai ở lò tao đi cùng. Nếu mày kiếm được zai khớ thì tao sẽ năng đi với mày. Thế nhé. Có gì nhắn tin cho tao".

Chị tắt máy, cho điện thoại vào túi. "Cậu đừng có cười. Lũ hưu trí như chị cũng phải nghĩ ra trò tiêu khiển chứ. Còn lâu mới chết nên phải enjoy life. Nếu cậu có hộp sôcôla nào còn nguyên giống như hộp đang ăn đây thì biếu chị, chị sẽ rất cảm ơn".

Tôi nhờ người đi lấy cho chị một hộp sôcôla và hỏi: "Thế anh ấy có đi nhảy với chị không?". Chị trợn mắt: "Đi là đi thế nào? Chồng gặp cả ngày đến lúc người ta đi nhảy mà còn đi cùng thì hoá ra là cai ngục à?"

Người già bây giờ xuân nhỉ? Đúng là còn ta với nồng nàn!

20/1/08

TÔI ĐI TÌM TÔI (2)



Khi tỉnh dậy, em thấy mình đang nằm trên giường và bắt gặp đôi mắt lo âu của mẹ nuôi và dì Tươi. Thấy em mở mắt, mẹ cười và thở phào nhẹ nhõm: "May quá, con tỉnh rồi. Con làm mẹ lo quá"! Mẹ vẫn thế, lúc nào cũng lo cho em. Em vỡ lẽ ra mình thật hạnh phúc có được người mẹ như vậy. Mặc dù em sẽ không còn cơ hội nào để gặp được người mẹ đẻ ra mình, nhưng còn người mẹ nào thân yêu, ruột thịt hơn người đã nuôi nấng em suốt hơn 20 năm qua?

Ở ăn cơm trưa với vợ chồng dì Tươi cùng các con của dì, em cũng cảm thấy ấm áp phần nào. Em được biết thêm mẹ em tên là Thắm và ông bà ngoại em cũng đã mất từ chục năm nay. Ngoài mẹ em, dì Tươi không còn thêm anh em ruột thịt nào. Em xin khi nào vợ chồng dì đi bốc mộ cho mẹ, thì cho em theo cùng. Như vậy là từ nay em đã có thêm một nơi để gọi là quê hương...

Trở về Hà Nội, mẹ em rụt rè nói: "Con ạ, mẹ nghĩ có lẽ con tìm thế là đủ. Con không nên đi tìm cha đẻ của con nữa. Mẹ ngại rằng nếu có chuyện gì đó không hay... Biết thêm cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì". Em nói: "Vâng. Con rất choáng váng khi hay tin về mẹ Thắm. Tạm thời con sẽ không đi tìm nữa". Mẹ lặng lẽ ôm em rất chặt và không nói gì thêm.

Em đi làm. Công việc khá suôn sẻ. Thời gian trôi đi không làm em nguôi ngoai mà càng bị dằn vặt khổ sở hơn. Sao mẹ không nói với em sớm hơn, để em có thể gặp được mẹ Thắm - người mà theo lời kể của dì Tươi, cũng rất mực thương em? Còn cha em nữa. Hiện nay ông đang làm gì, ở đâu? Biết đâu ông cũng rất thương em, và chỉ vì lời cam kết mà không dám tìm gặp em? Em phải gặp ông ấy càng sớm càng tốt. Trước khi quá muộn như đối với mẹ Thắm.

Em nói ý nghĩ đó với mẹ. Mẹ thở dài: "Ừ, con nghĩ thế cũng phải. Mẹ sẽ đi cùng con!". Em nói: "Thôi, mẹ già yếu rồi nên ở nhà. Con đã cứng cáp hơn so với hồi trước rất nhiều. Con đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Con sẽ tự lo được!". Mẹ chỉ còn biết đồng ý. Em nhờ bà Hoa hỏi lại cái công trường xây dựng từ thời bấy giờ và lần theo dấu vết từ đó. Thật khó mà kể hết những khó khăn mà nhiều lúc tưởng chừng như đã làm cho em thối chí hoàn toàn. May nhờ sự động viên và hỗ trợ đắc lực của người yêu mà em đã vượt qua tất cả.

Một buổi chiều mùa hè, em cùng bạn trai đã đặt chân lên vùng trung du đầy sỏi đá, nơi mà cha em nghe nói đang ở đó. Ngôi nhà trống tuyềnh trống toàng nằm trên quả đồi, xung quanh chẳng có thứ gì đáng giá. Bọn em ngồi chờ đến sẩm tối thì thấy một người đàn ông cao gầy đạp chiếc xe cà tàng đi đến. Ông dựng xe vào hiên nhà, và hất hàm hỏi: "Anh chị gặp ai?" . Em hỏi: "Bác có phải tên là Tốn không ạ?". Ông đáp nhát gừng: "Phải!".

Trời ơi, vậy đây đúng là cha em. Ông vẫn còn sống và đang đứng bằng xương bằng thịt trước mắt em. Em run run: "Con, con đi tìm... bác. Con là con gái... mẹ Thắm đây ạ!". Ông nhìn em với cặp mắt hoàn toàn không biểu lộ sự liên tưởng nào. "Thắm à? Thắm nào?". Một nỗi thất vọng ghê gớm tràn ngập tâm hồn em. Ông ta hoàn toàn không nhớ gì tới mẹ . Cổ họng em nghẹn đắng, không nói được câu nào. Bạn trai của em đành giảng giải cho ông ấy hiểu mẹ em là ai, em là ai...

Vừa nghe chuyện, ông ta vừa ghé mồm vào chiếc vòi ấm sành tu nước ừng ực. Ông ta lấy tay quệt mồm, rồi lại hất hàm: "Rõ rồi. Vậy cô này là con của cô Thắm hả. Tôi không liên quan gì nhá. Ngày xưa tôi đã ký giấy cho người ta nuôi cô rồi. Tôi quên rồi. Không còn dính dáng gì nữa. Cô cậu thấy đấy, nhà tôi cũng không có gì. Tôi không giúp gì được cô cậu đâu".

Em và bạn trai ra sức giải thích rằng chúng em không cần gì từ ông ta cả. Chỉ muốn tìm lại cha đẻ của mình để gặp ông một lần, biết ông sống chết sướng khổ ra sao, không đòi hỏi gì hết. Ông nói: "Thế thì cô cậu làm xong việc rồi đấy. Đã gặp tôi, thấy tôi vẫn còn sống, nghèo khổ không có gì. Thôi cô cậu đi đi!". Nghe ông ta nói thế, em ứa nước mắt, không phải vì đau khổ mà vì tức tối. Bạn trai em bình tĩnh hơn, anh ấy đưa cho ông ta mảnh giấy ghi họ tên và địa chỉ của chúng em với hy vọng ông ấy sẽ suy nghĩ lại. Chúng em lần mò trong bóng tối đi xuống đồi ra về trong sự tê tái.

Trở về nhà em nói với mẹ là vẫn chưa tìm thấy ông.

Khoảng mươi ngày sau, em nhận được điện thoại của ông ta. Ông ta gọi em là con và xưng bố ngay câu đầu tiên. Ông khóc và nói rất hối hận. Vợ con ông đã bỏ ông đi sau vụ làm ăn thất bát. Ông không còn tin được ai nữa. Nên khi gặp lại em, ông chỉ sợ lại bị rầy rà, bị làm phiền. Nhưng sau mấy ngày suy nghĩ ông thấy xử sự như vậy là không phải. Ông xin lỗi và muốn nối lại liên lạc với em. "Giờ đây bố chỉ còn có mình con!" - ông nói nghẹn ngào. Tim em như tan nát, những cảm giác trái ngược đan xen. Nhưng thôi, người lớn đã nói thế, mình cũng nên mở lòng - em nghĩ vậy.

Vài ngày sau, ông ấy lại gọi lại. Lần này thì kể cho em nghe hành trình lưu lạc của ông ấy kể từ sau khi chia tay với mẹ Thắm. "Mẹ con ngày xưa xinh xắn lắm. Bố yêu mẹ con ở cái nết hay lam hay làm" - ông kể như vậy về mẹ, khiến em lại một lần nữa thổn thức về người mẹ xấu số. Ông bôn ba đủ cả: Từ bãi đào đá đỏ ở Quỳ Hợp (Nghệ An), đến buôn lậu xuyên biên giới.

Thời gian đó ông cũng kịp lập gia đình và có hai người con. Cách đây mươi năm, ẵm số tiền kiếm được, ông về quê mua một quả đồi trồng chè xuất khẩu. Lúc đầu cũng kiếm được, nhưng sau đó khách hàng phát hiện ra trong chè của ông có dư lượng lớn thuốc trừ sâu, nên họ không mua nữa. Ông bị phá sản hoàn toàn. Ông đâm ra nghiện ngập, đánh đập vợ con, nên cả ba mẹ con đã bỏ ông đi lập nghiệp ở một tỉnh phía nam.

Kể xong chuyện, ông nấc lên: "Bố giờ khổ lắm. May mà ông Trời run rủi cho được gặp con. Con phải giúp bố, con nhé". Hôm sau em ra bưu điện gửi cho ông 1 triệu đồng. Cuối tuần đó, em lại nhờ người yêu chở xe máy vượt gần 100 cây số đến nhà ông. Em mua cho ông một ít quần áo và vật dụng. Em nấu cho ông ăn. Khi chia tay về Hà Nội em đưa cho ông thêm 500 nghìn nữa và cảm thấy thật thanh thản. Nhưng không hiểu sao vẫn có điều gì đó em lờ mờ không nhận diện rõ khiến em không dám kể với mẹ là tôi đã tìm được ông...

Bẵng đi hai tuần, khi em chuẩn bị lại đến thăm ông, thì nhận được điện thoại của ông. Giọng ông hách dịch: "Cô lặn đi đâu mà mất hút con mẹ hàng lươn thế hả? Con với cái thế đấy! Định để cho bố chết khô ở quả đồi này hay sao?" Em hơi bất ngờ trước thái độ đó, nhưng vẫn bình tĩnh hỏi: "Con phải làm việc không rảnh rỗi bố ạ, đang định cuối tuần này lên thăm bố. Có chuyện gì không ạ?". Ông sẵng giọng: "Có chuyện gì không à? Chẳng có chuyện gì cả ngoài chuyện tôi đang sắp chết đói ở đây". Em nói ngày mai sẽ lên thăm ông.

Hôm sau em lên đến nơi và thấy căn nhà đã lại trống hoác giống như hôm đầu tiên em đến. Những bộ quần áo và mấy thứ vật dụng em mua đều không còn trong nhà nữa. Ông ta say mèm và nói như lẽ đương nhiên: "Tôi hết tiền, tôi đem đi bán rồi". Trời, người cha mà em mong đợi lại là người đàn ông hư thân và nát rượu này ư? Em nói: "Lần sau bố đừng làm như thế nữa. Thực ra bố là người rất có khả năng, chỉ cần bố không uống rượu, con sẽ cùng bố xây dựng lại cuộc sống". Ông ta cười khanh khách: "Không uống à? Khuyên rõ hay chửa?"

Em đã rơi vào cảnh dở khóc dở cười như thế. Em không nỡ bỏ ông ấy, nhưng những nỗ lực mang lại cho ông một cuộc sống yên ổn dường như đều không đem lại kết quả. Cứ ít lâu ông ta lại gọi điện đòi em gửi tiền hoặc gọi em về thăm. Người yêu em khuyên em nên đổi số điện thoại và quên hẳn ông ta đi. Anh nói rằng em không được phép đầu độc cuộc sống của em và không được tự biến mình thành con tin của một vụ tống tiền trắng trợn như thế.

Nhưng em cứ phân vân. Em không nỡ làm như vậy. Xin anh cho em lời khuyên xem em nên làm gì?

P/S: Nhờ mọi người chia sẻ suy nghĩ, tác giả bức thư trên vẫn đọc blog của tôi và sẽ đọc được ngay những lời khuyên của mọi người. Xin cảm ơn.

19/1/08

TÔI ĐI TÌM TÔI (1)



Tôi nhận được bức thư của một bạn đọc kể về số phận của mình. Được sự đồng ý của cô, tôi post câu chuyện lên đây và mong muốn nhận được sự chia sẻ của mọi người:

... Hai mươi năm qua, em luôn tin rằng mình là đứa bé hạnh phúc, có cha có mẹ như tất cả những đứa trẻ khác. Bố mẹ em là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu. Ông bà sống giản dị, nhưng êm ấm và hạnh phúc. Em tốt nghiệp đại học và chuẩn bị đi làm. Một hôm sau bữa tối, bố mẹ nói em ngồi nán lại trong phòng khách để có đôi điều khuyên nhủ trước khi em bắt đầu cuộc sống mới.

Mẹ tần ngần nói: "Bố mẹ có một câu chuyện muốn nói để con hay. Đây là điều bố mẹ giấu con lâu nay, nhưng thực sự ngay lúc này, mẹ cũng không biết phải nói với con như thế nào. Mẹ rất không muốn để con biết. Nhưng con đã lớn và con có quyền biết sự thật. Bố mẹ không phải là bố mẹ đẻ của con".

Mẹ em nói đến đó và oà khóc. Em như không còn tin vào tai mình. Đó thực sự là một điều khủng khiếp. Em cũng oà khóc vì quá hoảng sợ, như thể mình bị tước đoạt những người thân yêu nhất của mình. Bố em ôm em và an ủi: "Con đừng sợ, bố mẹ chỉ muốn con biết một sự thật thôi. Còn bố mẹ vẫn là bố mẹ con. Con vẫn là con trong gia đình. Bố mẹ vẫn yêu thương con như trước đây. Không có gì thay đổi hết."

Mẹ cũng ôm lấy em, hôn tới tấp vào mặt em và nói: "Mẹ xin lỗi, đáng lẽ mẹ không nên nói điều này. Mẹ cảm thấy nhẹ nhõm nhưng mẹ lại dồn gánh nặng sang cho con. Con yêu, mẹ lúc nào cũng yêu con".

Từ câu chuyện của bố mẹ, em được biết rằng cả bố mẹ em đẻ của em đều từ quê ra. Mẹ em đến giúp việc cho quán phở của bà Hoa - một người bà con xa của mẹ nuôi em. Mẹ gặp bố, lúc đó là công nhân xây dựng ở công trường gần đó. Hai người yêu nhau và mẹ có mang em. Đây là điều nằm ngoài dự kiến của họ. Mẹ sợ quá, giấu không cho ai biết. Khi bố và bà Hoa biết chuyện thì mẹ đã mang thai đến tháng thứ năm.

Bố mẹ nuôi của em lấy nhau mười năm mà không có con. Khi nghe chuyện người làm công của bà Hoa có mang, mẹ chủ động đến gặp và ngỏ lời xin đứa bé. Cả bà Hoa lẫn bố mẹ em đều mừng vì họ đang quẫn trí không biết phải giải quyết thế nào.

Mẹ nuôi đưa mẹ đẻ em đến ở nhờ nhà một người cháu và chăm lo cho mẹ em sinh nở. Sau đó bà xin việc cho mẹ em ở miền Nam, đưa cho mẹ em hai chỉ vàng và bắt viết cam kết không bao giờ đòi lại con. Mẹ em đồng ý và lên đường tránh xa quê hương bản quán.

Bố em không được "đền bù" gì, song ông cũng phải viết cam kết từ bỏ quyền làm cha. Đối với ông thì đó là cách giải quyết êm đẹp, ông không mong muốn gì hơn, nên cũng dễ dàng đồng ý. Họ thoả thuận như vậy và ai đi đường nấy. Bố em rong ruổi theo các công trường xây dựng. Còn mẹ thì biệt tăm tích ở miền Nam. Từ đó đến nay cả hai người không hề lai vãng hỏi han gì về đứa con của mình.

Bố mẹ nuôi của em nói rằng họ không ngăn cản em đi tìm lại cha mẹ đẻ của mình. Nếu em muốn họ sẽ giúp đỡ và tạo mọi điều kiện.

Lúc đầu em hoàn toàn không có ý định đi tìm cha mẹ đẻ của mình. Nhưng thời gian trôi đi và càng ngày em càng tò mò xem những người sinh thành ra em là ai, hiện họ đang sống ở đâu, có hạnh phúc hay không?

Mẹ dẫn em đến nhà bà Hoa. Bà không có liên lạc gì với mẹ đẻ. Cô ta đi và không một lần quay trở lại. Tuy nhiên, bà vẫn còn giữ địa chỉ gia đình của cô ở quê. Lần theo địa chỉ đó, hai mẹ con đến một vùng quê ở Ninh Bình.

Khi mẹ con em đến đó, từ ngôi nhà bước ra một người phụ nữ ngoài bốn chục tuổi. Em trông thấy bà ta mà giật mình vì gương mặt của em rất giống gương mặt bà ấy. Người phụ nữ giới thiệu tên là Tươi, em gái của người mà mẹ con em hỏi thăm.

Dì Tươi nhìn em ngờ ngợ và khi mẹ em kể rõ nguồn cơn, thì dì ôm em khóc nức nở: "Con ơi, mẹ con khi nào cũng nhắc về con. Đau lắm, bao nhiêu lần muốn đi tìm con, nhưng lại nhớ đến lời cam kết năm xưa, nên lại nén lòng lại. Chỉ sợ phá vỡ cuộc sống hạnh phúc, an bình của con".

Em thực sự cảm thấy hơi ấm ruột thịt trong vòng tay của dì Tươi. Nghĩ đến lúc gặp mẹ mà tim em đập rộn ràng. Bao nhiêu năm mẹ phải chịu đau đớn, khổ sở, nay được gặp lại nhau, chắc mẹ mừng lắm, hạnh phúc lắm...

Dì Tươi ôm lấy mặt em, nước mắt ràn rụa trên mặt dì: "Khổ quá con ơi, bao nhiêu năm trông chờ, thế mà bây giờ đến lúc thì mẹ con lại chẳng được gặp nhau".

Mẹ nuôi em giật mình hỏi: "Thế cô ấy đi đâu hả cô?".

Dì Tươi đưa vạt áo lên lau mắt: "Chị cháu mất rồi bác ạ! Cách đây ba năm. Chị ấy làm việc ở lâm trường trên Tây Nguyên, bị tai nạn lao động cả một cây gỗ đè vào người. Chị cháu được mai táng luôn trên đó, vợ chồng cháu đang định tới đây sẽ vào trong đó để đưa chị cháu ra đây".

Đất như sụt dưới chân em. Đầu óc em nhẹ bẫng và không còn biết gì nữa.

(còn tiếp)


18/1/08

HAI "MẢNH VỠ" GHÉP LẠI



Tuấn nhắn tin cho tôi: "Lúc nào anh rảnh, vào website báo Quân đội Nhân dân xem bài "Hai "mảnh vỡ" ghép lại nhé. Đó là bài viết của em về chính gia đình em. Em muốn anh biết phần nào đó về hoàn cảnh của bỗ mẹ và hai anh em em".

Và đây, tôi vừa tìm thấy bài đó. Xin mang sang đây để mọi người cùng đọc.

Cuộc đời khéo se sắp cho hai người đến với nhau, đó chính là bố mẹ tôi. Bố Nguyễn Ngọc Đỉnh quê xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, mẹ Trương Thị Dùng quê Lộc Tân, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Họ gặp nhau tại Đoàn điều dưỡng 585 đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Anh em tôi vẫn thường gọi vui hai người thân sinh ra mình là hai “mảnh vỡ” ghép lại vẫn không thành một cơ thể hoàn chỉnh, bởi cả cha, mẹ đều là thương binh nặng hạng 1/4, mất 81% sức khỏe và có tiểu sử cuộc đời khá đặc biệt…

Gia đình tôi

Mỗi lần nhìn vào đôi mắt mẹ là lòng tôi lại trào dâng xúc cảm. Đôi mắt ấy nói lên tính tình của người phụ nữ chân chất, nặng tình cảm, thủy chung và giàu lòng vị tha. Nhưng cũng đôi mắt ấy chứa đựng bao ưu phiền, khổ hạnh. Có những đêm tôi nằm trăn trở và nghĩ rằng, không hiểu vì sao ông trời lại dồn vào mẹ tôi nhiều nỗi truân chuyên đến vậy!

Quá nửa đời người, mẹ tôi vẫn chỉ có hai anh em tôi là máu mủ ruột rà duy nhất trên cõi đời này và người bạn đời cùng hoàn cảnh chia sẻ buồn vui cùng năm tháng. Bà không biết nguồn cội, không biết mình được sinh ra từ đâu, cha mẹ đẻ là ai và dòng tộc đang ở nơi nào? Mỗi lần ngồi nhớ lại, mẹ tôi chỉ mang máng rằng vào một ngày của những năm đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước, mẹ được chuyển về sống với gia đình ông bà ngoại nuôi hiện nay quê ở xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 2-1968, giấu ông bà ngoại nuôi, mẹ tình nguyện đăng ký đi bộ đội. Đơn vị của mẹ thuộc đại đội 44, công trường 10, Ban xây dựng 67, Đoàn 559, đóng quân sâu trong rừng Trường Sơn để tiếp vận cho tiền tuyến đầy máu lửa. Ngày 17-1-1973, bom Mỹ ném trúng khu vực đơn vị mẹ đóng quân. Mẹ bị thương nặng, sự sống tưởng như không thể vượt qua nổi. Bà phải nằm liệt trong quân y viện suốt gần hai năm và ít nhất có hai lần người ta đã phải đưa mẹ vào nhà xác. “Ông trời không cho mẹ chết. Trước khi rời quân y viện, các bác sĩ kể, cứ mỗi lần họ đưa mẹ vào đến nhà xác thì tim lại hồi sinh, đập thoi thóp rất nhẹ. Gần hai năm điều trị vết thương, mẹ phải lên bàn mổ bao lần chẳng thể nào nhớ được” - mẹ kể. Những tàn tích của chiến tranh còn lại trên cơ thể mẹ được ghi rõ trong kết quả giám định thương tật (đa chấn thương, mẻ khung xương chậu, ảnh hưởng cột sống, tồn tại một mảnh bom cuối xương cột sống, thị lực còn 5-6%)… Những vết thương đó cho đến tận ngày hôm nay vẫn đang giày vò thể xác mẹ.

Mẹ tôi ở vùng biển, cha tôi lại sinh ra lớn lên trong một gia đình ngư dân có đến 9 người con sống bên dòng sông Mã đoạn chảy qua xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc. Đời mẹ nhọc nhằn bao nhiêu thì đời cha cũng gian truân bấy nhiêu. Chớm tuổi thành niên, bố tôi nhập ngũ vào đơn vị c1, d832, e15, Quân khu Hữu Ngạn. Ông đi “B” ngày 28-12-1974. Trong trận chiến ác liệt vào những ngày đầu tháng 3-1975, đơn vị của bố tôi đã rơi vào ổ phục kích của địch. Lửa đạn chiến trường đã lấy gọn đi con mắt trái của cha, mắt phải thị lực giảm chỉ còn 2/10. Ngày đất nước tràn ngập niềm vui thống nhất, thì ông phải sống trong bệnh viện, chờ phẫu thuật. Đến tận bây giờ, ông vẫn cứ tiếc: “Cha tiếc mãi, mình bị thương nên đã không kịp được chứng kiến không khí hào hùng của cả dân tộc trong ngày vui đại thắng”.

Đối mặt với thử thách

Cha tôi vẫn thường tự hào với “chiến công” khi “cưa đổ” mẹ tôi trong thời gian hai người cùng an dưỡng tại Đoàn 585. Bởi mẹ là “mì chính cánh” trong số hơn một nghìn thương binh nặng ngày ấy.

Hai cuộc đời chất chứa nhiều nỗi niềm gặp nhau đã nhanh chóng “bùng nổ” một tình yêu cháy bỏng. Đó là sự đồng cảm về hoàn cảnh, sự chia sẻ và dìu dắt nhau trong mất mát thương đau để đám cưới của họ được tổ chức vào năm 1976. Lớn lên, anh em tôi vẫn thường nghe mẹ kể: “Mặc dù rất yêu cha nhưng mẹ không dám tin là mình còn có thể sinh đẻ được nhưng vì chẳng có ai là ruột rà máu mủ nên mẹ mới cố dấn thân bước chân vào đời. Mẹ nghĩ hai người cứ về sống với nhau khoảng 3 - 4 năm mà không có con thì chính mẹ sẽ chủ động ra đi để giải thoát cho bố.

Ông trời còn dành cho mẹ một ơn huệ. Kết quả đầu tiên của tình yêu giữa hai người đồng chí ấy chính là tôi, người viết câu chuyện này. Vì bị thương tật mẻ khung xương chậu nên mẹ không thể sinh tôi một cách bình thường mà phải về bệnh viện tuyến tỉnh mổ lấy tôi ra. Một thằng con trai bụ bẫm đã làm lòng mẹ ấm lại. Các bác sĩ nói, sinh được tôi là kỳ tích rồi, nên làm kế hoạch để bảo toàn tính mạng, nhưng mẹ không nghe vì muốn sinh thêm một đứa con nữa. Năm 1980, mẹ năn nỉ cha tôi “cho em sinh thêm một lần nữa để thằng cu nó có anh có em”. Cha không muốn sinh thêm (trộm vía em tôi) vì sợ điều bất trắc xảy ra ông sẽ phải ân hận suốt đời. Trước sự nằng nặc của mẹ, cha đành chiều lòng bà. Cả hai lần sinh con là cả hai lần mẹ tôi phải lên bàn mổ. Khi mẹ sinh em gái Nguyễn Thị Thúy, tôi vừa tròn 4 tuổi. Cha mẹ gửi tôi cho ông bà nội chăm hộ còn hai người tự đưa nhau về Bệnh viện K71 sinh con. Trước khi lên bàn mổ sinh em Thúy 4 ngày, mẹ đòi bố về đón tôi xuống cho bà được nhìn thấy mặt, vì “nhỡ không may có điều gì đó xảy ra em cũng được nhìn thấy mặt con cho khỏi ân hận”. Mọi chuyện đã không xấu đến mức như mẹ nghĩ. Bà sinh hạ, mẹ tròn con vuông và sớm bình phục sức khỏe.

Cuộc sống của gia đình tôi bắt đầu lâm vào khó khăn khi em gái cất tiếng khóc chào đời. Sau khi sinh em Thúy, cha mẹ tôi đã làm đơn xin về điều dưỡng tại địa phương. Cuộc sống của cả nhà chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp xã hội do Nhà nước chi trả hằng tháng. Những vết thương cũ của bố, của mẹ thường xuyên tái phát, nhất là mẹ tôi bệnh tật ngày một thêm trầm trọng cộng với việc phải nuôi con ăn học khiến cuộc sống càng thêm khó khăn hơn. Hằng ngày, khi màn đêm buông xuống là bố tôi lại xách chài ra sông Mã kiếm con cá, con tôm, để sáng mai mẹ đi chợ bán lấy tiền đong gạo.

Thật quý! Chính quyền địa phương rất quan tâm đến các gia đình chính sách, trong đó có gia đình tôi. Ở thời điểm năm 1986 việc xây dựng nhà tình nghĩa tặng thương binh đang còn hiếm. Song, chính quyền xã Vĩnh Quang đã hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho gia đình tôi. Xã cấp cho 1,5 tấn vôi, 15 xe đá, 10.000 viên gạch, ngói… để xây dựng nên ngôi nhà cấp 4 giúp gia đình tôi thoát khỏi cảnh nhà tranh dột nát.

Sau năm 1986, cha mẹ tôi là những người đầu tiên “phát minh” ra nghề nuôi cá trắm lồng trên sông Mã ở khu vực này. Mẹ ngày ngày đi cắt cỏ, cha ở nhà thái cỏ chăm cá. Ban đầu nuôi thử nghiệm một lồng rồi dần dần mở rộng ra 2, 3, 4 lồng. Nước sông Mã thời đó chưa bị ô nhiễm như bây giờ nên những lồng cá trắm của gia đình tôi lớn nhanh như thổi, không mắc bệnh tật gì. Ngoài trồng lúa, mỗi năm nhà tôi còn thu hoạch thêm khoảng nửa tấn cá trắm lồng mang về khoản lợi nhuận đáng kể. Đời sống kinh tế dần khấm khá, gia đình tôi được coi là điển hình trong thôn, xã. Anh em tôi chăm chỉ học hành nên được biểu dương là gia đình “thương binh tàn nhưng không phế”. Sang những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, bố tôi hùn vốn mở một xưởng máy xát, máy nghiền và làm ăn khá phát đạt.

Nước mắt người mẹ

Vào năm 1995-1996, kinh tế gia đình tôi bắt đầu xuống dốc không phanh do bố thất bại trong chuyện làm ăn. Bao nhiêu tài sản dành dụm bấy lâu đều không cánh mà bay. Không khí trong gia đình tôi những ngày tháng đó vô cùng nặng nề. Bố tôi buồn bã khủng hoảng tinh thần. Cái bản tính mạnh mẽ và rất đàn ông của bố ngày nào giờ đây thay vào đó là sự trầm lắng, im lặng. Những lúc như vậy mẹ tôi động viên bố rất nhiều. Mẹ chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho người bạn trăm năm mà bà nguyện suốt đời dành hết thảy yêu thương. Mẹ không trách móc bố một lời nào. Ngay cả mỗi lúc người ta đến nhà tôi bắt nợ bằng những món tài sản, ngay cả khi ông bác họ của bố đến nhà thu chiếc ti-vi mà tôi đang chăm chú theo dõi ôn thi đại học trên kênh VTV2 Truyền hình Việt Nam, mẹ vẫn an ủi bố: “Còn người là còn của. Rồi vợ chồng mình sẽ làm lại từ đầu. Điều quan trọng là không được để ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái”.

Tôi được bố mẹ cho đi học trọ từ khi bước chân vào trung học phổ thông. Kỳ vọng của cha mẹ về tôi là phải thi đỗ đại học. Nhưng trong kỳ thi đại học đầu tiên tôi đã làm cha mẹ thất vọng. Nước mắt người mẹ rất đỗi thương yêu con chảy vào trong mỗi khi bố nóng giận mắng mỏ tôi. Ngay lúc đó không bao giờ mẹ bênh vực con, nhưng khi bố vắng nhà mẹ lại thủ thỉ vào tai tôi những lời âu yếm, khuyến khích tôi vượt lên để làm vừa lòng cha mẹ. “Bố các con quát như vậy nhưng chẳng có gì đâu. Chỉ vì bố thương các con quá mà thôi”.

Bố tôi rất nóng tính và gia trưởng nhưng ông thực sự là người cha đáng kính, người bố thương yêu con cái một cách thầm lặng. Những hình ảnh từ tuổi ấu thơ cho đến khi tôi tốt nghiệp THPT hiện về làm tôi càng thêm đau đớn. Suốt 12 năm học chưa bao giờ tôi phải tự lo mua một cuốn sách giáo khoa hay cuốn vở nào cho chính mình. Cứ mỗi khi năm học mới sắp bắt đầu, bố lại đi xuống thị trấn mua đủ các loại sách giáo khoa, vở viết cho hai anh em. Rồi ông hì hụi bọc phẳng phiu từng tập viết, từng cuốn sách, viết và dán nhãn vở cho anh em tôi. “Thước phim” quay ngược đó càng làm cho lòng tôi tăng thêm quyết chí sẽ phải thi bằng đậu vào trường đại học như tôi mong ước và như bố mẹ mong mỏi.

Một năm ở nhà, gia đình không còn đủ khả năng để cấp tiền cho tôi đi học thêm nữa. Thời gian chờ đợi mùa thi mới, tôi cắm đầu vào tự học và học như điên, học ngấu nghiến để được ghi tên vào Khoa lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Mùa thi năm học 1997-1998 bắt đầu, tôi tự thân khoác ba lô lên đường về Hà Nội với quyết tâm “phải thi đỗ vào đại học”.

Thi xong quay về quê, mẹ rủ rỉ “liệu có đỗ không con?”. Tôi không dám trả lời mẹ, nhưng tôi tin vào bài làm của mình. Ngày 21-8-1997 - là ngày không thể quên đối với tôi khi nhận được giấy báo trúng tuyển. Giữa trưa, tôi hộc tốc chạy ra bãi sông khoe với mẹ. Mẹ ôm tôi và khóc trong hạnh phúc, những giọt nước mắt hãnh diện của người đàn bà đã phải gánh chịu nhiều cay đắng trên cõi đời này.

Bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã cố gắng hết mình vì không muốn làm gia đình buồn thêm một lần nữa. Mọi khó khăn về vật chất đã được gạt hẳn sang một bên. Tôi đi làm thêm để có tiền trang trải, bớt phần khó khăn cho cha mẹ. Tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội với tấm bằng loại khá, tôi bắt đầu thử việc ở một cơ quan uy tín có trụ sở chính tại Hà Nội. Và rồi tôi đã được toại nguyện với ước mơ của mình, được làm việc đúng chuyên môn, đúng việc mà tôi yêu thích, đúng cơ quan mà tôi mong muốn.

Tiếp theo là em gái tôi cũng đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã để thi đỗ vào hệ chính quy Khoa luật, Trường Đại học Đà Lạt. Giờ thì em gái đã tốt nghiệp và đang chờ việc…

Lần thứ hai được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa

Ngôi nhà cấp 4 được địa phương hỗ trợ xây dựng sau hơn 20 năm đã xuống cấp trầm trọng, các bức tường nứt toác, lung lay... Ngồi trong nhà có thể nhìn thấu trời. Có lần một mảng tường lớn bất ngờ đổ ập xuống chiếc giường mẹ thường nằm. Chiếc giường gãy vụn, nhưng rất may lúc đó mẹ đang nấu cơm. Ở phía hiên trước thì toàn bộ các vì kèo đã bị mối mọt ăn mục ruỗng, mái ngói có thể sập bất cứ lúc nào. Trong đêm thanh vắng, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng kêu răng rắc và tiếng cựa mình của ngôi nhà. Mỗi lúc như vậy cả gia đình lại phải chuyển xuống bếp. Nhưng trong bếp cũng chỉ có thể kê được một chiếc giường đơn, chẳng thể đủ chỗ ngủ. Nhiều đêm cả nhà ngồi nói chuyện cho đến sáng…

Và một lần nữa gia đình tôi lại nhận được sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương. Giữa năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Vĩnh Lộc, chính quyền xã Vĩnh Quang, đặc biệt là sự quan tâm của Quỹ “Tấm lòng vàng” báo Lao Động đã quyết định hỗ trợ kinh phí giúp gia đình tôi làm lại ngôi nhà mới để thay thế ngôi nhà cũ nát.

Giờ đây ngôi nhà mới đã khánh thành. Tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trong ánh mắt của cả cha và mẹ. Tuổi tác hai ông bà ngày càng cao, bệnh tật ngày một nặng thêm, sức khỏe giảm sút thì sự giúp đỡ trên dành cho gia đình tôi vô cùng ý nghĩa.

P/S: Nguyễn Anh Tuấn (PV báo Lao Động tại Thanh Hoá) đã trải qua một con đường làm báo đầy gian khổ và thử thách. Anh đã từng bị doạ giết khi viết bài chống tiêu cực. Đã bị tai nạn giao thông với một số đinh vẫn còn đóng trong người. Anh hay tin mình trở thành phóng viên báo Lao Động khi đang đi xe máy trên đường. Anh đã bật khóc. Khóc vì những ngày thử thách quá vất vả. Khóc vì ước mơ của mình đã trở thành sự thật. Chúc Tuấn và gia đình một cuộc sống vui hơn, hạnh phúc hơn trong những ngày sắp tới.


17/1/08

ĐỒNG DAO 1


Đậu ơi, đậu bé bỏng
Em từ đâu tới đây
Trên nẻo đồng anh cuối thu

Ngàn mây cuồng nhiệt
Như ngựa hoang
Một thuở đi rồi
Khe suối âm âm mùa đá nẻ

Phép lạ nào làm mưa ấm
Nâu lại thời nâu non
Tim anh đã tặng cho hoa cải trời

Đậu ơi, đậu bé bỏng
Em từ đâu tới đây?

Ngô Mai Phong

16/1/08

XẾP HÀNG



Tôi mê Nguyễn Khải từ bé. Không phải từ cái "Mùa lạc" hồi đấy Bộ Giáo dục bắt học trò phải nghiền ngẫm từ phổ thông.

Khoảng cuối thập niên 1970 khi tôi mới 12-13 gì đó, bố về thăm hai mẹ con và kể bố vừa được xem ở Hà Nội một vở kịch rất hay có tên là "Cách mạng". Ít lâu sau bố gửi bưu phẩm, mở ra là 6-7 cuốn sách, trong đó có tập kịch "Cách mạng".

Câu chuyện ấy chắc nhiều người biết rồi. Nguyễn Khải thuật lại rất sống động chuyển biến trong một gia đình tư sản ở Sài Gòn sau năm 1975. Hàng chục nhân vật trong một gia đình được gói ghém trong một vở kịch, mỗi người một số phận, một tính cách, một suy nghĩ.

Tôi nhớ mãi hai nhân vật đối lập nhau hoàn toàn là chị Hoàng (NSƯT Mai Châu) - bà tư sản bị kẹt lại ở Sài Gòn hoàn toàn không tìm được chỗ đứng trong xã hội mới và cô Phượng (NSƯT Tuệ Minh - ảnh) - người hội nhập nhanh nhất vào cuộc sống sau 1975.

Giải phóng, Phượng mới ngoài 20. Từ cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, chẳng biết làm gì, cô nhận chân bán gạo tại cửa hàng lương thực của nhà nước. Cả nhà không thể hiểu được tại sao cô có thể đi làm một công việc thấp kém như vậy.

Cô Phượng đi bán gạo và một lần cô thấy một bà tư sản to béo dáng chừng là bà chủ cũng phải đi mua gạo. Trông bà vất vả mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhiều người cảm thấy ái ngại và muốn nhường cho bà mua trước. Nhưng cô Phượng nói: "Bà phải xếp hàng".

Bà tư sản nổi khùng: "Chủ nghĩa xã hội là phải xếp hàng à?". Cô Phượng kiêu hãnh đáp: "Đúng rồi, thưa bà. Chủ nghĩa xã hội là phải xếp hàng".

Còn nhớ mấy năm sau, được xem vở kịch này phát sóng trên truyền hình, tôi rất thích hình tượng cô Phượng qua diễn xuất đỉnh cao của NSƯT Tuệ Minh. Bà có giọng nói trong vắt, nếu ai đã nghe một lần hẳn sẽ nhớ mãi.

Nhưng cái chuyện xếp hàng trên thực tế lại chẳng phải là điều gì hay ho.

Hồi bé, tôi rất sợ xếp hàng. Năm nào hai mẹ con cũng lặn lội từ Tuyên Quang về Nam Định ăn tết với ông bà nội. Ít nhất phải xếp hàng mua vé từ Hà Nội về Nam Định, rồi từ Nam Định về Nghĩa Hưng. Xếp hàng, chen lấn để mua được tấm vé xe vé tầu thời đó là nỗi kinh hoàng đối với một đứa trẻ như tôi.

Lớn lên một chút, khi đã chuyển về Hà Nội, thì phải đi xếp hàng mua gạo, mua dầu, mua rau, hứng nước máy... Bao nhiêu chuyện hỉ nộ ái ố xảy ra trong khi xếp hàng. Người xếp hàng thì nhiều, mà những thứ đem ra bán thường có hạn, nên luôn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy: thanh niên đẩy người già, đàn ông đẩy đàn bà. Chỉ là để giành giật số hàng hoá ít ỏi. Âu cũng là một cách sinh tồn.

Giờ thì hầu như không còn phải xếp hàng. Ấy thế nhưng nếu như chỗ nào còn xếp hàng, thì y như chỗ ấy vẫn có chen lấn, xô đẩy.

Chẳng hạn như xếp hàng mua vé xem đá bóng những trận đấu hay.

Chẳng hạn như xếp hàng mua xăng buổi sáng sớm trên đường đi làm. Thể nào cũng có người tìm cách lách lên để mua trước cho bằng được.

Ngay cả những người cầm trong tay hàng nắm tiền vẫn thích chen lấn. Chen lấn để mua chung cư.

Hay vé đã có trong tay rồi, chỗ ngồi cũng ghi sẵn trên vé rồi, nhưng cứ nhất định phải chen để ra được tầu bay sớm hơn những người khác. Thế mới vui.

Cái sự chen lấn, xô đẩy này như là tàn tích rơi rớt của tâm lý giành giật từ thời bao cấp.

Tất nhiên điều mà Nguyễn Khải mượn cô Phượng để nói là điều khác so với thực tế này. Nếu mà xếp hàng cho đúng ra xếp hàng thì thực sự là ưu việt.

15/1/08

TRO LẠNH



Hôm nay là ngày lạnh nhất từ đầu mùa đông đến giờ. Đúng cảnh mưa dầm gió bấc. Chui vào xe thấy nhiệt kế chỉ nhiệt độ bên ngoài là 12 độ C. Hẳn nào lạnh thế. Nhưng chắc vẫn chưa phải là ngày lạnh nhất từ nay cho đến hết mùa đông.

Chương trình buổi sáng là dự một cuộc họp và sau đó đi ăn đám cưới.

Đúng giờ họp mà số người đến mới lác đác. Chờ thêm 10 phút nữa mới được một nửa số người đến. Chờ thêm 5 phút được thêm chục vị nữa đến. Cái sự vắng này chắc chắn nguyên nhân là do trời lạnh. Vị chủ toạ đành bắt đầu cuộc họp.

Cuộc họp diễn ra khá nhanh so với mọi lần. Vị trưởng lão hay phân tích diễn giải và thích tổng kết một nhỏ hai nhỏ hôm nay không đến họp. Chẳng biết có phải do trời lạnh hay không? Chắc là không phải rồi. Tan họp còn những 1 giờ 15 phút nữa mới đến giờ đi đám cưới.

Về cơ quan rồi lại đến chỗ cưới thì không đủ thời gian. Đi thẳng đến chỗ đám cưới thì lại sớm quá. Đi ngang qua hiệu sách quen, mua được "Và khi tro bụi" của Đoàn Minh Phượng vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn 2007. Kiếm một quán càphê ấm áp, gọi một ly cà phê nóng và giở sách ra đọc để giết thời gian...

"Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5 giờ một buổi chiều tháng 11. Anh ấy đi đâu qua đoạn đường ấy vào ngày ấy, giờ ấy, không một ai biết. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi không hoàn toàn hiểu cái chết của anh".

Câu chuyện mở đầu như thế. Bằng một cái chết. Đau buồn đẩy nhân vật "tôi" - một người phụ nữ trẻ - vào hành trình 3 tháng tìm cái chết.

Chưa bao giờ được đọc một câu chuyện về sự buồn đau của một người sau cái chết của người thân lại buồn đến như thế. Một nỗi buồn rất thực, tê tái như chính lưỡi dao lạnh buốt của mùa đông xỉa vào phần thịt da nào đó của ta trót để hở ra.

Người viết về nỗi đau ấy hẳn phải sống trong nỗi đau ấy, thở bằng nỗi đau ấy và đau bằng nỗi đau ấy. Những con chữ của chị viết thấm vào ta một cách tự nhiên và trọn vẹn. Ta đã từng đau như thế, nhưng chỉ có điều không đủ chữ nghĩa, không đủ cảm nhận để lôi nó từ tim óc ra giấy mà thôi.

Hành trình vô định trên những chuyến tàu hoả kiếm tìm kết cục của người phụ nữ thốt nhiên thật có ý nghĩa.

Tại sao lại cứ phải qua một biến cố, một mất mát, ta mới thấy rằng sự tồn tại của ta thật vô nghĩa trong thế giới này? Tại sao ta lại cứ phải phụ thuộc, phải chịu sự chi phối của những ràng buộc? Tại sao ta không tự nhấc ta khỏi mớ bòng bong ấy trước khi mọi sự diễn ra để có được tự do của chính mình, sống với chính mình?

Quán ấm, càphê nóng. Mà sao lại cảm thấy lạnh thế này? Tro lạnh...

14/1/08

HÀNG QUÁN VỈA HÈ



Silvie Beguin là cô giáo tiếng Pháp của tôi cách đây 16 năm. Hồi đó cô mới ngoài 30 một chút. Không xinh đẹp nhưng có đôi mắt rất sáng và gương mặt lúc nào cũng cười. Hà Nội thời đó sau 5 năm đổi mới đã bắt đầu biết ăn ngon mặc đẹp. Đường phố chưa nhiều nhà cao tầng như bây giờ nhưng có cảm giác sạch sẽ hơn.

Silvie ăn mặc rất khác người, khác ngay cả những đồng nghiệp người Pháp làm ở Alliance Francaise ở phố Yết Kiêu hồi đó. Điều tôi ấn tượng là bao giờ Silvie cũng đi những đôi giầy rất đẹp, không thể tìm mua bất cứ đâu ở Việt Nam

Silvie có người yêu là Herve, một chàng trai cao lớn, hơi gầy gò. Hai người đều vui tính và thích đi du lịch. Một lần vào dịp Năm mới hai người xách balô sang Lào chơi. Kế hoạch của họ kéo dài 10 ngày với mục đích đi khắp đất nước Triệu Voi.

Nhưng sang ngày thứ 4 đã thấy họ trở lại Hà Nội. Khi được hỏi lý do cắt ngắn hành trình trở về Hà Nội sớm, Silvie nói: "Ở Lào yên tĩnh quá. Yên tĩnh đến phát ốm. Chúng tôi lỡ quen với cái ồn ào của Hà Nội mất rồi, nên sự yên tĩnh ở Vientiane khiến chúng tôi thấy bất an".

Tôi cứ ngỡ Silvie nói đùa, nhưng Herve đã xác nhận điều đó.

Được một thời gian thì chính quyền thủ đô đưa ra kế hoạch dẹp hàng rong và thức ăn đường phố. Nghe thấy điều đó, Silvie thực sự nổi khùng: "Chúng mày điên à? Dẹp thức ăn đường phố thì còn ai đến Việt Nam nữa!" Chị nói một thôi một hồi rằng thức ăn đường phố thực sự ngon và Hà Nội không có lý do gì để dẹp các quán ăn ngoài đường.

Quả nhiên sau đó hàng rong và thức ăn đường phố vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.

Và giờ đây, thủ đô lại sắp dẹp hàng rong và quán xá vỉa hè. Tin tôi không? Những món ngon nhất Hà Nội bán ở những cái quán vỉa hè ấy. Vỉa hè nuôi sống hàng vạn người đang kiếm tiền từ việc kinh doanh các quán ăn.

Và hàng triệu người quen dùng thức ăn đường phố giờ đây sẽ không có chỗ ăn uống và sẽ phải trả nhiều tiền hơn để ăn cũng thức ăn đó nhưng ở trong các quán được đưa vào trong nhà.

Hàng triệu người sẽ không còn thú vui ngồi ở vỉa hè vừa ăn vừa ngắm người lại qua.

Nhưng phố xá sẽ sạch sẽ hơn, ngăn nắp hơn, trật tự hơn.

Tôi đã đi thủ đô nhiều nước Châu Á, thấy thức ăn đường phố vẫn bán đầy. Ở Seoul chẳng hạn, quán vỉa hè mở đến quá nửa đêm, ngay cả trong những ngày đông lạnh nhất. Chỉ có điều họ không xả rác ra vỉa hè mà thôi.

Có nhất thiết phải dẹp hàng quán vỉa hè không nhỉ?

13/1/08

NGOẠI



Danny theo ba má rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ từ khi còn nhỏ xíu, chừng bốn năm tuổi gì đó.

Ngoại ở lại Việt Nam. Ngoại không chịu đi vì nói ngoại già rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Sang đó đất khách quê người, biết làm gì? Vả lại ở đây còn mộ của tổ tiên, còn nhà thờ tổ, ngoại phải hương khói.

Ngày Danny đi, ngoại không ra sân bay. Tối hôm trước ngoại nói với má: "Con cho Gấu sang ngủ với má nghe. Không biết bao giờ mới gặp lại nó".

Đương nhiên má đồng ý. Chập tối má chở Danny sang nhà ngoại bằng xe đạp. Má nói: "Tối nay con ngủ ở đây với ngoại nha. Má về dọn dẹp đồ đạc. Sáng mai ba má sang đón con ra phi trường luôn".

Danny sung sướng gật đầu. Nó rất thích ở với ngoại. Nó thích mùi trầu cay cay nồng nồng toả ra từ người ngoại. Nó thích được nghe ngoại kể chuyện cổ tích, một tay ngoại phe phẩy cái quạt, một tay xoa lưng cho nó. Và cứ như thế nó nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ.

Lần này nó nằm trên giường, ngoại ngồi bên, vừa quạt vừa xoa lưng cho nó. Nó bỗng thấy những giọt nước rơi xuống người nó. Nó ngước lên thì thấy nước mắt chan hoà trên má ngoại. Nó nhỏm dậy, lấy bàn tay nhỏ xíu lau nước mắt cho ngoại: "Ủa, sao ngoại khóc vậy ngoại?"

- Vì ngoại thương con, nên ngoại khóc, con à.

- Ngoại đừng khóc, con cũng thương ngoại lắm đó.

Ngoại ôm lấy nó, hôn tới tấp lên đôi tay nhỏ, lên má, lên người nó. Mai nó đi, biết bao giờ mới trở lại. Không biết bà cháu còn có dịp gặp nhau nữa hay không.

Đêm đó ngoại trằn trọc suốt đêm,thỉnh thoảng lại trở dậy, bật đèn ngắm nhìn nó không chớp mắt...

... Ba má đưa Danny đến quận Cam ở Cali. Nơi đó có khá nhiều người Việt. Bận rộn gầy dựng cuộc sống từ đầu, nhưng ba má luôn nhắc Danny nó còn một người thân ở lại miền đất cũ. Thơ nào của ngoại gởi sang, ba má cũng đọc cho Danny nghe, giảng giải chi tiết để nó hiểu được mọi điều mà ngoại viết.

Ngoại không gởi hình sang. Ngoại nói từ hồi nào tới giờ ngoại vẫn vậy, không thay đổi gì. Nhưng thư nào ngoại cũng đòi ba má gởi hình của Danny để xem nó lớn cỡ nào. Ba má còn dạy Danny những câu tiếng Việt rất dài và bắt nó phải nói thật trôi chảy để quay video gởi về cho ngoại.

Khi Danny đi học, có thành tích học tập nào, ba má đều chụp lại một bản và gởi về cho ngoại. Khi Danny lớn một chút, nó tự làm việc ấy. Mặc dù không biết viết tiếng Việt, nhưng nó luôn viết một dòng chữ duy nhất trên trang giấy A4: "Ngoại ơi, con thương ngoại! Gấu", rồi cho vào phong bì những tấm hình, cũng như những giấy tờ về thành tích học tập của nó.

Thỉnh thoảng nó cũng gọi điện về cho ngoại, nhưng lần nào cũng vậy chỉ vừa nghe thấy giọng nó là ngoại đã bật khóc không nói được gì thêm, nên ba má hạn chế cho Danny nói chuyện với ngoại.

Thấm thoát 20 năm trôi qua. Suốt thời gian đó Danny không về Việt Nam lần nào. Khi Danny học xong đại học thì cũng là lúc cả gia đình hay tin ngoại đau nặng. Ba má nói Danny nên trở về thăm ngoại. Cậu đồng ý.

Ngoại thảng thốt khi nhìn thấy Danny bước vào nhà. Thằng cháu trai của ngoại đây. Nó giờ lớn quá, cao quá, tóc đen da vàng, nhưng không giống những người Việt xung quanh. Dẫu thế nó vẫn đúng là thằng Gấu ngày xưa, đúng là cháu của ngoại.

Ngoại nằm trên chiếc giường nơi hai mươi năm trước hai bà cháu thường nằm với nhau, nhưng ngoại chỉ còn nhỏ bằng nửa ngày xưa. Ngoại nhổm dậy, dang hai tay ôm lấy nó. Danny quỳ trên nền nhà và gục đầu vào lòng bà. Cậu thấy lại cái mùi thơm của trầu cay cay nồng nồng quen thuộc tưởng như đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng.

Danny nhìn quanh căn phòng và sửng sốt khi thấy bốn bức vách treo kín những tấm hình, những thứ giấy tờ mà ba má và cậu gởi cho ngoại lâu nay. Hình như căn nhà của Danny ở Mỹ cũng không có đủ những thứ này. Cậu hiểu rằng ngoại thương cậu biết bao nhiêu.

Gặp lại Danny, ngoại tươi tỉnh hẳn lên. Ngoại nói: "Con đưa ngoại đi chơi nghen". Hai bà cháu đi Huế, thành phố nơi ngoại đã sống một thời gian dài hồi còn trẻ. Ngoại hình như khỏi hết bệnh tật.

Tối trước hôm Danny quay lại Mỹ, ngoại nói: "Gấu à, con cứ đi đi, đừng lo gì cho ngoại nghe. Được gặp con là ngoại thoả lòng rồi. Chắc ngoại sẽ còn sống được tới ngày con lấy vợ và mang chắt về đây cho ngoại nữa đó". Danny chỉ còn biết dạ. Cậu hít hà mùi trầu thơm từ bàn tay gầy guộc của ngoại.

Ba má đón Danny ở phi trường Los Angeles với đôi mắt đỏ hoe. Cậu ngạc nhiên hỏi: "Có chuyện gì vậy má?" Má oà khóc: "Ngoại mất đêm qua rồi con".

Danny sững người. Hai mươi tiếng trước cậu còn ngồi bên ngoại. Ngoại khoẻ mạnh, tươi tỉnh, không có bất cứ biểu hiện nào của người sắp ra đi. Vậy mà, khi con vừa rời khỏi nhà thì ngoại cũng đi. Phải chi, phải chi con ở lại đó luôn, thì có lẽ ngoại đã không đi, ngoại ơi...

... Hai tháng sau, người ta thấy Danny trở lại Việt Nam. Cậu nói, cái chết của ngoại đã khiến cậu thay đổi mọi quyết định. Cậu thấy Việt Nam mới là mảnh đất để cậu tiếp tục sống. Cậu mở một nhà hàng để kiếm tiền nuôi thân và cùng bạn bè tham gia vào chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo.

"Danny muốn đền đáp tình thương của ngoại" - cậu giải thích đơn giản như vậy khi tôi hỏi về ngyên nhân cậu trở lại Việt Nam.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết