28/6/07

HỌC VĂN LÀ HỌC CÁI GÌ?



"Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh có lẽ là tác phẩm hay nhất của văn học Việt Nam được đưa vào sách Trích giảng văn học cho học sinh phổ thông trong những năm 1970.

Hồi đó, tôi học cấp 2 tại một ngôi trường nhỏ ở thị xã Tuyên Quang. Giáo viên dạy văn là cô Lan, một phụ nữ mảnh dẻ tuổi ngoài 30 một chút có mớ tóc dài, cặp mắt to thông minh và biểu cảm. Cô Lan khá cao so với phụ nữ thời đó, nên cô toàn đi dép đế bằng.

Một hôm cô bảo: "Tuần sau chúng ta sẽ học bài "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh. Các em hãy soạn bài này thật kỹ, bởi đây là một trong những bài thơ hay nhất trong chương trình giảng văn cấp hai. Cô muốn các em cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của bài thơ".

Còn nhớ chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho tiết giảng văn đó lắm. Minh, cô bạn lớp phó phụ trách học tập của lớp, 14 tuổi đã công khai thích một bạn trai, đích thân đốc thúc cả lớp chuẩn bị cho tiết giảng.

Nhưng đùng một cái, đến đầu tuần thì cô Lan bị ốm. Cô Bắc, một giáo viên dạy văn mới ra trường được vài năm, bố trí dạy thay. Cô dạy khối dưới, nên chắc là không thể giảng bài này hay như cô Lan được. Cả lớp ngẩn ngơ, tiếc hùi hụi cái công chuẩn bị cho một bài giảng văn và không được nghe giọng nói truyền cảm của cô Lan bình bài thơ này.

Cô Bắc còn trẻ lắm, khoảng 25-26 tuổi. Đoán được cái tâm lý bồn chồn của cả lớp, cô nói: "Đây là lần thứ hai cô giảng bài thơ này. Lần trước là khi đi thực tập sư phạm cách đây 4 năm. Nhưng các em hãy yên tâm, "Nhớ con sông quê hương" là bài thơ mà cô rất yêu thích".

Tiết học ấy không có phần kiểm tra đầu giờ. Cô Bắc giảng luôn. Chưa một lần tới miền Nam, chỉ quanh quẩn ở cái tỉnh miền núi này với Thái Nguyên là nơi cô học Cao đẳng Sư phạm, nhưng cô Bắc đã mở ra trước mắt lũ học trò chúng tôi phong cảnh khoáng đạt của miền nam với con sông xanh biếc có hàng tre soi bóng và bao nhiêu ký ức êm đềm về một tuổi thơ đẹp đẽ và đầy khát vọng.

Cả lớp chìm đi trong những vần thơ du dương, những hình ảnh tuyệt đẹp và những cảm xúc chan chứa về tình yêu thương đối với mảnh đất ruột thịt. Con sông ấy ở tận miền nam xa xôi, chưa một lần chúng tôi được đắm mình trong làn nước trong mát của nó, nhưng sao nó thật thân thuộc, thật gần gũi.

Bài thơ cũng có bóng dáng của lý tưởng, nhưng đó là hệ quả tất yếu của tình yêu cụ thể với con sông quê hương. Lý tưởng ấy trộn lẫn một cách hữu cơ máu thịt trong bài thơ, khiến nó được truyền tải một cách tự nhiên không hề khiên cưỡng.

Cô Bắc đã không làm chúng tôi thất vọng...

Chương trình giảng văn phổ thông những năm 1970- 1980 chủ yếu giới thiệu các tác phẩm văn học cách mạng. Công bằng mà nói đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ đó, được đem giảng dạy trong bối cảnh ấy âu cũng là điều hợp lý, vì học sinh có thể cảm nhận và hiểu được những điều gửi gắm trong tác phẩm.

Tuy nhiên, chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã thay đổi. Cách tiếp nhận thông tin cũng đã thay đổi. Thế hệ học sinh mới khó mà cảm nhận và hiểu được những điều mà cha anh họ đã phải trải qua. Tất nhiên, chương trình giảng văn phổ thông cũng đã đổi khác rất nhiều. Nhưng chắc chắn nó vẫn chưa phù hợp hoàn toàn.

Đơn cử như tác phẩm của Tố Hữu được ra trong đề kiểm tra học sinh lớp 8 ở entry trước. Các cô cậu học trò 13-14 tuổi hiện nay khó mà cảm nhận được cái bối cảnh bức bối đầu thế kỷ trước mà Tố Hữu đã từng sống. Nên các em khó mà "tán" hay được sau khi đọc bài thơ ấy.

Hay bài "Sáng ra bờ suối..." cũng như vậy. Không tìm hiểu kỹ bối cảnh ra đời của bài thơ, thì việc cô giáo và học trò cùng "tán" sang việc Bác Hồ là người yêu và gần gụi thiên nhiên cũng là điều dễ hiểu. Mà như vậy là hiểu sai hoàn toàn bài thơ này.


Cá nhân tôi thấy rằng những bài thơ như vậy cần được đưa vào giảng dạy ở bậc học cao hơn (ví dụ như lớp 11, 12), khi học sinh đã được trang bị nhiều kiến thức hơn về lịch sử, có ý thức cao hơn, có khả năng phân tích và cảm nhận tốt hơn.

Vậy học văn ở phổ thông là học cái gì?

Theo tôi, trước hết đó vẫn là việc học và cảm nhận vẻ đẹp và sự tinh tế của ngôn ngữ mẹ đẻ. Và thông qua đó tiếp thu những bài học về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Những tác phẩm được chọn để giảng cho học sinh do vậy phải chứa đựng nhiều yếu tố, mà điều quan trọng trước hết đó thực sự phải là những tác phẩm thật đẹp về ngôn ngữ.

Một bài thơ thời Liên Xô rất nổi tiếng "Tổ quốc bắt đầu từ đâu?" có câu: "Tổ quốc bắt đầu từ giờ giảng văn ở trường".

Mong rằng môn văn của chúng ta cũng làm được điều ấy để học sinh không còn chán môn văn.

Nhớ con sông quê hương

Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống dòng sông ấm áp

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi túm năm tụm bảy
Bầy chim non bay lượn trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Nhớ mãi cô em có đôi má ửng hồng
Thuyền anh đậu trong lòng em mãi mãi
Em có nhớ những buổi chiều êm ái
Nắng vàng loang trên mặt nước long lanh
Gió thổi lồng xáo trộn bóng em anh
Tiếng sóng vỗ, tiếng ta cười nhịp điệu
Nước chảy đời trôi anh vẫn níu
Những sắc ngày tươi thắm của hôm qua
Một mùa thu thơm ngát hương hoa

Hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ đến nơi tôi hằng mong ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương

Theo bạn, học văn ở trường phổ thông là học gì?

Free hitcounter

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết