31/7/11

BAO CAO SU... THỦNG



1. Con gái bây giờ cá tính lắm. Con gái bây giờ ý thức về quyền bình đẳng giới ghê gớm lắm. Con gái bây giờ có cái nhìn về tình dục cởi mở lắm.

Thế nên Con gái hôm trước mới kể cho tôi nghe chuyện thế này, một cách rất tự hào: “Nhà vệ sinh cơ quan em để mấy hộp bao cao su mà cuối giờ làm hôm nào cũng hết. Em tức mình em mới lấy cái kim châm cho thủng hết lượt”.

“Khoe chiến tích” xong Con gái cười sung sướng. Chắc đang nghĩ tới cảnh mấy ông đồng nghiệp sau giờ làm đi chim chuột với các bà các cô các chị, hớn hở dùng bao cao su miễn phí cơ quan cấp phát cho, cứ tưởng là an toàn rồi mà không biết là chúng đều đã bị... châm kim.

2.
Cười một lúc nhận ra đang cười... một mình, Con gái mới nhìn tôi nghi hoặc: “Anh không thích thế à?” Đôi mắt Con gái phát ra những thông điệp rất rõ ràng: “Phải rồi, cùng một giuộc đàn ông với nhau mà. Thế nên không thích chứ gì?” Tôi đành phải trả lời: “Ừ, không thích.” Rồi giải thích thêm bằng cách hỏi lại: “Cái bao cao su sinh ra là để làm gì, em có biết không?”

Con gái ngay lập tức phòng ngự kiêm phản công: “Để phòng bệnh tình dục chứ gì. Anh lại định bảo em làm thế là góp phần làm lây lan các bệnh truyền nhiễm đường sinh dục chứ gì. Nhưng ai bảo mấy bố ấy hết giờ làm không chịu về nhà với vợ con ngay, lại còn đi lăng nhăng ăn nem ăn chả cơ. Bị đi cho đáng đời là đúng rồi!”.

Tôi cười: “Thế em có nghĩ ăn phở ở ngoài xong, tối về các ông ấy lại chung giường với vợ mình không?”.

Đến đây thì Con gái đã biết mình bị hớ nên im lặng.

Tôi tấn công tiếp: “Rồi còn chuyện dính bầu ngoài ý muốn nữa. Nếu phở của các ông ấy là gái ăn sương thì thôi đã đành, đằng này nếu đó là con gái nhà lành bị dụ dỗ thì sao? Ai sẽ là người mang bầu? Rồi nếu phá thai, ai sẽ là người chịu hậu quả về thể xác lẫn tinh thần? Chính là phụ nữ các em đấy. Bao cao su châm kim, người trực tiếp sử dụng là các quý ông chán cơm thèm phở, ừ, đáng ghét thật. Nhưng hậu quả như vậy thì... có phải là tự em làm hại những người cùng phái với em không?”.

3. Con gái hoàn toàn không phản bác được câu gì thêm nữa.

Chắc từ mai, mấy cái bao cao su cấp phát miễn phí trong nhà vệ sinh sẽ được yên ổn.

Cuộc sống là như vậy đấy. Chưa nói đến việc chơi xấu, chơi ác lẫn nhau, mà hễ khi trừng phạt một ai đó, về một điều gì đó, dù có lý đến đâu, ta cũng phải suy nghĩ về những hậu quả ngoài ý muốn gây ra từ sự trừng phạt đó.

Minh Đức

Nguồn:
Bao cao su… thủng



29/7/11

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN "CƠ HỘI"



ĐÔNG KINH

1. Tôi sẽ không chú ý đến chàng trai thi Tài năng âm nhạc Hàn Quốc (Korea’s Got Talent) Choi Sung Bong (ảnh), nếu như tôi không nhìn thấy những khuôn mặt vui sướng tột độ kèm theo những giọt nước mắt hạnh phúc của mọi người khi nghe anh hát. Anh hát hay, dĩ nhiên. Nhưng người ta khóc, cười nhìn anh trên sân khấu còn vì câu chuyện gắn với anh, một chàng trai mồ côi, từng đi bán kẹo, bây giờ bước thẳng lên cuộc thi tài năng này bằng chất giọng đáng kinh ngạc. Người ta ví anh là Susan Boyle của Hàn Quốc.

Một câu chuyện không diễn ra ở Việt Nam ta, nhưng tất nhiên truyền thông của ta ít nhiều cũng bị đánh lừa. Bởi thông tin vừa qua cho hay, đúng là anh chàng này từng có một tuổi thơ nhọc nhằn (mồ côi, bán kẹo cao su) nhưng sau đó anh đã được đào tạo bài bản trong trường nghệ thuật hẳn hoi trước khi lên sân khấu, chứ không phải là dạng “móc được từ dưới cống lên” và chuyện quá khứ vất vả kia cũng đã lâu lâu rồi.

Hàn Quốc coi đây là một sự lừa dối và đã phạt một đài truyền hình về việc cố tình “cắt” bỏ chi tiết quan trọng này trong lý lịch thí sinh nhằm tăng mức độ bi kịch, hòng câu nước mắt của khán giả, tạo hiệu ứng truyền thông..



2. Trong xã hội hiện đại, có thể sự vô cảm gia tăng trong tâm hồn mỗi chúng ta khi đứng trước cái nghèo, cái khổ của những người xung quanh, nhưng chúng ta lại rất hào hứng với những câu chuyện mang tính nhân văn được lan truyền trong xã hội thông tin, nhất là trên mạng.

Sở dĩ có điều đó, bởi nước mắt có hiệu ứng lan truyền. Đó là điều rất bình thường, bởi bản chất con người là hướng thiện. Nhưng nó chỉ không bình thường ở chỗ, có những người luôn muốn “diễn” lại quá khứ vất vả của mình để gây ấn tượng với công chúng, và ăn theo đó là những người “bán khóc mua cười” thông qua việc xây dựng những hình mẫu nhân văn một cách phóng đại.

Khoái cảm từ một cậu bé chăn trâu thành VIP, cô bé giúp việc thành “sao” là khoái cảm của con cá chép vượt vũ môn, con vịt biến thành thiên nga.

Nhưng không chỉ có thế, ngay cả khi thông tin về các sĩ tử đi thi hay các thủ khoa, á khoa sau này, người ta cũng có xu hướng muốn gắn vào chuyện “vượt khó”, cực nghèo, cực khổ. Có nơi mở hẳn chiến dịch, huy động nhân lực bằng mọi giá phải “tìm” bằng được những tấm gương kiểu này. Vì thế người đưa tin có xu hướng “có ít sít ra nhiều”... Một trong những cách thức dễ lấy nước mắt nhất là đặt tít đại loại như: cậu bé chăn trâu, cô bé bán rau, bán phở, mót khoai trở thành thủ khoa, á khoa...

Phải nói thật, những ai ở nông thôn thì đều biết chăn trâu, cắt cỏ, hái rau, đi chợ, mót khoai thậm chí hót phân... là chuyện thường tình, bởi ngoài giờ học ra thì phải giúp gia đình. Nhưng đó cũng chỉ là việc phụ giúp cho bố mẹ. Nếu không chọn đúng tấm gương trò nghèo vượt khó thực sự, cứ xoáy vào mấy chuyện nghèo mang tính tượng trưng kể trên thì không đúng thực chất.

3. Có thể trong rất nhiều trường hợp, cũng như thí sinh Hàn Quốc kia, họ bất đắc dĩ bị biến thành một hình mẫu nhân văn do ý đồ của người khác. Suy cho cùng thì chính họ bị thiệt. Ở đời cái gì nên đi cái ấy. Thi cử, thi thố thì phải căn cứ vào tài năng, kiến thức, và hãy tôn vinh họ bằng chính tài năng, kiến thức đó, còn chuyện nghèo khổ, vượt khó như thế nào chỉ là chuyện thứ yếu thôi. Đừng biến cái chính yếu thành cái thứ yếu mà vô hình trung lại đánh giá thấp tài năng của họ.

Chẳng cần tô điểm bằng quá khứ bán kẹo cao su, Choi Sung Bong hát hay, thế thôi.

Nguồn:
Chủ nghĩa nhân văn “cơ hội”





Example

28/7/11

NHÀ ĐƠN CÔI


Có khi nào bạn muốn đến một nơi thật xa, đắm mình trong thiên nhiên cô liêu, rời xa khỏi thế giới văn minh xô bồ và hỗn độn?

Hãy chọn một trong những ngôi nhà dưới đây.


























Nguồn:
Одинокие дома вдалеке от цивилизации



26/7/11

TÌNH CẢM THẲM SÂU



NGÔ PHAN LƯU

Hầu như khó có luật trừ, hễ sống mà lên được tới “chức” ông nội, ông ngoại thì hay thương hay nhớ bọn cháu trẻ nít quá chừng. Gần chúng thật vui. Xa chúng thật buồn. Nếu trời cho sống lâu hơn, sống lên được “chức” cố thì quả là tuyệt vời. Nhưng việc này khó vô cùng. Thôi, cứ hãy nói ở mức thông thường tức ở “chức” nội, “chức” ngoại.

Trong phòng ngủ, bà vợ treo đầy hình bọn cháu nội, cháu ngoại trên vách. Tôi cứ thường vào xem ké cho đỡ nhớ. Có đứa cởi trần ngồi trong chậu tắm vọc nước, cười tít mắt ló hai chiếc răng chuột. Có đứa cải trang làm ông già Noel cưỡi con tuần lộc. Có đứa làm đại ca, đeo kính đen, đầu trọc lóc, lái ô tô nhựa. Có đứa quấn khăn rằn, vẽ râu ngạnh trê đen thui, giả ông già Nam bộ thời chống Pháp. Có đứa mặc bộ giáp siêu nhân, súng dài súng ngắn giắt cùng mình. Có đứa mặc áo dài hoa bưởi, nón bài thơ, thân hình suông đuộc như đòn bánh tét... Quả thật, mỗi đứa một vẻ chẳng đứa nào giống đứa nào, nhưng đều có một điểm chung gặp nhau là cực kỳ dễ thương.

Cái thằng cháu nội giả ông già Nam bộ thời chống Pháp, hiện ở Sài Gòn, đang theo mẫu giáo. Cả nửa năm trời mà nó vẫn không tăng được ký nào. Lúc nhỏ, vì hay bệnh nên bác sĩ cho dùng quá nhiều thuốc kháng sinh, nên đẹt thằng nhỏ. Đằng đẵng cả năm tôi mới có dịp vào Sài Gòn thăm nó một lần. Thế nhưng, khi tôi mới ló đầu vào cửa, chưa vô nhà, trông thấy tôi nó cười toe toét và vẫy tay la to “bái bai” ông nội. Nó “bái bai” tôi tía lia, không cho cái miệng làm da non. Úi cha cha! Cái thằng này y như cái đài. Và, nó xáp tới đòi tôi ẵm. “Bái bai” mà lại đòi ẵm. Thật ngược đời!

Để giải thích hiện tượng tình cảm ông cháu quyến luyến, tôi nói với một ông bạn già như sau:

“Tại sao mình thương bọn cháu trẻ nít đến thế nhỉ? Và tại sao bọn chúng cũng thương mình đến thế nhỉ? Theo tôi là vì chúng chưa biết gì cuộc sống trong khi mình đã chán cuộc sống tới cổ. Tại vì chúng mới bước vào đời trong khi mình sắp ra khỏi đời. Ông cháu chính là hai đầu của vòng đời, nên luôn gặp nhau, quấn quít nhau”.

Ông bạn cười sếu sáo, nói phụ hoạ:

“Mình đục ngầu trong khi chúng nó trong vắt. Mình không thương chúng sao được. Tôi có thằng cháu nhỏ, tôi phải mướn một bịch kẹo nó mới chịu nằm ngủ với tôi. Kẹo phải trả trước, nó mới leo lên giường nằm. Nằm chưa nóng lưng, lại phóng xuống nhảy tuốt. Khi nó ăn hết kẹo, lại trèo lên đòi “kẹo ngủ”. Tôi không đưa nữa, bảo nằm chờ đó đã. Chờ lâu quá, nó ngủ tuốt. Ngủ với nó, mình không dám cục cựa sợ nó thức. Thật là sướng!”.

Tôi cười:

“Ngủ không dám cục cựa mà sướng à?”

“Được nó nằm bên cạnh là sướng rồi. Cái khổ “không dám cục cựa” ăn nhằm gì. Phải ráng chịu một tí đâu có sao. Nó mà thức dậy là nó nhảy tuốt, mình đâu có ngủ được với nó”. Lão ta trả lời.

“Đúng thế. Tôi ở vào trường hợp ấy, tôi cũng không dám cục cựa”. Tôi đồng cảm với lão bạn.

Lão bạn lại nói:

“Hè này không biết làm sao có tiền để lì xì cho bọn chúng. Bầy gà trong vườn còn nhỏ quá. Thế nào chúng cũng về đông đen”.

Tôi giật mình nhìn lão. Câu lão vừa than chính là câu của tôi sắp than. Thật là căng quá chừng. Già không làm ra tiền. Tôi gợi ý:

“Thì trái cây trong vườn đấy. Cứ cho bọn chúng thoải mái”.

Lão bạn thở dài:

“Cũng chỉ có cách ấy mà thôi. Giờ tôi mới biết, trồng cây ăn quả thật là hữu ích”.

Nghe thế, tôi im lặng, nói chính xác hơn, tôi rớt vào im lặng. Câu nói của ông bạn già: “Giờ tôi mới biết, trồng cây ăn quả thật là hữu ích” đã khoác thêm một tình cảm ông cháu thẳm sâu...

Nguồn:
Trồng cây ăn quả thật hữu ích



24/7/11

NGƯỜI NGƯỜI CHỤP ẢNH



1. Xưa rồi cái thời ai ai ở nước mình cũng làm thơ. Số lượng tập thơ in hằng năm thì vẫn nhiều, vượt xa sách khoa học và cả sách bói toán tử vi, nhưng không khí thơ ca nhìn chung đã chùng xuống, chẳng còn ai đủ sức làm một bài thơ mà kêu gọi được cả lứa thanh niên hồ hởi “lên miền Tây vời vợi nghìn trùng” nữa.

Tình trạng này, theo nhiều nghiên cứu chưa công bố của giới xã hội học, bắt nguồn một phần lớn từ việc đông đảo quần chúng đã tìm được một cách khác để thể hiện nỗi lòng: chụp ảnh.

2. Cũng xưa rồi cái thời một cái máy ảnh Zenit hay Praktica quý hiếm lắm, ai cũng mơ ước. Lịch sử văn minh thế giới ghi nhận rằng theo đà phát triển của xã hội, người giàu ngày càng khổ tâm vì chẳng còn biết làm cách nào cho khác biệt với người bình dân nữa. Xưa kia thể thao và đi du lịch được dùng để phân biệt đẳng cấp, giờ thì cuối tuần xuống Đồ Sơn rất dễ loạng quạng gặp gia đình bà bán xôi đầu ngõ. Mấy người giàu thật ở Việt Nam giờ chán ngán vứt gậy từ bỏ những sân golf Chí Linh, Phoenix, nhường chỗ cho các vị mới bán được dăm mảnh đất khu vực ngoại thành cuối tuần hãnh diện vận áo phông có cổ lái xe Lexus mấy chục cây số để “nàm (làm) vài gậy”.

Sau thể thao và du lịch thì đến công nghệ. Kỷ nguyên máy ảnh kỹ thuật số giúp nhà quản lý dễ dàng dẹp tan tác đội quân chụp ảnh dạo xưa kia vốn rất khó quản lý. Giờ đây bỗng người ta phát hiện một sự thật tươi sáng: trong mỗi con người đều ẩn náu một nhiếp ảnh gia tiềm tàng. Giống như trước kia người ta mừng rỡ vì đích thị tâm hồn mình vụt trở thành tâm hồn thi nhân trong một đêm trăng rằm.

Đặc điểm của nhiếp ảnh gia tự giác là bạ cái gì cũng chụp, từ mèo nhà mình đến mèo nhà hàng xóm; họ lại rất hay thay máy thay ống kính, cái gì mới nhất là mua về, rồi thì đồ quý như Hasselblad với Leica M6 giờ nhan nhản mới khiếp, cứ như là máy khác ống khác thì tức khắc thay đổi ngay được cái nhìn vậy; và đặc biệt trong tâm hồn họ hình như luôn luôn phảng phất ý nghĩ mình là hậu duệ chân truyền của Henri Cartier-Bresson, họ chê ảnh của nhau và nhất là hay chê ảnh của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp: “Tay ấy bố cục kém quá”.

3. Cũng giống thịt chó thì không thể thiếu lá mơ, đã chụp ảnh thì không thể quên đi “phượt”. Chụp và phượt đã trở thành đôi bạn chí thân, phượt để chụp và chụp để ghi lại những khoảnh khắc phượt. Mùa Xuân mà đi quá Hòa Bình lên tới Mộc Châu, cách một quãng lại thấy một nhóm nhiếp ảnh gia lỉnh kỉnh máy với ống chĩa vào gốc cây tảng đá, hòn sỏi lá cây, bông hoa con sâu, đỗ bên đường là xe Triton, xe Fortuner, xe Jeep “cởi truồng”, ai nấy quần áo ký giả nín thở bấm nút. Cảnh tượng có thể nói là đầy chất thơ mộng và lãng tử.

4. Nói chuyện thơ ở trong đề tài nhiếp ảnh là vì hai cái này có liên quan đến nhau. Cái thời thơ còn vượng, có chuyện kể là dân văn nghệ sĩ tụ bạ từ bốn người trở lên phải ra quy định ai muốn đọc thơ (tất nhiên là đọc thơ mình, vì ngâm nga thơ mình đã hết ngày rồi, lấy đâu ra mà đọc thơ người khác) thì phải nộp tiền, năm mươi nghìn một lần đọc. Thế rồi đến tàn cuộc kiểm lại hóa ra ai cũng mất tiền cả, bét cũng mất vài trăm. Có những ông rút “soạt” cả xấp tiền, mặt đỏ lựng chờ đến lượt để đọc nguyên một bản trường ca.

5. Giờ muốn không bị chụp ảnh nhiều khi phải xin, đấy là còn chưa nói đến những “blog stylist” ra đường thấy gì cũng chụp rồi “post” lên mạng, rất nhiều người muốn trở thành The Sartorialist danh tiếng. Xưa có lời khuyên là khi gặp nhà thơ phải ăn mặc cho kín đừng để hở bất kỳ thứ gì để khỏi bị nhà thơ vịnh cái mũi hay vịnh lông mày, giờ gặp nhiếp ảnh gia đại trà càng phải che chắn cho kỹ, vì ít ra thơ còn miêu tả ẩn dụ, chứ ảnh chụp thì trần trụi lắm, chẳng may gặp phải người nào đang tập thực hành macro thì càng khổ nữa.

Rốt cuộc người chụp ảnh khéo nhiều hơn người được chụp. Càng ngày ta càng thấy nhiều hơn những bức ảnh chụp người đang chụp ảnh và không lạ gì cái cảnh dăm chục tay máy chĩa vào một cô người mẫu ăn vận kiểu cổ chít khăn mỏ quạ đứng làm duyên bên bức tường rêu.

Hơn thế nữa, một số nhiếp ảnh gia nghiệp dư lại còn hay viết tản văn để miêu tả cái hay cái đẹp cái tinh hoa trong ảnh của mình. Những áng văn ấy đọc lên thường nghe như thơ.

Con Sâu

Nguồn:
Chụp ảnh



21/7/11

NHỚ THƯƠNG LÁ CHUỐI



Nhớ hồi bé, tiền quà thường thì bọn trẻ chúng tôi hay mua xôi, bắp nấu hay khoai để ăn cho no, cho chắc bụng trước khi đến lớp. Ấy vậy mà nhớ, mà thương da diết đến nao lòng những gói xôi, gói bắp xinh xắn của một thời ấu thơ.

Bắp nấu, xôi, đậu phộng luộc... thường thì được gói bằng lá chuối tươi, giản tiện mà nồng ấm hương quê. Ăn bắp nấu thú vị nhất là trên miếng lá chuối tươi xanh còn thơm những giọt nước mát, phảng phất mùi nhựa non nõn, rồi ta cầm cái que bằng sóng dừa - được người bán chuốt, cắt gọn ghẽ - và một miếng ngon lành làm sao. Còn xôi thì bao giờ chúng tôi cũng dùng đôi tay bóp nó chặt lại với miếng lá chuối, nghe nong nóng, deo dẻo bàn tay ngoan... Những miếng lá chuối hay cái que dùng để đưa bắp vào miệng sau đó được cho vào sọt rác và chúng dễ phân hủy vô cùng!

Xôi nếp bây giờ được gói bằng một cái bọc ni-lông mong mỏng. Cái que bằng sóng dừa, miếng lá chuối tươi non đựng quà biến mất hẳn. Đâu đó tôi nghe có người bảo: “Những que sóng dừa, lá chuối tươi không đảm bảo vệ sinh và thấy quê quê sao ấy!”. Thế là bọc ni-lông, ly nhựa lên ngôi cùng hậu quả cũng thật kinh hoàng! Lũ học trò vứt những cái vật dụng “văn minh” ấy tùy tiện không biết đến khi nào phân hủy.

Chợt nghe thằng cháu đang ê a đọc bài, có một đoạn làm tôi rất chú ý: “Theo các nhà khoa học, bao bì ni-lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni-lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni-lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải. Đặc biệt bao bì ni-lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-ni gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi...”.

Nghe thế, tôi bỗng nhớ thương lá chuối vô cùng, thương không chỉ vì môi trường mà còn vì những kỷ niệm...

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

Nguồn:
Nhớ thương lá chuối



20/7/11

"TÔI TỪNG MƠ MÌNH LÀ HOÀNG TỬ VIỆT NAM"



Bộ trưởng kinh tế Đức Philipp Rösler, 36 tuổi, một người Việt Nam được một gia đình Đức nhận làm con nuôi khi còn rất nhỏ, khẳng định rằng ông chưa bao giờ gặp khó khăn với lai lịch Việt Nam của mình.

Cuộc phỏng vấn ông Philipp Rösler do tạp chí Spiegel thực hiện ngày 19.7 xoay quanh các vấn đề về sự hội nhập của người nước ngoài với xã hội Đức, sự phân biệt đối xử, và ý nghĩa của việc trở thành một người Đức.

SPIEGEL: Bộ trưởng Rösler, ông sinh ra ở Việt Nam và được cha mẹ người Đức nhận làm con nuôi khi ông mới chín tháng tuổi. Lần đầu tiên ông chú ý đến việc ông trông khác với những đứa trẻ Đức khác là khi nào?

Philipp Rösler: Khi tôi lên bốn hay năm gì đó, ba tôi cùng tôi soi gương. Ông nói: "Con hãy nhìn vào con, rồi nhìn vào ba - chúng ta trông khác nhau. Nhưng cho dù có điều gì xảy ra và cho dù người ta có nói gì: ba vẫn là ba con".

Hồi nhỏ ông có bị trêu chọc vì ngoại hình của mình không?

Không, chưa bao giờ. Thỉnh thoảng tôi mơ tưởng mình là một hoàng tử Việt Nam bị lạc nữa. Suy nghĩ đó làm tôi thích thú. Có lúc tôi còn hỏi ba là ở Việt Nam có hoàng tử không. Ông nói là từng có vua ở đó, nhưng giờ không còn nữa. Chuyện (tôi hỏi ba) xảy ra vào khoảng năm 1980.

Với ngoại hình của mình, hồi thiếu niên ông có bao giờ hình dung đến một ngày ông trở thành phó thủ tướng Đức không?

Làm sao mà một thiếu niên có thể hình dung đến việc trở thành phó thủ tướng được? Tôi thấy người dân Đức đã rất thông cảm và chấp nhận việc tôi trông khác với một "người Đức bình thường". Ở nước ngoài, điều này hiện giờ và sau này vẫn còn gây chú ý. Tôi vừa mới tháp tùng thủ tướng (Angela Merkel) đến Washington và khi chúng tôi được đón tiếp ở Nhà Trắng, tổng thống Obama đã rất tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.

Có phản ứng nào từ Việt Nam khi ông trở thành chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đảng liên minh với đảng bảo có đường hướng bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel – và phó thủ tướng Đức?

Tôi nhận được lời chúc mừng từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, điều đó khiến tôi rất vui. Nhưng không có mối liên hệ gì gán ghép vào lai lịch Việt Nam của tôi cả.

Những người ở Việt Nam có tự hào về Philipp Rösler?

Xe chở khách du lịch Việt Nam thường dừng ở bộ của tôi, và với nhiều người Việt Nam, đó chắc chắn là điều gì đấy đặc biệt. Nếu ai đó gốc Đức được nhận làm con nuôi và trở thành người trong chính phủ Việt Nam, chúng ta những người Đức có lẽ cũng sẽ thấy thú vị.

Ba ông có kể cho ông nghe nhiều về Việt Nam không?

Ba tôi gặp một số người Việt Nam khi ông làm phi công lái trực thăng cho không quân Đức. Trong những năm 1970, ông thường đi tập huấn ở Mỹ, nơi các phi công của quân đội miền Nam Việt Nam cũng được huấn luyện. Cuộc chiến ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của ông, như hầu hết những người cùng thế hệ của ông. Sau đó ông nhận thấy có hai lựa chọn – hoặc là xuống đường và biểu tình, hoặc giúp đỡ theo một cách thiết thực. Ông chọn cách thứ hai và nhận nuôi một đứa trẻ Việt Nam – là tôi.

Giờ, khi ông xem những phim ảnh về chiến tranh Việt Nam, ông đứng về phía bên nào?

Không bên nào cả. Trong những phim chẳng hạn như "Platoon" của Oliver Stone, không cần có một sự phân biệt giữa thiện và ác, vì vậy tôi không thấy mình phải đứng về phía nào.

Ông có bao giờ thử học tiếng Việt chưa?

Chưa.

Ông có bao giờ ước mình trông giống một người Đức không?

Không, vì tôi là một người Đức và tôi luôn cảm thấy như một người Đức. Tôi học trường tiểu học công giáo ở vùng Harburg của Hamburg, nới có rất nhiều học sinh Tây Ban Nha và Ý. Sau ngày đầu tiên ở trường, tôi lại nói chuyện với ba: "Ba ơi, có nhiều bạn người ngoài trong lớp con". Ông đã cười lớn.

Đức có phải là một đất nước thân thiện với người nước ngoài?

Vâng, đúng vậy. Bản thân tôi chưa bao giờ có trải nghiệm tiêu cực nào (về việc này).

Nhóm người nước ngoài nào mà ông cho là sẽ gặp khó khăn ở Đức?

Điều đó khó mà nói được. Nhìn chung, yếu tố nước ngoài và yếu tố xa lạ khiến nhiều người lo sợ. Vì vậy tôi hình dung những người gặp khó khăn nhất là những người mà có vẻ rấc khác biệt với "người Đức điển hình".

Các quan điểm tích cực của ông về nước Đức có liên hệ gì với việc ông đã được lớn lên trong một môi trường được che chở không? Một cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng ven khó khăn của Berlin như quận Neukölln chẳng hạn có thể có một cái nhìn rất khác về nước Đức.

Không có ai giễu cợt với điều tôi được thừa hưởng. Nhưng những cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ thường bị véo mũi vì chúng trông khác mọi người. Tôi thấy điều này không công bằng và nguy hiểm. Làm sao một người có thể cảm thấy họ là một phần của xã hội khi bị nói ngay từ đầu là: "Bạn không thực sự là một phần của chúng tôi?".

Tại sao thái độ với người nước ngoài ở Đức lại trở nên khó chịu như vậy?

Trong quá khứ, người nước ngoài được xem là làm giàu cho đất nước này. Đức cần lao động, vì vậy người Tây Ban Nha, Ý, và người Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón. Khi nỗi lo thất nghiệp tăng lên, nỗi sợ của nhiều người về việc người nhập cư sẽ lấy mất việc làm của họ cũng tăng lên. Dù sao thì trong vài năm qua, thái độ này đã được cải thiện đáng kể.

Và tại sao tân phát xít ở phía Đông nước Đức gọi người Việt Nam là "dân Fiji" như một cách miệt thị?

Gọi người Việt Nam là dân Fiji hoàn toàn là ngu xuẩn, ít nhất là về mặt địa lý. Đảo quốc Fiji cách Việt Nam hàng ngàn km.

Ông có nhận thấy rằng người ta đang lo sợ người nhập cư không?

Luôn có hai cách ứng xử với những nỗi lo sợ như vậy. Hoặc anh đầu hàng nỗi sợ và khép kín bản thân mình, hoặc anh cố gắng cởi mở và nói cho mọi người cùng hiểu. Tôi thấy cách thứ hai thoải mái hơn.

(Theo Spiegel)

Nguồn:
Philipp Rösler: "Tôi từng mơ mình là hoàng tử Việt Nam"

Entry tham khảo:
ROESLER - NGƯỜI GỐC VIỆT THÀNH ĐẠT NHẤT THẾ GIỚI
HIỆN TƯỢNG CHÍNH KHÁCH GỐC VIỆT ROSLER



19/7/11

KHI ĐỊNH VƯỢT ĐÈN ĐỎ



1. Lại một vụ xô xát dẫn đến án mạng nữa. Lần này là một tài xế taxi trong lúc chạy xe vào ngõ vướng phải đuôi chiếc xe máy dựng ngang ngược dưới lòng đường. Lời qua tiếng lại, tài xế ô tô dùng dùi cui điện và bình xịt hơi cay đuổi đánh nam thanh niên sở hữu chiếc xe. Và thanh niên này đã dùng dao đâm chết người tài xế...

Trên một diễn đàn Internet, khi trích đăng lại tin này, quản trị viên đã bình luận thêm:

“Có thể hình dung “màn đấu khẩu” lúc đó thế này:

Tài xế taxi: - M. mày (chửi tục), để xe như thế à? Nam thanh niên: - Tao để xe ở đâu liên quan đ. (chửi tục) gì đến mày!

Giá mà nó diễn ra như thế này:

Tài xế taxi: - Bạn ơi, có thể dịch đuôi xe vào một chút giúp mình không?

Nam thanh niên: - Vâng, anh đợi em một chút.

Thì có lẽ sự việc đã chẳng đến nỗi này...”

Vâng, một câu “giá mà” rất chính đáng. Giá mà người ta dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng hơn. Giá mà người ta tôn trọng nhau hơn một chút...

2. Chuyện giao thông, nhìn rộng ra, nó giống như một bức tranh thu nhỏ về cách người ta cư xử với nhau trong xã hội bây giờ. Khi mỗi người đều đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả (ai cũng muốn đi thật nhanh, đến nơi thật sớm, không ai muốn mình phải chịu “thiệt thòi” dừng lại nhường người khác đi trước), thì sự tôn trọng dành cho nhau cũng không còn nữa.

Khi sự tôn trọng dành cho nhau đã không còn nữa, người ta sẵn sàng to tiếng với nhau, động chân động tay với nhau.

Khi đã sẵn sàng động chân động tay với nhau, thì người ta cũng chỉ coi sinh mạng nhau như cỏ rác.

Tôi nghĩ, một cách sâu xa, đó là lý do dẫn đến những vụ xô xát kinh hoàng với lý do nhiều khi... lãng nhách đang càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đó cũng là tác nhân cho những hành động mất nhân tính, như người bảo vệ đã rồ ga đâm cả xe chở phế liệu vào những người đồng nghiệp cùng công ty với mình...

3. Đã rất nhiều lần giữa buổi trưa nắng nóng, đi đến một ngã tư mà đèn đã sang đỏ, nhìn đồng hồ đếm ngược báo còn hơn 60 giây, tôi cũng muốn nhấn ga để vượt qua cho mau chóng. Nhưng lại nghĩ, ở phía đường giao nhau bên kia, có những con người mà 60 giây trước đó đã đứng lại chịu nắng để những người khác trên phần đường tôi đi có thể vượt qua ngã tư một cách an toàn; vậy thì bây giờ, sau khi đã nhẫn nại chờ đợi và nhường nhịn như vậy, họ cũng xứng đáng được đi tiếp mà không cần phải lo lắng nhìn sang hai bên để tránh những mối nguy vượt đèn đỏ chứ...

Rồi chợt nghĩ, giá như bất cứ ai tham gia giao thông cũng đều nghĩ được như vậy.

Để đừng giẫm đạp lên nhau.

Minh Đức

Nguồn:
Khi định vượt đèn đỏ...



18/7/11

VỞ DIỄN MỘT ĐÊM



Bỏ qua “tiểu tiết” vụ lộ ngực một cách phản cảm của Lý Nhã Kỳ phơi bày trước khán giả cả nước xem tường thuật trực tiếp vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sóng VTV1 mới đây, đâu mới thật sự là điều đáng suy ngẫm về tác phẩm hoành tráng này của sân khấu Việt Nam 2011? TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu góc nhìn của nhà văn Nguyễn Hiếu từ hàng ghế khán giả.

Chiều 25/6 khi cùng đoàn tác giả sân khấu do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, đang đi thực tế tại Tây Nguyên thì nhận được tin nhắn của người bạn vong niên thân thiết rằng tối nay VTV1 sẽ truyền hình trực tiếp từ Quảng Bình - quê hương đại tướng vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nguyễn Quang Vinh. Tôi và không ít nhà văn và tác giả trong đoàn náo nức đón chờ…

Sau khi vở kịch kết thúc, điều gợi lên đầu tiên ở tôi là sự cảm phục tài quản lý và tổ chức của tổng đạo diễn. Với một kịch bản như thế mà ông thuyết phục được các nhà quản lý để được dàn dựng với quy mô sự kiện nghệ thuật cấp quốc gia. Lại thuyết phục được nhiều nhà tài trợ, huy động được nhiều nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực sân khấu cùng các đoàn nghệ thuật tham gia với lượng diễn viên lên đến hơn 300 người... Nhưng sau hết, điều đáng bàn là chất lượng của vở diễn.

Trên thế giới, kịch về các danh nhân không thiếu và cũng không ít thành tựu. Nhiều tác phẩm lớn của Shakespeare lấy nhân vật trung tâm từ nguyên mẫu trong lịch sử, đã dựng lên những điển hình vĩ đại về tham vọng, bi kịch của con người như Vua Lia, Macbeth, Henry. Thế kỷ 20, có thể kể đến bộ ba kịch về Lenin: Người cầm súng, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bi tráng của Pogodin đã được dàn dựng tại Việt Nam. Ở Việt Nam, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi cũng là những thành tựu mẫu mực của sân khấu thể hiện các nhân vật lịch sử kiệt xuất.

Ngay đối với các danh nhân đương đại như Hồ Chủ tịch, nền kịch nghệ nước ta cũng đã có những tác phẩm đáng nhớ như Đêm trắng của Lưu Quang Hà, Người đi dép cao su của Kateb Yacine… Một kịch tác gia chuyên viết về Bác Hồ là Lê Đăng Thành có kịch bản Cuộc săn đuổi lịch sử theo tôi cũng rất thành công khi khắc họa một cách đa dạng, tài tình hình tượng Hồ Chủ tịch trong cuộc đấu trí dai dẳng với các thế lực của thực dân Pháp qua các đời toàn quyền Đông Dương, tiếc thay vở này chưa được dựng trên sân khấu.

Sự thành công và hấp dẫn của các tác phẩm này cũng như nguyên lý của văn học nghệ thuật là khắc họa được hình tượng nhân vật trong hình ảnh của con người cụ thể, thể hiện được tính cách của họ cùng những xung đột cuộc đời được nâng lên điển hình trong các tình huống kịch.

Trở lại với Bản giao hưởng…, dường như không thấy nhân vật Võ Nguyên Giáp đâu, chỉ thấy những trường đoạn minh họa, kể lại một cách hình thức, sơ sài các biến cố lịch sử có liên quan đến đại tướng mà bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử đương đại Việt Nam đều biết. Cách kể này giống hệt những tấm áp-phích cổ động được “đối thoại hóa” bằng những lời thoại thiếu tính cách. Hay nói đúng hơn, vở kịch như những mô-đun lắp ghép theo mô hình những sự kiện xung quanh nhân vật đại tướng.

Hình như chính tác giả cũng cảm thấy đơn điệu trong cách kể này nên đôi chỗ ông lại xen vào những mảng bi kịch cố tạo về thân phận cô y tá, về gã sĩ quan pháo binh Pi-ốt. Còn nhân vật chính thì chỉ là sự xuất hiện về mặt hình thể và tên gọi mà hầu như không có chút tâm lý nào dù đơn giản nhất chứ chưa nói đến diễn biến tâm trạng trước các xung đột, các sự kiện của kịch. Nếu vở diễn này ít nhiều được ghi nhận về sự hoành tráng, về sự tham gia số đông diễn viên thì lại thiếu đi cái cơ bản là con người!

Đứng về mặt nghệ thuật, dựng tác phẩm từ nguyên mẫu có cái lợi là sẵn cốt kịch bản, mặt khác hàm chứa sự gò bó bởi thực tế nguyên mẫu. Tài năng của người viết là biết chọn sự kiện nào để từ đó tìm ra kết cấu hợp lý làm nổi rõ tính cách nhân vật, qua đó gửi thông điệp tới người xem. Thành công của Đêm trắng chẳng hạn, chính là vì Lưu Quang Hà biết chọn và xử lý đúng sự kiện Bác Hồ kiên quyết loại trừ Cục trưởng cục quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham nhũng.

Còn Bản giao hưởng… mặc dù tập trung vào sự kiện “chiến dịch Điện Biên” nhưng dường như tác giả chưa nắm được thần thái, tính cách nhân vật, chưa chọn được sự kiện trung tâm nên vở diễn thành sự minh họa khô cứng. Lấy tên nhân vật chính làm tên vở nhưng chờ mãi, chờ mãi mới thấy nhân vật chính xuất hiện như một đề-can, một bảng hiệu ở cảnh cuối cùng!

Thật sự, là một khán giả, tôi rất lấy làm tiếc cho những “vở diễn một đêm” như thế này, tiếc hơn cho sự hoành tráng của tiền bạc, thời gian, sức người đã đổ ra mà cái người xem nhận được lại quá ít ỏi.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ một bài báo cho biết CLB bóng đá Thanh Hóa trả lương cho cầu thủ cao nhất nước, trung bình cũng trên dưới 30 triệu đồng, cầu thủ xuất sắc nhận 40, 50 triệu, HLV là 100 triệu mỗi tháng, thế nhưng chính Thanh Hóa lại vừa xin Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo để cứu đói trên 70 nghìn người. Tác giả bài báo Hoài Văn tính toán thời giá của 2.000 tấn gạo này xấp xỉ 30 tỷ đồng, ít hơn nhiều khoản ngân sách của CLB bóng đá Thanh Hóa chi trong mùa giải 2011.

Quảng Bình, quê đại tướng cũng là một tỉnh nghèo, lũ lụt mùa này lại đang lăm le đe dọa những mái nhà cùn xơ của biết bao gia đình... Tôi chạnh nghĩ, viết về lịch sử là một nhiệm vụ và một yêu cầu lớn đối với người làm nghệ thuật. Nhưng làm thế nào để không mang tiếng, nói nhẹ là ăn theo, nói nặng là lợi dụng lịch sử, là cả một vấn đề lớn của người làm nghệ thuật.

Quỳnh Mai tháng 7/2011

Nhà văn NGUYỄN HIẾU

Nguồn:
Vở diễn một đêm?



17/7/11

NGHĨ VỀ MỘT GIÁ TRỊ VĨNH HẰNG



Nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ hiếu trong cuộc sống con người, chừng nào con người vẫn còn tồn tại trên quả đất này, thì cũng lại là một hẫng hụt nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội kéo theo những hệ lụy rất khó lường.

Khi người nhạc sĩ tài hoa nọ biết “tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hát cho cha” (Trịnh Công Sơn) thì chính là người nghệ sĩ thiên tài ấy đã nói hộ với chúng ta những ước ao thầm kín và sâu lắng trong lòng ta đối với những đấng sinh thành mà với họ, Mặt trời chỉ chiếu sáng cho mỗi đứa con của mình mà thôi. Chữ hiếu là một giá trị vĩnh hằng.

Có một giá trị xuyên thời gian và không gian, từ khi con người xuất hiện trên Trái đất cho đến khi Trái đất còn con người. Đó là tình mẫu tử, là ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi một con người trân trọng đúc kết và nâng niu thành chữ hiếu.

Chữ hiếu ấy, triết lý phương Đông nâng lên thành đạo, dẫn dắt mọi ứng xử của con người trong xã hội, đạo hiếu, một thành tựu của văn minh mà loài người đạt được, một dấu ấn đậm nét của triết lý phương Đông, gần đây có xu hướng được nâng lên thành một thứ “minh triết phương Đông”. Nhưng chớ có cường điệu quá đáng, cho rằng “chữ hiếu” là một sản phẩm của triết lý phương Đông như có người vội vã kết luận.

Liệu khái niệm “đạo” ở đây có gợi lên một liên tưởng về cái “đạo vũ trụ” của Einstein khi ông nói đến “tính tín ngưỡng vũ trụ”? Theo Einstein, “đằng sau những chuỗi mắt xích có thể nhận ra được, còn có cái gì tinh tế không thể hiểu thấu đáo, không thể giải thích được.

Sự tôn kính trước sức mạnh này, ngoài những cái chúng ta có thể hiểu được, đó là tôn giáo của tôi”. Với ông,“những sự khởi đầu của tính tôn giáo vũ trụ đã có ở giai đoạn phát triển sớm...

Nhân tố mạnh mẽ hơn nhiều của tính tôn giáo vũ trụ được chứa đựng trong Phật giáo”. Đã có một bức tranh vẽ về Einstein với đề từ: “Một Lão Tử của thế kỷ XX đi tìm cái đạo của vũ trụ”(*). Phải chăng có cái gì rất gần gũi giữa “đạo vũ trụ” và “đạo hiếu”, mà nội dung của nó là sự thể hiện rất rõ nét của tính người, của phẩm tính làm người?

Trong kinh “Báo đáp thâm ân cha mẹ”, Phật dạy về mười công ơn của mẹ mà người làm con phải ghi lòng tạc dạ. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” có đoạn: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ thương con. Nếu con trốn tránh, mẹ nhớ ích gì. Con nên nhớ mẹ như mẹ nhớ con, như vậy qua nhiều đời sẽ chẳng xa trái nhau”(**).

Và phải chăng ở đây có sự gặp gỡ tuyệt vời của văn hóa Đông - Tây?

Trong sâu thẳm tâm hồn con người luôn lung linh một ánh sáng huyền ảo không bao giờ tắt, đó là ánh mắt trìu mến của mẹ. Với nhiều người, kể cả những người tuổi đã cao, thì dù mẹ đã khuất núi, ánh sáng từ đôi mắt mẹ vẫn ấm áp chiếu rọi con đường đời của họ.

Trong cuộc sống mà đời mỗi con người nếm trải, có bao nhiêu giá trị được hồ hởi tiếp nhận, để rồi bốc đồng với những ảo ảnh ấy khiến có người muốn rũ sạch những vướng bận gia đình để quyết chí “dấn thân”, nhưng rồi những ảo ảnh đã sớm bị lạnh lùng vứt bỏ. Có những giá trị thời thượng cứ tưởng như ồn ào cuốn hút không dứt, nhưng rồi chúng nhanh chóng bị lãng quên.

Với thời gian và sự trải nghiệm trong những chặng đường đời, người ta ngày càng nhận chân được những giá trị mà nếu thiếu nó, con người không thể sống nổi làm người.

Trong những giá trị ấy, nhiều người xếp chữ hiếu lên hàng đầu. Và vì mỗi một người đều được một người mẹ sinh ra, dù được sinh ra nơi nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía hay sinh ra dưới mái tranh nghèo xiêu vẹo dột nát, thì tiếng khóc chào đời nào cũng gắn với một bầu sữa mẹ.

Nghĩa tình sâu nặng của mẹ, mỗi con người được uống từ bầu sữa thiêng liêng ấy. Cái đó tạo nên giá trị thiêng liêng khó có gì so sánh được.

Giá trị thiêng liêng ấy do tạo hóa ban tặng cho con người. Công cha nghĩa mẹ, ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi con người được nhận lĩnh để nên người là báu vật trời cho.

Những ai chẳng may không được nhận lĩnh trọn vẹn, hoặc tự đánh mất ân huệ ấy, thì quả thật đấy là nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người.

Không thiếu những doanh nhân thành đạt trong sản xuất kinh doanh, nhưng rồi sự giàu sang vẫn trở nên vô nghĩa khi con người cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo vì thiếu một tổ ấm gia đình.

Tiền của và sự thăng tiến xã hội sẽ trở nên trống rỗng nếu gia đình bị ly tán, con cái hư hỏng bởi chính tiền bạc và sự giàu sang không được tạo dựng bằng chính mồ hôi và trí tuệ của chúng.

Không thiếu những ông bố, bà mẹ đắng cay trước những “cậu ấm cô chiêu” trở thành những “phá gia chi tử” để rồi cay đắng mà ngẫm ra “họa phúc hữu môi phi nhất nhật”, phúc họa ở đời có cội nguồn của nó. Chuyện “nên thân người” trong “Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha” nếu ngẫm sâu vào, sẽ ngộ ra nhiều chiều kích sâu nặng.

Lọt lòng mẹ, báu vật được tạo hóa ban tặng sẽ từ dòng sữa mẹ mà tự trở thành con người. Nếu đứa trẻ vừa sinh ra được đưa vào nuôi trong nhà kính, một thứ “ống nghiệm”, tách khỏi cuộc sống xã hội của con người, thì thực thể tự nhiên ấy cũng lớn lên, nhưng sẽ không có tư duy vì không biết nói, không có ngôn ngữ, công cụ của tư duy, đồng nghĩa là thực thể đó không có ý thức, cái làm nên thuộc tính người.

May thay, nhờ ân huệ của tạo hóa, quá trình “tự sản sinh ra mình” được khởi đầu từ dòng sữa mẹ. Nói cha sinh không bằng mẹ dưỡng là vì vậy.

Bú mẹ, bé đã bú vào mình dưỡng chất đặc biệt của mẹ truyền cho, những dưỡng chất mà khi còn là bào thai trong bụng mẹ, bé đã được tiếp nhận. Phải hiểu rằng từ trong cơ thể mẹ, dưỡng chất đặc biệt đó đã được chưng cất từ sự sống người, của con người từ khi loài người xuất hiện.

Sự sống ấy hàm chứa trong nó tri thức và kinh nghiệm sống của loài người. Nhờ đó, từ dòng sữa mẹ, giúp tạo ra trong bé những phẩm tính người của con người xã hội. Phẩm tính người ấy, khi còn là bào thai trong bụng mẹ, chỉ là chất vô thức-người từ cơ thể của mẹ truyền cho.

Chất vô thức - người, nhân tố huyết thống tự nhiên ấy đã định hình phẩm tính người, khu biệt rạch ròi với mọi thực thể tự nhiên khác. Phẩm tính ấy rõ dần lên trong quá trình con người tiếp xúc với môi trường xã hội, khởi đầu từ mối liên hệ giữa bé và mẹ, rồi tiêp đấy là cha, là gia đình, cộng đồng xã hội đầu tiên.

Từ cộng đồng xã hội đầu tiên đó mà quá trình con người trở thành con người xã hội được khởi động và hoàn thành trong sự tiếp xúc dần với những cộng đồng lớn hơn: hàng xóm láng giềng, nhà trường, các hội đoàn... và xã hội rộng lớn. Tất cả những điều ấy cho thấy, tự nhiên không trực tiếp sinh thành ra con người theo nghĩa đích thực của nó.

Tạo hóa chỉ ban cho thực thể tự nhiên đó những tiền đề sinh thể để con người tự tác thành nên chính mình trong quá trình xã hội hóa, tức là quá trình con người tự sản sinh ra chính mình, trở thành con người xã hội, khởi đầu từ gia đình.

Tuy nhiên, gia đình là một cộng đồng khác biệt hẳn với tất cả các cộng đồng xã hội khác không chỉ ở tính huyết thống, mà còn ở tính không chọn lựa. Không ai có thể chọn cửa mà sinh ra.

Xã hội càng phát triển, mức sống của con người càng được cải thiện thì việc nuôi con sẽ đỡ bớt nhọc nhằn nhờ vào những tiện nghi vật chất và những tiến bộ của công nghệ, nhưng việc dạy con sẽ khó khăn phức tạp hơn rất nhiều.

Lo cho con đủ ăn, đủ mặc đối với đông đảo người dân đã khó, chăm sóc đời sống tinh thần, những phẩm tính văn hóa cho con người càng khó hơn nhiều. Vả chăng, gia đình Việt Nam nói riêng và gia đình phương Đông nói chung là một thiết chế định hình sớm nhất và cũng ít biến đổi nhất.

Tính bền vững không mấy đổi thay ấy là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp kéo dài triền miên. Quá trình chuyển sang kinh tế thị trường tạo ra những yếu tố có sức công phá vào thành trì của mô hình ứng xử trong mối quan hệ đẳng cấp và phận vị của lề thói gia trưởng trong khuôn mẫu gia đình được áp đặt vào xã hội trước đây.

Những “cậu ấm cô chiêu thời hiện đại” được cha mẹ nuông chiều và sẵn tiền tham nhũng để mua cho chúng chiếc ghế đại học như đã từng mua cái ghế quyền lực cho mình sẽ không thể nào có được sự hiếu học và càng không thể có được hiếu nghĩa.

Bởi lẽ, hiếu học và hiếu nghĩa, những phẩm tính làm nổi rõ chất người trong tính cách của từng người, dù được biểu hiện ở những dạng dung dị nhất, vẫn là sự kết đọng của sức chống trả những thách thức của ngoại cảnh để sống.

Thách thức càng nghiệt ngã thì sức chống trả càng quyết liệt. Sự nghiệt ngã và tính quyết liệt ấy làm nên vẻ đẹp tinh thần của con người. Và cũng dễ hiểu, vẻ đẹp ấy ngời lên trong bàn tay đưa bát cơm nghèo nhường cho mẹ già đang bệnh và em bé đang cần lớn có sức nặng trĩu của tình người trong đức hy sinh.

Những ngọn lửa ấm sáng tình người ấy đôi khi dễ nhòe đi trong ngôi nhà lộng lẫy chói chang ánh điện cao áp và đèn chùm pha lê lấp lánh, nhưng lại lung linh ngời tỏ dưới mái tranh nghèo thiếu ánh điện.

Cuộc sống đang mở rộng biên độ nội dung của hiếu, vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề nền tảng của xã hội hiện đại, cũng trên ý nghĩa đó, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa. Hệ giá trị gia đình cũng phải có những biến đổi, theo đó nội dung của chữ hiếu cũng không đứng yên, giậm chân tại chỗ.

Tính độc lập của gia đình và cá nhân đang định hình và dần khẳng định. Có thể đây đó có những biểu hiện thái quá, nhưng quá trình này về cơ bản là đúng quy luật. Chữ hiếu hôm nay cũng phải được vận hành trong quỹ đạo của hệ giá trị đó. Không nhìn thấy những biến đổi ấy sẽ lạc hậu với cuộc sống.

Song, nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ hiếu trong cuộc sống của con người, chừng nào con người vẫn còn tồn tại trên quả đất này, thì cũng lại là một hẫng hụt nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội kéo theo những hệ lụy rất khó lường.

(*) Nguyễn Xuân Xanh “Einstein” . NXB Tổng hợp TP.HCM2006, tr. 268, 318, 319
(**) Dẫn lại theo Văn hóa Phật giáo. Số 62, ngày 1/8/2008, tr.5.

Nguồn:
Nghĩ về một giá trị vĩnh hằng



15/7/11

"DÂN LẤY ĂN LÀM ĐẦU"



1. Khi cuộc sống khá giả, thì chuyện vui chơi đặt lên hàng đầu. Còn trong tình hình giá cả leo lên, thu nhập tụt xuống hiện nay, người ta chủ yếu là lo đến cái ăn. Cái câu của cổ nhân “dân lấy ăn làm đầu” (dĩ thực vi tiên) hóa ra trúng phóc trong thời điểm này.

Bởi thế cũng dễ hiểu khi họp HĐND ở 2 thành phố lớn ở hai đầu đất nước đều bàn chủ yếu đến cái ăn. Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố có cách ví von đáng nhớ: “Giá thịt lợn tăng mạnh hơn vàng”. Dẫn chứng: giá thịt lợn tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong khi vàng chỉ tăng có 30%. Nghe mà rùng mình, cảm thấy như đĩa thịt trên mâm vừa bị “con mèo” lạm phát ăn vụng mất một nửa.

Ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có câu phát biểu cũng ấn tượng không kém: “Hầu như những gì chúng ta ăn đều nhiễm độc cả”. Nghe lại rùng mình cái nữa, cảm giác như đĩa thịt, đĩa rau trên đường đến bàn ăn nhà mình đã bị những kẻ thù giấu mặt rắc chất độc vào như rắc hạt tiêu.

Cộng hai câu phát biểu nói trên, thì cả người nghèo, lẫn người trung lưu đều lâm nguy cả.

2. Ngẫm kĩ, phát biểu của ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM không có gì là “cường điệu”. Không chỉ riêng gì TP.HCM, người dân cả nước hầu hết đều mua lương thực, thực phẩm ngoài chợ quê, chợ cóc... Hầu hết những thứ được bày bán đều không được minh định về nguồn gốc xuất xứ (đăng ký thương hiệu, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, hay được kiểm định về mặt an toàn thực phẩm)... Trăm người bán, vạn người mua, ai cũng bảo “rau của nhà trồng”, “thịt của nhà nuôi”... Nhưng chữ tín ở chốn chợ búa giá trị như thế nào chúng ta đều biết. Thỉnh thoảng ngoài chợ xuất hiện “gạo lạ”, “cam lạ”, “quýt lạ”... chẳng ai biết từ đâu, nhưng vẫn ăn.

Xã hội từ chỗ tự cung tự cấp, hàng đổi hàng, chuyển sang thời kỳ văn minh hiện đại, hàng hóa tất nhiên phải theo các tiêu chuẩn chất lượng chung, có “dấu má” xác nhận đàng hoàng. Về nguyên tắc, mọi thứ hàng hóa chưa đăng ký và chưa được kiểm định đều không được phép bày bán dưới bất kỳ hình thức nào. Điều bình thường đó ở bên Tây hóa ra lại là điều xa xỉ ở ta.

Vì thế, chúng ta không thể nào “dựng nên được một hàng rào” để ngăn “tất cả những gì độc hại sẽ không vào được thành phố của chúng ta” như mong muốn của ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM mà vấn đề cơ bản là phải thay đổi từ cách thức sản xuất đến thói quen mua bán, để từng bước, mọi thứ thực phẩm đều là những thương hiệu được đăng ký, kiểm định, đóng gói, đóng chai trước khi đưa ra thị trường.

Còn nếu không, có dựng lên cả một “hàng rào” thanh tra an toàn thực phẩm, đến gác ở các chợ cũng không thể nào “test” được hết những gánh rau, những phản thịt ven đường... Mà khi cái gì cũng độc cả thì người ta biết mua và ăn cái gì bây giờ khi giá cả leo thang như thế?

NGÔ KHỞI

Nguồn:
“Dân lấy ăn làm đầu”



12/7/11

CON THẤY MẸ TRONG MƠ



Cậu bé 12 tuổi người Mông Cổ tên là Uudan (乌达木) đã làm hàng triệu khán giả rơi nước mắt khi cất giọng cao hút hát bài "Con thấy mẹ trong mơ" với những âm hưởng của thảo nguyên Nội Mông bao la tại cuộc thi tìm kiếm tài năng "China's Got Talent" của Trung Quốc.

Uudan mất mẹ khi mới lên 8 tuổi. Mẹ em qua đời trong một tai nạn giao thông. Hai năm sau, cha em cũng qua đời trong một tai nạn tương tự. Cậu bé sống một mình và cứ mỗi khi buồn, nhớ mẹ, cậu lại hát "Con thấy mẹ trong mơ". Và cứ mỗi khi như vậy, cậu lại như thấy mẹ hiện về ngồi bên.

Bài hát bằng tiếng Mông Cổ, nên khán giả rất ít người hiểu được lời ca. Tuy nhiên, giọng hát mạnh mẽ và da diết của Uudan đủ lay động mọi trái tim người nghe. Cậu bé hát bằng tình yêu đối với người mẹ đã đi xa.

Cậu bé có một ước mơ: tạo ra một loại mực đặc biệt để chỉ cần nhỏ một giọt xuống đất là cả thế giới sẽ biến thành đồng cỏ xanh mướt.

Mẹ cậu lúc còn sinh thời đã khát khao được trông thấy con mình đứng trên sân khấu lớn.

Và đây, Uudan đã làm được điều đó.







11/7/11

PHONG HÀM "NHỤC" LẮM AI ƠI...



NHẬT NGUYỆT

Việc để những nhà giáo, nhà khoa học xứng đáng được được tưởng thưởng, được ghi nhận phải chạy chọt, luồn cúi để đạt được một chức danh mà hiển nhiên họ phải được trịnh trọng trao tặng là đi ngược truyền thống tôn sư trọng đạo mà chúng ta vẫn luôn ra rả dạy con trẻ.


Đúng lúc xã hội đang tranh luận nóng bỏng về con số 70.000 tỷ đồng sắp sửa được rót ra hầu mong thay đổi cục diện ngành giáo dục, người viết bài này lại dở khóc dở cười khi được giao một công việc quan trọng: Tham gia vào nhóm chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận chức danh Phó Giáo sư (PGS) cho… sếp.

Tưởng vậy mà không phải vậy!

Khoan hãy đặt câu hỏi tại sao chuyện đó khiến tôi dở khóc, dở cười. Tôi phải khẳng định ngay từ đầu rằng, trong con mắt cá nhân tôi và đồng nghiệp, sếp của chúng tôi thực sự xứng đáng được phong PGS. Là lãnh đạo một khoa đào tạo lớn của một trường đại học danh tiếng, sếp tôi có bằng tiến sĩ nước ngoài và quan trọng nhất là tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Ông còn sắp xếp chu toàn mọi công việc trong và ngoài khoa, tham gia các đề tài nghiên cứu, viết giáo trình, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học...

Tình trạng thiếu giáo viên khiến sếp, dù là giảng viên kiêm chức, cũng phải lên lớp nhiều không kém gì các giảng viên bình thường khác. Sếp luôn phải đánh vật với hàng núi công việc chồng chất, mới xong việc này lại phát sinh việc khác trong guồng quay không bao giờ ngừng nghỉ của một năm học. Tôi thường trộm nghĩ, sếp làm việc với cường độ ấy mà không được phong PGS, thì cỡ như tôi có lẽ cả đời cũng chẳng dám mơ cái chức danh ấy.

Tưởng vậy mà không phải vậy. Hóa ra để đạt được cái chức danh PGS khó hơn tôi tưởng. Chẳng thế mà một đồng nghiệp khác của tôi đã phải chối đây đẩy khi có người gợi ý nộp hồ sơ vì mấy từ giản dị thế này: “Nhục lắm em ạ!”

Nhà báo Hồ Bất Khuất từng nói về chuyện này qua bài báo “Einstein xin phong GS ở Việt Nam cũng trượt!” cách đây không lâu, nhưng đó là câu chuyện ở hậu trường ít người biết đến. Còn những gì tôi đang chứng kiến nó lồ lộ ra trước mắt: Giảng viên nào trong giai đoạn chạy hồ sơ nước rút cũng lao đao cả.
Nào là những bài báo viết đã từ bao lâu, giờ phải bới tung lên để đưa vào hồ sơ. Nếu chẳng may lưu trữ không tốt (vì có phải ai viết bài cũng để chuẩn bị xin phong PGS?) thì phải chạy tới từng tòa soạn xin lại số báo đó, hoặc lần mò trên mạng để tìm lại từng trang mục lục. Vốn đã quá tải với công việc giảng dạy, nghiên cứu... lại còn thêm công tác quản lý, thế nên tất yếu những người như sếp tôi phải có một ban lo chạy hồ sơ, giấy tờ.

Nên có những lúc văn phòng của khoa cứ như tiệm photocopy với đủ thứ giấy tờ, tài liệu ngổn ngang. Hỏi một đồng nghiệp có kinh nghiệm tham gia vào những ban như thế này mới biết, đây mới chỉ là giai đoạn đầu, coi như bước sơ khởi, về sau sẽ còn hàng chục lần chỉnh sửa, bổ sung, chạy đôn chạy đáo ngược xuôi...

Chưa kể để kịp thời hạn, có nhiều thứ phải đẩy lên cho xong. Nào là in ấn giáo trình, nào là xét duyệt đề tài NCKH các cấp, tổ chức hội thảo...để có thêm điểm công trình. Cũng lạ cho cách tính điểm của nước ta. Vì tạo ra một cơ chế tưởng như chặt chẽ nhưng vô cùng bất hợp lý nên đã bao lần tôi nhìn vào lý lịch khoa học của các vị GS, PGS thì đều thấy chung một đặc điểm: Trước thời điểm được phong chức danh thì dồn dập công trình nọ kia; sau khi “xong việc” thì thưa thớt hẳn, thậm chí chẳng có thêm bài báo khoa học hay đề tài nghiên cứu nào!

Nếu Việt Nam cứ mãi khác người…


Theo lẽ thường tình, bất cứ một người với trí tuệ bình thường nào cũng hiểu học hàm GS hay PGS được phong cho những nhà giáo uyên thâm, nhiều năm kinh nghiệm và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục.

Vì thế, lẽ ra, Ủy ban chức danh lập ra là để theo dõi, để xem xét và chủ động phong tặng học hàm này cho những người xứng đáng. Việc để những nhà giáo, nhà khoa học xứng đáng được được tưởng thưởng, được ghi nhận phải chạy chọt, luồn cúi để đạt được một chức danh mà hiển nhiên họ phải được trịnh trọng trao tặng là đi ngược truyền thống tôn sư trọng đạo mà chúng ta vẫn luôn ra rả dạy con trẻ.
Có một chuyện mà ai cũng biết nhưng khi nói ra trên mặt báo, nhiều người lại nhăn mặt tỏ ra khó chịu. Số là, tôi có người thân trong đoàn giảng viên một tỉnh phía Bắc kéo về Hà Nội hồi đầu năm, để thi nâng ngạch giảng viên chính.

Trong tin tức hàng ngày tôi được cập nhật, không khi nào không có chuyện đoàn đã “đi” những cửa nào, tốn bao nhiêu tiền. Đó là chuyện chua chát hệt như nỗi đau khổ của những người muốn được phong GS, PGS. Thử hỏi nếu những người thầy khốn khổ theo một nghĩa nào đó, không phải là giảng viên chính thì ai mới là giảng viên chính? Tại sao họ lại phải đi “xin” được công nhận- một điều hiển nhiên- từ những người “leng keng” những học hàm học vị nhưng có khi cả đời chưa từng biết rát cổ vì giảng bài 12 tiết một ngày?

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đều đặn chúng tôi vẫn nhận được thư từ nước ngoài gửi về khoa, dù không rõ học hàm, học vị của giảng viên Việt Nam chúng ta ra sao, ngoài phong bì thư họ đều nhã nhặn gọi tất cả những người thầy đang đứng trên giảng đường đại học bằng danh xưng “Professor”.

Nói chuyện này ra không phải tôi không hiểu cuộc tranh luận dài hơi về sự khác nhau giữa chức danh giáo sư ở nước ta và giáo sư ở nước ngoài. Nhưng thế mới biết, nếu chúng ta cứ mãi khác người, thì đến bao giờ nền giáo dục mới đi được đúng hướng? Nếu những vấn đề ngang trái còn diễn ra và được chấp nhận một cách phổ quát như thể đó là nguyên tắc bất thành văn của nền giáo dục; nếu những giá trị thật phải ngoi ngóp vật lộn mới được công nhận thì dù có bỏ ra cả trăm ngàn tỉ đi chăng nữa cũng sẽ chẳng thể nào thay đổi được nền giáo dục nước nhà.

Nguồn:
Chuyện phong học hàm: “Nhục lắm, em ạ!”



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết