26/7/11

TÌNH CẢM THẲM SÂU



NGÔ PHAN LƯU

Hầu như khó có luật trừ, hễ sống mà lên được tới “chức” ông nội, ông ngoại thì hay thương hay nhớ bọn cháu trẻ nít quá chừng. Gần chúng thật vui. Xa chúng thật buồn. Nếu trời cho sống lâu hơn, sống lên được “chức” cố thì quả là tuyệt vời. Nhưng việc này khó vô cùng. Thôi, cứ hãy nói ở mức thông thường tức ở “chức” nội, “chức” ngoại.

Trong phòng ngủ, bà vợ treo đầy hình bọn cháu nội, cháu ngoại trên vách. Tôi cứ thường vào xem ké cho đỡ nhớ. Có đứa cởi trần ngồi trong chậu tắm vọc nước, cười tít mắt ló hai chiếc răng chuột. Có đứa cải trang làm ông già Noel cưỡi con tuần lộc. Có đứa làm đại ca, đeo kính đen, đầu trọc lóc, lái ô tô nhựa. Có đứa quấn khăn rằn, vẽ râu ngạnh trê đen thui, giả ông già Nam bộ thời chống Pháp. Có đứa mặc bộ giáp siêu nhân, súng dài súng ngắn giắt cùng mình. Có đứa mặc áo dài hoa bưởi, nón bài thơ, thân hình suông đuộc như đòn bánh tét... Quả thật, mỗi đứa một vẻ chẳng đứa nào giống đứa nào, nhưng đều có một điểm chung gặp nhau là cực kỳ dễ thương.

Cái thằng cháu nội giả ông già Nam bộ thời chống Pháp, hiện ở Sài Gòn, đang theo mẫu giáo. Cả nửa năm trời mà nó vẫn không tăng được ký nào. Lúc nhỏ, vì hay bệnh nên bác sĩ cho dùng quá nhiều thuốc kháng sinh, nên đẹt thằng nhỏ. Đằng đẵng cả năm tôi mới có dịp vào Sài Gòn thăm nó một lần. Thế nhưng, khi tôi mới ló đầu vào cửa, chưa vô nhà, trông thấy tôi nó cười toe toét và vẫy tay la to “bái bai” ông nội. Nó “bái bai” tôi tía lia, không cho cái miệng làm da non. Úi cha cha! Cái thằng này y như cái đài. Và, nó xáp tới đòi tôi ẵm. “Bái bai” mà lại đòi ẵm. Thật ngược đời!

Để giải thích hiện tượng tình cảm ông cháu quyến luyến, tôi nói với một ông bạn già như sau:

“Tại sao mình thương bọn cháu trẻ nít đến thế nhỉ? Và tại sao bọn chúng cũng thương mình đến thế nhỉ? Theo tôi là vì chúng chưa biết gì cuộc sống trong khi mình đã chán cuộc sống tới cổ. Tại vì chúng mới bước vào đời trong khi mình sắp ra khỏi đời. Ông cháu chính là hai đầu của vòng đời, nên luôn gặp nhau, quấn quít nhau”.

Ông bạn cười sếu sáo, nói phụ hoạ:

“Mình đục ngầu trong khi chúng nó trong vắt. Mình không thương chúng sao được. Tôi có thằng cháu nhỏ, tôi phải mướn một bịch kẹo nó mới chịu nằm ngủ với tôi. Kẹo phải trả trước, nó mới leo lên giường nằm. Nằm chưa nóng lưng, lại phóng xuống nhảy tuốt. Khi nó ăn hết kẹo, lại trèo lên đòi “kẹo ngủ”. Tôi không đưa nữa, bảo nằm chờ đó đã. Chờ lâu quá, nó ngủ tuốt. Ngủ với nó, mình không dám cục cựa sợ nó thức. Thật là sướng!”.

Tôi cười:

“Ngủ không dám cục cựa mà sướng à?”

“Được nó nằm bên cạnh là sướng rồi. Cái khổ “không dám cục cựa” ăn nhằm gì. Phải ráng chịu một tí đâu có sao. Nó mà thức dậy là nó nhảy tuốt, mình đâu có ngủ được với nó”. Lão ta trả lời.

“Đúng thế. Tôi ở vào trường hợp ấy, tôi cũng không dám cục cựa”. Tôi đồng cảm với lão bạn.

Lão bạn lại nói:

“Hè này không biết làm sao có tiền để lì xì cho bọn chúng. Bầy gà trong vườn còn nhỏ quá. Thế nào chúng cũng về đông đen”.

Tôi giật mình nhìn lão. Câu lão vừa than chính là câu của tôi sắp than. Thật là căng quá chừng. Già không làm ra tiền. Tôi gợi ý:

“Thì trái cây trong vườn đấy. Cứ cho bọn chúng thoải mái”.

Lão bạn thở dài:

“Cũng chỉ có cách ấy mà thôi. Giờ tôi mới biết, trồng cây ăn quả thật là hữu ích”.

Nghe thế, tôi im lặng, nói chính xác hơn, tôi rớt vào im lặng. Câu nói của ông bạn già: “Giờ tôi mới biết, trồng cây ăn quả thật là hữu ích” đã khoác thêm một tình cảm ông cháu thẳm sâu...

Nguồn:
Trồng cây ăn quả thật hữu ích



13 comments:

LU on lúc 22:45 26 tháng 7, 2011 nói...

"Ngủ với nó, mình không dám cục cựa sợ nó thức. Thật là sướng!" <-- he he, nghe ông kụ nói câu này thấy thương thật =))

PTN on lúc 08:40 27 tháng 7, 2011 nói...

hè hè, anh C. định bỏ qua một "chức", nhảy tuốt luốt lên "chức" tiếp theo sao ?

Thuy Dam Minh on lúc 15:23 27 tháng 7, 2011 nói...

Một chị bạn anh nói rằng trước đây chưa bao giờ nghĩ rằng khi có cháu, chơi với cháu lại sướng thế. Mới biết hạnh phúc thật đơn sơ và giản dị!

Xà bông! on lúc 17:19 27 tháng 7, 2011 nói...

Nỗi nhớ dành cho trẻ con là nỗi nhớ duy nhất làm cho ta chỉ biết mỉm cười. Mọi âu lo, nặng nhọc, mệt mỏi, đớn đau đều tan biến, dù chỉ trong phút giây. Trẻ con thật là món quà tuyệt diệu của cuộc đời...
:)

Titi on lúc 20:27 27 tháng 7, 2011 nói...

ANh C thèm có cháu gọi bằng ông ròi :-P

VMC on lúc 20:36 27 tháng 7, 2011 nói...

@LU:
Thấy thương á? "Thương" theo nghĩa tiếng nam, hay tiếng Bắc?

VMC on lúc 20:36 27 tháng 7, 2011 nói...

@PTN, Titi:
Anh không cần nhảy cóc thì cũng có cháu gọi bằng ông rồi.

VMC on lúc 20:37 27 tháng 7, 2011 nói...

@A Thụy:
Anh cũng sang tuổi thích chơi với cháu rồi đấy.

VMC on lúc 20:38 27 tháng 7, 2011 nói...

@Xà bông!
Nhưng trẻ con lớn thêm một chút thì chưa chắc còn là "món quà tuyệt diệu".

LU on lúc 22:08 27 tháng 7, 2011 nói...

Anh Cường : dịch ra tiếng Việt vùng miền thì em hem có rành. Thui, dịch sang tiếng ên-lít heng --> thương = love :))

Titi on lúc 22:23 27 tháng 7, 2011 nói...

HI hi... ông ở cùng cơ, ông phải bế ẵm, tã lót hộ bố mẹ chúng cơ...
Đùa chút thôi. Bài này cho thấy trẻ em ở ta được nâng niu, quí hóa hơn ngày xưa nhiều. Nhưng cảm giác vẫn là một thứ quí hóa vị kỉ, tức là quí hóa vì bản thân ông, chứ không phải vì bản thân cháu. QUí vì thấy nó đẹp, nó mang lại cho mình những phút tươi trẻ, và cảm giác chăm sóc cái cây để sau này mình có "quả" ăn hi hi... đồng ý đó là một trong những điều hạnh phúc khi nhà có trẻ con nhưng như thế vẫn chưa đủ ạ .
Ví dụ nằm cạnh trẻ không dám cục cựa, nghe có vẻ hay nhưng thực ra đó là một dấu hiệu đáng buồn - trẻ không có không gian riêng...
Niềm hạnh phúc nhất khi nhà có trẻ đó là một sinh linh nhỏ bé đang lớn dần, mạnh mẽ , cá tính dần, rất giống mà cũng rất khác mình, hồi hộp và chờ mong phút giây hắn tự lập và chui tọt ra khỏi vòng tay của mình :-D

Nặc danh nói...

em chào anh.
Hôm qua em có để lại 1 comment nhưng hôm nay em không thấy nữa. Không biết có viết điều gì làm phật ý của anh. Nếu có cho em xin lỗi.

VMC on lúc 23:55 28 tháng 7, 2011 nói...

@O Xuân:
Chào em, anh không thấy comment nào mà em để lại ngày hôm qua.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết