10/7/11

TRI THỨC VỀ RƠM RẠ



“Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió Đông thì nhiều

(thơ Đồng Đức Bốn)

Năm nào hiện tượng khói lạ cũng diễn ra, bao trùm Hà Nội. Năm nào cũng gây xôn xao dư luận. Năm nào các nhà khoa học cũng đăng đàn, người thì báo đó là hiện tượng khói mù quang hóa (nôm na là do ô nhiễm không khí, khi có hiện tượng nghịch nhiệt, nóng lạnh giao thoa thì xuất hiện). Còn nhiều nhà khí tượng học, nông học thì lại giải thích đơn giản là do đốt rơm rạ.

1. Vậy sự thực là thế nào? Cái làn khói bao trùm thành phố lễnh loãng như sương kia là do bụi bẩn ô nhiễm độc hại, hay chỉ đơn thuần là do bà con đốt đồng? Chưa kết luận. Và chẳng ai kết luận. Nói gì đến việc nghiên cứu xem hiện tượng đó độc hại đến đâu, khuyến cáo bà con phải đeo khẩu trang than hoạt tính như phòng cúm gia cầm, hay là tha hồ hít thở để mà thêm nhớ mùi khói bếp rơm rạ một thời hay thêm thèm hàng thịt chó chuyên thui rơm, quạt chả? Chẳng ai chính thức khuyến cáo!

Lạ thật, Thủ đô có mấy vạn nhà khoa học, bao nhiêu cơ quan nghiên cứu, bao nhiêu trạm quan trắc thế mà bao năm vẫn chấp nhận gọi nó là “khói lạ”. Tại sao không có ai chịu khó mở cửa sổ phòng điều hòa, nhìn ra cuộc sống, hớt lấy một lọ peniciline khói đem vào phòng phân tích xem nó là khói rơm rạ hay là bụi bẩn ô nhiễm (cái đó thiết tưởng không khó, mà ra đáp số chắc chắn). Để cuối cùng hiện tượng lạ cứ treo lơ lửng trên đầu mình như thể không gian thành phố này không phải của mình.

Còn theo cảm quan của tôi là người gót chân vẫn dính bùn thì đó là khói rơm rạ. Quý vị ở thành phố ít xem đốt đồng nên không biết một đụn rơm nó sinh ra bao nhiêu khói đâu. Nhớ có lần đi trên QL32, người ta đốt rơm ven đường mà mấy chục mét, xe cộ dò dẫm, mất phương hướng kể cả khi đã bật đèn sương mù (cứ như đi lên mây). Hoặc giả quý vị đi qua mạn Phù Đổng từ cầu Phù Đổng ra QL1A thỉnh thoảng sẽ thấy khói rơm rạ mù trời.

2. Hóa ra ta là nước nông nghiệp, dân ta gần 80% là nông dân, bố mẹ ta đa phần ở nông thôn, nhưng cái sự hiểu biết của ta về rơm rạ đồng áng vẫn còn mù mờ lắm.

Bác tôi là kỹ sư nông nghiệp thường nói đùa: Chúng mày học đại học cả rồi mà vụ chiêm, vụ mùa là thế nào có biết không? Tôi đem câu đố này ra đố, khối người không biết thật. Hoặc có biết thì cũng không chỉ mang máng, lẫn lộn giữa hai vụ với nhau; còn lịch gieo, gặt vào quãng tháng mấy thì đại đa số là mù tịt. Gạo cao cấp thơm dẻo có quanh năm, cho nên bát cơm lúa mới thơm lừng mùa gặt thành ra không còn là trải nghiệm hạnh phúc nữa. Người hiện đại ngày càng xa rời thiên nhiên, đồng ruộng, hoặc chỉ thích thiên nhiên, đồng ruộng là vật trang trí, là trang trại, “thái ấp” để sở hữu...

3. Âu mỗi năm có “khói lạ” thế này cũng là dịp để ta biết gốc gác của ta ở đâu, bà con nơi đồng áng đang sống và sinh hoạt thế nào, và cũng để “kiểm tra nhanh” sự sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng bất thường trong tự nhiên của giới khoa học nước nhà.

Đông Kinh

Nguồn:
Nhà khoa học và tri thức về rơm rạ



2 comments:

LU on lúc 04:57 10 tháng 7, 2011 nói...

That's why!

Mỗi chiều em đều ngữi mùi rơm rạ cháy, em ngạc nhiên ko hiểu sao thành phố ngay trung tâm mà ngày nào cũng như có khói lam chiều.
Em thắc mắc sao không khí có vẻ ngộp thở quá, thì anh giải thích là đốt rơm, nhưng đọc bài này thì rõ hơn tại sao người ta đốt rơm, vì nước mình là nước nông nghiệp 80%.
Nhưng, hít thở khói như thế này mãi...thì có nghĩ đến việc buồng phổi của dân chúng lâu ngày sẽ bị ung thư?
Các vị khoa học gia có nên nghĩ đến phương pháp nào: vừa ko cấm người làm nông đốt rơm rạ mà vẫn giử được không khí trong lành?
Hà Nội có lợi thế ao hồ và cây xanh nhiều, sao ko nghĩ cách bảo vệ nguồn thiên nhiên tốt cho sức khỏe người dân?
Anh đã từng tới khu thung lũng điện tử San Jose rồi, anh cũng thấy ngay không khí hít thở trong lành khác hẵn những thành phố khác. Anh cho rằng vì đó là khí hậu thung lũng, nhưng chính phủ và các nhà khoa học họ cũng cố gắng tìm mọi cách để giử gìn môi trường lắm đó. Đặc biệt, thung lũng điệnt ử là nơi thường thải ra nhiều chất thải công nghiệp độc hại.
Nhưng, so sánh như em thì cũng ko công bằng, vì các nhà khoa học bên mình "bị" trả lương sống cầm hơi, họ ko đủ thực thì làm sao tập trung đầu óc làm gì hay ho cho xã hội.
Bảo nhà nước bỏ tiền, thì tiền phúc lợi đào đâu ra nuôi một dàn người, chỉ ngồi suy nghĩ cách làm gì, để nâng cấp đời sống và bảo vệ sức khỏe dân chúng.

MC3 on lúc 12:03 10 tháng 7, 2011 nói...

Năm 1976 nhà mình cũng như rất nhiều gia đình khác ở Lý Nam Đế vẫn dùng Rơm + Bùn + Phên tre nứa làm thành vách tường nhà. Thời đó mà có 1 tấm tôn hay phibrôximăng là chuyện tày trời. Nghĩ lại thấy vui-buồn khó tả.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết