6/7/11

CUỘC THI TCHAIKOVSKY, NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI NGA



Hơn 50 năm qua, cuộc thi Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế (The International Tchaikovsky Competition) luôn luôn là niềm tự hào của người Nga, một biểu tượng thu nhỏ của văn hóa Nga bên cạnh Quảng trường Đỏ hay Điện Kemlin. Năm nay, cuộc thi diễn ra từ ngày 14/6 đến 1/7, với nhiều nét mới.

Hai năm cho một cuộc thi...

Trưởng ban tổ chức chức cuộc thi Tchaikovsky quốc tế lần thứ 14 năm 2011 là Valery Gergiev, Tổng giám đốc và Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg, nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn và là một trong những nghệ sĩ cổ điển có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.

Ban tổ chức đã lập quỹ và đặt ra các chuẩn mực cao nhất cho cuộc thi từ hai năm trước. Một bộ thể lệ, quy tắc chấm điểm mới đã được thông qua.

Ban giám khảo cũng bao gồm nhiều tiên tuổi sáng giá như Vladimir Ashkenazy và Anne-Sophie Mutter... Van Cliburn là Chủ tịch danh dự của cuộc thi piano, còn Plácido Domingo là Chủ tịch danh dự của cuộc thi thanh nhạc.

Cuộc thi cũng tập hợp được ba nhà soạn nhạc lỗi lạc nhất thế giới hiện nay để viết tác phẩm mới cho tất cả các thí sinh lọt vào vòng bán kết trình diễn. Đó là nhà soạn nhạc người Nga Rodion Shchedrin (phần thi piano), nhà soạn nhạc người Ba Lan Krzysztof Penderecki (cello) và nhà soạn nhạc người Mỹ John Corigliano (violin). Cả Penderecki và Corigliano đều là thành viên ban hội thẩm.

Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi được diễn ra đồng thời tại một số phòng hòa nhạc ở cả hai thành phố Moscow và St Petersburg. Cuộc thi piano và cello sẽ diễn ra tại Moscow trong khi St Petersburg là nơi tổ chức các cuộc thi violin và thanh nhạc.

Nét mới nổi bật của cuộc thi năm nay là nhờ các dự án truyền hình trực tiếp cuộc thi qua Internet, người yêu nhạc cổ điển khắp thế giới được chứng kiến cuộc thi. Dựa vào số lượt truy cập của Cuộc thi Piano quốc tế Van Clibunrn năm 2009, ước tính sẽ có khoảng gần hai triệu người theo dõi Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế 2011 và khoảng 200 nghìn đến 300 nghìn người theo dõi vòng chung kết qua Internet.

Theo Molly McBride, nhà sản xuất chương trình truyền hình qua mạng của cuộc thi, việc truyền hình trực tiếp qua mạng sẽ không làm giảm số người tới theo dõi trực tiếp tại các phòng hòa nhạc. Bởi vì không có gì hào hứng hơn việc có mặt trong phòng hòa nhạc, cảm thấy luồng điện xẹt qua giữa người trình diễn và khán giả, những trải nghiệm chung trong cùng một không gian và thời gian. Với những người sống tại Moscow và St. Petersburg (cũng như những ai có thể tới nước Nga vì cuộc thi này), việc truyền hình trực tiếp cuộc thi qua Internet sẽ là một cái gì đó kích thích… khiến họ càng khao khát muốn được đến xem trực tiếp tại sảnh hòa nhạc.

Các buổi truyền hình chất lượng cao các vở opera từ Nhà hát Opera Metropolitan ở New York và Nhà hát quốc gia ở Luân Đôn đều đang thu được những kết quả hết sức mỹ mãn. Trong cuộc thi Van Cliburn 2009, lượng khán giả theo dõi vòng chung kết tăng lên đáng kể từ những khán giả đã theo dõi cuộc thi qua truyền hình Internet và bị “lôi kéo” tới xem các buổi biểu diễn tại nhà hát.

Các hoạt động chính của Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế được Chính phủ Nga tài trợ; còn các sự kiện bên lề và các dự án truyền hình và truyền thông qua mạng được các tổ chức và cá nhân khác trong và ngoài nước Nga. Tổng số tiền giải thưởng của cuộc thi lên tới gần 350 nghìn Euros.

...và tiến trình hơn nửa thế kỷ

Trên tiến trình hơn nửa thế kỉ, Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế vẫn tiếp tục tự khẳng định là một trong những cơ hội hàng đầu cho các nghệ sĩ trẻ nhằm đạt được danh tiếng và củng cố sự nghiệp. Mỗi lần được tổ chức tại Moscow, cuộc thi đều trở thành sự kiện nổi bật nhất trong đời sống âm nhạc nước Nga.

Dưới sự chỉ đạo của các vị trưởng ban tổ chức có uy tín lớn như Dmitri Shostakovich và Mstislav Rostropovich, thành viên ban giám khảo trong quá khứ bao gồm những tên tuổi huyền thoại như Sviatoslav Richter, David Oistrakh, Heinrich Neuhaus, Maria Callas, Leonid Kogan...

Cuộc thi đã giúp nhận diện nhiều tài năng mới, những người mà hơn 50 năm qua đã lọt vào danh sách các nghệ sĩ trình diễn hàng đầu thế giới. Trong số những người chiến thắng của giải Tchaikovsky phải kể đến các nghệ sĩ piano Van Cliburn, Vladimir Ashkenazy, Mikhail Pletnev, Grigory Sokolov; các nghệ sĩ violin Viktor Tretiakov, Gidon Kremer, Vladimir Spivakov, Viktoria Mullova; các nghệ sĩ cello David Geringas, Nathaniel Rosen, Antonio Meneses, Natalia Gutman, Mario Brunello; cùng các ca sĩ Evgeny Nesterenko, Paata Burchuladze, Elena Obraztsova và Deborah Voigt.

Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế được tổ chức bốn năm một lần. Cuộc thi đầu tiên, năm 1958, chỉ gồm hai hạng mục – piano và violin. Từ cuộc thi thứ hai, năm 1962, hạng mục cello được bổ sung và hạng mục thanh nhạc cũng được đưa vào từ cuộc thi lần thứ ba năm 1966. Năm 1990, hạng mục thứ năm xuất hiện - cuộc thi dành cho các nhà làm đàn violin mà theo truyền thống, diễn ra trước các hạng mục thi chính.

Các dàn nhạc hàng đầu của Nga được mời tới để trình diễn cùng những nghệ sĩ lọt vào vòng chung kết của giải. Các nghệ sĩ tham gia buổi hòa nhạc chung kết ở Moscow tại hai Phòng hòa nhạc của Nhạc viện Moscow, Phòng hòa nhạc Tchaikovsky (Tchaikovsky Concert Hall), Sảnh trụ cột (Hall of Columns) và Viện Âm nhạc quốc tế Moscow (Moscow International House of Music). Vòng chung kết ở hạng mục piano cũng như lễ trao giải và buổi hòa nhạc của những người đoạt giải được tổ chức tại phòng hòa nhạc số 1 của Nhạc viện Moscow – Phòng hòa nhạc Lớn.

Cơ hội biểu diễn cùng nhạc trưởng danh tiếng

Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế sẽ cộng tác với ba tổ chức đại diện cho nghệ sĩ lớn tại Nga, Mỹ và Vương quốc Anh để tổ chức hòa nhạc theo cam kết trong hơn ba năm với những người thắng giải, bao gồm cả các buổi hòa nhạc với nhạc trưởng danh tiếng Valery Gergiev – Trưởng ban tổ chức cuộc thi lần này.

Valery Gergiev nổi lên từ những năm 1980 như một trong các nhà chỉ huy mới nhiệt thành nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực opera và ballet. Từ đó ông vẫn duy trì và ngày càng nâng cao danh tiếng của mình.

Bố mẹ là người Ossetia nhưng sinh ra ở Moscow, Gergiev bộc lộ tài năng âm nhạc khác thường từ khi còn rất nhỏ. Từ tuổi niên thiếu Gergiev đã quyết định trở thành một nhạc trưởng nên vào học lớp chỉ huy của Ilya Musin tại Nhạc viện Leningrad (nay là Nhạc viện St. Petersburg). Năm 1975 khi vẫn còn là sinh viên, Gergiev chiến thắng trong Cuộc thi chỉ huy toàn Liên bang tại Moscow. Năm tiếp theo ông lại chiến thắng trong Cuộc thi chỉ huy Herbert von Karajan tại Berlin.

Năm 1977, ở tuổi 24 tuổi, Gergiev được bổ nhiệm làm trợ lý chỉ huy tại Nhà hát Opera và Ballet Mariinsky (Kirov), St Petersburg, dưới quyền nhạc trưởng Yuri Temirkanov. Năm tiếp theo ông chỉ huy trong buổi hòa nhạc ra mắt vở opera đồ sộ Chiến tranh và hòa bình của Prokofiev. Buổi này cùng các buổi biểu diễn opera đầy hào hứng khác đã đánh dấu cho sự xuất hiện của một nhà chỉ huy khác thường. Năm 1981, Gergiev trở thành giám đốc của của Dàn nhạc quốc gia Armenia, tham gia chỉ huy các chương trình hòa nhạc trên khắp Liên bang Soviet.

Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc âm nhạc của Mariinsky năm 1988 khi Temirkanov rời bỏ vị trí này để tiếp nhận vị trí chỉ huy tại Leningrad Philharmonic. Trong thời gian làm nhạc trưởng tại Mariinsky, với lòng nhiệt tình và năng lực dồi dào, Gergiev đã phát triển dàn nhạc của nhà hát tới mức cạnh tranh được với dàn philharmonic danh tiếng của quốc gia. Trên cương vị giám đốc Nhà hát Mariinsky, ông đã tổ chức liên hoan thường niên rất thành công có tên Những ngôi sao Đêm Trắng tại St. Petersburg.

Gergiev đã đem các đoàn nghệ thuật Kirov đi lưu diễn khắp thế giới. Ông là người chỉ huy các dàn dựng opera của Kirov như vở Boris Godunov của Mussorgsky tại Nhà hát Champs-Elysées, Paris; vở Hoàng thân Igor của Borodin tại Metropolitan Opera, New York. Sau đó ông cũng tham gia dàn dựng Boris Godunov tại Metropolitan Opera.

Gergiev từng chỉ huy các đoàn opera và giao hưởng lớn khắp thế giới, là nhạc trưởng khách mời chính của Metropolitan Opera từ năm 1997 tới năm 2008, ông cũng là nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng Rotterdam cho tới tháng 8/2008.

Gergiev đã thu âm và thu hình nhiều tác phẩm trong danh mục opera Nga, các tác phẩm giao hưởng của Rachmaninov, Shostakovich và Borodin; cũng như trọn bộ tác phẩm piano concerto của Prokofiev. Bên cạnh các bản thu nói trên, ông còn trở thành một nhà chỉ huy danh tiếng các tác phẩm giao hưởng của tác giả phương Tây, đặc biệt là bộ giao hưởng Mahler thu âm cho LSO Live.

Nguồn:
Cuộc thi Tchaikovsky, niềm tự hào của người Nga
Link:
Website cuộc thi Tchaikovsky


BONUS:
Valery Gergiev & London Symphony Orchestra /
Tchaikovsky's Romeo & Juliet





2 comments:

LU on lúc 04:44 7 tháng 7, 2011 nói...

Wooo..Romeo and Juliet theme có nhiều versions của composer Nga khác, như Sergei Prokofoev. Nhưng em ko thích lắm, vì nó có vẻ nghiêng về viết cho ballet nghe hơi bị yếu.
Riêng bản này của Tchaikosky thì đúng là như một cụm feeling trộn lẫn í. Em vẫn kết cái cách ông ấy đưa cảm giác của người nghe lên đến đỉnh điểm, ở những cao trào.
Em kết nhất composer Nga này, mỗi lần có chuyện gì thành công là em cứ vác bài Final Festival overture của ông í ra nghe cho máu lửa.
Em xin cái link này về save ở facebook nhe. Thanks anh.

Titi on lúc 15:36 7 tháng 7, 2011 nói...

Ồ, sự nổi tiếng và ngày càng vinh hiển của giải thưởng Tchaikovski một phần vì Nga là quê hương của thiên tài này, đồng thời, vị chỉ huy mới Valery Gergiev cũng rất đặc biệt khi không chỉ là nhà chỉ huy mà còn có bộ óc năng động của một giám đốc kinh doanh, dám làm những điều khác thường và là tín đồ của những tài năng mới. Em nhớ trong một lần phát biểu trao giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc nhất, chỉ huy VG từng nói " xin cảm ơn những nghệ sĩ mới, các bạn đang là niềm vinh hạnh lớn của chúng tôi". Mấy ai trong số nghệ sĩ lớn có thể nói được những câu chân thành, tôn vinh, dự báo những điều tốt đẹp cho lớp hậu sinh như vậy?

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết