18/7/11

VỞ DIỄN MỘT ĐÊM



Bỏ qua “tiểu tiết” vụ lộ ngực một cách phản cảm của Lý Nhã Kỳ phơi bày trước khán giả cả nước xem tường thuật trực tiếp vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sóng VTV1 mới đây, đâu mới thật sự là điều đáng suy ngẫm về tác phẩm hoành tráng này của sân khấu Việt Nam 2011? TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu góc nhìn của nhà văn Nguyễn Hiếu từ hàng ghế khán giả.

Chiều 25/6 khi cùng đoàn tác giả sân khấu do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, đang đi thực tế tại Tây Nguyên thì nhận được tin nhắn của người bạn vong niên thân thiết rằng tối nay VTV1 sẽ truyền hình trực tiếp từ Quảng Bình - quê hương đại tướng vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nguyễn Quang Vinh. Tôi và không ít nhà văn và tác giả trong đoàn náo nức đón chờ…

Sau khi vở kịch kết thúc, điều gợi lên đầu tiên ở tôi là sự cảm phục tài quản lý và tổ chức của tổng đạo diễn. Với một kịch bản như thế mà ông thuyết phục được các nhà quản lý để được dàn dựng với quy mô sự kiện nghệ thuật cấp quốc gia. Lại thuyết phục được nhiều nhà tài trợ, huy động được nhiều nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực sân khấu cùng các đoàn nghệ thuật tham gia với lượng diễn viên lên đến hơn 300 người... Nhưng sau hết, điều đáng bàn là chất lượng của vở diễn.

Trên thế giới, kịch về các danh nhân không thiếu và cũng không ít thành tựu. Nhiều tác phẩm lớn của Shakespeare lấy nhân vật trung tâm từ nguyên mẫu trong lịch sử, đã dựng lên những điển hình vĩ đại về tham vọng, bi kịch của con người như Vua Lia, Macbeth, Henry. Thế kỷ 20, có thể kể đến bộ ba kịch về Lenin: Người cầm súng, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bi tráng của Pogodin đã được dàn dựng tại Việt Nam. Ở Việt Nam, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi cũng là những thành tựu mẫu mực của sân khấu thể hiện các nhân vật lịch sử kiệt xuất.

Ngay đối với các danh nhân đương đại như Hồ Chủ tịch, nền kịch nghệ nước ta cũng đã có những tác phẩm đáng nhớ như Đêm trắng của Lưu Quang Hà, Người đi dép cao su của Kateb Yacine… Một kịch tác gia chuyên viết về Bác Hồ là Lê Đăng Thành có kịch bản Cuộc săn đuổi lịch sử theo tôi cũng rất thành công khi khắc họa một cách đa dạng, tài tình hình tượng Hồ Chủ tịch trong cuộc đấu trí dai dẳng với các thế lực của thực dân Pháp qua các đời toàn quyền Đông Dương, tiếc thay vở này chưa được dựng trên sân khấu.

Sự thành công và hấp dẫn của các tác phẩm này cũng như nguyên lý của văn học nghệ thuật là khắc họa được hình tượng nhân vật trong hình ảnh của con người cụ thể, thể hiện được tính cách của họ cùng những xung đột cuộc đời được nâng lên điển hình trong các tình huống kịch.

Trở lại với Bản giao hưởng…, dường như không thấy nhân vật Võ Nguyên Giáp đâu, chỉ thấy những trường đoạn minh họa, kể lại một cách hình thức, sơ sài các biến cố lịch sử có liên quan đến đại tướng mà bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử đương đại Việt Nam đều biết. Cách kể này giống hệt những tấm áp-phích cổ động được “đối thoại hóa” bằng những lời thoại thiếu tính cách. Hay nói đúng hơn, vở kịch như những mô-đun lắp ghép theo mô hình những sự kiện xung quanh nhân vật đại tướng.

Hình như chính tác giả cũng cảm thấy đơn điệu trong cách kể này nên đôi chỗ ông lại xen vào những mảng bi kịch cố tạo về thân phận cô y tá, về gã sĩ quan pháo binh Pi-ốt. Còn nhân vật chính thì chỉ là sự xuất hiện về mặt hình thể và tên gọi mà hầu như không có chút tâm lý nào dù đơn giản nhất chứ chưa nói đến diễn biến tâm trạng trước các xung đột, các sự kiện của kịch. Nếu vở diễn này ít nhiều được ghi nhận về sự hoành tráng, về sự tham gia số đông diễn viên thì lại thiếu đi cái cơ bản là con người!

Đứng về mặt nghệ thuật, dựng tác phẩm từ nguyên mẫu có cái lợi là sẵn cốt kịch bản, mặt khác hàm chứa sự gò bó bởi thực tế nguyên mẫu. Tài năng của người viết là biết chọn sự kiện nào để từ đó tìm ra kết cấu hợp lý làm nổi rõ tính cách nhân vật, qua đó gửi thông điệp tới người xem. Thành công của Đêm trắng chẳng hạn, chính là vì Lưu Quang Hà biết chọn và xử lý đúng sự kiện Bác Hồ kiên quyết loại trừ Cục trưởng cục quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham nhũng.

Còn Bản giao hưởng… mặc dù tập trung vào sự kiện “chiến dịch Điện Biên” nhưng dường như tác giả chưa nắm được thần thái, tính cách nhân vật, chưa chọn được sự kiện trung tâm nên vở diễn thành sự minh họa khô cứng. Lấy tên nhân vật chính làm tên vở nhưng chờ mãi, chờ mãi mới thấy nhân vật chính xuất hiện như một đề-can, một bảng hiệu ở cảnh cuối cùng!

Thật sự, là một khán giả, tôi rất lấy làm tiếc cho những “vở diễn một đêm” như thế này, tiếc hơn cho sự hoành tráng của tiền bạc, thời gian, sức người đã đổ ra mà cái người xem nhận được lại quá ít ỏi.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ một bài báo cho biết CLB bóng đá Thanh Hóa trả lương cho cầu thủ cao nhất nước, trung bình cũng trên dưới 30 triệu đồng, cầu thủ xuất sắc nhận 40, 50 triệu, HLV là 100 triệu mỗi tháng, thế nhưng chính Thanh Hóa lại vừa xin Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo để cứu đói trên 70 nghìn người. Tác giả bài báo Hoài Văn tính toán thời giá của 2.000 tấn gạo này xấp xỉ 30 tỷ đồng, ít hơn nhiều khoản ngân sách của CLB bóng đá Thanh Hóa chi trong mùa giải 2011.

Quảng Bình, quê đại tướng cũng là một tỉnh nghèo, lũ lụt mùa này lại đang lăm le đe dọa những mái nhà cùn xơ của biết bao gia đình... Tôi chạnh nghĩ, viết về lịch sử là một nhiệm vụ và một yêu cầu lớn đối với người làm nghệ thuật. Nhưng làm thế nào để không mang tiếng, nói nhẹ là ăn theo, nói nặng là lợi dụng lịch sử, là cả một vấn đề lớn của người làm nghệ thuật.

Quỳnh Mai tháng 7/2011

Nhà văn NGUYỄN HIẾU

Nguồn:
Vở diễn một đêm?



4 comments:

Lana on lúc 07:56 19 tháng 7, 2011 nói...

Lợi dụng lịch sử, nghe cay lòng.

LU on lúc 08:58 19 tháng 7, 2011 nói...

Tác phẩm được đầu tư to nhưng lại có kết quả nhỏ --> vở diễn one night stand!

Titi on lúc 12:57 19 tháng 7, 2011 nói...

Trước đêm trực tiếp chỉ 3 ngày, vở diễn này sít nữa ko thể lên sóng vì lủng củng, đứt gãy, rối loạn :-(

Thuy Dam Minh on lúc 21:21 19 tháng 7, 2011 nói...

Không hiểu sao một vở như thế này, người ta để cô Lý Nhã Kỳ xuất hiện làm gì nhỉ?

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết