17/7/11

NGHĨ VỀ MỘT GIÁ TRỊ VĨNH HẰNG



Nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ hiếu trong cuộc sống con người, chừng nào con người vẫn còn tồn tại trên quả đất này, thì cũng lại là một hẫng hụt nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội kéo theo những hệ lụy rất khó lường.

Khi người nhạc sĩ tài hoa nọ biết “tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hát cho cha” (Trịnh Công Sơn) thì chính là người nghệ sĩ thiên tài ấy đã nói hộ với chúng ta những ước ao thầm kín và sâu lắng trong lòng ta đối với những đấng sinh thành mà với họ, Mặt trời chỉ chiếu sáng cho mỗi đứa con của mình mà thôi. Chữ hiếu là một giá trị vĩnh hằng.

Có một giá trị xuyên thời gian và không gian, từ khi con người xuất hiện trên Trái đất cho đến khi Trái đất còn con người. Đó là tình mẫu tử, là ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi một con người trân trọng đúc kết và nâng niu thành chữ hiếu.

Chữ hiếu ấy, triết lý phương Đông nâng lên thành đạo, dẫn dắt mọi ứng xử của con người trong xã hội, đạo hiếu, một thành tựu của văn minh mà loài người đạt được, một dấu ấn đậm nét của triết lý phương Đông, gần đây có xu hướng được nâng lên thành một thứ “minh triết phương Đông”. Nhưng chớ có cường điệu quá đáng, cho rằng “chữ hiếu” là một sản phẩm của triết lý phương Đông như có người vội vã kết luận.

Liệu khái niệm “đạo” ở đây có gợi lên một liên tưởng về cái “đạo vũ trụ” của Einstein khi ông nói đến “tính tín ngưỡng vũ trụ”? Theo Einstein, “đằng sau những chuỗi mắt xích có thể nhận ra được, còn có cái gì tinh tế không thể hiểu thấu đáo, không thể giải thích được.

Sự tôn kính trước sức mạnh này, ngoài những cái chúng ta có thể hiểu được, đó là tôn giáo của tôi”. Với ông,“những sự khởi đầu của tính tôn giáo vũ trụ đã có ở giai đoạn phát triển sớm...

Nhân tố mạnh mẽ hơn nhiều của tính tôn giáo vũ trụ được chứa đựng trong Phật giáo”. Đã có một bức tranh vẽ về Einstein với đề từ: “Một Lão Tử của thế kỷ XX đi tìm cái đạo của vũ trụ”(*). Phải chăng có cái gì rất gần gũi giữa “đạo vũ trụ” và “đạo hiếu”, mà nội dung của nó là sự thể hiện rất rõ nét của tính người, của phẩm tính làm người?

Trong kinh “Báo đáp thâm ân cha mẹ”, Phật dạy về mười công ơn của mẹ mà người làm con phải ghi lòng tạc dạ. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” có đoạn: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ thương con. Nếu con trốn tránh, mẹ nhớ ích gì. Con nên nhớ mẹ như mẹ nhớ con, như vậy qua nhiều đời sẽ chẳng xa trái nhau”(**).

Và phải chăng ở đây có sự gặp gỡ tuyệt vời của văn hóa Đông - Tây?

Trong sâu thẳm tâm hồn con người luôn lung linh một ánh sáng huyền ảo không bao giờ tắt, đó là ánh mắt trìu mến của mẹ. Với nhiều người, kể cả những người tuổi đã cao, thì dù mẹ đã khuất núi, ánh sáng từ đôi mắt mẹ vẫn ấm áp chiếu rọi con đường đời của họ.

Trong cuộc sống mà đời mỗi con người nếm trải, có bao nhiêu giá trị được hồ hởi tiếp nhận, để rồi bốc đồng với những ảo ảnh ấy khiến có người muốn rũ sạch những vướng bận gia đình để quyết chí “dấn thân”, nhưng rồi những ảo ảnh đã sớm bị lạnh lùng vứt bỏ. Có những giá trị thời thượng cứ tưởng như ồn ào cuốn hút không dứt, nhưng rồi chúng nhanh chóng bị lãng quên.

Với thời gian và sự trải nghiệm trong những chặng đường đời, người ta ngày càng nhận chân được những giá trị mà nếu thiếu nó, con người không thể sống nổi làm người.

Trong những giá trị ấy, nhiều người xếp chữ hiếu lên hàng đầu. Và vì mỗi một người đều được một người mẹ sinh ra, dù được sinh ra nơi nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía hay sinh ra dưới mái tranh nghèo xiêu vẹo dột nát, thì tiếng khóc chào đời nào cũng gắn với một bầu sữa mẹ.

Nghĩa tình sâu nặng của mẹ, mỗi con người được uống từ bầu sữa thiêng liêng ấy. Cái đó tạo nên giá trị thiêng liêng khó có gì so sánh được.

Giá trị thiêng liêng ấy do tạo hóa ban tặng cho con người. Công cha nghĩa mẹ, ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi con người được nhận lĩnh để nên người là báu vật trời cho.

Những ai chẳng may không được nhận lĩnh trọn vẹn, hoặc tự đánh mất ân huệ ấy, thì quả thật đấy là nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người.

Không thiếu những doanh nhân thành đạt trong sản xuất kinh doanh, nhưng rồi sự giàu sang vẫn trở nên vô nghĩa khi con người cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo vì thiếu một tổ ấm gia đình.

Tiền của và sự thăng tiến xã hội sẽ trở nên trống rỗng nếu gia đình bị ly tán, con cái hư hỏng bởi chính tiền bạc và sự giàu sang không được tạo dựng bằng chính mồ hôi và trí tuệ của chúng.

Không thiếu những ông bố, bà mẹ đắng cay trước những “cậu ấm cô chiêu” trở thành những “phá gia chi tử” để rồi cay đắng mà ngẫm ra “họa phúc hữu môi phi nhất nhật”, phúc họa ở đời có cội nguồn của nó. Chuyện “nên thân người” trong “Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha” nếu ngẫm sâu vào, sẽ ngộ ra nhiều chiều kích sâu nặng.

Lọt lòng mẹ, báu vật được tạo hóa ban tặng sẽ từ dòng sữa mẹ mà tự trở thành con người. Nếu đứa trẻ vừa sinh ra được đưa vào nuôi trong nhà kính, một thứ “ống nghiệm”, tách khỏi cuộc sống xã hội của con người, thì thực thể tự nhiên ấy cũng lớn lên, nhưng sẽ không có tư duy vì không biết nói, không có ngôn ngữ, công cụ của tư duy, đồng nghĩa là thực thể đó không có ý thức, cái làm nên thuộc tính người.

May thay, nhờ ân huệ của tạo hóa, quá trình “tự sản sinh ra mình” được khởi đầu từ dòng sữa mẹ. Nói cha sinh không bằng mẹ dưỡng là vì vậy.

Bú mẹ, bé đã bú vào mình dưỡng chất đặc biệt của mẹ truyền cho, những dưỡng chất mà khi còn là bào thai trong bụng mẹ, bé đã được tiếp nhận. Phải hiểu rằng từ trong cơ thể mẹ, dưỡng chất đặc biệt đó đã được chưng cất từ sự sống người, của con người từ khi loài người xuất hiện.

Sự sống ấy hàm chứa trong nó tri thức và kinh nghiệm sống của loài người. Nhờ đó, từ dòng sữa mẹ, giúp tạo ra trong bé những phẩm tính người của con người xã hội. Phẩm tính người ấy, khi còn là bào thai trong bụng mẹ, chỉ là chất vô thức-người từ cơ thể của mẹ truyền cho.

Chất vô thức - người, nhân tố huyết thống tự nhiên ấy đã định hình phẩm tính người, khu biệt rạch ròi với mọi thực thể tự nhiên khác. Phẩm tính ấy rõ dần lên trong quá trình con người tiếp xúc với môi trường xã hội, khởi đầu từ mối liên hệ giữa bé và mẹ, rồi tiêp đấy là cha, là gia đình, cộng đồng xã hội đầu tiên.

Từ cộng đồng xã hội đầu tiên đó mà quá trình con người trở thành con người xã hội được khởi động và hoàn thành trong sự tiếp xúc dần với những cộng đồng lớn hơn: hàng xóm láng giềng, nhà trường, các hội đoàn... và xã hội rộng lớn. Tất cả những điều ấy cho thấy, tự nhiên không trực tiếp sinh thành ra con người theo nghĩa đích thực của nó.

Tạo hóa chỉ ban cho thực thể tự nhiên đó những tiền đề sinh thể để con người tự tác thành nên chính mình trong quá trình xã hội hóa, tức là quá trình con người tự sản sinh ra chính mình, trở thành con người xã hội, khởi đầu từ gia đình.

Tuy nhiên, gia đình là một cộng đồng khác biệt hẳn với tất cả các cộng đồng xã hội khác không chỉ ở tính huyết thống, mà còn ở tính không chọn lựa. Không ai có thể chọn cửa mà sinh ra.

Xã hội càng phát triển, mức sống của con người càng được cải thiện thì việc nuôi con sẽ đỡ bớt nhọc nhằn nhờ vào những tiện nghi vật chất và những tiến bộ của công nghệ, nhưng việc dạy con sẽ khó khăn phức tạp hơn rất nhiều.

Lo cho con đủ ăn, đủ mặc đối với đông đảo người dân đã khó, chăm sóc đời sống tinh thần, những phẩm tính văn hóa cho con người càng khó hơn nhiều. Vả chăng, gia đình Việt Nam nói riêng và gia đình phương Đông nói chung là một thiết chế định hình sớm nhất và cũng ít biến đổi nhất.

Tính bền vững không mấy đổi thay ấy là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp kéo dài triền miên. Quá trình chuyển sang kinh tế thị trường tạo ra những yếu tố có sức công phá vào thành trì của mô hình ứng xử trong mối quan hệ đẳng cấp và phận vị của lề thói gia trưởng trong khuôn mẫu gia đình được áp đặt vào xã hội trước đây.

Những “cậu ấm cô chiêu thời hiện đại” được cha mẹ nuông chiều và sẵn tiền tham nhũng để mua cho chúng chiếc ghế đại học như đã từng mua cái ghế quyền lực cho mình sẽ không thể nào có được sự hiếu học và càng không thể có được hiếu nghĩa.

Bởi lẽ, hiếu học và hiếu nghĩa, những phẩm tính làm nổi rõ chất người trong tính cách của từng người, dù được biểu hiện ở những dạng dung dị nhất, vẫn là sự kết đọng của sức chống trả những thách thức của ngoại cảnh để sống.

Thách thức càng nghiệt ngã thì sức chống trả càng quyết liệt. Sự nghiệt ngã và tính quyết liệt ấy làm nên vẻ đẹp tinh thần của con người. Và cũng dễ hiểu, vẻ đẹp ấy ngời lên trong bàn tay đưa bát cơm nghèo nhường cho mẹ già đang bệnh và em bé đang cần lớn có sức nặng trĩu của tình người trong đức hy sinh.

Những ngọn lửa ấm sáng tình người ấy đôi khi dễ nhòe đi trong ngôi nhà lộng lẫy chói chang ánh điện cao áp và đèn chùm pha lê lấp lánh, nhưng lại lung linh ngời tỏ dưới mái tranh nghèo thiếu ánh điện.

Cuộc sống đang mở rộng biên độ nội dung của hiếu, vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề nền tảng của xã hội hiện đại, cũng trên ý nghĩa đó, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa. Hệ giá trị gia đình cũng phải có những biến đổi, theo đó nội dung của chữ hiếu cũng không đứng yên, giậm chân tại chỗ.

Tính độc lập của gia đình và cá nhân đang định hình và dần khẳng định. Có thể đây đó có những biểu hiện thái quá, nhưng quá trình này về cơ bản là đúng quy luật. Chữ hiếu hôm nay cũng phải được vận hành trong quỹ đạo của hệ giá trị đó. Không nhìn thấy những biến đổi ấy sẽ lạc hậu với cuộc sống.

Song, nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ hiếu trong cuộc sống của con người, chừng nào con người vẫn còn tồn tại trên quả đất này, thì cũng lại là một hẫng hụt nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội kéo theo những hệ lụy rất khó lường.

(*) Nguyễn Xuân Xanh “Einstein” . NXB Tổng hợp TP.HCM2006, tr. 268, 318, 319
(**) Dẫn lại theo Văn hóa Phật giáo. Số 62, ngày 1/8/2008, tr.5.

Nguồn:
Nghĩ về một giá trị vĩnh hằng



1 comments:

LU on lúc 00:04 18 tháng 7, 2011 nói...

Em không có cảm tình mẹ rõ ràng bằng tình cha. Đối với em, cha là tất cả, là nguồn động lực giúp em vượt qua những năm tháng khó khăn nhất trong đời.
Chử hiếu, em nhìn thấy và học hỏi được qua cô bạn thân của em.
Em rất ngạc nhiên, cô ấy sang Mỹ lúc 15 tuổi, văn hóa cô học được là của xứ người. Cô ấy nói tiếng Mỹ, xử xự như một đứa trẻ Mỹ, ngay cả thức ăn thì cô ấy cũng chỉ thích đồ Mỹ nhiều hơn đồ Việt. Nhưng, tính cách cô ấy hiếu thảo hơn cả một người Việt rặt.
Em chứng kiến ngày bà của cô ấy mất, các con ruột, dâu, rể, và cả cháu đích tốn đều né tránh đùn đẫy việc lo ma chay cho người bà. Cô ta là người đã tự đứng mũi chịu xào lo tất tần tật mọi thứ. Cô ấy chỉ nói rằng, đời người đã hết nên làm cho bà vui, so đo làm gì tiền bạc!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết