4/7/11

VĂN HÓA SỐC HAI CHIỀU



Khái niệm “sốc văn hoá” đã trở nên dễ hiểu với nhiều người Việt, vì bây giờ chẳng cần phải đi ra nước ngoài cũng có thể bắt gặp người nước ngoài trong cuộc sống thường ngày. Do sự khác biệt về văn hoá, nếp nghĩ mà nảy sinh những “khoảng cách còn lại” từ lời nói đến cách hành xử.

Một bữa chạy xe về đến con hẻm rẽ vào chung cư, tôi bực bội vì người chạy sau nhấn còi xe inh ỏi cố vượt lên. Ngoái đầu lại, tôi chưng hửng vì đó là một người đàn ông nước ngoài, ăn mặc rất lịch sự. Một lát sau, khi cùng vào thang máy, tôi chưng hửng khi biết đó là người hàng xóm của mình. Tôi nhỏ nhẹ nói chuyện rằng lần sau xin đừng nhấn còi như vậy nếu không có việc gì gấp phải giành đường. Ông ta điềm nhiên bảo: “Sống ở Việt Nam mà bảo không nhấn còi thì làm sao chạy xe! Cậu chắc có vấn đề rồi!”.

Sau đó, có dịp nói chuyện cùng người quản lý chung cư, tôi còn biết sự thật hãi hùng về sự “hội nhập” của những người nước ngoài đang sống cạnh mình: vứt rác thoải mái ra hành lang công cộng, hút thuốc trong thang máy, ném chai lọ qua bancông, cửa sổ, mở nhạc ồn ào, khoan tường lúc nửa đêm… Những hành vi này phổ biến đến mức ban quản lý phải dán một văn bản khuyến cáo, phạt tiền.

Rất may là không phải người nước ngoài nào cũng như những người nước ngoài sống cùng chung cư với tôi. Haruko, cô bạn Nhật mà tôi quen trong một chuyến đi Nha Trang, bảo: “Tôi rất thích Sài Gòn vì có nhiều món ăn ngon và cửa hàng có nhiều đồ thêu tay đẹp. Nhưng tôi chịu không nổi cách người ta tra tấn nhau bằng tiếng còi xe nhức nhối trên đường. Bấm còi bị xem là hành động bất lịch sự – bất đắc dĩ người ta mới phải dùng đến. Sợ nhất là những lần phải băng qua đường, ngay cả khi tôi đi đúng vạch dành cho người đi bộ thì vẫn không có xe nào chịu nhường cho tôi qua. May là tôi đã được truyền bí kíp từ những du khách đã đến Việt Nam – ngẩng cao đầu, bước thật đều, không đột ngột chuyển hướng”.

Antoine Bashung, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp đóng tại Phú Mỹ Hưng, kể: “Tôi sống tại Việt Nam được ba năm, nhưng vẫn chưa quen được cách người Việt hào phóng nụ cười trong những tình huống không có chi tiết nào hài hước hết. Không biết, cười. Mắc lỗi, cười… Ngay cả khi người đối diện cần câu giải thích thì người Việt lại dùng nụ cười để khoả lấp vấn đề. Nói chung là nụ cười không đúng lúc khiến người ta kém duyên hơn”.

Không chỉ người ngoại quốc mà cả những Việt kiều sống lâu năm ở nước ngoài về thăm quê hương cũng bị sốc văn hoá. Oanh Đỗ, sống tại Chicago, Mỹ, vừa có chuyến về thăm gia đình, bạn bè tại TP.HCM. Cô dở khóc dở cười khi nhiều người quen mới gặp lại đã nói ngay vào mặt: “Ở bển em ăn gì mà mập quá vậy?” Theo cô, ở Mỹ mà nói từ “mập” trước mặt người phụ nữ đối diện chẳng khác nào tát vào mặt người ta.

Với các du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, sốc văn hoá trong thời gian đầu sống ở xứ người là chuyện đương nhiên, vì… lạ nước lạ cái. Bạn Nguyễn Hoa, sinh viên đang du học ở Úc, kể một tình huống. Anh bạn người Úc mời các bạn người châu Á trong lớp đến nhà ăn tối. Anh ta bảo: “Nhớ mang cái dĩa theo”. Hoa thắc mắc không hiểu tại sao mình được mời đến ăn mà phải mang dĩa theo. Cô bẽn lẽn hỏi chị bạn người Nhật ở Úc lâu rồi và được giải thích: “Ý của nó là bạn mang món gì đấy góp vào bữa ăn, như bánh, trái cây tráng miệng...”

Chị Trần Thanh Ngọc, có dịp đi công tác tại Hanover, Đức và không thể quên cú sốc văn hoá “để đời”. Khi trú tại khách sạn, trong lúc rảnh, chị quyết định đi bơi. Vừa mở cửa bước vào khu vực hồ bơi, chị choáng khi thấy ngay một ông đang tắm truồng. Chị đi ngược ra vì nghĩ chắc mình đi lộn vào phòng tắm đàn ông, sau đó hỏi thì mới biết đó là cửa duy nhất đi vào hồ bơi. Bơi xong vào phòng sauna lại thấy một người đàn ông trần truồng khác. Nhân viên hồ bơi xác nhận là hồ bơi, sauna này dành cho cả đàn ông lẫn đàn bà, và nude là chuyện bình thường. Chị Ngọc choáng vì chỉ nghe nói ở châu Âu có bãi biển tắm nude chứ đâu ngờ ở hồ bơi và sauna cũng có người nude nữa.

Từ góc độ một người sống qua nhiều nền văn hoá Đông, Tây, Nancy Lewis, giáo viên dạy Anh văn tại Việt Nam, Trung Quốc chia sẻ vài bí quyết vượt qua sốc văn hoá: “Nếu bạn chuyển đến học tập, làm việc tại địa phương khác trong hoặc ngoài nước, bạn sẽ bị sốc văn hoá, tuỳ theo cấp độ và ngưỡng chịu đựng của bản thân. Ngay cả khi bạn di chuyển đến một tỉnh thành chỉ cách thành phố của bạn chỉ một giờ bay. Sẽ luôn có sự khác biệt không lường trước về cách hành xử, lời nói của người địa phương.

Thay vì thụ động, chịu đựng những cú sốc, sao bạn không thử chủ động, khám phá một góc độ khác của cuộc sống? Cách đơn giản là hãy kết bạn, vượt qua trở ngại về bất đồng ngôn ngữ hoặc quan điểm sống. Hãy tỏ ra thân thiện, hoà nhã, mỉm cười với người dân địa phương. Một khi là người khách lịch sự và cư xử đúng mức, bạn sẽ nhận được những sự ngạc nhiên thích thú, thay vì những cú sốc văn hoá khó chịu”.

NGÔ BÁ NHA




6 comments:

LU on lúc 01:16 5 tháng 7, 2011 nói...

ha ha, xem ra, tụi tây đúng là giỏi thật, cái gì cũng làm tốt hơn dân Châu Á. Ngay đến hòa nhập mà nó cũng làm xuất thần hơn cả dân bản địa --> biết xử dụng câu "nhập gia tùy tục" rất chuẩn =))

Lana on lúc 16:01 5 tháng 7, 2011 nói...

Hồi qua Úc, tụi Lana được học hẳn một khóa dự bị giới thiệu khá nhiều về văn hóa Úc, cách học, cuộc sống, SV nên mang đồ gì qua..v.v.. Mình lại còn đã từng đi du học ít nhiều biết sốc hai chiều, vậy mà vẫn sốc.
Số là bữa hẹn gặp Thầy giáo hướng dẫn lần đầu ở khoa. Có email hẹn trước thời gian, office của Thầy. Lên, thấy phòng để cửa mở sẵn, Thầy ngồi sau bàn hươ tay 'đây đây...', phía dưới bàn rỗng thò ra hai cái chân thày lông lá phát sốc.

Thì ra dân Úc ăn mặc rất đơn giản nếu không nói là quá đơn giản. Rất hiếm khi nhìn thấy đồ công sở chỉn chu là thẳng tắp và cà vạt, trừ những không gian rất trang trọng.

VMC on lúc 17:14 5 tháng 7, 2011 nói...

@Lana:
Các thầy ở Liên Xô ngày xưa toàn complet cravate chỉnh tề nhỉ? Năm kia qua Nga dự lễ trao bằng tốt nghiệp ở một trường đại học, quá ngạc nhiên khi thấy thầy chủ nhiệm khoa mặc quần nhiều túi, kiểu quần lính bắt gà.

Titi on lúc 19:05 5 tháng 7, 2011 nói...

Oài, em có ông bạn sang Séc từ 20 năm trước. Giờ ông ấy về ở hẳn lại Việt nam. Gặp lại mừng vui nhiều chuyện kể lể, trên giời dưới kỉ niệm học trò rất sảng khoái, mời nhau ăn tối xong , hắn đặt luôn câu hỏi liệu em có thể vui vẻ với hắn đêm nay không. Sặc :-P
Cái này gọi là sốc gì nhỉ? còn hơn cả sốc văn hóa ấy hu hu...:-P

VMC on lúc 21:13 5 tháng 7, 2011 nói...

@Titi:
Ô, thế Titi không biết ở Tây có "văn hóa" after dinner à?

Thuy Dam Minh on lúc 21:29 6 tháng 7, 2011 nói...

Bố Tây nào mà đã Việt hóa rồi thì có khi bản thân mình là người Việt còn chạy dài ấy chứ!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết