11/5/11

HIỆN TƯỢNG CHÍNH KHÁCH GỐC VIỆT ROSLER



TS NGUYỄN SỸ PHƯƠNG

Rösler trở thành bộ trưởng ở tuổi 36, trẻ nhất trong nội các Chính phủ Liên bang Đức hiện nay và nhiều khả năng sẽ giữ chức chủ tịch đảng FDP trong kỳ bầu cử sắp tới. Rösler thu hút sự chú ý đặc biệt của chính trường lẫn công luận khi trở thành Phó thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, được coi là “vũ khí bí mật của đảng FDP”, “tương lai của FDP”.

Người ta hâm mộ ông bởi tài năng bẩm sinh “nói nhanh, sắc bén”, “điểm đúng huyệt, nhưng chừng mực, lịch sự”, “tuân thủ luật hoàn hảo, không chơi xấu đối thủ kiểu đấm bốc vào vùng cấm dưới thắt lưng, không làm tổn thương đẩy họ vào thế đối đầu”.

Sự nghiệp chính trị của ông tới nay được coi là lên nhanh một cách kỳ lạ.

Thành công nhờ xây dựng một xã hội mạnh

Tốt nghiệp phổ thông 1992, Philipp Rösler gia nhập đảng FDP, trở thành chủ tịch cấp thành phố năm 1994 (21 tuổi), cấp tiểu bang năm 1996 (23 tuổi); tổng thư ký đảng FDP tiểu bang năm 2000 (27 tuổi); trưởng đoàn nghị sĩ FDP tiểu bang năm 2003 (30 tuổi); chủ tịch đảng FDP tiểu bang năm 2006 (33 tuổi); phó thủ hiến, kiêm bộ trưởng Kinh tế năm 2009 (35 tuổi). Chỉ tám ngày sau nhậm chức phó thủ hiến (chỉ kéo dài tám tháng), đơn đệ trình của ông đòi hoãn một năm kế hoạch tăng 30% lệ phí quản lý đường hàng không, được Thượng viện bỏ phiếu chấp thuận. Chín ngày sau nhậm chức, ông triển khai chương trình kích cầu 50 tỉ euro toàn liên bang lúc đó, cho xây dựng ba tuyến đường tiểu bang kết nối với đường liên bang. Tám tháng sau, với thắng lợi kỳ bầu cử quốc hội liên bang 27.9.2009, Rösler dẫn đầu đảng FDP đàm phán thành công với song đảng Union về các chính sách cơ bản cho chính phủ liên minh, giữ chức bộ trưởng Y tế liên bang.

Thành công của chính khách bắt nguồn từ tư tưởng chính trị. Chủ thuyết của Rösler là “cần xây dựng một xã hội mạnh thay vì một nhà nước mạnh“, bởi “trật tự, pháp luật, nhà nước, tất cả chỉ là công cụ, phải phục vụ cho các giá trị xã hội, chứ không phải ngược lại“. “Một chủ trương muốn thuyết phục được dân chúng phải là chủ trương được chính họ phản biện thường xuyên...; và chỉ có thể khẳng định qua thực tế, chứ không phải suy ra từ lý thuyết. Vì thế, Rösler lại cũng là một con người thực tiễn, luôn biết rõ người dân cần gì ở mình; chính là lợi ích thiết thân của họ, chứ không phải những lời kêu gọi, đánh giá, ca ngợi rập khuôn; trang mạng cá nhân ông mang tên “sổ ý kiến“, mở ngỏ ai cũng có thể viết hoặc mở đọc, được chính ông trả lời hàng ngày.


Sự rút lui của người đứng đầu

Dù Rösler tài xuất chúng tới mấy, thì ghế chủ tịch đảng và phó thủ tướng trước đó không phải bỏ trống chờ ông. Người đứng đầu đảng FDP là phó Thủ tướng Guido Westerwelle. Sinh năm 1961, ông gia nhập đảng FDP năm 19 tuổi và nhanh chóng thành công trên chính trường: 35 tuổi nghị sĩ quốc hội, 40 tuổi chủ tịch FDP. Kỳ bầu cử quốc hội năm 2009, lần đầu tiên trong 60 năm thành lập, đảng FDP do Westerwelle đứng đầu giành được 14,6% phiếu cử tri, chiếm sáu ghế bộ trưởng trong nội các liên minh 16 thành viên.

Là biểu tượng tinh thần của đảng, quyền lực thứ hai quốc gia, trong tháng trước, Westerwelle tuyên bố không ứng cử tiếp chức chủ tịch đảng, bàn giao chức phó thủ tướng. Từng mang lại chiến thắng vang dội cho đảng FDP, ông Westerwelle chứng tỏ được bản lĩnh vĩ đại, chiến thắng bản thân khi dám thừa nhận thất bại, từ bỏ quyền lực. Ông này thẳng thắn thừa nhận: “Đó là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với một chủ tịch đã cống hiến liên tục suốt mười năm liền (ở Đức, đại hội nhiệm kỳ đảng hai năm một lần) bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết!” Ông coi đây là một ngày đặc biệt đối với ông bởi đã đưa ra một quyết định đúng đắn, đặc biệt đối với đảng, bởi đảng sẽ có cơ hội khởi đầu một bước ngoặt mới.

Lý do khiến ông Westerwelle rút lui là đảng FDP do ông đứng đầu mất dần sự ủng hộ. Một năm cầm quyền, đảng này chỉ còn 10% cử tri ủng hộ theo thăm dò dư luận. Tháng trước, đảng này chỉ còn 3% cử tri ủng hộ, con số thấp nhất trong lịch sử đảng FDP. Sai lầm đầu tiên là chủ trương hứa cắt giảm thuế không được nội các thông qua do không thể cân đối ngân sách. Sau đó là lời hứa giảm thuế giá trị gia tăng cho ngạch khách sạn từ 19% xuống 7% được thực thi nhưng bị phản đối trên chính trường, do mang tính giải quyết cục bộ. Việc ủng hộ kéo dài thời hạn hoạt động các nhà máy điện hạt nhân để giảm giá nhiên liệu, gặp lúc thảm hoạ nổ lò phản ứng Fukushima Daiichi ở Nhật, bị dân Đức quyết tẩy chay. Sự kiện Đức bỏ phiếu trắng, mà người chịu trách nhiệm là bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle, khi Liên hiệp quốc biểu quyết về Libya, bị chính giới chỉ trích nặng nề, cho là lần đầu tiên trong lịch sử, CHLB Đức đã tự cô lập trên trường quốc tế. Phát ngôn của Westerwelle đối với chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp lâu dài, bị cả trong và ngoài đảng phản đối, khi ông so sánh chính sách đó với thời La Mã cổ đại tự tiêu vong, do tạo cho lao động không muốn cố gắng.

Hậu quả, cả ba cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang tháng trước, thì cả ba nơi đảng FDP đều thất bại nặng nề. Tại tiểu bang Sachsen-Anhalt, từ 6,7% cử tri ủng hộ lần bầu cử trước, tụt xuống chỉ còn 3,8%, dưới ngưỡng 5% theo luật định nên không còn đại biểu trong quốc hội. Tại tiểu bang Rheinland-Pfalz thất bại tương tự, rớt từ 8% cử tri kỳ bầu cử trước xuống 4,2%. Tại tiểu bang Baden-Wüttemberg, từ 10,7% trước đây, xuống còn 5,4%, mất luôn vai trò cầm quyền. Cứ theo đà mất từ 1/3 tới 1/2 cử tri như ba tiểu bang trên, thì tương lai đảng FDP có thể sẽ bị loại khỏi quốc hội lẫn chính phủ. Điều này đặt FDP hoặc phải từ giã chính trường hoặc phải cải tổ đảng, để giành lại tín nhiệm cử tri, tuỳ thuộc giữ hay thay người đứng đầu, dù họ là ai.

Nguồn:
Hiện tượng chính khách gốc Việt Rösler

Entry tham khảo:
ROESLER - NGƯỜI GỐC VIỆT THÀNH ĐẠT NHẤT THẾ GIỚI



9 comments:

Vhlinh on lúc 21:07 11 tháng 5, 2011 nói...

Ôi, giống ai ý nhở !!!

LU on lúc 21:32 11 tháng 5, 2011 nói...

Hôm em đi mua xe ở dealer của Toyota thì nhận thấy đã có sự thay đổi. Trước đây, giám đốc và phó giám đốc toàn là Mỹ trắng, nhưng bi giờ mấy chức vụ này đã rơi vào tay 2 người Việt Nam. Thèng ku giám đốc khoảng tầm 40, ku phó cũng còn trẻ như thế, kéo theo dàn nhân viên đa số đã thấy người Việt nắm giử nhiều khâu quan trọng.
Nói chung, mỗi ngày thấy người Việt lấn sân được ở xứ người thì lại hi vọng cho đời con cháu sau này của người mình sẽ tiếp tục bành trướng. Em cũng ko thích những tính cách chơi dơ, chơi xấu, hạ địch thủ bằng những trò ko sạch sẽ.
Bà Hillary qua lần tranh cử trước đây bị một số dân ở Cali ko thích nên ko bỏ phiếu, lí do, bà í chơi hạ đối thủ bằng cách đi nói xấu những điều lãi nhãi theo tính cách rất đàn bà.

MHTL on lúc 00:25 12 tháng 5, 2011 nói...

Mr Westerwelle rút lui vì đảng FDP do ông đứng đầu mất dần sự ủng hộ của dân chúng - vậy đấy là sự rút lui bắt buộc, không còn con đường nào khác, đâu phải ông Westerwelle chứng tỏ được bản lĩnh vĩ đại, chiến thắng bản thân khi dám thừa nhận thất bại. Ông không thừa nhận thất bại cũng chẳng được, nó to như con bò cơ mà :)

Ở VN mình thì còn khướt, chờ đấy nhé.

MHTL on lúc 00:26 12 tháng 5, 2011 nói...

@Bí: quê em gần trung tâm mà sao sát Nghĩa lộ :))

Titi on lúc 18:45 12 tháng 5, 2011 nói...

@MC3: không khướt đâu! Em thấy bên em đang biến chuyển mạnh mẽ. Hy vọng những chỗ khác cũng sẽ tiến bộ nhanh như vầy :-D

Titi on lúc 21:17 12 tháng 5, 2011 nói...

À, khoe khéo chút, một phần biến chuyển ấy là do cái tính nói thẳng, nói thật của em á ...ke ke ke...

VMC on lúc 22:18 12 tháng 5, 2011 nói...

@Vhlinh:
Hêhê, thấy người sang bắt quàng làm họ một tí, Bí ạ.

@LU:
Biết đâu sẽ có lúc người gốc Việt làm Tổng thống Mỹ?

VMC on lúc 22:25 12 tháng 5, 2011 nói...

@MC3:
Biết thừa nhận thất bại một cách có văn hóa thì cũng là chiến thắng.

@Titi:
Nhiệt liệt chúc mừng sự thay đổi ở chỗ 2Ti đang làm.

LU on lúc 22:30 12 tháng 5, 2011 nói...

Bên mình hay có tình trạng này nên tự rước họa vào thân. Bên xứ người, trước khi đám cưới thì tự hai người nam nữ tính toán với nhau xem sẽ sống ra sao? nhà cửa mua như thế nào? tiền đám cưới ít nhiều cho chừng mực để tổ chức. Nói chung, rất thực tế, rất rõ ràng tài chính để cùng nhau chia sẽ.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết